Trở về từ chiến trường với bên chân tập tễnh, ông hăng say lao động, rồi khi cuộc sống chưa vơi khó khăn, ông đứng ra xin chính quyền xã cho trồng cây ở những con đường đang “trọc lốc” trước nắng nóng. Hỏi mục đích, ông chỉ bảo: “Làm lấy bóng mát, để đất lành”.
Đến giờ, “đường ông Khộp” đã qua hơn ba mươi mùa mưa nắng, cứ lan dần, dài hơn. Vài nơi cây được khai thác gỗ, lấy tiền giúp đỡ người nghèo, gia đình chính sách trong xã. Ai đi qua cũng tấm tắc khen và cảm phục tấm lòng hào sảng của ông.
Khen là đúng rồi. Ai cũng biết làng có công trường khai thác đá lúc nào bụi chả mù mịt. Bụi đá lấn không khí, lấn đường, giành giật cuộc sống của con người. Nhờ bàn tay ông Khộp và mấy đồng đội của ông hứng khởi xắn tay vào việc nghĩa, màu xanh đã bò lan ra đường đồng, chạy tít vào sát bãi khai thác đá mà ngăn bớt bụi, mà gieo cái êm ái của tán cây xuống sự khô khốc, trơ trọi.
Bình thân với ông Khộp. Bình theo các anh lớn đẽo đá từ nhỏ, qua học kiến trúc, rồi học hỏi từ nhiều nghệ nhân giỏi trong vùng, anh trở thành người có đôi bàn tay điêu khắc khá điêu luyện. Lúc rảnh rỗi, anh vẫn rẽ qua nhà ông Khộp chuyện trò, uống trà. Có lúc gặp ông ở đường cây lại đứng rỉ rả nói chuyện. Một lần cao hứng, Bình thốt lên: “Công lao của bác xứng đáng được dân dựng tượng”. Ông Khộp xua tay, giọng bỗ bã, nhưng vang: “Công lao gì. Tôi yêu bóng mát thì tôi làm thôi!”. Nói thế, rồi về nhà Bình nghĩ ngợi. Có khi mình phải làm thật. Mình không ra tay thì ai đây. Thế là anh điêu khắc bức tượng ông Khộp bằng chất liệu đá. Là con của làng đá, cộng với tài năng, bức tượng bán thân đầy cảm xúc đã hoàn thành. Hôm nhận quà, ông Khộp rưng rưng xúc động: “Cháu làm bác tự hào quá. Xưa nay quê mình cứ đi làm đẹp khắp nơi mà chẳng chịu làm đẹp cho mình. Nhưng mà này, làng mình nhiều người có công lắm đấy cháu ạ. Bố cháu chẳng hạn”.
Lời của ông Khộp khiến Bình chạnh lòng, nhưng cũng khơi mở cho anh một ý tưởng: Làm tượng về tất cả những người có công ở làng. Anh làm tượng cụ Me, cụ Phước, những bệnh binh từ thời chống thực dân Pháp, đã mất cách đây ba năm, còn giữ được di ảnh. Khi anh ngỏ lời làm tượng bố, ông Dũng chối đây đẩy: “Gớm, cu cậu lại định nịnh bố à. Thôi, bố ngại. Con làm về những cụ ông, cụ bà khác thì được”. Anh nài: “Con chỉ làm nhỏ thôi. Bố đã để lại một bên chân ở ngoài chiến trường, nhưng trở về đời sống, bố vẫn nuôi nấng chúng con nên người, vẫn đẽo đá, làm chỗ dựa…”. Ông Dũng xua tay, bảo chưa phù hợp. Ông bảo con hãy tìm những người có người thân hy sinh. Họ thiệt thòi, biết giấu nỗi đau của mình đi để sống và tận hiến. “Và nhờ họ, bố của con mới may mắn được trở về”.
Biết là chưa thuyết phục được bố trong hoàn cảnh này, Bình chùng xuống. Anh lục lọi trong trí nhớ, lần tìm những người có công trong thôn, xã. Người đầu tiên Bình nhớ đến là bà Thược, cách đây hơn chục năm, bà được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mình phải làm tượng về bà. Hoàn thành bức tượng đẹp, anh khệ nệ mang chiếc hộp gỗ được gói ghém cẩn thận đến nhà bà Thược, anh hớt hải gọi. Từ giữa vườn có tiếng vọng ra: “Ai gọi tôi đới?”. Bình nhanh nhảu bằng chất giọng đầy cảm xúc: “Cháu là Bình, con bố Dũng đây ạ, cháu có món quà kính biếu bà!”. Bà Thược chầm chậm đi ra. Ở tuổi hơn chín mươi, tuy chân chậm, mắt mờ, nhưng giọng bà vẫn tươi rói: “Quà gì thế hả cháu? Già cả rồi, bà có làm được gì đâu mà được tặng quà!”. “Dạ, cháu đẽo đá thành bức tượng bà đấy ạ!”. Bình chờ bà Thược bước ra sân, làn hương của những thứ quả trong vườn cũng theo cùng. Ngan ngát. Thân thương. Bao năm qua, ngôi vườn của bà Thược vẫn lóng lánh, xanh ngát giữa làng, kể cả mùa đông rét mướt.
