Tác giả Bùi Ngọc Quế đã xuất bản 2 tập truyện ký: “Khúc quân hành vang mãi… vang xa” (Nxb Hội Nhà văn, 2014) và “Người đánh thức đồi Nghê” (Nxb Hội Nhà văn, 2019). Tiếp theo là tập truyện ký “Bác Hồ về thăm Nam Tiến” (Nxb Hội Nhà văn, 2021) dày 475 trang. Tập truyện ký có nhiều tác phẩm đã in trên các sách, báo của Trung ương và địa phương.
Nổi bật trong tập truyện ký là hình tượng những người chiến sỹ cách mạng, trong chiến đấu kiên cường, bất khuất, trung thành với lý tưởng của Đảng, Bác Hồ, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, vì độc lập, tự do, trong đời thường luôn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đóng góp sức mình vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương giàu đẹp, phồn vinh. Điểm hẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là ngày 30/4/1975 tại thành phố Sài Gòn, trên đường hành quân, có biết bao người con ưu tú đã chiến đấu hy sinh để bảo vệ dân tộc, Tổ quốc, trong đó có tác giả Bùi Ngọc Quế. 20 tuổi, ông đã xung phong nhập ngũ, ông không những là một chiến sỹ trinh sát mưu trí, dũng cảm, mà ông còn có khát vọng cháy bỏng được học tập các nhà văn để viết về những điều mình đã chứng kiến trong cuộc chiến tranh vệ quốc cùng các đồng đội năm xưa. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong ký ức của tác giả – người lính trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu ở các chiến trường B2 Nam Bộ, biên giới Tây Nam, giúp bạn Campuchia và bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, kỷ niệm chiến trường vẫn tươi nguyên. Tác giả đã giúp người đọc nhớ lại câu chuyện Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Nam Tiến, Cao Mại, Lâm Thao, Phú Thọ ngày 19/8/1962. Những lời dạy của Bác đã được Đảng bộ và nhân dân Lâm Thao ghi nhớ, sáng tạo thực hiện có hiệu quả trong từng thời kỳ cách mạng. Độc giả hiểu thêm tài năng thao lược, quan điểm, lý tưởng đại đoàn kết toàn dân của Bác Hồ trong công cuộc chống Pháp xâm lược, giành chính quyền về tay nhân dân, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc Việt Nam. Trong công cuộc đổi mới, hội nhập toàn cầu, lý tưởng đại đoàn kết toàn dân của Bác vẫn luôn tỏa sáng trên đất nước ta. Nhớ tới Bác Hồ, tác giả nhớ tới bài thơ “Chúc Tết Xuân Kỷ Dậu” của Người (1969). Bài thơ cuối cùng của Bác đọc trên đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam đêm giao thừa. Điều đáng nói là, các chiến sỹ đang chiến đấu ở phía Tây thành Quảng Trị phải chứng kiến cảnh tang tóc, đau thương do giặc Mỹ gây ra cho quê hương, người thân, vừa căm thù quân xâm lược tàn ác. Trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, lời chúc Tết của Bác Hồ đã thắp sáng sức mạnh niềm tin cho họ. Các chiến sỹ thầm hứa sẽ làm theo lời dạy của Bác, quyết chiến thắng: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, sớm giành được độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước “Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn” (Nghe thơ Bác Hồ chúc Tết ở Trường Sơn). Tác giả viết về những người lính với tấm lòng thành kính, cảm phục vô hạn, Tác giả đã kể tỉ mỉ, chi tiết tinh thần chiến đấu, hy sinh của các chiến sỹ quân đội, công an, nông dân, dân quân du kích… Đặc biệt, tác giả viết về nhà đạo diễn và quay phim nổi tiếng Hồng Sến đã từng xông pha trên các chiến trường bom đạn ác liệt để quay được những thước phim chân thực, giá trị. Tác giả rất kính phục tình yêu nghề sâu nặng của nhà đạo diễn, quay phim Hồng Sến: “Bằng tinh thần quả cảm của người lính cầm súng xung trận đã cả gan đối đầu với thần chết để quay phim” (Nhớ anh Hồng Sến). Ông Hồng Sến thực sự là một nghệ sỹ tài hoa trên mặt trận văn hóa tư tưởng, một chiến sỹ dũng cảm, kiên cường trên chiến trường chống Mỹ, người đã có công đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam ngày càng phát triển, là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo trên con đường cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật chân chính, phục vụ cho Tổ quốc và nhân dân.
Bằng thủ pháp nghệ thuật tự sự, tái hiện quá khứ và hiện tại theo dòng chảy thời gian, tác giả đã đưa độc giả “gặp gỡ” các nhân vật của mình. Đất nước hòa bình, thống nhất, nhưng nhân dân còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Trong khi có những cán bộ, chiến sỹ đã từng chiến đấu, hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường để giành độc lập, tự do cho dân tộc, đã “đánh mất mình” thì chúng ta lại gặp những người cựu chiến binh trong những hoàn cảnh nghiệt ngã, éo le, thiếu thốn vẫn giữ vững phẩm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ” như nhân vật Quý (Trở lại chính mình). Tác giả ca ngợi những người nông dân, phụ nữ, người thợ thủ công, đồng chí Bí thư chi bộ, những doanh nhân thành đạt… Trong thời đại mới đã gắng sức vươn lên, vượt lên chính mình xây dựng quê hương, gia đình giàu đẹp.
