Timothy Shay Arthur (6/6/1809 – 6/3/1885): Nhà văn nổi tiếng người Mỹ thế kỷ 19, ông được ca ngợi nhiều nhất với tiểu thuyết về vấn đề kiêng rượu, “Mười đêm trong phòng bar và những gì tôi thấy ở đó” (1854), cuốn tiểu thuyết của ông, đả kích rượu và tệ nạn tiêu thụ rượu quá mức, tác phẩm này đã gây ảnh hưởng lớn đối với công chúng Mỹ và thúc đẩy phong trào điều độ trong tiêu dùng các đồ uống có cồn tiến xa hơn. Ông đã viết một số lượng lớn truyện ngắn, được in trên Tạp chí Godey’s Lady’s Book – tạp chí thời kỳ trước chiến tranh nổi tiếng nhất ở Mỹ. Những câu chuyện và tiểu thuyết phong phú của ông đã thúc đẩy các giá trị, niềm tin và thói quen lành mạnh của tầng lớp trung lưu lịch sự.
Truyện ngắn “Một thiên thần cải trang” (1851) được giới thiệu trong tuyển tập truyện của Timothy Shay Arthur “Đàng sau cái bóng và những truyện ngắn khác”.
Cái chết khiến cho nhân gian phải cảm động. Người phụ nữ này đã bị gần như mọi đàn ông, phụ nữ và trẻ em trong làng coi thường, chế giễu và lên án một cách giận dữ; nhưng bây giờ, khi sự thật về cái chết của cô ấy được truyền từ miệng người này sang miệng người khác với giọng điệu nhẹ nhàng, sự thương hại đã thay thế cho sự tức giận và nỗi buồn đã thay thế cho sự thóa mạ. Những người hàng xóm vội vã chạy đến túp lều lụp xụp cũ kỹ, cái nơi mà bà chủ đã cố xoay sở làm thành một nơi trú ẩn khỏi cái nóng mùa hè và cái lạnh mùa đông: một số người mang quần áo liệm để chôn cất thân xác người quá cố cho tử tế; còn số người khác mang thức ăn cho những đứa trẻ sắp chết đói, người quá cố có ba con. Trong ba con thì John là đứa lớn, mười hai tuổi, một cậu con trai cứng cáp, có thể kiếm sống bằng bất kỳ công việc nhà nông nào. Còn Kate có độ tuổi khoảng từ mười đến mười một, là một cô gái sáng ý, năng động, có thể trở thành một con người thông minh nếu được chăm sóc tốt; nhưng cô bé tội nghiệp Maggie, em út, đã bị chứng bệnh vô vọng. Hai năm trước, một cú ngã từ cửa sổ đã khiến cô bé bị chấn thương ở cột sống, và kể từ đó cô bé không thể rời khỏi giường, trừ khi được bế trong vòng tay của mẹ.
“Phải làm gì với lũ trẻ đây?”. Đó là câu hỏi chính yếu lúc bây giờ. Người mẹ chết sẽ được đào sâu chôn chặt trong lòng đất, và vĩnh viễn nằm ngoài mọi sự chăm sóc hay quan tâm của dân làng. Nhưng không được để bọn trẻ chết đói. Sau khi cân nhắc vấn đề và bàn bạc với vợ, người nông dân Jones nói rằng ông sẽ đón John và chăm nom tốt cho cậu, vì giờ đây mẹ cậu ấy đã là người thiên cổ; còn bà Ellis, người đang tìm kiếm một cô gái về làm công trong nhà, kết luận rằng việc chọn Katy cho thấy bà là người nhân từ, mặc dù cô ấy còn quá nhỏ để có thể sai bảo được nhiều trong vài năm.
“Tôi biết tôi có thể có cách làm tốt hơn nhiều”, bà Ellis nói; “nhưng dường như không ai có ý định nhận con bé ấy, cho nên tôi phải hành động theo ý thức về bổn phận dù biết sẽ gặp rắc rối với đứa trẻ; vì con bé là một thiếu niên vô kỷ luật – quen làm theo cách riêng của mình”.
