Mỗi cuốn sách cũng giống như con người, đều có cuộc đời và số phận riêng. Có cuốn sách đọc rồi quên ngay. Lại có những cuốn sách đọc xong để lại trong lòng người nhiều ấn tượng và dư vị. Các tập “Hoa của đất”, “Ta nhận vào ta phẩm chất của Người”, “Thơ từ cuộc sống” của tác giả Nguyễn Đình Xán là một ấn phẩm như thế.
Nhiều người trong chúng ta đều đã biết: “Thơ là tiếng nói của tâm trạng và cảm xúc”. Với 3 tập thơ và trên 100 bài thơ cũng là những nỗi niềm, cảm xúc của tác giả đã gửi gắm nỗi lòng mình. Lẽ thường khi con người ta đã vào cái tuổi “xưa nay hiếm” người ta hay nghĩ đã làm xong bổn phận, an nhàn, vui thú, điền viên, nhưng trái lại ở cái tuổi 75 của tác giả thì sức sống, sức sáng tạo trong lòng vẫn như dòng sông cuồn cuộn chảy. Mỗi thi phẩm như một bông hoa mà tác giả đã trân trọng hái trên hành trình cuộc sống. Tất cả tụ hội nên một bó hoa thơ đậm sắc màu và có cá tính riêng. Xuyên suốt 3 tập thơ là những cung bậc cảm xúc đa dạng của tác giả: Tình yêu tha thiết cảnh vật quê hương, đất nước; Lòng biết ơn vô hạn đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu; Những tấm gương của cán bộ, đảng viên học tập và làm theo đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước hết, người làm nghệ thuật nói chung và người làm thơ nói riêng, càng về sau càng khó. Bởi người đi trước đã làm, đã nói cả rồi, nhất lại là viết về Bác Hồ. Những nhà thơ lớn như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Viễn Phương đã viết về Bác rất thành công từ những thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước. Nhưng với tác giả Nguyễn Đình Xán, ông có kho tư liệu khá đầy đủ về Bác Hồ, lại mang lòng sùng kính và ái mộ của mình với vị lãnh tụ kính yêu, nên thơ ông viết về Bác chân thành, hồn nhiên, không cầu kỳ đánh bóng câu chữ. Ta hãy nghe tác giả nói về gia tài của Bác: “Gia tài của Người là nhân dân và Tổ quốc/ Là thời đại Hồ Chí Minh đất nước hóa rồng/ Nhân dân của Người đồng nghĩa với học hành, cơm ăn, áo mặc/ Tổ quốc của Người đồng nghĩa với Tự do – Độc lập”…
Những câu thơ mang tính khái quát rất cao, phải có sự chiêm nghiệm, phải có sự tìm tòi, nghiên cứu kỹ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác, tác giả mới có những câu thơ viết lên từ sự kính trọng đầy ý nghĩa như vậy. Những lời nói và việc làm của Bác dù nhỏ nhất, bình thường nhất nhưng chứa đựng tấm lòng thương dân – thương đồng bào khôn xiết vô cùng: “…Xong việc lớn, gặp cán bộ giúp việc, Người nói:/ Vẽ cho Bác xem sơ đồ Quảng trường Ba Đình – Hà Nội/ Người hỏi: “Nhân dân đứng ở đâu? Chính phủ đứng ở đâu?/ Khu vệ sinh của nhân dân bố trí ở chỗ nào?/ Nếu trời mưa, thời gian mít tinh thu ngắn lại/ Để đồng bào đỡ bị lạnh, đỡ ốm đau”… (Bác Hồ với ngày Tuyên ngôn độc lập).
