Cho con ước tự bây giờ
Mỗi năm cứ đến giao thừa, mỗi năm
Bác về cùng với Nhân dân
Đọc thơ chúc Tết một lần rồi đi.
Nhà thơ Vũ Cao đã nói lên ước mơ đó của mọi người Việt Nam khi Tết đến Xuân về. Bởi lẽ thuở Bác chưa đi xa, cứ đến thời khắc giao thừa, cả dân tộc lại được nghe lời chúc Tết của Người. Đó đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta. Trong phút giao thừa thiêng liêng ấy, từ các cụ già tóc bạc đến đàn em nhỏ ngây thơ đều cảm thấy lòng mình lắng dịu khi nghe Bác đọc thơ chúc Tết bằng giọng nói ấm áp, thân tình, tha thiết. Nhưng… 53 năm rồi Người đã đi xa.
Lần đầu tiên cả nước được nghe thơ chúc Tết của Người qua Đài Tiếng nói Việt Nam là Tết Bính Tuất (1946). Lúc này Cách mạng tháng Tám mới thành công được bốn tháng, đất nước đang sống trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài đầy khó khăn, gian khổ, nhân dân Nam Bộ vừa đứng lên cầm súng đánh thực dân Pháp được hơn ba tháng. Ai cũng biết rằng, trước cách mạng, giữa vua và người bình dân cách xa nhau một trời một vực. Đây là lần đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, người dân Việt Nam được nghe người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc thơ chúc Tết. Qua thơ chúc Tết, người Việt Nam được thấy vị lãnh tụ của mình rất gần gũi, thân thiết. Tuy viết trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy ác liệt, nhưng Bác đã vẽ lên một tương lai thắng lợi rực rỡ. Cảm hứng thơ ca đã có mặt trong bài thơ chúc Tết, tiếng thơ và lời động viên chính trị đã hòa làm một. Trước hết Bác nói với anh bộ đội: “Bao giờ kháng chiến thành công/ Chúng ta cùng uống một chung rượu đào/ Tết này ta tạm xa nhau/ Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy”. Rồi Bác nói với Nhân dân: “Chúc đồng bào/ Trong năm Bính Tuất mới/ Mọi việc đều tiến tới/ Kiến quốc mau thành công/ Kháng chiến mau thắng lợi/ Việt Nam độc lập muôn năm!”. Khi bình về những câu thơ trên, nhà thơ Hoài Thanh đã có nhận xét thú vị: “Rượu đào Tết lúc ấy dẫu chưa có nhưng bao nhiêu người năm ấy đã thực sự say chung rượu thơ. Không phải lần đầu tiên trong thơ nói đến rượu, nhưng chung rượu đào ở đây có một chất say người riêng xưa nay chưa từng thấy và hình ảnh của Bác qua câu thơ đẹp và gần gũi làm sao!” (Hoài Thanh tuyển tập, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội, 1982).
Một năm sau cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu (từ đêm 19/12/1946), vào dịp Tết Đinh Hợi (1947), Bác Hồ gửi thư cho bộ đội Hà Nội với những lời thăm hỏi ân cần, thể hiện tình thương bao la, ấm áp như của một người anh trong một đại gia đình: “Các em ăn Tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ? Tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ các em mà không ai nỡ ăn Tết”. Và Tết năm đó Bác đã có thơ chúc Tết Nhân dân: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ/ Tiến lên đồng bào/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi/ Thống nhất độc lập nhất định thành công”. Ở đây điều quan trọng là Bác đã tạo được khí thế cho bài thơ. Khí thế ấy chính là sức mạnh tỏa ra từ cái lõi bền vững của tư tưởng chính trị. Khí thế ấy đã chứng minh được sức sống của tư tưởng trong hình tượng thơ. Khí thế ấy có sức chiếm lĩnh mạnh mẽ, có năng lực tập hợp quần chúng, thôi thúc, động viên giục giã hành động. Bài thơ này đã tạo được một khí thế hùng tráng tạo nên một sức mạnh lôi cuốn đặc biệt.
Và cảm hứng thơ ca với mùa xuân bao giờ cũng làm cho thơ chúc Tết của Bác thấm đượm sâu sắc chất thép trong tâm hồn người cộng sản, như trong thơ chúc Tết Xuân Mậu Tý (1948): “Năm Hợi đã đi qua/ Năm Tý vừa bước tới/ Gửi lời chúc đồng bào/ Kháng chiến được thắng lợi/ Toàn dân đại đoàn kết/ Cả nước dốc một lòng/ Thống nhất chắc chắn được/ Độc lập quyết thành công”.
Đến Xuân Kỷ Sửu (1949) thơ chúc Tết của Bác đưa ta vào không khí rộn rã, tưng bừng đầy khẩn trương, lạc quan của ngày hội kháng chiến: “Kháng chiến lại thêm một năm mới/ Thi đua ái quốc thêm tiến tới/ Động viên lực lượng và tinh thần/ Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi/ Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua”. Hình ảnh thơ trùng điệp, nhịp thơ khẩn trương, hơi thơ giục giã, giọng thơ nhanh mà lại rất ung dung, nó vừa là bước đi của cuộc sống, chiến đấu của dân tộc, lại vừa là phong thái riêng của Bác: lạc quan, tin tưởng, đầy thanh thản. Hình tượng thơ đầy ấm áp, tươi vui, dạt dào niềm tin bởi Bác là nhà cách mạng thiên tài, Bác nắm rất vững quy luật của cách mạng, của cuộc chiến đấu. Trong thơ chúc Tết, bao giờ Bác cũng nhắc nhở: phải kiên trì, bền gan thì mới thắng lợi. Đó cũng là quy luật. Trong thơ chúc Tết Xuân Canh Dần (1950), Bác báo hiệu giai đoạn tổng tiến công sắp đến: “Kính chúc đồng bào năm mới/ Mọi người càng thêm phấn khởi/ Toàn dân xung phong thi đua/ Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới/ Chuyển mau sang tổng phản công/ Kháng chiến nhất định thắng lợi”.