Nhưng chẳng có ai nói “Tôi sẽ đón Maggie” cả. Những cái nhìn thương hại đổ dồn lên thân hình ốm yếu, xanh xao của cô bé và những suy nghĩ thì rối bời về thân phận cháu. Các bà mẹ mang các bộ quần áo cũ đến, và sau khi cởi bỏ quần áo bẩn và rách rưới của cô bé, họ mặc cho em bộ quần áo sạch sẽ. Đôi mắt đượm buồn và khuôn mặt kiên nhẫn của em nhỏ đã khiến nhiều trái tim xúc động, thậm chí còn khiến những con tim ấy muốn tiếp nhận em nữa. Nhưng không có trái tim nào mở ra để đón em vào. Ai lại muốn đón một đứa trẻ nằm liệt giường cơ chứ?
“Đưa nó đến nhà tế bần đi”, một người đàn ông thô bạo đáp sau khi nghe câu hỏi “Phải làm gì với con bé Maggie bây giờ?”. “Sẽ không ai làm phiền con bé ấy đâu”.
“Nhà tế bần là nơi đáng buồn cho một đứa trẻ ốm yếu và không nơi nương tựa đấy”, có một người trả lời.
“Đấy là đối với con của ông hay con của tôi”, người kia nhẹ giọng nói; “nhưng đối với con bé này thì đó sẽ là một sự thay đổi may mắn, nó sẽ được chăm sóc sạch sẽ, có thức ăn lành mạnh và được chữa trị, điều này còn hơn cả những gì có thể nói về tình trạng trước đây của nó đấy”.
Trong lời nói như thế cũng có phần hợp lý, nhưng lý do như thế vẫn gây lấn cấn cho người ta. Người ta đem chôn cất người phụ nữ ấy ngay hôm sau ngày cô ta chết. Một vài người hàng xóm có mặt tại căn nhà lụp xụp khốn khổ, nhưng không ai đi theo chiếc xe chở xác chết khi nó mang cái thân xác chẳng được ai quan tâm, tôn kính đến ngôi mộ tồi tàn của nó. Sau khi quan tài được đưa ra ngoài rồi, ông nông dân Jones đặt cậu bé John vào xe ngựa của mình và lên đường, ông lấy làm hài lòng vì mình đã hoàn thành phần công việc của mình. Còn bà Ellis nói với Kate với vẻ vội vàng, “Chào tạm biệt em gái của con đi”, đoạn kéo những đứa trẻ đang rưng rưng nước mắt ra xa nhau khi môi chúng vừa chạm vào nhau trong một lời từ biệt nức nở. Những người khác vội vàng đi ra ngoài, một số người liếc nhìn Maggie, và một số kiên quyết không nhìn cho đến khi tất cả đều rời đi. Con bé còn lại có một mình! Vừa qua khỏi ngưỡng cửa thì anh thợ sửa bánh xe Joe Thompson dừng lại và nói với vợ người thợ rèn khi đó đang vội vã ra về cùng những người còn lại.
“Thật là tàn nhẫn khi bỏ mặc con bé như vậy”.
“Vậy thì hãy đưa con bé đến trại tế bần: dẫu sao thì nó sẽ phải đến đó thôi”, vợ người thợ rèn trả lời, vụt chạy đi và để lại Joe ở trong nhà.
Người đàn ông đứng đó một lúc với vẻ bối rối; sau đó anh quay lại, và đi vào túp lều một lần nữa. Dù đau đớn nhưng Maggie đã cố nhỏm dậy và đang ngồi trên giường, căng mắt nhìn cánh cửa mà tất cả người ta vừa rời khỏi. Một nỗi kinh hoàng mơ hồ hiện lên trên khuôn mặt gầy guộc trắng bệch của cô bé.
“Ôi, ông Thompson ơi!” cô bé vừa hét lên vừa lấy lại hơi thở đang nghẹt lại, “đừng bỏ cháu ở đây một mình!”.
Mặc dù có vẻ ngoài thô kệch, nhưng Joe Thompson, người thợ sửa bánh xe, có một trái tim nhân hậu, và đôi khi trái tim ấy rất dịu dàng. Anh thích trẻ con, và rất vui khi được mời chúng đến cửa hàng của anh ấy, nơi những chiếc xe trượt tuyết và xe ngựa được làm hoặc sửa chữa cho những đứa trẻ trong làng mà không hề đòi hỏi những đồng sáu xu mà chúng dành dụm được.
