Tháng 5 năm 1970 đoàn chúng tôi nhận lệnh hành quân bổ sung vào chiến trường Tây Nguyên. Tiểu đoàn hành quân theo tuyến đường sắt vào đến Vinh, lên ca nô ngược sông Gianh rồi được ô tô đưa vào đến Binh trạm 5 (T5). Phía trước, chiến tranh đã bắt đầu trong hiện hữu: Máy bay C130 thả pháo sáng với những loạt đạn 20 ly đỏ lừ phóng xuống mặt đất. Pháo phòng không của ta bắn lên, có tiếng phản lực ào qua, tiếng bom tọa độ vọng vào núi, hàng loạt bom bi nổ lụp bụp suốt đêm. Chúng tôi hành quân bộ trong ánh đèn dù vàng ệch và chợt nhận ra rằng: miền Bắc – hậu phương lớn đã ở rất xa và chúng tôi đã chính thức bước vào cuộc chiến.
Sau những ngày trèo đèo lội suối, những đỉnh núi cao ngất tưởng chừng như dẫn lên trời, ba lô của người phía trên chạm đỉnh đầu người leo bên dưới, qua được đỉnh núi này lại leo sang đỉnh núi khác. Trường Sơn trập trùng với những cánh rừng nguyên sinh hoang sơ tồn tại từ thời Đại trung sinh, Phấn trắng. Những hang động hiểm trở và khe suối sâu đến rợn tóc gáy.
Thế nhưng với bàn tay và ý chí của người lính đã vượt lên thiên nhiên khắc nghiệt, vượt qua bom đạn tàn phá của Mỹ tưởng chừng như san bằng tất cả.
Những cung đường mới mở, những chiếc cầu mây nối hai bờ vực sâu đưa những binh đoàn ra trận. Mặc cho pháo bầy và bom tọa độ, tiếng hát thanh niên xung phong vui mở đường vẫn cất lên đâu đó. Từng đoàn văn công xung kích đi dọc theo các binh trạm phục vụ bộ đội.
Chúng tôi đi qua ngày rồi sang đêm, vượt cao nguyên Bô-lô-ven, qua sông Sê San rồi Sê rê pốc. Người lính từng hành quân trên đường dây kinh nghiệm đã dạy cho họ rằng: Khi gặp một đoàn thương binh đi ngược chiều với họ là đã đi được nửa chặng đường từ binh trạm này đến binh trạm kia, còn một khi ngửi thấy mùi thôi thối là sắp đến bãi khách.
Đến binh trạm nào cũng được giao liên nhắc nhở về công tác an toàn khói lửa nơi đóng quân, đào công sự hầm hào cho đến giữ gìn vệ sinh bãi khách. Có binh trạm còn cho biết: Biệt kích mới đổ quân xuống phía bắc, hoặc phía nam binh trạm! Không ai được rời khỏi vị trí đóng quân, đi lấy củi hoặc khiêng nước giúp anh nuôi phải có từ ba người trở lên và đem theo súng để bảo vệ, cảnh giới.
Hôm ấy chúng tôi gặp một binh đoàn từ Quảng Nam đang hành quân về hậu cứ. Nhìn những người lính vừa mới từ mặt trận rút ra, nhiều đồng chí đầu và tay còn quấn băng trắng, gương mặt hốc hác nhưng rắn rỏi vẫn hành quân bám theo đơn vị. Có đồng chí đang lên cơn sốt rét rừng được đồng đội cáng còn run trên võng. Gặp một người tiểu đoàn trưởng cùng quê, anh sơ bộ cho chúng tôi biết cuộc sống trong chiến trường ác liệt và gian khổ như thế nào để chúng tôi chuẩn bị tư tưởng và sẵn sàng chiến đấu.
Đến binh trạm 73, chúng tôi nhận lệnh rẽ về mặt trận Tây Nguyên. Núi rừng ở đây đã có vẻ bằng phẳng hơn ngoài đường dây 559. Sau hai ngày hành quân, đến một dông đồi tương đối bằng phẳng, hai bên có những bụi sim và mua trổ hoa lốm đốm. Bên phải đường có 8 ngôi mộ liệt sỹ, họ tên quê quán liệt sỹ được ghi trên tấm bia bằng gỗ, xung quanh các ngôi mộ được rào chắn rất cẩn thận. Người giao liên cho tập trung cả tiểu đoàn nghỉ dọc theo con dốc, anh nói:
– Năm 1967 một tiểu đoàn tân binh vào chiến trường cũng như các đồng chí hôm nay hành quân vừa đến đây thì bị một đại đội biệt kích quân Đại Hàn phục kích. Bộ đội của ta được huấn luyện bài bản nhưng chưa qua thực tế chiến đấu khi bị phục kích bất ngờ là rất dễ bị động. Nhiều đồng chí súng không kịp lên đạn, có hoả lực trung liên, đại liên thì xạ thủ chính vác súng, xạ thủ phụ đeo đạn không phối thuộc được với nhau. Đội hình tan tác, mất sức chiến đấu, nhiều đồng chí có nguy cơ bị địch bắt sống. Đúng lúc ấy – Hồ Minh Nhật – Người tiểu đoàn trưởng tân binh tổ chức lực lượng còn lại phản kích, anh tuốt lê cùng đồng đội đánh giáp lá cà với địch cho bộ đội ta củng cố đội hình.
Anh hy sinh cùng những đồng đội của mình giữa một vùng rừng hoang sơ với những bụi sim và mua trổ đầy hoa tím. Bộ Tư lệnh mặt trận B3 đã đặt tên cho đỉnh núi huyền thoại này là dốc Hồ Minh Nhật.
Chúng tôi chạy vào trong rừng, mỗi người hái một ôm hoa phủ lên ngôi mộ của các liệt sỹ, kính cẩn nghiêng mình, lòng đầy kính trọng và tiếc nối.
Từ đấy chúng tôi không còn chủ quan nữa, súng đã lên nòng sẵn sàng chiến đấu, không ai tạt ngang tạt ngửa, đội hình bám sát nhau hành quân đến vị trí tập kết thuộc vùng Chư Hinh huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum, bàn giao quân số cho mặt trận đầy đủ 100%.
Hôm nay dốc Hồ Minh Nhật có còn trong hiện hữu hay chỉ là ký ức của những người lính như chúng tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết người anh hùng ấy quê ở đâu, thân thế và sự hy sinh cao cả của Hồ Minh Nhật có còn ai nhắc đến tên anh hay không?.
HOÀNG KIM HẬU