Mang đến những chia sẻ và thảo luận về đề tài này, đặc biệt là sân khấu kịch, toạ đàm “TRÙNG TRÙNG TIẾP TIẾP: Sân khấu xưa và nay” không nhằm đưa ra một kết luận, mà mang đến những góc nhìn, màu sắc cá nhân khác nhau từ những người trong cuộc, của đa thế hệ đạo diễn, diễn viên, nhạc công/nhạc sĩ trong tương lai.
Tọa đàm diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) tối ngày 20/1, với sự điều phối của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức cùng một số diễn giả như: NSƯT Đặng Bá Tài, NSƯT Nguyễn Duy Bút, Nghệ sĩ sân khấu và múa rối Linh Valerie Phạm, Nhạc sĩ Hà Thúy Hằng, các diễn viên vở diễn “Giễu Tỷ Can”: Nguyễn Đình Nam, Hoàng Hà, K.
Trước những thay đổi, hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước, nhiều loại hình, tư tưởng nghệ thuật mới xuất hiện ảnh hưởng trực tiếp tới sự quan tâm, phát triển của các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian xưa, đặc biệt là tuồng. Đây cũng là điều làm cho các thế hệ nghệ sĩ đi trước lo lắng rằng, nghệ thuật văn hoá truyền thống ngày càng mai một.
Đối với nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức, vấn đề nghệ thuật dân gian đang dần mất sức hút, không chỉ dừng ở một phía khách quan hay chủ quan mà đó là từ cả hai phía. Nói đến những nói đến những chủ quan, những loại hình nghệ thuật dân gian giống như tuồng đang không có chỗ đứng chính là bởi không cập nhật kịp với xu hướng của thời đại mới. Như qua việc vung tay người nghệ sĩ, khán giả có thể hiểu được hàm ý của nhân vật đến với bối cảnh. Mặc dù tuồng có nhiều yếu tố hình thể, mang nhiều giá trị là vậy, song giống nhiều loại hình nghệ thuật khác, đều truyền tải nhiều ý nghĩa hoài cổ, ít thu hút giới trẻ.
“Thời điểm của xã hội thị trường, nhiều bạn trẻ không dám từ bỏ cơm ăn áo mặc để theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Chỉ khi đầy đủ rồi, chắc họ mới dám theo đuổi” – NSƯT Đặng Bá Tài chia sẻ thêm về những vấn đề khách quan mà nghệ thuật truyền thống đang gặp phải bởi sự thương mại hoá.
Và mặc dù có sự giao thoa với phương Tây đã cho chúng ta hướng nhìn mới, giải pháp tốt hơn để giữ gìn nghệ thuật nhưng nếu ai không vững vàng rất dễ dàng đi lệch hướng. Thay vì bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống, thế hệ trẻ lại có những ánh nhìn kì lạ, lạc lõng đối với giá trị của cha ông hay thậm chí bảo tồn những tư tưởng, văn hoá các quốc gia khác.
Vấn đề về khoảng cách cũng được đưa ra. Hai thế hệ nghệ sĩ dân gian ngày càng khác biệt, khoảng cách ngày càng lớn, thế nhưng theo nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức, khoảng cách này không phải là vấn đề chính dẫn tới sự thờ ơ của giới nghệ sĩ trẻ mà ngược lại, giới trẻ đang thiếu sự giáo dục về nội hàm, về kĩ thuật,… và cũng chính vì sự “thiếu trưởng thành” đó, giới nghệ sĩ trẻ không thể cất được tiếng nói riêng của mình, khác hẳn với những nghệ thuật đương đại khác.
Quan trọng hơn, qua buổi toạ đàm, những nghệ sĩ cũng nhận ra rằng, mình cũng là một phần trong tiến trình đưa văn hoá truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân tộc đến gần với thế hệ trẻ. Dù đây là một tiến trình đầy thách thức của nhiều thế hệ nghệ sĩ nhưng nếu tiến trình đặt lại vị thế nghệ thuật sân khấu truyền thống sẽ bị ngưng lại và rất có thể những di sản cha ông không thể tiếp cận được với thế hệ mai sau, để lại nhiều hệ luỵ khó có thể lường trước được.
Với những lời chia sẻ, gửi gắm, tọa đàm đã mang đến cho những người tham dự nhiều góc nhìn về nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh cuộc sống hiện đại. Trong đó, yêu cầu người nghệ sĩ cần phải kết hợp, giao thoa cùng với màu sắc văn hoá truyền thống để chọn lọc ra những tư tưởng tốt đẹp của phương Tây, của xã hội hiện đại. Đó chính là “chìa khoá” để nghệ thuật truyền thống được sáng tạo và được đón nhận rộng rãi trong xã hội Việt Nam hiện đại.
THANH TÙNG
Vannghequandoi.com.vn