“Không đâu, cháu yêu à”, anh trả lời bằng một giọng ân cần, rồi đi đến bên giường và cúi xuống với đứa trẻ, “Cháu sẽ không bị bỏ lại đây một mình đâu”. Sau đó, với sự dịu dàng gần như của một người phụ nữ, anh quấn cô bé trong tấm ga trải giường sạch sẽ mà một người hàng xóm nào đó đã mang đến; và nâng cô bé lên trong vòng tay mạnh mẽ của anh, rồi anh bế cô bé đi băng qua cánh đồng nằm giữa ngôi nhà lụp xụp và ngôi nhà của anh.
Vợ của Joe Thompson, người vốn không có con, không phải là một phụ nữ có tính khí thánh thiện, cũng không phải là người sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của người khác, cho nên Joe có cơ sở để nghi ngờ về cách chào đón mà anh ấy sẽ nhận được khi đến nhà. Cô Thompson nhìn thấy anh khi tiến lại từ phía cửa sổ, thế là với vẻ cự nự, cô đón chồng cách cửa vài bước vào lúc anh mở cổng vườn và bước vào. Anh mang một thứ quý giá, mà chính anh cảm thấy như vậy. Khi cánh tay anh ôm đứa trẻ ốm yếu vào ngực, một cảm giác dịu dàng tỏa ra từ cô bé và thấm vào cảm xúc của anh. Một mối ràng buộc đã tự thắt chặt xung quanh cả hai người, và niềm yêu thương đang nảy nở thành lẽ sống.
“Anh có gì ở đó thế?” cô Thompson gay gắt hỏi.
Joe cảm thấy đứa trẻ giật mình và thu mình lại. Anh không trả lời, trừ mỗi một cái nhìn cầu xin và thận trọng dường như muốn nói “Chờ một chút để được giải thích, và hãy nhẹ nhàng thôi em”; rồi anh đi vào, bế Maggie lên căn phòng nhỏ ở tầng trệt, đặt cô bé lên giường. Sau đó, anh lùi lại, đóng cửa và đứng đối mặt với người vợ nóng tính như dấm của mình ở hành lang bên ngoài.
“Anh chưa mang đứa nhóc ốm yếu đó về nhà đấy chứ!”. Sự giận dữ và kinh ngạc hiện rõ trong giọng nói của cô Joe Thompson; khuôn mặt của cô ấy bừng bừng phẫn khích.
“Anh nghĩ trái tim của phụ nữ đôi khi rất cứng rắn”, Joe nói. Thường thì Joe Thompson sẽ tránh xa vợ mình, hoặc giữ im lặng một cách khiên cưỡng và không gây gổ khi cô ấy bắt đầu nổi nóng; do đó, thật ngạc nhiên khi giờ đây cô bắt gặp một vẻ mặt kiên quyết và một đôi mắt lộ vẻ mạnh mẽ nơi chồng mình.
“Trái tim phụ nữ không cứng bằng một nửa trái tim đàn ông đâu!”
Bằng trực giác mau chóng mà Joe nhận ngay ra rằng thái độ kiên quyết của anh đã gây ấn tượng với vợ mình, và anh trả lời rất mau với sự phẫn nộ thực sự, “Dù thế nào đi nữa, tất cả đám đàn bà tại đám tang cũng đều nhanh nhảu không muốn nhìn khuôn mặt của đứa trẻ ốm yếu, và khi chiếc xe chở người mẹ đã khuất của cháu bé ấy đã đi rồi thì họ liền vội vã bỏ về, để lại cháu một mình cô quạnh, buồn thấu và chẳng thể làm gì trong túp lều cũ kỹ đó”.
“Thế hai đứa bé John và Kate đã đi đâu rồi?”- cô Thompson hỏi.
“Chủ ruộng Jones đưa John lên xe ngựa của mình và chở đi. Còn Kate về nhà với bà Ellis; nhưng không ai muốn nhận đứa trẻ bệnh tật tội nghiệp ấy. “Đưa con bé đến nhà tế bần”, ai cũng bảo thế”.
