Dẫu về quê lắm nỗi bực mình thì vẫn cứ nên mỉm cười nếu đã chọn về quê. Và nếu chọn ở lại thành phố, xin đừng quên mình còn có một quê hương để hướng về.
Đừng nghe Đen Vâu hát: “Mang tiền về cho mẹ” để thành áp lực tài chính. Nếu cha mẹ nào chỉ quan tâm đến việc con cái mang tiền về dịp Tết này thì hãy nói với họ về thu nhập làm thêm dịp Tết ở thành phố gấp 3-4 lần ngày thường.
Đừng bực mình mà làm mình bực với những câu hỏi vô duyên của hàng xóm láng giềng về thu nhập, về cưới xin, sinh con đẻ cái. Nếu gặp người hỏi vô duyên xin hãy cứ đáp vô tâm.
Tết mà, cười lên! Bởi người hỏi vốn chỉ là trơn miệng quen mồm hỏi thôi chứ họ đâu nghe câu ta trả lời đâu. Cùng lắm là đáp theo kiểu cán bộ nhà nước: “Về việc này, cháu sẽ trả lời bằng văn bản”.
Đừng ngại cỗ bàn, một năm cũng chỉ dăm ngày Tết nhất, bày vẽ tí có sao đâu. Nhưng nhớ rủ rê thêm nhiều người vào làm cùng mình nhé! Cứ coi như là “cháu chưa rành rẽ, bác chỉ dạy cháu đi”…
Đừng lo mấy vụ mừng tuổi thủng ví. Mừng tuổi là lấy may chứ có phải kinh doanh ngày Tết đâu? Cứ thẳng băng mà nói, hoặc gặp người không biết điều thì mình cũng đâu cần giữ ý? Bị ghét hay được yêu xét cho cùng cũng đâu phải qua một cái Tết mà thành?
Còn bao nhiêu nỗi lo, nỗi sợ về quê ăn Tết nữa? Bởi những đất lề quê thói, bởi những định kiến bao đời, bởi những cha mẹ có thương mà không có hiểu, bởi cả những hàng xóm láng giềng vẫn quen bạ đâu nói đấy…
Những người không muốn về quê ăn Tết nhiều khi đáng thương hơn đáng trách. Là bởi gia đình đã chẳng còn là nơi sum vầy, Tết về quê như rơi vào bể vầy tung tóe.
Từ những người trẻ đến cả những cặp vợ chồng mới cưới và có khi cả những nàng dâu lâu năm, nhiều người cứ nghe đến Tết về quê là lại thở dài đánh thượt. Nhiều người nghĩ ra trăm mưu nghìn cách để trốn về. Nhiều cặp vợ chồng cứ đến Tết là cãi vã, giận hờn chuyện về quê ăn Tết nội hay Tết ngoại. Sao Tết lại trở thành Tết khổ, Tết cực như thế?
Tết là đoàn viên. Tết là sum vầy. Tết là trở về. Tết là gia đình. Ở lại thành phố dẫu thu nhập từ làm thêm cho lương khủng ra sao nhưng người xa quê hẳn chạnh lòng luyến nhớ khi thấy những gia đình thiên hạ sum vầy bên nhau. Là bởi có quê mà chẳng có nhà vậy. Nhà không còn là nơi bình yên để về. Nhà không còn là chốn để dung thân. Bao nhiêu bậc cha mẹ hiểu được điều đó? Nói thương con nhưng bao nhiêu cha mẹ hiểu con?
Nhưng. Nhưng Tết thì vẫn đến. Ở lại thành phố làm đứa con xa quê hay trở về quê để làm ấm lại mái nhà? Tôi vẫn mong những người trẻ chọn về quê làm ấm lại mái nhà mình.
Bằng những mở lòng mình ra trước với cha mẹ. Bởi cha mẹ cũng cần phải hiểu để biết thương đúng. Một cái Tết không vui để đổi lại bằng những cái Tết vui sau đó, tại sao không?
Sao cứ giấu giữ mãi trong lòng những ấm ức? Sao cứ bực mình để tự làm mình bực bội? Sao cứ nuốt vào trong những thứ đắng nghét? Sao cứ ngại sợ? Bạn yêu cha mẹ mình mà, đúng không? Nói với cha mẹ bằng lòng yêu trong bạn đi.
Và cả những gia đình trẻ nữa. Tết nội hay Tết ngoại cũng vậy, xa thì sắp lịch theo năm, gần thì tính toán ngày đường. Năm nay đón giao thừa tết nội thì mùng một tết ngoại. Chẳng phải các cụ xưa từng dạy: Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ đó sao?
Nếu đường sá xa xôi thì lịch chừng đó ngày, năm nay bên nội sang năm bên ngoại. Bởi chúng ta cũng cần giúp con cái mình buộc một sợi dây nguồn cội. Cũng chỉ là dăm ba ngày Tết, phiên phiến một chút sao cứ phải căng như dây đàn?
Cuối cùng, chọn Tết xa quê hay Tết sum vầy là do mỗi người lựa chọn. Tết là phải vui. Dẫu về quê lắm nỗi bực mình thì vẫn cứ nên mỉm cười nếu đã chọn về quê. Và nếu chọn ở lại thành phố, xin đừng quên mình còn có một quê hương để hướng về.
Tết này không về được thì cũng nên thu xếp một ngày sớm về kẻo cha mẹ mong ngóng. Cuộc đời hữu hạn lắm, đừng chép miệng để mai mốt kẻo mà thành mai một…
H.A.T
(Dân Trí)