– Nào, cháu cho bà gì nào? Ối giời ơi, gì mà bưng nặng thế!
Anh đặt chiếc hộp gỗ lên thành bể, thưa:
– Dạ, bà là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cháu làm tượng đá chân dung kính tặng bà.
– Sao lại mất công thế hả cháu? Làng ta nhiều người có công, chứ đâu chỉ riêng bà. Mà bà cũng đâu có dùng vào việc gì!
Bà Thược mời Bình vào nhà, bật quạt máy, nhưng vẫn trao cho anh một chiếc quạt mo cau. Anh đặt tượng lên chiếc bàn cũ. Bà Thược nhìn lại tượng, ôn tồn, chầm chậm bảo:
– Ừ, thôi đã cho thì bà xin. Mà cháu khéo tay quá. Làng ta giờ nhiều người giỏi. Nhưng cũng gần hết đá rồi. Khối người phải đi nơi khác mua đá về làm, rồi đi làm thuê. Những bãi đất đá đó…
Giọng bà Thược nghẹn lại. Bà định nói những bãi đất đá sau khai thác, giờ trống huơ hoác, khô khốc. Bà kể cho Bình nghe chuyện xửa xưa, đá kêu, đá khóc. Mọi người đang vét cạn đá của làng để làm công trình, bán đi thu lợi. Phải dừng lại thôi. Lời bà nhắc đến chuyện cạn đá. Bình thấy quá đúng. Trưởng thôn là người trẻ, cùng lứa tuổi của Bình, anh định sẽ gặp trưởng thôn, bàn xem có ra việc gì không. Lúc Bình ra về, bà Thược cứ nắm chặt tay anh, cảm ơn, rồi bà nói như thể đã trút được một nỗi buồn.
– Bà cũng đã rất buồn vì chuyện con mình thì hy sinh, còn người khác… Bà thèm có một thằng trở về. Vậy mà chúng nó theo ông nhà, đi hết. Chắc đây là món quà bố cháu bảo cháu làm. Cho bà cảm ơn bố cháu nhé. Bà sẽ không buồn nữa.
Bình chợt hiểu chuyện gì đã diễn ra âm thầm trong lòng bà Thược. Bà đã buồn vì làng ra trận, có những người may mắn trở về sau ngày thống nhất, còn các con trai bà đã hy sinh hết. Hẳn bà đã đớn đau lắm lắm.
Bình đã hoàn thành kính tặng mười tám bức tượng cho mười tám ông, bà có công ở quê mình. Chỉ riêng bố, dù thuyết phục thế nào, ông cũng không chịu để con trai thực hiện việc hiếu kính. Anh tâm sự với ông Khộp dưới hàng bạch đàn đang khép tán, gió mát vi vu mới vỡ lẽ là ngày xưa ở chiến trường, vì đôi phút bối rối trong một trận đánh, bố anh đã không cứu được hai đồng đội. Hai đồng đội hy sinh trận đánh đó, một người là con bà Thược. Trong chiến tranh đạn lửa vô tình, cái chết luôn dứt khoát và nghiệt ngã. Sau này trở về quê, ông Dũng mãi ân hận về việc đó. Ông Dũng day dứt nói chuyện với nhiều cựu binh và bà Thược. Kết nối lại, Bình hiểu vì sao hôm trao tặng tượng, bà Thược có bảo: “Chắc đây là món quà bố cháu bảo cháu làm”. Anh cũng sâu xa hiểu, vì sao bố mình day dứt không muốn con trai tạc tượng.
Ông Khộp nhấp trà, nhìn lên vòm lá, rồi chợt nhiên bảo Bình:
– Nhưng thôi, Bình ạ. Đó là chuyện xưa, chuyện của người đi trước. Bác mừng là cháu đã có những hành động tri ân.