“Vậy tại sao lúc ấy anh không để con bé đi. Anh lại mang nó về đây làm gì?”
“Con bé không thể đi bộ đến nhà tế bần được”, Joe đáp: “Cần có cánh tay của ai đó đưa cháu đi, mà cánh tay của anh đủ sức cho công việc ấy”.
“Vậy tại sao anh không tiếp tục? Tại sao anh dừng lại ở đây?” – Người vợ hỏi.
“Bởi vì anh không mong làm những công việc uổng công vô ích đâu (*). Trước tiên, phải gặp các Giám hộ và xin giấy phép”.
Đây là một việc làm bắt buộc, không được cưỡng chống.
“Khi nào anh sẽ gặp các Giám hộ?” – câu hỏi được nêu ra với sự nóng ruột không thể kìm nén.
“Ngày mai”.
“Tại sao lại trì hoãn đến ngày mai? Anh phải đi xin giấy phép ngay lập tức và giải quyết mọi việc trong đêm nay”.
“Jane à”, người thợ đóng bánh xe nói với một giọng rất ấn tượng khiến người vợ phải chịu lắng nghe, “Đôi khi anh đọc trong Kinh thánh, và thấy nhiều điều nói về trẻ nhỏ. Đấng Cứu Rỗi đã quở trách các môn đồ không tiếp nhận các trẻ nhỏ; người ôm chúng vào lòng và ban phước cho chúng, rồi người nói rằng “bất cứ ai cho trẻ dù chỉ một cốc nước lạnh cũng sẽ cần được đền đáp xứng đáng”. Bây giờ, đối với chúng ta, việc giữ đứa trẻ mồ côi tội nghiệp này trong một đêm, tử tế với nó trong một đêm, làm cho cuộc sống của nó thoải mái trong một đêm, là một việc nhỏ đối với chúng ta”.
Giọng nói của người đàn ông mạnh mẽ, thô ráp run run, anh quay đầu đi, để vợ không nhìn thấy nước mắt trào ra từ mắt mình. Cô Thompson không trả lời, nhưng một cảm giác êm ái, mềm mại len lỏi trong tim cô.
“Hãy nhìn cô bé ấy một cách dịu dàng, tử tế đi, Jane à; hãy nói chuyện với cô bé ấy một cách phải đạo nhé”. Joe nói. “Hãy nghĩ đến người mẹ đã khuất của cô bé, và sự cô đơn, nỗi đau, nỗi buồn sẽ đeo bám cô bé trong suốt phần đời sắp tới”. Sự mềm mại, hiền hòa của trái tim đã mang lại tài hùng biện lạ thường cho đôi môi anh.
Cô Thompson không trả lời, nhưng nhanh chóng quay về phía căn phòng nhỏ nơi chồng cô đã đặt Maggie; đoạn cô đẩy cửa, lặng lẽ bước vào. Joe không đi theo; anh đã thấy tâm trạng của cô đã thay đổi, và cảm thấy tốt nhất là nên để cô một mình với đứa trẻ. Vì vậy, anh đến cửa hàng của mình vốn ở gần nhà, và làm việc cho đến khi trời tối mịt mới ngừng tay. Ánh sáng chiếu qua những ô cửa sổ nhỏ của căn phòng là đối tượng đầu tiên thu hút sự chú ý của Joe khi quay về nhà: đó là một điềm tốt. Con đường dẫn anh đến những ô cửa sổ này và đến khi đứng đối diện, anh không thể không dừng lại để nhìn vào. Bên ngoài lúc này đã đủ tối để không ai có thể quan sát thấy anh được. Maggie nằm, mình hơi kê cao trên chiếc gối với ánh đèn chiếu rõ cả khuôn mặt cô bé. Cô Thompson đang ngồi bên giường nói chuyện với đứa trẻ; nhưng cô ấy quay lưng về phía cửa sổ nên không thể nhìn thấy diện mạo của cô ấy. Do đó, căn cứ theo khuôn mặt của Maggie mà Joe đọc được đặc điểm cuộc tiếp xúc của hai người. Anh thấy mắt cô bé nhìn chăm chăm vào vợ anh; thấy thỉnh thoảng một vài từ được cô bé nói ra, như thể là câu trả lời từ đôi môi của cô bé vậy; thấy vẻ mặt của cô bé ấy buồn và dịu dàng; nhưng anh không thấy điều gì là cay đắng hay đau đớn cả. Một hơi thở sâu kéo theo sau đó là một cảm giác nhẹ nhõm, như một gánh nặng tự nhấc ra khỏi trái tim anh.
