Hạ Hòa đã lưu giữ một kho tàng văn hoá dân gian hết sức phong phú và đa dạng, vừa mang nét chung của nền văn hoá dân gian Hùng Vương xưa, vừa thể hiện bản sắc độc đáo của vùng quê Hạ Hòa. Qua nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Đình Vỵ và Nguyễn Thế Lượng đã xuất bản cuốn “Văn hoá dân gian huyện Hạ Hòa”, do Nxb Thanh Niên ấn hành, dày 260 trang, gồm 5 phần, trong đó nghiên cứu cụ thể quá trình hình thành và phát triển của vùng đất con người Hạ Hòa gắn với văn hoá, lịch sử phong tục, tập quán, nếp sống sinh hoạt, văn hóa ẩm thực…
Phần thứ nhất và phần thứ hai của cuốn sách giới thiệu khái quát về vùng đất và con người, văn hoá dân gian của Hạ Hòa – một vùng quê thuần nông với nghề trồng lúa nước, song song với phát triển trồng đồi rừng, cây ăn quả lâu năm. Phần thứ ba kể về lịch sử vùng đất Hạ Hòa phong cảnh hữu tình – nơi Vua Hùng từng chọn đất đóng đô, với huyền tích mẫu Âu Cơ; tên tuổi những người anh hùng gắn với những địa danh hiển hách. Đây từng là căn cứ địa cách mạng, Chiến khu 10 cuộc kháng chiến chống Pháp. Những địa danh nổi tiếng nơi đây đã đi vào lịch sử Hạ Hòa như: Chu Hưng, Gia Điền, Yên Kỳ… Tiếp đến phần thứ 4 cuốn sách giới thiệu kho tàng văn hoá dân gian với những câu tục ngữ, ca dao, di tích lịch sử, tín ngưỡng và các lễ hội truyền thống từ bao đời, ai cũng thuộc, cũng nhớ:“Sông Thao nước đỏ như son/ Người đi có nhớ nước non quê mình… Muốn ăn gạo trắng nước trong/ Vượt qua dốc Kẻo vào trong Đàn Trầm… Mùng bảy trong tiết tháng giêng/ Dân Hiền tế lễ trống chiêng vang trời…”. Những di tích lịch sử gắn với địa danh con người của từng vùng đất Hạ Hoà xưa và nay. Trong đó có bài viết “Di tích lịch sử và Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ” gắn với địa danh Hiền Lương – Hạ Hoà đã đi vào lịch sử và được bảo tồn đến hôm nay, lễ hội đền Mẫu được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm. Hạ Hoà còn nhiều đền, đình, có nhiều lễ hội như Lễ hội Đền Chu Hưng, lễ rước nước đền Nghè, đình Đông… Phần thứ V là phần thể hiện tri thức văn hoá, con người Hạ Hòa gồm: các lễ nghi sinh hoạt gia đình như lễ cầu đinh, lễ cầu thọ, lễ cưới, lễ tang, nghi lễ dâng lễ vật cúng, rồi một số những tập quán truyền thống như: chợ tết quê vào mỗi dịp xuân về, tập tục vẽ hình đuổi kiến ngày tết, rồi ăn tết mùng 5 tháng 5, thú vui câu cá, chữa bệnh bằng cây thuốc nam, những trò chơi dân gian, nếp sống sinh hoạt văn hoá, lễ hội nếp sống sinh hoạt gắn với gốc đa làng… Đây là vùng đất hiếu học, rất nhiều vùng đất nổi danh như Vĩnh Chân, Động Lâm, Hiền Lương… Người Hạ Hoà chăm chỉ, chất phác thuần nông, có nhiều nghề truyền thống như nghề làm mật mía, nghề làm chè, chế biến lâm sản, trồng cây ăn quả: bưởi, thanh long, bí đao, măng… văn hoá ẩm thực của người dân nơi đây cũng phong phú, nhiều món ăn trở thành đặc sản đáng nhớ như mật ong Yên Kỳ, bánh mật dâng Tổ Mẫu Âu Cơ (Hiền Lương), rượu mọng (Chu Hưng) măng sặt (Ấm Hạ) rồi các món ăn dân dã có sẵn: rau đắng cảy, gà nướng trong lu sành, cá mương, món trùng trục quê, ốc nhồi hấp sả, món măng riềng, các món chế biến từ quả trám, quả cọ, món canh củ từ bở thơm, rau sắn nấu chua, rồi các loại bánh mật, bánh sắn, bánh tẻ, bánh gai… được bàn tay khéo léo của người dân quê nơi đây làm nên. Tất cả đã tạo thành nét đẹp văn hoá dân gian, từ hồn quê chan chứa tình yêu thương của con người Hạ Hoà.
Tập sách nghiên cứu về “Văn hoá dân gian huyện Hạ Hoà” được xuất bản như cuốn tài liệu giúp người đọc có thêm tư liệu tìm hiểu, nghiên cứu về Hạ Hoà – Phú Thọ, vùng đất giàu bản sắc văn hoá dân gian. Qua đó, người đọc cũng cảm nhận thấy tình yêu quê hương sâu sắc của các nhà nghiên cứu, biên soạn gửi gắm qua mỗi bài viết.
TRẦN LIÊN