Văn hoá nghe nhìn chiếm lĩnh toàn bộ mặt bằng giải trí, đời sống tinh thần của người dân, người buôn bán, từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ công chức đến các tầng lớp công nhân, nông dân đều tiếp cận mạng xã hội, truyền hình kỹ thuật số một cách hứng thú nhiệt tình, hình thành nên một môi trường luôn rộn ràng nhộn nhịp, vô vàn sắc thái. Đâu đâu từ các con đường, từ hàng quán, ngõ hẻm, từ mọi góc nhìn chúng ta đều thấy người ta dùng điện thoại smartphone khắp nơi, đủ mọi hoàn cảnh, công nghệ dường như chiếm lĩnh hết đời sống văn tinh thần của tất cả quần chúng, các tầng lớp nhân dân.
Tuy có sự quan tâm, song việc khuyến khích các em đọc sách chưa được nhà trường cùng với ba mẹ làm đến nơi đến chốn, từ đó các thế hệ học sinh của chúng ta hiện nay rất lười biếng, thậm chí không bao giờ đến với trang sách. Tôi có một con trai, hiện nay cũng đang trong lứa tuổi học sinh cấp hai, bằng đủ mọi phương pháp, thuyết phục động viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất để con đến với trang sách, tuy nhiên con trai tôi trả lời, những cuốn sách con thích hiện nay con đã đọc hết, còn lại những cuốn con không thích con không muốn đọc, rồi cũng có khi con trả lời, rằng bạn bè con không có ai thích đọc sách, con đọc như vậy là giỏi rồi, những câu trả lời ấy của con làm trong suy nghĩ của tôi đặt thêm ra những câu hỏi, vì sao học sinh bây giờ lại hờ hững với trang sách, phải chăng đó là vai trò nhiệm vụ của các thầy cô giáo của nhà trường chưa chú tâm đến việc này, chúng ta đã tận dụng tốt nguồn tài nguyên của công nghệ số, nhưng chúng ta bỏ quên đi một nền văn hoá đọc rất cần thiết, một nguồn kiến thức vô tận, những bài học giáo dục sâu sắc đi vào lòng người. Bởi chúng ta từng nghe, mỗi cuốn sách là một ông thầy, một người bạn, là ánh sáng dẫn lối cho tâm hồn con người, bỏ quên văn hoá đọc ở môi trường giáo dục là bỏ quên một nguồn tài nguyên quý giá mà góp phần thành công, tạo nên những giá trị cho nền tảng xây dựng đạo đức văn hoá cho một quốc gia.
Bên cạnh nhiệm vụ của nhà trường, thì vai trò của các tác giả, nhà văn nhà thơ của nước ta cần phải nhìn nhận lại, chúng ta đã viết được gì để truyền tải những giá trị sống cho các em, gần gũi với các em, để các em không phải cầm trang sách lên là buồn ngủ, bởi nội dung xa xôi không thực tế, chưa dựa trên tâm sinh lý cho từng độ tuổi. Tại sao các nền giáo dục của các nước phương Tây họ luôn chú trọng đến việc khuyến khích các em học sinh tự đọc sách, tự nghiên cứu, bởi đó là cách giáo dục ít tốn kém nhất, nhưng lại giác ngộ tư tưởng con người nhanh nhất hiệu quả nhất. Muốn làm được những điều đó thì ngay từ bây giờ, cùng với một sự kết hợp của các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, các nhà văn nhà thơ, các hiệp hội văn học nghệ thuật, các nhà xuất bản, các công ty phát hành, truyền thông báo chí chúng ta cần phải hợp sức lại đồng hành cùng nhau làm nên một thế hệ học sinh chăm đọc sách, một thế hệ học sinh được tiếp cận với sách nhanh nhất, qua thư viện nhà trường, khu phố, xóm ấp, qua sự rỉ tai của các em học sinh về những tác phẩm văn học mới nhất, để các em cùng nhau thảo luận cùng nhau đến với trang sách một cách hứng thú và tự nguyện. Trong đó, vai trò của nhà trường là mấu chốt quan trọng nhất, trong những giờ học, tiết học có liên quan đến các tác phẩm văn học, chúng ta cần hướng các em tìm đọc, hướng các em viết cảm nhận, tạo những sân chơi cho các em được nói về sách, những buổi sinh hoạt nhóm, thuyết trình, viết bài nghị luận phê bình theo suy nghĩ của mình. Đây chính là gợi mở những sân chơi để các em được giao tiếp được học hỏi, được học tập cùng nhau, góp phần rất lớn cho các em rời xa thiết bị công nghệ số ở một thời gian nhất định, để rèn luyện cho các em những kỹ năng cần thiết khi giao tiếp ngoài xã hội.