Khi bước vào, Joe không đi ngay vào căn phòng nhỏ. Bước đi nặng nhọc của anh trong bếp khiến vợ anh hơi vội vã rời khỏi căn phòng nơi cô đã ngồi với Maggie. Joe nghĩ tốt nhất là không nên nhắc đến đứa trẻ, cũng như không bày tỏ bất kỳ mối quan tâm nào đối với cô bé ấy.
“Bao lâu nữa thì bữa tối sẽ xong hả em?”, anh hỏi.
“Sắp rồi anh”, cô Thompson trả lời, đoạn bắt đầu hối hả đi lại. Không có sự gay gắt nào trong giọng nói của cô.
Sau khi rửa tay và rửa mặt cho hết bụi đất của công việc, Joe rời bếp và đi vào phòng ngủ nhỏ. Một đôi mắt to sáng ngời ngước nhìn anh từ chiếc giường sạch tinh tươm như tuyết; cô bé nhìn anh thật dịu dàng, biết ơn, cầu xin. Tim anh rộn ràng biết bao! Trái tim đập nhanh hơn làm sao! Joe ngồi xuống, và bây giờ, lần đầu tiên, khi xem xét kỹ lưỡng thân hình gầy guộc dưới ánh đèn, anh thấy đó là một khuôn mặt hấp dẫn, đầy nét ngọt ngào trẻ thơ mà đau khổ không thể xóa nhòa.
“Tên cháu là Maggie phải không?” – anh cất tiếng khi ngồi xuống và nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn mềm mại của cô bé trong tay mình.
“Vâng, thưa chú”. – Giọng cô bé tạo nên một hợp âm rung lên trong một giai điệu trầm của âm nhạc.
“Cháu ốm lâu rồi phải không?”
“Vâng, thưa chú ạ”. – Thật là một sự kiên nhẫn ngọt ngào trong giọng điệu của cô bé!
“Thế bác sĩ đã đến khám bệnh cho cháu chưa?”
“Dạ, ông ấy đã từng đến ạ”.
“Thế gần đây ông ấy có tới không?
“Dạ, không, thưa chú”.
“Cháu có bị đau không?”.
“Thỉnh thoảng, nhưng không phải bây giờ ạ”.
“Vậy cháu bị đau khi nào?”.
“Sáng nay bên hông cháu đau, và lưng cháu đau lắm khi bác bế cháu”.
“Cháu có đau khi được bế lên hoặc di chuyển không?”.
“Dạ có, thưa chú ạ”.
“Hiện tại bên hông cháu có đau không?”.
“Không đâu chú ạ”.
“Cháu có thấy đau nhiều không?”
“Có, thưa chú ạ nhưng cháu không còn đau nhức nữa kể từ khi cháu nằm trên chiếc giường êm ái này”.
“Giường mềm khiến người ta có cảm giác thật dễ chịu đấy”.
“Ồ, vâng, thưa chú – thật tuyệt ạ!” – Giọng nói của cô bé để lộ rõ sự thỏa mãn pha lẫn với lòng biết ơn biết bao!
“Bữa tối đã sẵn sàng rồi nhé” – Cô Thompson nói, nhìn vào phòng một lúc sau đó.
Joe liếc nhìn từ mặt vợ sang mặt Maggie; cô hiểu anh, và trả lời.
“Con bé có thể đợi cho đến khi chúng ta ăn xong; sau đó em sẽ mang cho con bé thứ gì đó để ăn”. Cô Thompson đã cố gắng tỏ ra thờ ơ, nhưng chồng cô đã nhìn thấy cô lúc ban nãy qua cửa sổ và hiểu rằng thái độ lạnh lùng ấy là bề ngoài. Sau khi ngồi xuống bên bàn ăn, Joe chờ đợi để vợ anh giới thiệu chủ đề quan trọng nhất trong suy nghĩ của cả hai; nhưng cô ấy giữ im lặng về chủ đề đó suốt vài phút, và anh cũng giữ thái độ dè dặt tương tự. Cuối cùng cô nói, mà thật đột ngột.
