Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Joseph Beuys (1921-2021), hãy xem nghệ sĩ tạo hình lớn này của nước Đức để lại cho giới nghệ thuật thế giới nói riêng, và kho tàng văn hóa hậu thế nói chung, những gì.
Năm 2021 này nước Đức tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh Joseph Beuys (Giô-dép Bơi-dờ) một cách hết sức trọng thể. Hầu như tất cả các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình và các viện bảo tàng nước này, ngay từ đầu năm 2021, thậm chí từ 2019 đã bắt đầu nói tới Joseph Beuys. Các tờ tạp chí chuyên ngành như Art hay Monopol đã dành nhiều số nhiều trang suốt từ đầu năm cho tới nay thì chưa kể.
Riêng tờ Spiegel, tạp chí uy tín nhất CHLB Đức, dành cho ông cả 4 trang lớn trong số “12 tháng” với tựa đề: “Kẻ mê tín ma quỷ, cha đẻ của lối tư duy kỳ quặc”. Chắc chắn về ông có nhiều cách đánh giá. Những người thần tượng hóa ông ở tư cách là người có tầm nhìn xa trông rộng và người muốn làm thay đổi thế giới. Nhưng nhiều kẻ khác lại muốn chứng minh ông là người truyền bá khoa học bí truyền thuộc phái hữu, họ thấy ông như là người Đức đầu tiên của lối tư duy kỳ quặc.
Để đánh giá chính xác ông, có lẽ phải xét bối cảnh lịch sử thế giới nửa sau thế kỷ 20, với những thay đổi chóng mặt của thế giới sau Thế chiến II – cuộc chiến khủng khiếp với những biến động cực kỳ lớn ở hầu hết mọi mặt – về kinh tế, khoa học kỹ thuật, chính trị, văn hóa nói chung và nghệ thuật nói riêng.
Hãy điểm qua tiểu sử Joseph Beuys một chút: Sinh ngày 12/5/1921 ở Krefeld, Niederrhein, vùng hạ lưu sông Ranh. Xuất thân từ gia cảnh hoàn toàn bình thường, năm 1936 ông đã tham gia Đoàn Thanh niên Hitler. Chưa và chẳng bao giờ tốt nghiệp phổ thông trung học, năm 1941 khi phát xít Đức bắt đầu đánh Liên Xô thì Joseph Beuys tình nguyện gia nhập không quân Đức và được Heinz Sielmann, sau này là nhà đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng, đào tạo thành lính thông tin trên máy bay, nhưng tự bản thân ông lại hay nhận mình là phi công. Tháng ba năm 1944 máy bay ông bị bắn rơi trên bán đảo Crimê. Joseph Beuys hay tự nhận là mình được những người dân Tácta cứu, chỉ có điều chắc chắn là ông đã từng bị nằm lâu ở quân y viện. Thời gian phục vụ quân đội của Joseph Beuys luôn là đề tài gây tranh cãi và cung cấp nhiều chất liệu cho tư biện. Chỉ có điều chắc chắn là ông có theo học ngành nghệ thuật ở Học viện Mỹ thuật (Kunstakademie). Giữa những năm 50, ông mắc bệnh trầm cảm nặng mà nguyên nhân là hậu quả sau chấn thương.
Sự giải tỏa cho ông đến vào năm 1961, khi Joseph Beuys được tuyển làm giáo sư ở Học viện Mỹ thuật Düsseldorf, ông là người rất tự tin và luôn muốn được mọi người chú ý đến. Theo nhiều nhiếp ảnh gia thì ông rất thích đứng trước ống kính. Cũng còn có điều chắc chắn là những vật liệu và đồ dùng thường nhật đơn giản thời chiến đã để lại dấu ấn cho chất liệu nặn tượng sau này của Joseph Beuys – dạ và vết mỡ. Những tác phẩm nghệ thuật của Joseph Beuys bây giờ đều có giá hàng triệu Euro. Thế nhưng cũng luôn luôn phải nhớ rằng chính bản thân ông cũng là tác phẩm nghệ thuật quan trọng nhất và nổi tiếng nhất của ông. Tháng giêng 1986 Joseph Beuys mất và trở thành một trong số những người Đức nổi tiếng nhất thời hậu chiến. Ông được vinh danh ở tư cách là người đề cao các giá trị của tài nguyên sinh thái môi trường, người đề xướng “Gesamtkunstwerk-Toàn bộ tác phẩm nghệ thuật” và áp dụng lương cơ bản vô điều kiện. Thường hay được nhấn mạnh nhất là đầu những năm 80 Joseph Beuys đã trồng 7000 cây bồ đề tại Documenta Kassel, điều này hết sức thích hợp với Thiên niên kỷ Môi trường này.
Năm 1964 ở Festival Nghệ thuật Mới ở Aachen, Joseph Beuys có cái may là bị một sinh viên quá khích đấm vào mặt, ông tự hào trưng cái mũi đầy máu đó dưới cái mũ dạ nổi tiếng. Năm 1965 ở một triển lãm, ông bôi sơn vàng đầy mặt và ẵm một con thỏ đã chết đi khắp phòng tranh, với tựa đề: giải thích tranh thế nào đây cho một con thỏ đã chết. Ở một buổi lễ tựu trường ông thét hàng phút từ “Ôe” vào micro. Năm 1972 vì muốn nhận hàng trăm sinh viên vào học, ông chiếm giữ luôn khoa nên bị Bộ trưởng Giáo dục cách chức vô thời hạn.
