Thời kỳ rực rỡ và sôi động của những năm 1789 – 1793 qua đi; sau cuộc chính biến 9 Técneido rồi giai đoạn Tổng tài, Đế chế,… giai cấp tư sản Pháp đã phần nào lộ rõ bộ mặt thực dị dạng, nhơ bẩn của nó. Phản ứng của các tầng lớp trong xã hội đối với sự phản bội lại những lời hứa hẹn “tự do, bình đẳng, bác ái” tốt đẹp mà giai cấp tư sản đã một thời mê hoặc quần chúng trước đây bắt đầu nở và lan nhanh trong xã hội. Trên văn đàn, một dòng văn học mới ra đời theo khuynh hướng lãng mạn mà sau này, như Marx đã khẳng định, chủ nghĩa lãng mạn chính là “sự phủ nhận đầu tiên đối với xã hội tư sản”. Tác phẩm “Những người khốn khổ” – bộ tiểu thuyết đồ sộ của Victor Hugo – được xuất bản năm 1862. Ngay từ khi mới ra đời, nó đã được đông đảo quần chúng độc giả chú ý vì sự hoành tráng và bề thế; vì tính chất triết lý và nội dung phong phú của nó. “Những người khốn khổ” là tiểu thuyết luận đề mang nội dung nhân đạo và cảm hứng anh hùng ca, được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ XIX.
Lần đầu tiên, những con người bần cùng, “lọ lem”, ở dưới đáy của xã hội được đưa vào tác phẩm và được miêu tả đã xuất hiện không phải chỉ với cuộc sống nặng nhọc mà cả với vẻ đẹp bên trong và bên ngoài mà họ vốn có: Giăng Vangiăng với tấm lòng rộng lớn bao la, Êpônin với tình yêu nồng đậm và cao cả, Phăngtin với dáng hình tuyệt vời và tình mẫu tử thắm thiết… Thế nhưng, những đóa hoa ấy đã bị những Giave, Tênácđiê, Tôlômiét, Bamataboa… đại diện cho xã hội tư sản vùi dập không thương tiếc. Sự bất công đó đã đặt ra một vấn đề: Xã hội ấy cần phải cải tạo và thay đổi. Và Victor Hugo đã cố tìm – thể hiện qua tác phẩm – một con đường để cải tạo nó.
Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Giăng Vangiăng cùng cuộc đời thăng trầm của mình đã “phát ngôn” cho một lối giải thoát xã hội thứ nhất của Hugo. Lòng rộng lượng của Giám mục Marien, lòng thiện tuyệt đối của Giăng Vangiăng chính là ước mơ cải tạo xã hội bằng tình thương đơn độc, bằng con đường từ trên xuống – “không chuyên chế mà cũng chẳng đổ máu” – bằng “con đường dốc từ từ thoai thoải”. Xưởng máy của ông Mađơlen với cuộc sống hòa thuận, làm giàu cho mình đồng thời cho cả vùng là một hình ảnh lý tưởng của tác giả. Hugo cũng hi vọng rằng sức cảm hóa của Marien, sự tha thứ và việc “bắn đâu trúng đấy nhưng không giết chết một ai” của Giăng Vangiăng có thể cải tà quy chính những con người đã bị tha hóa trong cái xã hội hằng ngày, hằng giờ vẫn đang tiếp tục làm tha hóa con người. Tư tưởng đó, lòng mong muốn cải tạo xã hội theo kiểu ấy chính là chịu ảnh hưởng của Triết học Ánh sáng và một phần chịu tác động của “Giấc mơ đảo Icari” của lý luận về chủ nghĩa xã hội theo kiểu Henri de Saint Simon, Robert Owen, Charles Fourier mà sau này chính Marx và Engels đã phê phán tính không tưởng của nó.
Do tiếp xúc hiện thực cuộc sống với những quy luật của nó đã rọi chiếu vào tư tưởng nhà văn cho nên trong tác phẩm, phần nào Hugo cũng thấy được tính bất lực của giải pháp này. Những việc làm lẻ loi của những ông Thiện trong tác phẩm để phục vụ việc biểu hiện lý tưởng của tác giả đối với xã hội tư sản, “bãi sa mạc của chủ nghĩa cá nhân” (Stendhal) thường cô độc và xa lạ, chính vì thế nên nó chỉ gặt hái được những kết quả nhỏ nhoi của những vụ mùa tàn lụi. Vừa nghe những bài thuyết giáo và hành động cao thượng của Marien xong nhưng Giăng Vangiăng vẫn dẫm chân lên đồng hào của bé Giécve và sự hối hận, cơn khóc nức nở giày vò của Giăng Vangiăng chỉ nổi lên khi những suy nghĩ, những tình cảm thực của con người trước khi ở tù của anh trở lại. Xưởng thuỷ tinh của ông Mađơlen chỉ là một ốc đảo chênh vênh giữa biển cả dữ dội của xã hội tư sản sẵn sàng bị phá huỷ. Trong cái “ốc đảo” đó, những lỗ hổng lớn vẫn dễ dàng thấy được: Một cô thợ đáng thương như Phăngtin lại bị xua đuổi, dẫn đến nghèo đói và cái chết hết sức bi thảm. Và chính xưởng máy ấy cũng chẳng tồn tại được lâu. Việc tặng túi tiền chỉ làm Môngpácnát tần ngần đôi chút; việc tha Giave chưa hẳn đã cải tạo được Giave vì cái chết bi thảm chỉ biểu hiện sự khủng hoảng cao độ về tư tưởng của hắn và “bản tường trình” chính là lời chứng minh cho sự bảo thủ của tư tưởng ấy.
