“Một thời hoa lửa” là một tập thơ gọn gàng, xinh xắn, gồm 55 bài thơ được sáng tác từ năm 1965 đến năm 2013. Khoảng thời gian 48 năm, hành trình thời gian gần nửa thế kỷ đã kết tinh nguồn cảm xúc chân thành nhất của anh Bộ đội Cụ Hồ “Một thời hoa lửa” – của một thầy giáo trên 30 năm gắn bó, tận tụy với nghề.
Tập thơ viết về đề tài chiến tranh, về một thời chống Mỹ, ở đó đậm đà, ấm áp tình cảm dành cho người mẹ hiền, cho đồng đội và lòng thành kính, biết ơn khi viết về Bác Hồ, về tướng Giáp, về những tướng tá dũng cảm, kiên cường đã từng cùng anh em, đồng đội đồng cam cộng khổ “Quân đội nhân dân ta/ Sống nghĩa tình cao quý/ Tướng tá và chiến sỹ/ Như phụ tử tình thân!” (Phụ tử tình thân).
Hòa cùng dòng người hăng hái ra mặt trận để bảo vệ Tổ quốc, có thanh niên Đoàn Hải Hưng lên đường, những ngày đầu xa gia đình, xa quê hương, niềm xúc động, sự lưu luyến dâng lên khôn tả. Nhưng bao trùm lên tất cả chính là niềm tự hào khi được đứng trong hàng ngũ những người con ưu tú, trong lực lượng xung kích, khoác áo lính, ra chiến trường “Ngày mười bốn con lên đường nhập ngũ/ Con trở thành người chiến sỹ nhân dân/ Chiến đấu vì Độc lập – Tự do và những mùa xuân/ Trên đất nước bốn nghìn năm lịch sử”.
Nếu chưa vào mặt trận thì cảm nhận và hình dung về Tổ quốc trong chiến tranh chỉ là trên lý thuyết. Khi thực sự thành người lính thì mới thấm thía “Con đã hiểu thế nào là Tổ quốc/ Mỗi dòng sông, mái trường, ngõ phố thân yêu/ Mỗi một người thân, mỗi buổi sớm chiều/ Nỗi nhớ – Tình yêu đong đầy bao kỷ niệm”.
Dù không hẹn, nhưng hình như cảm xúc trong lòng người đi xa, nhớ về nơi đã từng gắn bó của mỗi người đều giống như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng khái quát “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất hóa tâm hồn”.
Cách nói của Đoàn Hải Hưng cũng có điểm gặp gỡ với chân lý mà nhà thơ Chế Lan Viên đã khái quát. Trong cuộc sống này, có những điều tưởng như giản dị nhưng không dễ nhận ra, chỉ khi có hoàn cảnh thì cảm xúc mới bộc lộ, dù rằng, nguồn cảm xúc đó đã được ấp ủ từ rất lâu trong lòng…
Vào mặt trận, anh em bốn bể một nhà, gắn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, bữa ăn còn đạm bạc, gian khổ vẫn còn nhiều. Nhưng vượt lên hiện thực gian khó đó là lòng lạc quan, là niềm yêu đời, là nhuệ khí của một thời hào hùng “Tiếng hát át tiếng bom” “Những năm tháng gian lao song rất đỗi tự hào/ Điếu thuốc chia đôi, bát cơm sẻ nửa/ Rau cháo hàng tuần, đường dài vẫn mở/ Sau tiếng súng rền, tiếng hát vang ngân” (Kỉ niệm đẹp không bao giờ quên được).
Vào mặt trận, anh em đồng cam cộng khổ, bao gian khó cũng vượt qua. Việc nặng trở nên nhẹ nhàng hơn, khó khăn dường như được giảm nhẹ khi mỗi người biết sống có niềm tin, biết hướng tới tương lai, cùng kề vai sát cánh hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả nguồn cảm xúc này được kết tinh trong bài thơ Đêm hành quân “Đêm nay trăng sáng rực trời/ Đoàn quân tuổi trẻ mắt ngời niềm tin/ Đường dài, vai nặng đi lên/ Rộn ràng tiếng hát vang rền nhịp chân/ Đêm đêm, anh vẫn hành quân/ Đường ra mặt trận xích gần, vui sao”.
Đường ra mặt trận, ắt hẳn là con đường đầy hiểm nguy gian khó, vậy mà, qua thơ Đoàn Hải Hưng, thấy đoàn quân vẫn vui, vẫn rộn ràng ca hát. Ta nghe như đâu đây có âm vang lời thơ đã được phổ nhạc của nhà thơ Phạm Tiến Duật “Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây”.
