Hội nghị được tổ chức nhằm giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và những người hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ nắm bắt tình hình, nâng cao nhận thức, năng lực quản lý và kỹ năng nghề nghiệp; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ công tác VHNT từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021.
Thời cơ và thách thức với công tác văn học, nghệ thuật
Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021 được tổ chức nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ (VHVN) thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước; thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác VHVN trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Tầm vóc của hội nghị là vừa nhìn lại quá khứ, rút ra những bài học thành công, cũng như nhìn thẳng vào các khuyết điểm, yếu kém còn tồn tại. Đồng thời đưa ra những quan điểm, chủ trương mới về văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tiết mục trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Niềm tin và khát vọng” chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tháng 11-2021. Ảnh:HOÀNG HIẾU |
Trong bài phát biểu tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhấn mạnh luận điểm: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, đã đánh giá đúng vị trí, vai trò của văn hóa với số phận dân tộc. Bài phát biểu ghi nhận công lao, khích lệ, động viên nhưng cũng giao phó trách nhiệm cho những người làm công tác VHVN nỗ lực lao động sáng tạo đáp ứng nhiều nhiệm vụ mới. Tinh thần đội ngũ văn nghệ sĩ từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc là vô cùng phấn khởi, tự hào khi VHVN tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo, nhân dân kỳ vọng về những tác phẩm lớn lao xứng tầm thời đại.
Chưa tròn một năm kể từ khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức, song bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến đổi nhanh chóng. Có 5 vấn đề đặt ra được xác định là quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay mà VHNT đặc biệt lưu tâm: Một là, VHNT với nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập quốc tế. Hai là, VHNT với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, gắn với phục hồi kinh tế-xã hội của đất nước. Ba là, VHNT với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo. Bốn là, VHNT với nhiệm vụ quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài. Năm là, VHNT với nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hiện nay, khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, vấn đề cấp thiết của đội ngũ văn nghệ sĩ là sáng tạo thêm nhiều tác phẩm mới, cổ vũ tinh thần, trở thành động lực để toàn dân nhanh chóng phục hồi kinh tế-xã hội của đất nước. Chưa bàn đến chất lượng nghệ thuật, chỉ riêng việc những bộ phim Việt Nam ra rạp gần đây được công chúng đón nhận, thu về hàng trăm tỷ đồng có thể xem là ví dụ về tinh thần dấn thân, không ngừng sáng tạo; truyền cảm hứng để nhiều lĩnh vực khác cùng chuyển động mạnh mẽ. Những vấn đề quan trọng khác như đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, cần tiến hành liên tục để VHNT dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn đồng hành với dân tộc, thấm đẫm chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân.
Bên cạnh thuận lợi là cơ bản, xuất hiện những thách thức đòi hỏi VHNT không ngừng phát triển, thích ứng, đổi mới như: Toàn cầu hóa và vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong VHNT, xây dựng “quyền lực mềm” quốc gia thông qua VHNT, mối quan hệ truyền thông số và khoa học, công nghệ với VHNT… Nhiều vấn đề rất mới đòi hỏi việc nghiên cứu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đúc kết lý luận, hình thành các định hướng, tránh những biểu hiện lệch lạc trong sáng tạo, xử lý hài hòa, phù hợp các vấn đề nảy sinh trong đời sống VHNT.
Giữ vững nguyên tắc, vận dụng linh hoạt trong thực tiễn
VHNT ở nước ta là nền VHNT cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng; là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân- thiện-mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Cho nên, dù VHNT trên thế giới luôn xuất hiện nhiều xu thế phát triển, nhiều trường phái, chủ nghĩa, quan điểm… VHNT Việt Nam vẫn kiên trì mục tiêu đồng hành với dân tộc, đồng hành với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, gắn bó máu thịt với nhân dân. Đây là nguyên tắc cơ bản, từ đó vận dụng linh hoạt để xử lý hàng loạt vấn đề thực tiễn vốn vô cùng đa dạng và phức tạp của đời sống VHNT.
VHNT cách mạng là phải đáp ứng nhu cầu của đại đa số người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau về vấn đề thụ hưởng tác phẩm VHNT. Chính vì vậy, VHNT luôn cần những tác phẩm mới, đỉnh cao về giá trị nghệ thuật nhưng không có nghĩa chúng ta thiếu bản lĩnh trong tiếp nhận, đề cao vô lối những tác phẩm chạy theo thể nghiệm nhưng lại xa rời đời sống, lệch lạc thẩm mỹ, bắt chước lai căng không phù hợp với thuần phong mỹ tục, chỉ cốt đáp ứng cái tôi sáng tạo vị kỷ.
Truyền thông số và khoa học, công nghệ trên thực tế đã góp phần thay đổi quá trình sáng tạo, tiếp nhận VHNT. Đây là xu thế tất yếu không thể đảo ngược và trên thực tế có nhiều đóng góp tích cực để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng VHNT của người dân, rõ nhất ở nhiều thời điểm giãn cách xã hội. Song, cốt yếu của VHNT vẫn là nội dung chứa đựng phẩm chất chân-thiện-mỹ mới thật sự góp phần làm đời sống tinh thần lành mạnh. Cho nên, chúng ta cần phê phán, không cổ xúy những tác phẩm thiếu lành mạnh, giải trí tầm thường, thậm chí xấu độc, lợi dụng truyền thông số và khoa học, công nghệ để lan truyền nhanh chóng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhận thức của một bộ phận công chúng.
Từ hai ví dụ trên có thể thấy, với lĩnh vực đặc biệt tinh tế như VHNT, từ hai đối tượng sáng tạo lẫn tiếp nhận rất cần trái tim nhạy cảm và trí óc lý tính nhìn nhận thật kỹ lưỡng, thấu đáo đâu là bản chất, đâu là hiện tượng, đâu là những giá trị chân chính và trường tồn của VHNT, đâu là những hiện tượng nhất thời, phù phiếm, giật gân nhằm thỏa mãn thị hiếu tầm thường…
Bám sát vào nguyên tắc của nền VHNT cách mạng là điều vô cùng quan trọng khi suy nghĩ về các giải pháp để VHNT đáp ứng vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hiện nay. Trước hết, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước. Từng bước xây dựng hệ thống lý luận VHNT Việt Nam.
Đặc biệt chú ý đổi mới phương thức hoạt động của các hội VHNT nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động tích cực, hiệu quả. Khuyến khích nhân dân sáng tạo, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá VHNT với ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. Trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cơ sở cống hiến cho đất nước. Chú trọng phát triển năng khiếu và tài năng trẻ.
Những giải pháp trên sẽ được quán triệt trong hội nghị tập huấn tới đây. Hy vọng từ những định hướng lớn, các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo VHNT, từng cá nhân văn nghệ sĩ sẽ cùng suy nghĩ, làm việc, lao động sáng tạo vận dụng vào công việc cụ thể, tạo nên xung lực mới, những thành tựu mới cho VHNT nước nhà.
PGS, TS, nhà văn NGUYỄN THẾ KỶ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương