Trong văn học, thể loại Trường ca không nhiều và để đi vào lòng người cũng không dễ dàng như những bài ca dao hay các bài thơ ngắn. Có lẽ sự hào hùng của lịch sử một thời khốc liệt, với biết bao sự kiện tác động vào hồi ức của người chiến sĩ trực tiếp phải nếm trải, đã khiến anh Ngô Thái quyết định chọn thể loại khó này để diễn trải lòng mình. Nếu gọi một cách khiêm tốn, đây là Bản diễn ca bằng văn vần tự do, của người trong cuộc chiến đấu ác liệt ấy, hồi tưởng về một tập thể những con người đã góp phần cùng cả nước viết nên trang sử hào hùng của dân tộc. Đó là đội TNXP 253 – Anh hùng, thuộc Tổng đội TNXP 572. Tên gọi tác phẩm thật thân thương mà sâu đậm tình đất nước và Quốc tế:
CON LẠC – CHÁU HỒNG TRÊN ĐỈNH PA PÔNG
Anh Ngô Thái là người trực tiếp cùng đồng đội gồng mình trong những thử thách khắc nghiệt của chiến trường gian nan ấy. Bởi vậy, tác phẩm đã khẳng định tính chân thực, mà giàu chất lạc quan cách mạng, của những người đã đi qua chiến tranh và giành chiến thắng, để cô đọng lại trong hơn ba trăm câu, phác họa một cách mộc mạc, giản dị, sinh động, và lãng mạn về một ký ức hào hùng, khốc liệt, vinh quang, chiến thắng!
Tác phẩm gồm năm chương. Thể thơ tự do, như lời tâm sự với đồng đội và chúng ta, để ôn lại kỷ niệm xưa, vừa thân thương, vừa xúc động đến nao lòng, để tìm lại những cảm xúc một thời để nhớ và để tự hào: “Mùa thu năm một chín bảy hai/ Đất nước gồng mình trong cuộc chiến kéo dài ròng rã nhiều thế kỷ/ Gian khổ, hy sinh không thể nào kể xiết/ Làm theo lời Bác Hồ đã âm vang tha thiết:/ “Dù phải đốt cả dãy Trường Sơn…/ …quyết giành độc lập, tự do”/ Từ những thôn làng vùng quê đất Tổ/ Con cháu Lạc Hồng ký đơn bằng máu đỏ/ Tình nguyện đi trong đội ngũ điệp trùng/ Tạm biệt quê hương, Đất Tổ Vua Hùng/ Gác tình riêng, lên đường vào tuyến lửa/ Đội Thanh niên xung phong 253 hình thành từ đó”.
Với mười hai câu thơ đầu trong đó có câu trích dẫn lời của Bác, tác giả như muốn giới thiệu với chúng ta về những con người đất Tổ lên đường chiến đấu, trong giai đoạn khốc liệt nhất của lịch sử chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Không nề hà gian khổ, không ngại xa quê, gác tình riêng để làm nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho: “Trải bao thăng trầm cùng Tổ quốc thân yêu/ Gian khổ, hy sinh, mất mát đã nhiều/ Chiến công mãi sáng ngời trang sách mở…”.
Họ ra đi từ nơi chiến công xưa rộn rã nước dòng Lô vào thời điểm cũng thật ý nghĩa: “…Dưới trời xanh trong mùa thu tháng Tám/ Gió lộng, cờ bay, rung nhịp bước quân hành/ Cả nước sục sôi rực lửa chiến tranh/ Đâu có giặc là nơi ta thẳng tiến”…
Một sự khởi đầu đặc biệt đã dự báo trước những chiến công dù có thể đầy gian nan, nhưng họ đi tới và làm nên chiến thắng ở một nơi cũng thật đặc biệt: Đỉnh PA PÔNG – trên đất bạn Lào: “…Đường ta đi về phía nước bạn Lào/
Vượt núi cheo leo, vượt bao ghềnh thác…/ …Con Lạc cháu Hồng đang tiến lên phía trước/ Đèo Pa Pông biên giới trập trùng mây/ Sự tích anh hùng khởi sắc cũng từ đây!”.
Một chương mở đầu cũng là bản hùng ca lên đường ra tiền tuyến. Câu chuyện mở ra bằng cảnh vượt núi Trường Sơn, cái tên đã gắn liền với lịch sử hào hùng dân tộc Việt Nam. Cả loài người đều đã từng nghe không chỉ một lần, mà sao khi đọc những vần thơ anh viết về cảnh vượt núi Trường Sơn ta thấy các chị, các anh ngày đó như đi trong cảnh thiên nhiên đất nước rất đỗi tự hào, quên mọi gian nan, khổ ải do khí hậu khắc nghiệt và sự rình rập của kẻ thù: “…Nắng thu nhuộm vàng những cánh rừng lá đỏ/ Nhuộm tím dòng suối nhỏ lượn sườn non/ Vết chân người đi, vẽ thành nét đường mòn/ Đường ra trận nhiều nơi như thắng cảnh/ Dù phía trước sẽ là ngàn trận đánh/ Ta tự hào: Ôi Tổ quốc đẹp sao…!”.
Tính lạc quan cách mạng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Nhưng trong họ vẫn dạt dào tính đặc thù của con người đất Tổ quê hương giàu bản sắc dân gian, cổ tích, bồng bềnh mộng mơ, xuân trẻ: “…Tiếng chim rừng kêu: “Bắt cô trói cột”/ Anh bạn làng chài gọi vui:/ “Khó khăn khắc phục”/ Đường quân hành rộn tiếng cười vang/ Khúc hát quân hành rung lá ngụy trang…”.
Điều đặc biệt là tác giả đã khéo đưa các đoạn hồi tưởng của những chàng trai, cô gái trong cuộc hành quân ra tiền tuyến vẫn không nguôi nỗi nhớ quê cha, đất Tổ thân thương, nặng tình làng, nghĩa xóm: “Em gái Cẩm Khê mơ sắn lùi quê hương/ Anh bạn Lâm Thao nhớ mùi cá nướng/ Trai bản Thanh Sơn khoe món măng rừng đắng/ Gái Phủ Đoan rằng: “Bưởi Chí Đám ngọt thơm”/ Hạc Trì tuyệt vời đặc sản Hồng ngâm/ Cá Anh Vũ tiến vua và rất nhiều thứ nữa…/ Kỷ niệm quê hương dội về trong nỗi nhớ/ Nâng bước chân ta vượt qua bao gian khổ”.
Có nhiều cách nhận thức về dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, nhưng lần đầu tiên tôi bắt gặp một cách so sánh của anh thật độc đáo về dãy Trường Sơn, như cách người đất Tổ đã từng chuyền tay nhau cánh cung, thanh kiếm giữ gìn bờ cõi giang sơn: “Dãy núi Trường Sơn – Biên giới Việt Lào/ Đã chứng kiến bao thăng trầm, nghiệt ngã/ Như cánh cung gồng mình ra biển cả/ Ta đi trên đỉnh đầu phía Bắc dây cung…”.
Họ đã xác định rõ vị trí đứng của mình và cương quyết hoàn thành nhiệm vụ. Đây không đơn thuần là nhiệm vụ trong nước mà còn là nghĩa vụ quốc tế cùng chống lại kẻ thù chung: “…Hai Tổ quốc thắm thiết tình hữu nghị/ Vai kề vai trong gian khó, cơ hàn/ Đã bao đời chung sức, sẻ san/ Chiến đấu chống kẻ thù xâm lăng bờ cõi”.
Nhiệm vụ mở một cung đường mới không chỉ là nhu cầu quân sự mà còn là mơ ước từ lâu của các bộ tộc Lào, thắt chặt tình hữu nghị bền lâu và hơn thế nữa đó là mục tiêu chiến lược lâu dài trong thế liên hoàn hậu phương lớn chi viện cho tiền phương, đang trong thế thừa thắng xông lên: “…Mở rộng con đường xuyên rừng, nối liền biên giới/ Xẻ núi, san đồi, mở những cung đường mới/ Nhiệm vụ được giao, khó mấy cũng hoàn thành/ Giữa muôn trùng khốc liệt chiến tranh…”.
Sức mạnh tinh thần và niềm lạc quan cách mạng quyết định tư tuởng vững vàng trong thực hành nhiệm vụ. Từ đó họ sát vai nhau, vượt lên từng bước để quen dần với khó khăn, với một niềm tin và quyết tâm thật rõ ràng: “…Vừa mở đường, vừa sẵn sàng đánh địch/ Một ngàn hai trăm, hai mươi mốt con tim/ Con Lạc cháu Hồng, son sắt một niềm tin:/ “Được con đường, được con người…/ …được tình hữu nghị”.
Niềm tin ấy là cơ sở vững chắc để họ phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trên mặt trận giao thông vận tải giúp bạn Lào: “…Sự tích anh hùng có nắm đất khét nồng lửa cháy/ Có tiếng hát của những con người ấy/ Trên đỉnh đèo biên giới đẹp tươi/ Đây đỉnh cao lẽ sống làm người/ Đây mũi nhọn cuộc đấu tranh vì lý tưởng…”.
Dưới cách nhìn thực tế tích cực và lạc quan, anh coi cuộc lao động mở đường như ngày hội và mọi khó khăn dường như vơi đi: “…Rừng biên giới rung nhịp sống rộn ràng/ Ánh đuốc sáng như hoa đăng ngày hội…”.
Sự hy sinh tự nguyện của mọi người vì nghĩa cả được thể hiện bằng những hành động thật cụ thể: “…Không quản mưa tuôn, đường trơn, lầy lội/ Thông đường, mở tuyến xe qua/ Bạt ta luy, hạ độ cao những đoạn dốc vào cua/ Bắt tay áo nghiêng làn đường đúng độ…”.
Một cung đường mới mở tạo ra thế trận liên hoàn, tạo ra thế đứng vững vàng trên trận tuyến.Với cách nhìn khái quát vừa mang tính chiến lược, lại vừa là sách lược, tác giả đã tổng kết, trong bốn câu kết chương ba thật tinh tế: “…Thế trận liên hoàn bủa vây quân giặc/ Nối tiền phương với hậu phương vững chắc/ Nối tình người đã bao đời gắn bó yêu thương/ Thế đứng tự hào bên bờ Thái Bình Dương…”.
Tác giả đã giành cả một chương của tác phẩm nói về trường học lớn. Hầu hết những người tham gia trong đội ngũ TNXP đều từ các làng quê ra đi. Trình độ về mọi mặt không đồng đều nhưng nhiệm vụ đòi hỏi phải nhanh chóng nắm bắt và hoàn thành với một yêu cầu nghiêm túc, khắt khe: “…Những chàng trai, cô gái độ tuổi xuân chớm nở/ Lần đầu xa nhà, chưa vơi nỗi nhớ/ Công việc bộn bề bao bỡ ngỡ, khó khăn/ Cuộc sống từng ngày chồng chất gian nan…/ Vẫn đọng nụ cười tươi rói trên môi/ Câu hát dân ca nghiêng ngả nắng lưng đồi…”.
Đồng thời với đó là những hình ảnh quê hương đang chìm trong bom lửa chiến tranh và nhiều tác động khác chi phối nhưng mỗi người phải tự xác định yên tâm tư tưởng, vừa học, vừa làm, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của việc mở đường và sẵn sàng chiến đấu. “Trường học lớn” ngay trên trận tuyến sẽ là tiền đề vững chắc cho các anh các chị sau này khi trở lại hậu phương tiếp tục học tập và công tác: “…Trường học làm người, trận tuyến chống xâm lăng/ Trường Đại học nào có thể sánh bằng?/ Có nhiều điều chưa thể ghi thành sách/ Thực tế gian nan vắt óc tìm ra phương cách/ Cuốn sách đời bắt đầu viết từ đây…”.
Mọi cuộc chiến tranh bao giờ cũng không thể tránh khỏi hy sinh, mất mát, để giành thắng lợi, tác giả nói bằng cả cảm xúc trái tim mình về những người đã nằm xuống trước ngày toàn thắng: “Để chân lý, niềm tin sáng ngời trong chiến thắng/ Biết bao người cống hiến tuổi thanh xuân…/ Đốt nén hương trầm thay nghĩa nặng tình sâu/ Một phút lặng im tưởng niệm, nguyện cầu…/ Cho đồng đội – Các chị, các anh đã hy sinh…/ …trước ngày toàn thắng!”.
Bao người đã trở lại chiến trường xưa không chỉ một lần, dù năm tháng trôi và nơi ấy cảnh vật đã không ngừng thay đổi nhưng: “…Khúc dân ca vẫn reo cùng gió ngàn dào dạt/ Chở mây bay về những đỉnh đèo/ Mãi trường tồn bên ghềnh đá cheo leo/ Những dấu chân người mở đường ra trận/ Nén hờn căm, đau thương, uất hận/ Trận chiến cuối cùng toàn thắng đã về ta…!”.
Nói về một tập thể anh hùng, bằng những lời văn vần mộc mạc, chân thành của người trong cuộc, mà sức nặng thuyết phục người đọc thật lớn lao: “…Đường Trường Sơn rực rỡ cờ hoa/ “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”/ Khúc hát ngân vang khắp đất trời giải phóng/ Độc lập tự do vĩnh viễn từ đây/ Một dải non sông thống nhất về tay/ Trong chiến công chung có Đoàn ta góp sức/ Đội TNXP 253 cũng rộn ràng náo nức/ Hòa niềm vui chung rạng rỡ cung đường/ Có niềm tự hào người đất Tổ Hùng Vương/ Con Lạc cháu Hồng…/ …trên đỉnh đèo Pa-Pông lộng gió…”.
Phần kết của tác phẩm cũng chỉ bằng mười câu thơ lắng đọng đã vừa như trân trọng gửi trao, vừa như khẳng định niềm tự hào hoàn toàn xứng đáng với công sức vô cùng to lớn mà đội TNXP 253 đã cống hiến cho đất nước và cho tình Quốc tế Việt – Lào: …Xin trân trọng ghi thêm dòng chữ đỏ:/ “Thanh niên xung phong thế hệ Hồ Chí Minh/ Không tiếc máu xương, không quản ngại hy sinh/ Vì lý tưởng – theo con đường Bác Hồ đã chọn/ Dũng cảm, ngoan cường, hiên ngang trên mũi nhọn/ Cuộc đấu tranh giải phóng con người”.
Tác phẩm có kết cấu chặt chẽ, cân đối! Nhiều đoạn chân thực, ngợi ca những con người có ý chí thép, sống và làm việc quên mình trên trận tuyến của người chiến sỹ giao thông vận tải chống Mỹ, mở đường giúp nước bạn Lào. Nhiều đoạn giầu chất thơ. Chất thơ toát ra từ những con người giầu nghị lực, tâm hồn và lý tưởng sống trong thời đại Hồ Chí Minh, mang trong mình dòng máu anh hùng của ông cha từ thời đại Hùng Vương!
Ngô Toàn Thắng