– Vâng ạ. Cháu hiểu ạ. Trong chiến tranh, mọi thứ đều rất khó nói hay. Ngay cả ngày hôm nay, khi bác trồng cây, cũng đâu ít người xì xào.
Lời ông lúc này bỗng nặng như đá.
– Chuyện quan trọng với bác lúc này là đám thợ thuyền làm đá quê mình ý. Hết đá thì phải chuyển làm nghề khác. Rồi mấy cái gò ở sát đền Quách, bác nghĩ người ta không nên khai thác. Phải dừng lại, chuyện tâm linh không tham được đâu.
Trăn trở của ông Khộp cũng là nỗi niềm của Bình. Dù mỏ đá được cấp phép khai thác sát đền, nhưng không thể lấn quá sâu được. Phải chừa lại một khoảng bao bọc ngôi đền. Không thể khai tác tất thảy, làm cả khu vực trở nên trống rỗng. Việc này phải trưởng thôn, cán bộ xã, rồi cấp lớn hơn nữa nhận ra thiệt hơn. Ông Khộp và Bình xin ý kiến của các lão niên trong làng về việc giữ gìn bình yên cho đền Quách. Đây vốn là ngôi đền thờ Ông Hải – người cùng thành hoàng làng truyền nghề đẽo đá cho dân làng. Huyền sử vẫn có những điều khó diễn đạt và trong cách tư duy của người hôm nay, cái gì mang lại lợi nhuận là được ưu tiên. Buổi họp thôn kéo dài đến khuya, nhưng vẫn chưa thống nhất được chuyện dừng khai thác. Phe ham lợi thì bảo, nên khai thác hết, rồi đổ đất màu, cải tạo luôn cả vùng. Những người muốn bảo vệ đền cho rằng, đền là chốn linh thiêng, phải để lại vài đồi đá thấp tạo cảnh quan, những nơi đã khai thác giờ có thể lan lấp đất, trồng đồng loạt cây cối. Nhưng người ham lợi nhiều hơn. Vậy là việc khai thác vẫn tiếp tục.
Một buổi tối trăng mềm lọt qua kẽ lá, ông Khộp vui mừng nhận được sự đồng ý của trưởng thôn, rằng sẽ làm đơn gửi lên các cấp cao hơn. Làng giờ đâu thiếu chuyện ăn mặc. Cái phong cảnh của làng mới đáng quý nhiều lần. Bình hứa sẽ đồng hành cùng ông Khộp đấu tranh cho cái chung. Ông nhìn lên phía những hàng cây, tự nhủ: Cây cối là con của mình, cây cối sẽ ủng hộ mình. Khi cấp cao hơn còn chưa về giải quyết hay có ý kiến chỉ đạo tạm dừng công trình khai thác thì tai nạn đã xảy ra. Mấy thanh niên đặt kíp nổ “quá liều” nên đá lở rộng, nhanh hơn bình thường. Ba thanh niên bị vùi trong xác đá khô khốc. Những người khác sợ tái mặt mày đi tìm người lên đào bới. Bấy giờ người làng mới chạy lên. Phải đến hơn một ngày sau, xác ba thanh niên mới được đưa ra.
*
* *
Vì tai nạn cướp đi ba mạng người nên công trình khai thác dừng lại nhanh hơn dự kiến. Có người bảo tai nạn là do chưa hiểu hết về thuốc nổ. Có người bảo vì dám động chạm đến đá thần linh. Người ta tự động tháo dỡ lán trại, thu dọn hiện trường, đưa máy móc rời khỏi bãi đá. Tỉnh đã có quyết định dừng khai thác, và chính quyền xã kiến nghị nên đóng cửa hẳn việc khai thác, trả lại bình yên cho khu vực. Điều đó được chấp thuận. Ngay tức khắc, ông Khộp đã huy động được rất nhiều người trong làng bỏ công, bỏ của ra san gạt, đổ đất, trồng cây tại nơi xưa kia là bãi khai thác, chỗ lồi chỗ lõm. Hôm đi trồng cây ở mạn phía Tây, ông Khộp bảo Bình: “Vậy là cuối cùng cây cối đã lan vào trong vùng đá chết”. Cả hai cùng cười.
Hôm ấy trăng lên từ phía hàng cây non. Ông Khộp bước tập tễnh bên Bình, lòng nhẹ bẫng, thanh thản. Từ nay về sau sẽ không còn cảnh ồn ào, nổ mìn, cảnh đá khóc gào. Mà sẽ có nhiều đêm trăng thanh bình như đêm nay.
Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN HỌC
Nguồn: qdnd.vn