Thành tựu của Joseph Beuys là đã đưa nghệ thuật lên thành đề tài trên truyền thông đại chúng, trong các bữa ăn tối. Vì triển lãm Documenta mà Thành phố Kassel trở nên đồng nghĩa với nghệ thuật hiện đại, thế nhưng Joseph Beuys còn là biểu tượng quan trọng hơn, gã khiêng bồn tắm bẩn thỉu với vết mỡ mà hắn bôi lên trần hay vào tường. Ông còn thiết kế những lò sưởi đất cong, gọi cáng khênh xác chết là nghệ thuật, trở nên huyền thoại là những chiếc xe trượt tuyết mà trên đó xếp những cái chăn đã được cuộn cẩn thận để hồi tưởng về các chiến dịch quân sự.
Sau khi mất, Joseph Beuys được thế giới nhất trí tôn lên thành siêu nghệ sĩ, các tác phẩm của ông được đồng thuận đánh giá là tác phẩm của người nghệ sĩ Đức dũng cảm trả món nợ mà chủ nghĩa phát xít Đức đã từng gây ra, nhưng không lấy tư tưởng đó làm của riêng mình, mà những giải thích đó hệt như là những nén nhang, như một thẩm định viên đã từng nói: Beuys muốn đưa “chủ nghĩa biểu tượng huyền thoại của truyền thống Đức” về một ứng dụng mới. Ông cũng tham gia cuộc thi dựng tượng ở trại tập trung Auschwitz, đáng tiếc không được giải, vì các tác phẩm không phải nhằm mục đích thể hiện cái không thể tưởng tượng được, trái lại là sự làm giảm bớt nó. Beuys muốn kích động giác ngộ ở mọi người, đặt “câu hỏi về nhiệm vụ của người Đức trên thế giới”, hệt như trước đây là Rudolf Steiner, triết gia minh triết, nhà tư tưởng theo lý thuyết bí truyền, người mà ông chịu rất nhiều ảnh hưởng. Beuys là họa sĩ và nhà điêu khắc tài ba, nghệ sĩ sắp đặt, nghệ sĩ hành động và người kỳ quặc và mị dân giỏi.
Còn ở tiêu đề của mình, tờ tạp chí Art thì nêu câu hỏi: “Liệu Joseph Beuys có phải là vị thánh giải thoát cho chúng ta hay chỉ là một nhà tiên tri dỏm”: Vải dạ, mỡ và luôn luôn hoạt động – không có nghệ sĩ người Đức nào tạo dấu ấn lên thời đại hậu chiến hơn người đàn ông đội chiếc mũ dạ này, thế nhưng các tác phẩm của ông ngày hôm nay còn quan trọng đến thế nào, các tư tưởng của ông có phép thiên cảm đến đâu? Ở bài này tờ báo giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của Joseph Beuys: tác phẩm trưng bày ở triển lãm Documenta 6: 150kg mật ong chảy qua hệ thống ống cao su, trục truyền động quay trong một núi macgarin khi người thợ thảo luận với khách tham quan trong “Free International University”; tác phẩm trưng bày ở triển lãm Documenta 7: hoạt động trồng 7000 cây bồ đề nổi tiếng, và dòng chữ “Kunst = KAPITAL, nghệ thuật là tư bản” ông viết trên tờ giấy bạc 10 Mác với chữ ký ở dưới, hay tấm bưu thiếp cùng lời tuyên bố: “Qua đây tôi từ bỏ nghệ thuật”, cũng như bài hát cho hòa bình trong đĩa hát “Mặt trời thay vì Reagan” tại chương trình âm nhạc trên kênh tivi ARD năm 1982.
Cuối cùng là tạp chí Monopol ra hẳn một tờ phụ san với tiêu đề: “Beuys 2021- Tác phẩm của ông nói gì cho chúng ta ngày hôm nay?”, với những tiếng nói, tranh luận, các câu hỏi vào năm kỷ niệm Joseph Beuys 100 tuổi. Câu nói nổi tiếng nhất của Beuys là “Mỗi người đều là một nghệ sĩ“ mà với nó, ông đã làm thay đổi hoàn toàn nghệ thuật thế kỷ 20. Về vấn đề đó, ông còn bảo: “Tôi hoàn toàn chẳng phải là nghệ sĩ. Trừ phi, hay với điều kiện rằng, tất cả chúng ta đều tự hiểu mình là nghệ sĩ, thì tôi lại có mặt ở đó. Còn nếu không là không.“ Câu này mang ý nghĩa dân chủ của Cách mạng Pháp. Với câu này, nghệ thuật nói chung hay nghệ thuật tạo hình nói riêng đã đi vào cuộc sống thường nhật. Ở Documenta 5, 1972, Joseph Beuys mở một văn phòng và nói chuyện ở đó 100 ngày với khán giả về nghệ thuật. Qua Joseph Beuys, nghệ thuật đã được dân chủ hóa. Ông muốn phê phán sự thể chế hóa. Tuy thế các tác phẩm của Joseph Beuys lại khó hiểu, bởi vì nó chứa đựng nhiều suy nghĩ ở đó, và trong đó chứa đựng nhiều ý nghĩa triết học, hay là triết lý ở tầm cao. Phải sống với Joseph Beuys, trải nghiệm những gì ông trải nghiệm thì mới hiểu được các tác phẩm của ông. Đấy là lời khuyên của các chuyên gia, các curator khi chúng ta đến xem triển lãm của ông. Joseph Beuys cũng đã từng tham gia đấu bốc. Ông bảo: “Nếu ai không muốn suy nghĩ thì người đó sẽ tự bay ra (khỏi sàn đấu)”. Ông cũng từng bảo “Tư duy là nghệ thuật tạo hình” và “Tất cả đều là nghệ thuật điêu khắc”.
Ngụy Hữu Tâm – Theo: https://hoimythuatvietnam.vn/