Vai trò của nền văn học và văn hoá đọc trong nhà trường hiện nay là một vấn đề cấp bách cần phải thực hiện đồng bộ của các cấp các ngành có trách nhiệm liên quan. Chúng ta cần phải bắt tay vào thực hiện, tạo những điều kiện thuận lợi nhất định cho tất cả các thư viện ở trường học có những đầu sách đa dạng phong phú. Bên cạnh đó, công tác thư viện cũng phải khoa học, thiết thực thu hút các em học sinh đến nghiên cứu tìm đọc ở một sân chơi mang nhiều tri thức, tính nhân văn sáng tạo, mà theo tôi được biết các nước tiên tiến phát triển trên thế giới là điều này từ rất sớm, đã đạt được những thành công giá trị cho đất nước họ.
Trước những vấn đề của thời cuộc hiện nay, trong bức tranh giáo dục của nước ta, cho dù chúng ta luôn tự hào với những con số cùng thành tích nhất định, nhưng bạo lực học đường vẫn luôn là nỗi nhức nhối, cùng với những tệ nạn xã hội mà tội phạm vị thành niên đã có, đạo đức xã hội ngày càng đi xuống khi chúng ta theo dõi các bản tin thời sự hàng ngày, ở bất cứ ngành nghề nào. Khi đạo đức, cùng với lối sống nhân văn có trách nhiệm với cộng đồng xã hội bị xem nhẹ, thì sẽ xảy ra những nguy cơ tiềm tàng, gánh nặng tội phạm xã hội tăng lên, rất đáng lo ngại. Cho nên để tạo nên một nền tảng văn hoá thật sự vững chắc, có giá trị cao với con người thì các ngành phải phối hợp cùng nhau, người sáng tạo ra tác phẩm văn học phải nghiên cứu những giá trị sống đúng thuần phong mỹ tục con người Việt Nam, để truyền tải đến cho các em lối sống phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, các nhà xuất bản, phát hành sách phải kiểm duyệt chặt chẽ, nghiên cứu nghiêm túc các nội dung được in ra, để không là nguồn thông tin kiến thức sai lệch đến các em, cùng với nhiệm vụ lớn lao của nhà trường phải làm sao để các em đến với trang sách, như là một việc làm hàng ngày, một giờ học nghiêm túc, cần thiết phải có giờ đọc sách viết cảm nhận theo quy định, để dần dần hình thành thói quen, thành một nếp sống thường nhật với văn hoá đọc. Một vai trò lớn từ nhà trường đi cùng với sự ủng hộ nhiệt tình, tạo điều kiện tối đa cho các em mở trang sách, sáng tương lai, thì tôi tin chắc rằng nền văn hoá đọc của nước ta hiện nay sẽ khởi sắc hơn, chứ không phải ảm đạm như trong thực tế hiện nay, khi các đơn vị xuất bản sách gặp nhiều khó khăn trong việc đưa sách đến với độc giả, các nhà văn nhà thơ Việt Nam, làm sách ra biếu tặng thì nhiều, còn số lượng bán được vẫn nằm ở con số hiếm hoi, khi người viết luôn nhiều hơn người đọc, khi môi trường giáo dục học đường- chiếc nôi đầu tiên hình thành thói quen đọc sách còn quá thờ ơ với văn học, văn hóa đọc.
Chúng ta nhận ra, xã hội hiện nay, ít người đọc quá, ít người đến với trang sách, vậy ngay từ bây giờ chúng ta hãy cùng nâng cao vai trò của văn học và văn hoá đọc trong nền giáo dục hiện nay, dẫu biết là sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng sự nỗ lực- đồng hành- nhiệt huyết- quyết tâm, chúng ta sẽ xây dựng được một nền giáo dục mang lại những giá trị nhân văn nhất cho thế hệ học sinh hiện nay, mai sau. Một thế hệ là những con người kế thừa, xây dựng- phát triển đất nước trong tương lai.
Tác giả: Hồ Thị Xuân Đà
Nguồn Văn nghệ số 22/2020