Tập truyện ký “Bác Hồ về thăm Nam Tiến” chủ yếu được viết theo thể loại truyện ký. Người đọc hiểu thêm những sự thật về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến tranh biên giới, và những tấm gương “Người tốt việc tốt” trong công cuộc xây dựng, đổi mới quê hương. Tập truyện ngồn ngộn tư liệu, dù thời gian trôi qua hơn nửa thế kỷ nhưng tác giả vẫn nhớ như in ngày tháng năm, nhớ các đồng đội đã chiến đấu cùng mình, những chi tiết đắt giá trong các trận đánh sinh động như vừa xảy ra. Thế hệ tác giả có người chưa trực tiếp cầm súng chiến đấu, thế hệ sau nhiều người không biết chiến tranh là gì. Tập truyện ký của tác giả đã giúp cho người đọc nhận rõ hơn tội ác của kẻ thù và hiểu về những người chiến sỹ cách mạng tuổi đời 18, 20 đã sống, rèn luyện, tu dưỡng theo lý tưởng cách mạng cao cả của Đảng và Bác Hồ, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, thống nhất non sông. Tự sự là thế mạnh của tác giả nhưng đôi khi lại trở thành dàn trải, lan man, xơ cứng và nặng nề, thiếu những chuyện tình lãng mạn. Điều đó có thể chưa đáp ứng thị hiếu của một số độc giả thời nay, nhưng nhiệt huyết nóng hổi của tác giả – người chiến sỹ luôn bùng cháy trong từng câu chữ: Phản ánh một sự thật chính xác từng ngày giờ, con số, tên người, tên đất, tên làng,… để tri ân những đồng đội đã ngã xuống, những người bị thương còn sống sót trở về. Tác giả muốn cho bạn đọc nhất là thế hệ trẻ cùng hiểu, cùng nhớ, cùng suy ngẫm về lớp người trong chiến tranh và cái giá của độc lập, tự do, về lối sống và trách nhiệm của mình trong xã hội mới. Tác giả mong muốn họ giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tập truyện đã giúp cho người đọc hiểu vì sao quân và dân ta đã chiến thắng được những kẻ thù xâm lược. Tác giả Bùi Ngọc Quế đã làm theo thiên chức của người cầm bút “Văn học là nhân học”, người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Qua những lời tâm sự của tác giả Bùi Ngọc Quế, độc giả đã hiểu được ý tưởng viết văn của ông: không được phép viết sai sự thật. Nếu viết sai sự thật là vong ân, bội nghĩa, là có tội với lịch sử, đất nước và nhân dân. Tập truyện ký “Bác Hồ về thăm Nam Tiến” đã thể hiện tấm lòng và trách nhiệm của tác giả tiếp tục chiến đấu bằng ngòi bút cho những
(Xem tiếp trang 55)
lý tưởng cao cả, vì độc lập, tự do, vì phẩm giá con người. Tác phẩm của ông có sức lan tỏa trong xã hội. Nhờ các tác phẩm của ông đăng trên các báo chí Trung ương và địa phương, các cựu chiến binh đã tìm đến với nhau, người còn sống tìm được hài cốt của những người đã hy sinh, đưa đến nơi quy tập. Cũng nhờ những tác phẩm chân thật có giá trị như một kho tư liệu quý, đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Trung đoàn 88A đã được Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng với nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Đó là những nghĩa cử nhân văn cao đẹp, xúc động lòng người. Tôi rất ấn tượng với bài “Lời viếng các anh hùng liệt sỹ Trung đoàn E88A anh hùng” được tác giả đọc trực tiếp trong dịp khánh thành Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Trung đoàn 88A anh hùng tại ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An ngày 22/8/2020: “Máu các anh nhuộm đỏ danh hiệu Trung đoàn 88A anh hùng/ Cùng cả nước làm nên mùa Xuân đại thắng…/ Xin hương linh các anh hãy yên lòng/ Chúng tôi nguyện suốt đời/ Noi gương và học tập các anh/ Chiến đấu hy sinh vì dân, vì nước/ Đất Tháp Mười bát ngát/ Nước Tháp Mười mênh mông/ Dân Tháp Mười kiên trung/ Hương linh các anh đời đời bất tử!”…
Tập truyện ký “Bác Hồ về thăm Nam Tiến” của tác giả Bùi Ngọc Quế đã phác họa phần nào về những người lính trung đoàn 88A trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tác phẩm chân thật, chân tình, giản dị, nhiều khi không cần hư cấu, đã có sức lay động con tim của độc giả, nhất là các cựu chiến binh.
Vũ Thị Thanh Minh