Giải pháp đầu tiên là cải tạo xã hội bằng tình thương của Hugo nêu ra đã biểu lộ tính không tưởng của nó bởi vì nó có một cơ sở thực tế là giai cấp tư sản đã “nhuốm đầy bùn máu” ngay từ khi mới ra đời, không khi nào chịu nhường quyền lợi bóc lột nhân dân lao động một cách dễ dàng thoải mái; nó chỉ ngày càng tàn bạo, xấu xa đi, và sau này, Balzac sẽ chứng minh điều đó trong các tác phẩm hiện thực nổi tiếng của ông. Nhưng dù sao trong xã hội đói tình thương, xã hội mà tất cả tình bè bạn, cha con, chồng vợ bị nhấn “chìm trong dòng nước băng giá của những tính toán vị kỷ” ấy, tình thương vẫn là nguồn an ủi và hình tượng Giăng Vangiăng vẫn hé lên tia sáng lạc quan trong lòng người đọc.
Một giải pháp nữa được tác giả thể hiện trong tác phẩm và được miêu tả qua hình tượng Ănggiônrát và bản anh hùng ca phố Xanhđơni: giải pháp cải tạo xã hội bằng bạo lực. Dưới ngòi bút của tác giả, hình tượng Ănggiônrát và các “Phó tướng” của anh, hình tượng Gavơrốt đã chiếm được cảm tình của độc giả. Mọi người yêu quý Ănggiônrát không chỉ vì anh có vẻ đẹp bên ngoài, vóc “vẻ mặt nữ đồng trinh” mà vì cả tên “cô nhân tình” của anh là Tổ quốc; không chỉ vì anh dũng cảm trong chiến đấu mà còn vì vẻ lộng lẫy, uy nghi của anh khi xử lý Lacbuyt. Qua hình ảnh Ănggiônrát, người ta tưởng như được gặp lại Xanhguýt, Rôbexpie thuở trước. Do hiện thực cuộc sống mang lại, do tiếp xúc với cách mạng 1848 cho nên mặc dù Hugo không thích bạo lực, lối thoát này cho xã hội vẫn được nêu lên: “Dùng gươm đâm vào sườn Tổ quốc hôm nay” để ngày mai đất nước nở hoa kết trái. Dù dùng tác phẩm để phát biểu cho lý tưởng chủ quan nhưng do tác dụng của thực tại nên hình như giải pháp này trong tác phẩm vẫn được mặc nhiên công nhận. Để thi hành, để thực hiện lòng tốt tuyệt đối, Giăng Vangiăng vẫn phải cần một mẩu sắt trong tay. Ănggiônrát dù dựa lưng vào bức tường, đầu nghiêng một bên, những viên đạn đóng đinh trước ngực, nhưng hình ảnh về cái chết của anh là một hình ảnh uy nghi, lộng lẫy, còn in đậm một dấu ấn hào hùng, quả cảm trong lòng người đọc. Cái chết của Gavơrốt nhẹ nhàng, đẹp đẽ và khúc hát của chú: “Ta ngã trên hè/ Bởi cụ Vonte/ Vì bác Giăng Giắc” còn âm vang mãi trong lòng mọi người và còn là âm hưởng đẹp đẽ của toàn tác phẩm. Và đặc biệt, trên chiến luỹ còn có tiếng nói của người công nhân.
Tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của Victor Hugo là một tác phẩm đồ sộ. Nó đồ sộ không chỉ về chất liệu cuộc sống được đưa vào trong đó mà còn về chất lượng nghệ thuật, lý tưởng, ước nguyện chủ quan của tác giả trước những vấn đề lớn của thời đại. Hai giải pháp cải tạo xã hội mà Hugo nêu lên, mặc dù dưới ánh sáng của chủ nghĩa Marx-Lenin ngày nay, chúng ta thấy nó vẫn còn những điểm ngây thơ, thiếu sót; nhưng ngay trong tác phẩm, những chi tiết mang tính hiện thực vẫn cho ta thấy mặt yếu, mặt mạnh của nó. Nhất là trong hoàn cảnh xã hội còn đen tối thời đó, những giải pháp, sự lo lắng, mơ ước cao cả của nhà văn đã thể hiện được tính chất tiến bộ, đáng được trân trọng.
BÙI THẾ ĐỨC