Vào mặt trận, xa gia đình, những ngày không được về nhà ăn tết, chắc chắn trong lòng mỗi chiến sỹ sẽ dâng trào cảm xúc nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ quê hương bản quán. Nhưng, đọc thơ Đoàn Hải Hưng, thấy dường như không có nỗi buồn khi phải ăn Tết xa quê. Điều tưởng chừng như phi lý lại trở nên có lý bởi với mỗi người lính trong chiến tranh thì Tổ quốc là nhà, miền đất nào trên Tổ quốc thân yêu cũng là quê hương vậy “Tết này là Tết đầu tiên/ Sống trong Quân đội – Mẹ hiền của ta/ Núi rừng hoa nở-chim ca/ Đón người chiến sỹ từ xa mới về” (Tết Quảng Bình I).
Và Quảng Bình, nơi tác giả gắn bó, có nhiều kỷ niệm lại một lần nữa vào thơ “Năm nay ăn Tết xa nhà/ Sống trong Quân đội chan hòa tình thương/ Quảng Bình đã hóa quê hương/ Chúng con vui Tết trên đường hành quân” (Tết Quảng Bình II).
Như thế, đủ thấy Quảng Bình thực sự trở thành quê hương thứ hai của tác giả. Quảng Bình còn in đậm trong tâm trí tác giả, đó là khi tác giả bị ốm, được người dân Quảng Bình chăm sóc tận tình, chu đáo, dù trước đó chưa một lần gặp gỡ, thân quen.
Nhiều địa danh đã đi vào thơ Đoàn Hải Hưng, nhưng đậm nét hơn cả chính là cái tên Trường Sơn. Ngay trong nhan đề của các bài thơ đã có “ Vượt Trường Sơn”, “Tiếng hát trên đường Trường Sơn”, “Phác thảo chân dung hai vị tướng Trường Sơn”, “Gặp em trên dải Trường Sơn”, “Pháo binh Trường Sơn” và một số bài thơ khác nữa, tổng cộng 8 bài thơ trực tiếp gắn với hai tiếng Trường Sơn. Đó là chưa kể cái tên Trường Sơn được in trong nhiều bài thơ khác nữa. Trường Sơn một thời khói lửa, Trường Sơn một thời oanh liệt, Trường Sơn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến hào hùng chống Mỹ khi xưa, Trường Sơn đã đi vào thơ ca nhạc họa và vì lẽ ấy, Trường Sơn đi vào thơ của Đoàn Hải Hưng cũng như một lẽ rất tự nhiên, thường tình “Quân ta vượt dãy Trường Sơn/ Dốc cao vời vợi, đường trơn chạy dài/ Ba lô, súng đạn trĩu vai…” (Vượt Trường Sơn).
Như thế, đường Trường Sơn là con đường gian khó, đòi hỏi “Những đoàn quân nối tiếp nhau đi” phải kiên cường, phải có ý chí lớn và lòng quyết tâm cao độ. May mắn thay, tất cả những thanh niên Việt Nam tình nguyện đến chiến trường thì cũng tình nguyện vượt lên gian khó và phơi phới niềm tin vào ngày chiến thắng trở về “Chúng ta kiêu hãnh làm người/ Hy sinh, chiến đấu cho đời nở hoa/ Đường dài vang rộn tiếng ca/ Hẹn ngày chiến thắng quân ta trở về” (Vượt Trường Sơn).
Không thể không xúc động và tự hào trước cảnh tượng không chỉ đoàn quân vượt Trường Sơn tiếng hát át tiếng bom mà cả thương binh cũng hát, tiếng hát vang ra từ cáng thương binh “Tôi nhìn vào trong đó/ Một anh lính Trường Sơn tuổi khoảng hai mươi/ Một chân không còn nữa/ Vết thương còn đang cuốn bông băng”.
Bác Hồ từng nói “thương binh tàn nhưng không phế” quả không sai. Vượt lên trên đớn đau, tiếng hát của anh là lời của trái tim anh, là quyết tâm chiến thắng giặc thù, là sự giải đáp cho thắc mắc của không ít người trên thế giới rằng vì sao Việt Nam thắng Mỹ!
Bộ đội của ta, vào mặt trận, ngoài những giờ phút thực thi nhiệm vụ, đối diện với đạn bom là những phút giây của cảm xúc lãng mạn thăng hoa cùng vẻ đẹp của thiên nhiên và con người.
