Trong các lễ hội dân gian của Hà Nội, múa cổ là nghi thức thường thấy bởi nó mang đầy đủ ý nghĩa lịch sử, văn hóa, thể hiện thế giới quan của con người, đặc biệt là những quan niệm trong đời sống tâm linh. Theo các nhà nghiên cứu, Hà Nội có gần 100 điệu múa cổ, chia thành các thể loại múa dân gian, cung đình và múa tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, thời gian và những biến động lịch sử đã làm mất đi nhiều điệu múa độc đáo, nhất là những điệu múa cung đình (hiện chỉ còn khoảng 30 điệu), hiện chủ yếu là múa dân gian, tồn tại trong các lễ hội truyền thống của các làng cổ Hà Nội.
Những điệu múa có “tuổi thọ” lâu đời tại Hà Nội, có thể kể đến là: “Con đĩ đánh bồng”, “Chạy cờ” trong hội xuân làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì), “Lễ chữ” trong hội làng Chử Xá (huyện Gia Lâm), “Rắn lột” trong hội làng Trường Lâm (quận Long Biên), “Giảo long” trong hội làng Lệ Mật (quận Long Biên), “Bài Bông” trong hội làng Phú Nhiêu (huyện Thường Tín)…
Múa cổ Hà Nội gắn với đời sống tinh thần của người dân, là niềm tự hào của mảnh đất và con người nơi đây. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, loại hình nghệ thuật này đã góp phần tạo thành mạch nguồn văn hóa phong phú riêng có của Thăng Long – Hà Nội. Khi xem các điệu múa cổ, từ cách biểu hiện, kiểu cách, màu sắc trang phục, đạo cụ, đặc biệt là ngôn ngữ, đều mang cảm giác gần gũi, thân thiện và thấm đẫm văn hóa dân tộc. Ngoài yếu tố phục vụ cho tín ngưỡng, múa cổ còn có tính trình diễn, thẩm mỹ cao. Việc nhận diện, bảo tồn và lan tỏa các điệu múa cổ là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng để giữ gìn nét đẹp riêng có của mảnh đất ngàn năm văn hiến này.
Xã hội ngày càng phát triển, sự giao thoa, hội nhập văn hóa và xuất hiện các trào lưu múa mới ngày càng nhiều đã khiến cho một số điệu múa cổ đang dần mai một và mất đi vị trí trong đời sống văn hóa cộng đồng. Vì vậy, việc sưu tầm để phục hồi và gìn giữ và lan tỏa các điệu múa cổ đang là sự quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu văn hóa, những nghệ sỹ múa tâm huyết của Hà Nội, đặc biệt là của Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc khôi phục, truyền dạy các điệu múa cổ truyền là một quá trình vô cùng khó khăn, bởi nó đã bị mai một rất nhiều. Mặt khác, những người am hiểu, những nghệ nhân thông thạo các điệu múa này còn rất ít và đều đã cao tuổi. Nếu không nhanh chóng tìm và khôi phục thì một kho tàng văn hoá quý giá sẽ vĩnh viễn mất đi.
Những yếu tố ảnh hưởng tới việc khôi phục múa cổ truyền Thăng Long
Lưu giữ, phục dựng và lan tỏa các điệu múa cổ trong xã hội là việc làm cần thiết ngay lúc này. Tuy nhiên, để công việc ý nghĩa ấy diễn tra một cách thuận lợi, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan và nghiêm túc những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp nhất tới việc khôi phục này, có thể kể đến như: Quá trình đô thị hóa diễn ra ngày một mạnh mẽ, chính điều đó đã khiến cho không gian diễn xướng của múa cổ truyền ít nhiều bị thay đổi. Nếu như trước kia, “sân khấu” của múa cổ là bên các lũy tre làng, tại sân đình, bờ ao, giếng nước, gốc đa, thì nay, không gian ấy đã bị “bê tông hóa” với những ngôi nhà cao lớn, hiện đại. Nét cổ kính đặc trưng của các làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ – nơi phù hợp nhất cho Múa Cổ Thăng Long nay đã không còn nữa.
Bên cạnh đó, lớp trẻ bây giờ ít người còn mặn mà với múa cổ, thay vào đó họ chạy theo xu hướng nhảy múa hiện đại như Hiphop, Breakdance,… Mặt khác kinh phí cho các câu lạc bộ để họ đổi mới và thu hút lớp trẻ thì quá eo hẹp, thậm chí không đủ để các nghệ nhân duy trì các hoạt động cơ bản.