Tiếp đó, trong suốt 13 năm, từ xuân Tân Mão (1951) đến xuân Giáp Thìn (1964), thơ chúc Tết của Người vẫn một phong cách diễn đạt ngắn gọn, giản dị, trong sáng, chân thành, lấy thơ là vũ khí tuyên truyền cho cách mạng, khái quát đường lối chiến lược, khẳng định niềm tin và đề ra nhiệm vụ chính cho toàn quân, toàn dân, đó là tiếp tục kháng chiến và tiến hành cải cách ruộng đất: “Năm mới quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành/ Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do/ Cải cách ruộng đất là công việc rất to” (Thơ chúc Tết Xuân Giáp Ngọ 1954) miền Bắc làm nhiệm vụ xây dựng và miền Nam tích cực đấu tranh thống nhất nước nhà: “Miền Bắc thi đua xây dựng/ Miền Nam giữ vững thành đồng/ Quyết chí bền gan phấn đấu/ Hòa bình, thống nhất thành công” (Thơ chúc Tết Xuân Bính Thân 1956), miền Bắc phải thực hiện tốt kế hoạch 5 năm (1961 – 1965), miền Nam đoàn kết đấu tranh thống nhất Tổ quốc: “Kế hoạch 5 năm thêm phấn khởi/ Chúc miền Bắc hăng hái thi đua/ Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới”. (Thơ chúc Tết Tân Sửu 1961), v.v…
Năm 1965, giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, chúng cho máy bay ném bom Thủ đô Hà Nội. Lúc này chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người Việt Nam yêu nước. Thơ chúc Tết của Người lấy cảm hứng sáng tạo trực tiếp từ trong những chiến công của hai miền Nam Bắc và lại trở lại phục vụ cho những nhiệm vụ động viên và tuyên truyền chính trị. Điều này thể hiện rõ trong những vần thơ mừng xuân mới của Người: “Mừng miền Nam rực rỡ chiến công/ Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plâyme, Đà Nẵng/ Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng/ Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng/ Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng/ Tiền tuyến, hậu phương toàn dân cố gắng” (Thơ chúc Tết Xuân Bính Ngọ 1966). Đến năm 1967, mặc dù giặc Mỹ tiếp tục leo thang chiến tranh, đưa quân ồ ạt vào miền Nam, lời thơ của Bác vẫn ngọt ngào, say sưa, sang sảng niềm tự hào, dẫu biết con đường đi đến tương lai còn nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng thơ Bác vẫn tràn trề tinh thần lạc quan cách mạng: “Xuân về xin có một bài ca/ Gửi chúc đồng bào cả nước ta/ Đánh Mỹ hai miền đều thắng giỏi/ Tin mừng thắng trận nở như hoa” (Thơ chúc Tết Xuân Đinh Mùi 1967). Lời thơ của Bác còn là lời báo tin xuân thắng lợi, báo tin niềm vui chiến thắng sẽ đến, tính chất “dự báo” rất rõ: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta” (Thơ chúc Tết Xuân Mậu Thân 1968). Nếu nhớ lại bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, ta sẽ thấy lời thơ của Bác đã gợi dậy một mùa xuân thắng lớn: đó là cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Cho đến Xuân Kỷ Dậu 1969, hai câu thơ chúc Tết đầu tiên của Bác dành để tổng kết năm qua và khẳng định năm mới: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to”. Bác nhắc lại cái đích cuối cùng của cuộc kháng chiến: “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, và khung cảnh của chiến thắng huy hoàng đã được Bác phác họa rõ nét: “Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”. Trong sáu câu thơ trên, ta nghe như có tiếng gọi cứu nước thiêng liêng của tổ tiên, có lời khẳng định quyết tâm sắt đá, có hình ảnh và khúc ca khải hoàn chiến thắng. Sáu câu thơ phơi phới một niềm lạc quan cách mạng và sáu năm sau (1975), lời tiên đoán của Người đã thành sự thật.
Như vậy, từ khi Cách mạng tháng Tám thành công (1945) cho đến khi vĩnh biệt chúng ta, 25 bài thơ chúc Tết đã vang lên trong thời khắc giao thừa, do chính lãnh tụ Hồ Chí Minh gửi tới quốc dân đồng bào. Tư cách lãnh tụ (kêu gọi) và tư cách nhà thơ (mừng xuân) đã hài hòa thống nhất trong một chủ thể trữ tình. Thơ chúc Tết của Người được viết giản dị, hàm súc, thể hiện rõ ràng đường lối cách mạng, bộc lộ sâu sắc lòng yêu nước, thương dân, tin dân, tin cách mạng, tin vào thắng lợi mà vẫn rất giàu tình cảm và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy mỗi khi Tết đến xuân về, vào phút giao thừa, chúng ta lại bồi hồi, xúc động như được nghe vang vọng đâu đây lời thơ chúc Tết của Người. “Giọng của Người không phải sấm trên cao/ Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước/ Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau” (Tố Hữu).
Đoàn Mạnh Tiến