Nhiều lúc tác giả làm thơ mà như thủ thỉ, tâm sự với chính mình. Đây có thể là một độc thoại nội tâm sâu xa và ước vọng: “…Đôi dép của Người nhắc ta chân lý/ Giản dị làm nên giá trị con người” (Lời tự thuật của đôi dép cao su)
Và đây nữa, tác giả có niềm tin son sắt vào Chỉ thị 05 của Bộ Chịnh trị: “…Cứ theo việc Người làm, cứ theo lời Người dạy/ Đất nước mình người tốt nở như hoa” (Nghĩ về bút tích của Người)
Quả đúng như vậy! Ngòi bút của tác giả đi tìm những gương người tốt, việc tốt trong đời thường, trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Với cái nhìn biện chứng và công tâm, tác giả đã vẽ nên một chân dung ông Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc: “…Nghị quyết Mười đổi mới về “Tam nông”/ Là kết quả của tầm nhìn khoán hộ/ Lịch sử thật công bằng/ Tên ông thành tên trường, tên phố/ Tên ông thành niềm tin” (Ông Kim Ngọc)
Người xưa nói: “Võ nhân luyện kiếm, văn nhân luyện từ”. Với tác giả Nguyễn Đình Xán, ông rất coi trọng tứ, có tứ thì ra thơ, mục đích thơ của ông là truyền tải những cảm xúc, những bài học nhân sinh. Ông lấy việc sử dụng đăng tải trên các báo, tạp chí là thước đo về thơ của mình. Nhiều người làm thơ cũng có đồng quan điểm với tác giả. Ông là người nhạy bén về thời sự và cũng là một “tư liệu sống” về lịch sử, địa lý, văn hóa. Điều này nói ra không “ngoa” chút nào vì chúng tôi đã chứng kiến 3 tủ sách của ông với đủ loại sách Đông, Tây, kim cổ. Ông coi việc đọc sách, báo là cơm ăn, nước uống hàng ngày. Chúng tôi thường nói vui với ông: Chắc ông đang đi tìm “Trung thư hữu mỹ nhân”. Chẳng thế khi đọc báo thấy tấm gương doanh nhân Tạ Quyết Thắng đã bỏ ra trên 100 tỷ đồng để xây cầu cho nhân dân, tác giả viết: “…Ước mơ đêm ngày từ trái tim ông/ Xây một cây cầu cho dân qua sông/ Bằng trí tuệ và bàn tay lao động/ Kính tặng quê hương, thành phố Hải Phòng” (Cầu vì dân)
Trở lại với mảng đề tài viết về những người phụ nữ, nói như Đoàn Mạnh Phương “Tư duy trong sáng thì câu chữ gieo được niềm tin” vì thế bài thơ “Ở sông Thạch Hãn” tác giả được đăng báo văn nghệ: “Đêm, qua sông Thạch Hãn/ Mười đi, một trở về/ Đáy sông như lòng mẹ/ Ôm đàn con trăm quê”…
Câu thơ đọc lên như tiếng nấc, nghẹn ngào của hàng triệu bà mẹ Việt Nam, khi phải chứng kiến những ngày đánh Mỹ ở thành cổ Quảng Trị: “Đáy sông như lòng mẹ” một sự so sánh cháy đến tận cùng cảm xúc của người đọc.
Cũng vì chiến tranh mà người phụ nữ đã hy sinh bản thân mình để chấp nhận làm vợ một thương binh nặng: “…Anh như người giữa hai bờ sống chết/ Chị yêu thương anh bằng trái tim mình/ Anh vì nước, vì dân nên chị vì anh/ Bỏ qua chuyện thường tình “Nồi tròn úp vung méo” (Cô Tấm ngày nay)
Một câu chuyện mới nghe tưởng như là cổ tích, nhưng lại có thật 100%. Đây là những câu thơ ca ngợi vẻ đẹp bản thể của con người, những câu thơ đọc qua ta thấy nhẹ nhàng, thậm chí bình dị và quen thuộc, ý nghĩa chìm lặn, dễ làm người đọc không để tâm. Nhưng đọc rồi, lắng lại ta thấy thấp thoáng bóng thi nhân lặng lẽ gửi tâm tư vào cõi người: “…Có cụ bà Hà Nội/ Bốn mùa nuôi chim trời/ Chiều chiều tung nắm thóc/ Gọi chim về vui chơi”… (Người nuôi chim trời)
Có thể nói, thơ của tác giả Nguyễn Đình Xán là những câu thơ, bài thơ viết ra từ gan ruột mình. Chủ đề không ngoài tình yêu quê hương, đất nước, lòng kính yêu đối với Lãnh tụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng tri ân đối với những tấm gương hết lòng vì dân, vì nước, vì cộng đồng, vì con người… Nhưng cái lớn hơn cả, cái đáng quý hơn cả là hành trình thơ của tác giả là đi tìm cái thiện, đến với cái thiện, truyền bá cái thiện và đó cũng chính là hành trình đi đến tận cùng bản ngã của cõi người. Tần số rung cảm con tim của tác giả đã giao thoa được với tần số rung cảm con tim của cõi người. Nói khác đi thiện và hướng thiện là bản chất bất biến trong thơ.
Ở cái tuổi 75 như tác giả, tôi còn được biết sắp tới (cụ thể là đầu năm 2022), tác giả Nguyễn Đình Xán lại ra tiếp một tập thơ viết về Bác Hồ. Chúng ta cầu chúc cho ông dồi dào sức khỏe và đón đợi những tập thơ tiếp theo của ông.
Bùi Văn Phẩm