Ngoài ra, vấn đề bảo tồn và phát huy di múa Cổ Thăng Long Hà Nội được đặt ra còn muộn, chưa được như mong muốn; Việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; Việc nghiên cứu sưu tầm còn mang tính dàn trải, chưa sâu.
Cùng với đó, các sinh hoạt lễ hội, văn nghệ dân gian nhiều lúc còn mang tính hình thức và việc biến nó thành những sinh hoạt bổ ích, lành mạnh có tính thường xuyên và tính xã hội còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong khâu tổ chức; Rồi vấn đề thiếu những công trình nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn cho các mục tiêu giữ gìn và phát huy vốn văn hóa – văn nghệ dân gian vào đời sống xã hội; Hay nguồn kinh phí, ngân sách, phương tiện, nhân lực đầu tư¬ cho việc phục dựng và lan tỏa múa cổ còn ít ỏi và khó khăn, đặc biệt là sự thiếu hụt cán bộ làm công tác văn hóa;…
Đây chỉ là một trong số những khó khăn, vướng mắc có ảnh hưởng trực tiếp nhất tới việc phục dựng múa cổ Thăng Long. Nếu chúng ta không tìm cách bảo tồn và lan tỏa thì các điệu múa này sẽ bị “hòa tan” dưới ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường cùng sự du nhập của nền “văn hóa ngoại lai”. Cần lắm sự chung tay của giới làm nghề và của cả cộng đồng!
Nhìn chung, ông tác nghiên cứu, sưu tầm về giá trị nghệ thuật múa cổ Thăng Long đã được quan tâm nhưng có thể nói là chưa tương xứng với tầm quan trọng và giá trị đích thực của loại hình nghệ thuật này trong đời sống xã hội. Công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị nghệ thuật của các điệu múa cổ tại địa phương mới chỉ dừng lại ở mức độ cấp vùng, nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư xúc tiến quảng bá các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch; Các hình thức truyền dạy đang còn đơn điệu chưa có quy mô nên chưa thực sự phát huy hết hiệu quả; Người truyền dạy phần lớn là người già cao tuổi, không có chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm nên công tác truyền đạt cũng gặp không ít khó khăn; Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa còn thiếu vốn hiểu biết về loại hình múa cổ Thăng Long nên cũng gây bất cập trong thực thi công việc; Thiết chế văn hóa của địa phương còn đầu tư chưa được thỏa đáng, các bộ, ban ngành chưa tạo điều kiện về kinh phí và các yếu tố cần thiết để lưu giữ và phục dựng loại hình nghệ thuật này;…
Một vài giải pháp cho việc bảo tồn và phát huy múa cổ truyền Thăng Long – Hà Nội
Có thể nói, làm thế nào để bảo tồn, lưu giữ và lan tỏa múa cổ truyền Thăng Long ra cộng đồng và khiến nét đẹp văn hóa này phát triển bền vững là bài toán khó nhất. Là một phóng viên theo sát các hoạt động văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật múa, tôi mạnh dạn đưa ra một số giải pháp như sau:
Tìm kiếm nguồn kinh phí hỗ trợ cho các địa phương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất để các nghệ nhân tập luyện và biểu diễn.
Để bảo tồn các điệu múa cổ, cần duy trì khoảng 10-15 nghệ nhân, đồng thời đào tạo đội ngũ mới từ học sinh, thanh thiếu niên ngay chính tại địa phương có điệu múa cổ. Bên cạnh đó, cần đầu tư mua sắm một số đạo cụ, nhạc cụ, trang phục. Từ đó nhân rộng và phát triển mô hình các câu lạc bộ múa, biểu diễn múa cổ Thăng Long.
Cần đưa việc truyền dạy múa cổ vào chương trình hoạt động ngoại khóa trong các trường học và là hoạt động học tập chính thức tại các trường nghệ thuật có đào tạo múa. Mời các nghệ nhân truyền dạy cho các em những kỹ thuật cơ bản của điệu múa, đồng thời giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa trong các điệu múa cổ độc đáo này. Từ đó có ý nghĩa giáo dục con người vươn tới cái đẹp, cái thiện, giúp các em có ý thức giữ gìn, trân trọng, nâng niu và tự hào với nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Múa cổ Thăng Long được hình thành từ chính cộng đồng và phục vụ cho cộng đồng, vì thế cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu được nội dung giá trị văn hóa, giá trị tư tưởng, thẩm mỹ của múa cổ Thăng Long trong đời sống xã hội hiện nay.