Tất cả cho thấy, như Tố Hữu nói “Ta hiểu vì sao ta chiến đấu” và “Ta hiểu vì ai ta hiến máu” cho nên các chiến sỹ của ta thật dũng cảm, ngoan cường.
Tập thơ của tác giả Đoàn Hải Hưng còn ghi lại những cảm xúc chân thành, tha thiết nhất về Lãnh tụ kính yêu. “Nhật ký viết trong những ngày Bác đi xa” là một bài thơ ghi lại cảm xúc đích thực, tựa như bút ký bằng thơ, nói về tâm trạng tác giả các ngày 2, 3, 4, 6 và 9/9/1969. Nếu Tố Hữu đã khái quát ngày Bác ra đi là ngày “Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa” thì khái quát đó hoàn toàn dễ hiểu khi ta được đọc thơ Đoàn Hải Hưng “Tin đau thương lớn nhất đời/ Bác ơi! Bác đã đi rồi… sáng qua/ Không! Không! Bác vẫn không xa/ Bác đang bắt nhịp bài ca kết đoàn”.
Bác ra đi là một tổn thất lớn lao không dễ gì bù đắp đối với toàn thể dân tộc Việt Nam. Nhưng nén đau thương, biến đau thương thành hành động cách mạng, trước lúc Bác ra đi, những gì Bác còn trăn trở, những gì chưa thực hiện được, cháu con nguyện sẽ tiếp bước Người “Lời Người dặn lúc ra đi/ Là tình, là nghĩa khắc ghi biển lòng…/ Lời Người là lệnh tiến công/ Lời Người – Lời của non sông rạng ngời…/ Chúng con xin hứa với Người/ Quyết tâm thực hiện những lời Người mong…”.
Và quả thực, Bác mong sum họp một nhà, mong đất nước Độc lập, Tự do, ngày 30/4/1975 lời Người đã trở thành hiện thực.
Đất nước được hòa bình, nhưng hậu quả chiến tranh để lại quá nặng nề, không thể bù đắp được, đó là bao chiến sỹ đã ngã xuống. Dòng máu của họ tô thắm thêm lá cờ của Tổ quốc vinh quang nhưng vết thương lòng của bao nhiêu bà mẹ mất con, bao người vợ mất chồng, bao người con mất bố, đồng đội mất nhau mà thấy xót xa vô cùng. Bài thơ “Viếng đồng đội ở nghĩa trang Trường Sơn”, ngắn gọn, súc tích mà kết đọng bao ý tình vô cùng đằm thắm “Hơn 10.300 đồng đội an nghỉ ở đây/ Hơn 10.300 gia đình không còn đủ nữa/ Hơn 10.300 nén hương như những bông hoa lửa/ Hương ngát thơm, cháy đỏ suốt đêm ngày”.
Bên cạnh đó, còn nhiều bài thơ khác nữa, như “Đồng đội ơi” là một bài tiêu biểu, nhịp thơ như tiếng khóc, như tiếng nấc trước anh linh đồng đội, đồng đội xa rồi những kỉ niệm cũ lại ùa về, đớn đau, da diết “Những đồng đội của tôi ơi!/ Công, Hân, Chính, Phú, Khương, Đôi… đâu rồi?/ Những ngày lửa đạn bom rơi/ Tấc gang sống – chết chẳng rời xa nhau/ Những ngày thiếu gạo, thiếu rau/ Những cơn sốt rét quặn đau lòng người/ Chung chăn, điếu thuốc bẻ đôi/ Thư nhà cùng đọc, tiếng cười vang xa” (Đồng đội ơi).
Không thể điểm hết những vần thơ, bài thơ ngập tràn cảm xúc của tác giả Đoàn Hải Hưng, đôi nét sơ lược thôi để thấy tác giả đúng nghĩa là một người lính – một thầy giáo yêu gia đình, bè bạn đồng đội, yêu Tổ quốc.
Thơ của một cựu chiến binh Trường Sơn, như thế là thành công, là đáng trân trọng, dù đây đó còn một số câu chữ ảnh hưởng ít nhiều giọng điệu của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận… 55 bài thơ của tác giả là 55 bông hoa, góp thêm hương sắc cho vườn hoa thơ ca đất Tổ, góp thêm tiếng nói đáng trân trọng về một thời không thể nào quên!
ĐỖ NGUYÊN THƯƠNG