Mỗi nơi anh đặt chân đến đều để lại nhiều ấn tượng với nhiều nét bản sắc văn hoá khác nhau… và đều đọng lại trong Nguyễn Thế Lượng tình yêu Tây Bắc sâu sắc, tác giả chia sẻ: Tôi không sinh ra và lớn lên ở vùng Tây Bắc. Chỉ đến khi tốt nghiệp ĐHSP, tôi mới bắt đầu gắn bó, gieo chữ ở xứ này. Những năm tháng dạy chữ cho con em đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã để lại cho tôi biết bao kỷ niệm về vùng đất vốn trước đây xa lạ. Thời gian ở Tây Bắc tuy không dài nhưng mang đến cho tôi nhiều cảm nhận… Ấn tượng trong tôi về xứ sở hùng vĩ và thơ mộng này là kho trầm tích về văn hoá dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây… Tây Bắc gắn với mỗi vùng đất, mỗi phong tục, tập quán, mỗi con người… Cho dù đi nhiều, viết nhiều song Tây Bắc với tôi vẫn còn bao điều bí ẩn, nhiều hấp dẫn, đón đợi thúc giục tôi khám phá trên những miền đất xa xôi.
Tình yêu Tây Bắc đã hình thành trong tác giả từ sự gần gũi thân thiết với quê hương, con người qua nhiều địa danh nổi tiếng được nhắc tới trong cuốn “Trên miền Cao Nguyên trắng” như: Miền cổ tích Suối Giàng, Rong chơi ở miền gạo trắng nước trong, Lạc vào vườn Tú Lệ, Đất ngọc Lục Yên, Lên xứ sở Mù Cang Chải, Trên đỉnh trời La Pán Tẩn, Miền đất có hai dòng sông, Xứ sở Mường Luông, Mùa cải núi, Bảo Hà nơi miền biên viễn, Miên man phố Giàng, Bản Lác ở thung lũng Mai Châu, Về miền hoa ban trắng, Giữa vùng vàng Tây Bắc, Kỳ thú Mường Hum, Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, Rong ruổi mùa nước đổ, Du ngoạn đèo Ô Quy Hồ vào mùa xuân, Y Tý giữa đại ngàn, Thương nhớ đào rừng… đến đâu Nguyễn Thế Lượng cũng có nhiều phát hiện mới, những hình ảnh xa lạ mà thân thuộc gần gũi trước cảnh vật và con người khiến tác giả có nhiều dung cảm, anh dành những trang viết được ghi lại những cuộc hành trình nhiều năm gắn bó với núi rừng Tây Bắc. Những cảnh đẹp, đặc sản, con người gắn với mỗi miền đất được tác giả giới thiệu với tình yêu tha thiết. Người đọc cảm nhận được ở mỗi bài viết tác giả gửi gắm một tấm lòng chan chứa đắm say trước cảnh vật, con người những nét đẹp ẩm thực, văn hoá các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc.
“Trên miền cao nguyên trắng” của Nguyễn Thế Lượng gồm 2 phần, 58 bài viết đã đánh thức tình yêu quê hương, thúc giục sự khám phá trong mỗi chúng ta, trong bài “Tây Bắc gọi mùa” mở đầu bút ký, tản văn này, tác giả viết: “Mỗi khi ngược lên Tây Bắc, tôi lại thầm hỏi tại sao miền đất ấy đẹp và thơ mộng đến vậy. Dù xa xôi đến mấy nhưng Tây Bắc luôn là điểm dừng chân cho những ai ưa khám phá và lắng đọng vẻ đẹp của nó trong lòng người. Mỗi mùa, Tây Bắc lại có một vẻ đẹp riêng, nhưng có lẽ khi mùa hạ về trong cái nắng chói chang thì khi ấy Tây Bắc như toả rạng vẻ đẹp mà tạo hoá ban tặng. Tiếng gọi mùa của tạo vật đang xốn xang trên những nẻo đường Tây Bắc”.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc cuốn bút ký, tản văn “Trên miền cao nguyên trắng” mới xuất bản của tác giả Nguyễn Thế Lượng.
TRẦN LIÊN