Quy hoạch một số địa điểm phù hợp với múa cổ như đình làng hoặc vài ngôi nhà cổ, kết hợp bài trí quang cảnh xung quanh, thuận tiện đường đi lối lại. Từ đó thường xuyên biểu diễn múa cổ tại các lễ hội, sinh hoạt văn hóa của địa phương. Đồng thời, quy hoạch các địa điểm này thành các điểm du lịch văn hóa để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, biến múa Cổ Thăng Long thành các sản phẩm du lịch của địa phương.
Ngoài ra, cũng cần xây dựng đề án để đưa múa cổ truyền Thăng Long – Hà Nội vào các điểm du lịch văn hóa ở khắp nơi trên toàn quốc. Đây sẽ là một hình thức lưu giữ và quảng bá rất hiệu quả cho múa cổ Thăng Long.
Tăng cường sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân địa phương và các khu vực lân cận, đồng thời đặc biệt cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp. Các cấp các ngành cần tập trung triển khai các công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của người dân nhằm khơi dậy ở họ lòng tự hào đối với múa cổ.
Trong điều kiện nền kinh tế trường hiện nay, việc vân động, tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác của người dân cần gắn với công cuộc vận động xã hội hóa trong công cuộc bảo tồn. Đây cũng là cách thức thu hút đông đảo người dân tham gia lưu giữ di sản văn hóa truyền thống của mình.
Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay đã khiến cho việc khuếch tán thông tin trở nên dễ dàng hơn, con người tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và nhanh chóng hơn, vì vậy cần chọn lọc, khôi phục và phối hợp với các đài truyền hình để tổ chức ghi âm, ghi hình, dựng thành phim tư liệu đưa vào đĩa vi tính và viết lại các điệu múa cổ thành sách và cho xuất bản. Sau đó phát sóng trên đài truyền hình và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội như youtube, facebook để tiếp cận rộng rãi đến nhiều đối tượng khán giả.
Sau mỗi đợt tuyên truyền, quảng bá này, các cơ quan chức năng cũng cần tiến hành kiểm tra, đánh giá hiệu quả thu lại được sau mỗi đợt tuyên truyền để có hướng điều chỉnh cho phù hợp với thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của khán giả.
Biến việc lưu giữ và lan tỏa múa cổ thành nội dung quan trọng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá cho cán bộ và nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng và biến nó trở thành kho tài nguyên vô giá cho việc khai thác du lịch, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Trình UNESCO công nhận múa cổ Thăng Long Hà Nội là di sản văn hóa phi vật thể, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú”, “nghệ nhân nhân dân” cho các nghệ nhân múa cổ nhằm động viên và ghi nhận sự đóng góp của các nghệ nhân cho việc gìn giữ các nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Các cấp, các ngành có liên quan đến lĩnh vực văn hóa cần thường xuyên quán triệt về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, trong đó có văn hóa phi vật thể.
Có thể khẳng định, việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy các điệu múa cổ truyền Thăng Long – Hà Nội là một việc làm hết sức quan trọng nhằm gìn giữ các giá trị truyền thống mà cha ông đã để lại. Điều này không chỉ góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cộng đồng dân cư, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương mà còn có ý nghĩa tích cực đối với con người trong đời sống đương đại.
Để múa cổ Thăng Long không bị mai một, cần có sự lồng ghép, phối hợp, kết nối một cách đồng bộ với các giải pháp của các nhà quản lý văn hóa nhằm gìn giữ và phát huy một cách bền vững bản sắc văn hóa dân tộc. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội cùng các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu văn hóa đã giúp hồi sinh phần nào kho tàng múa cổ truyền Thăng Long. Phục dựng đã khó nhưng gìn giữ, phát huy giá trị di sản này trong cuộc sống đương đại cũng là chặng đường gian nan. Vì vậy, cần sự chung tay góp sức và vào cuộc của cả cộng đồng.
BTV Phương Lan – Theo:http://hoinghesimua.vn