“Anh định làm gì với đứa trẻ đó?”.
“Anh nghĩ em hiểu anh rằng cô bé sẽ đến nhà tế bần” – Joe trả lời, như thể anh ngạc nhiên về câu hỏi của cô ấy.
Cô Thompson nhìn chồng một cách khá lạ lùng trong giây lát, rồi cô cụp mắt xuống. Chủ đề này không còn được nhắc đến trong bữa ăn. Khi ăn xong, cô Thompson nướng một lát bánh mì và làm mềm nó với sữa và bơ; thêm vào đó một tách trà, cô đưa tất cả vào cho Maggie, rồi cô giữ chiếc khay nhỏ mà trên đó cô đã đặt đồ ăn, trong khi đứa trẻ đang đói ngấu liền ăn với vẻ thích thú lắm.
“Có ngon không con?” – Cô Thompson hỏi khi thấy thức ăn được cô bé ăn một cách ngon lành, thích thú.
Cô bé dừng lại, tay vẫn cầm chiếc cốc và trả lời với cặp mắt biết ơn, và chính điều như thế đã làm sống lại những cảm xúc xưa của con người vốn đã ngủ quên trong trái tim cô dễ suốt chục năm qua.
“Chúng ta sẽ để con bé ở đây một hoặc hai ngày nữa; con bé quá yếu và không thể tự lo liệu được gì”, vào lúc ăn sáng hôm sau cô Thompson đã nói vậy để đáp lời chồng cô bảo rằng anh phải đi và tìm hiểu xem những Người giám hộ người nghèo sẽ làm gì với Maggie bây giờ.
“Cô bé ấy sẽ làm phiền em rất nhiều đấy” – Joe nói.
“Trong một hay hai ngày thì chẳng hề hấn gì đâu. Tội nghiệp con bé!”.
Joe đã không gặp những Người giám hộ người nghèo vào ngày hôm đó, ngày hôm sau, cũng như ngày hôm sau nữa. Trên thực tế, anh hoàn toàn không hề đến gặp họ để bàn về số phận của Maggie, vì trong vòng chưa đầy một tuần, cô Joe Thompson đã sớm bỏ ý định đến ở nhà tế bần khi gửi Maggie tới đó.
Đứa trẻ ốm yếu và không nơi nương tựa ấy đã mang lại ánh sáng và ân phước biết bao cho ngôi nhà của Joe Thompson, người thợ sửa bánh xe đáng thương! Đã lâu rồi nơi căn nhà đó thật tối tăm, lạnh lẽo và khốn khổ chỉ vì vợ anh không có gì để yêu thương và chăm sóc ngoài bản thân mình, cho nên cô trở nên đau khổ, cáu kỉnh, xấu tính và tự làm khổ mình trong sự tủi hờn lẻ loi nơi bản chất đàn bà của mình. Giờ đây, sự ngọt ngào của đứa trẻ ốm yếu đó vốn luôn hướng về cô với tình yêu thương, sự kiên nhẫn và lòng biết ơn đã trở nên giống như mật ong đối với tâm hồn cô, và giờ đây cô đã mang con bé đó trong tim cũng như ẵm bé trong vòng tay của mình, một gánh nặng, giờ đã là bổn phận, quý giá. Đối với Joe Thompson, không có người đàn ông nào trong khu phố này hàng ngày được uống loại rượu của cuộc đời quý hơn thứ rượu đời của anh bây giờ. Một thiên thần đã vào nhà anh, cải trang thành một đứa trẻ ốm yếu, bất lực và khốn khổ, và lấp đầy tất cả các căn phòng buồn tẻ của căn nhà bằng ánh nắng của tình yêu.
Nguyễn Văn Chiến (dịch)
(*) Nghĩa đen câu thành ngữ này là: Bởi vì anh không thích làm những việc lặt vặt, nhỏ nhoi của những kẻ ngốc.