Tôi cũng người làm thơ, nhưng thơ tôi mới dựng tạm được cái “chân” cái “thiện”. Nên khi gặp bài thơ chân, thiện lại đầy đặn “mỹ” tôi thường chú ý để học hỏi. Khi đọc bài thơ của nhà thơ Trần Hùng (một trong số ít những bài thơ tôi gặp), tôi thấy bức tranh sống động, đầy âm sắc, nuột nà, mềm trải đến mê lòng. Tôi đã bị thuyết phục, bị thao thức, khát khao cả những gì mà anh mơ ước, đó là:
Bóng trắng
Này cá trắng thắp nắng trên sông
Này kiến trắng miên man thềm đông
Này chữ trắng mê man bao mùa người
Chắp cánh như nào núi bay lên cao
Sáng lên như nào đèn dưới sông sâu
Cất lên như nào lời nâu trong đá
À cá trắng rêu rong nước trong
À kiến trắng cây hoang rêu phong
À chữ trắng gieo hoang đồng trăng
Lấm tấm ai mơ gài khuy áo.
T.H
“Bóng trắng”, bức tranh dệt bằng ngôn ngữ, khởi nguồn từ những câu hỏi khó. Nếu để thỏa mãn bằng những câu trả lời đúng thông thường là không thể và không tưởng:
1. Sáng lên như nào đèn dưới sông sâu
2. Chắp cánh như nào núi bay lên cao
3. Cất lên như nào lời nâu trong đá
Đối tượng mà câu hỏi nhằm vào, cũng để làm sâu sắc thêm cái huyền bí của thiên nhiên, đó là hiện tượng mà tác giả đang chiêm ngưỡng, đang rất ngỡ ngàng, đang bị thôi miên:
1. Này cá trắng thắp nắng trên sông
2. Này kiến trắng miên man thềm đông
3. Này chữ trắng mê man bao mùa người
“Đèn dưới sông sâu” (đèn ở đây là đèn dầu) thì làm sao thắp, nói chi để sáng lên? Núi bay bằng cách nào? Và “lời nâu trong đá” (lạ, đẹp) làm ta liên tưởng lời con người vang vọng vào vách núi, ghi tạc trong từng lớp đá úa màu thời gian) thì làm sao có thể cất lên?
Nhưng, với tâm hồn nhạy cảm, từng trải, tư duy phân tích liên tưởng cao, anh đã tự hóa giải một cách dễ dàng những câu hỏi khó, biến cái vô lý, không tưởng thành có lý, gần gũi bằng hình tượng nghệ thuật để cuối cùng đóng khung công bố việc thêu dệt bức tranh ấy một cách mạch lạc, logic và vững chắc:
1. À cá trắng rêu rong nước trong
2. À kiến trắng cây hoang rêu phong
3. À chữ trắng gieo hoang đồng trăng
“Cá trắng thắp nắng trên sông”:
Đó là sự phản xạ ánh sáng của cá dưới đáy sông, hình ảnh chỉ có thể xảy ra khi rất nhiều cá bơi lội tự do trong bình yên “rêu rong nước trong”.
“Kiến trắng miên man thềm đông”:
Bằng thủ pháp ẩn dụ, anh chỉ cái bóng trắng của sương mai phủ trên cỏ cây, núi rừng, đồng bãi trước thềm đông, như sự vận động của triệu triệu kiến trắng chào đời, nếu không có cây hoang rêu phong núi rừng, đồng bãi thì kiến trắng (sương mai) kia làm sao có thể miên man thềm đông và chỉ có sương mai mới có thể chắp cánh (bốc hơi) cho núi bay lên trời?
“Chữ trắng mê man bao mùa người”:
Đây là chữ viết trên bảng đen của các thầy cô giáo với bao thế hệ học trò (mùa người). “Lời nâu trong đá”, lời gieo vào, tạc vào trí não bao lớp trò yêu (“gieo hoang đồng trăng”), nhưng sự gặt như nào của mỗi mùa người được gieo trên đồng trăng ấy, chính là cái cách cất lên của lời nâu trong đá?
“Bóng trắng”:
Tiêu đề bài thơ, cũng là hình tượng thẩm mỹ xuyên suốt toàn bài, là chất liệu siêu hình quý hiếm, độc lạ được tác giả lựa chọn công phu, lại được điểm tô bằng giọng điệu nhấn nhá bởi những câu hỏi và trả lời như thực, như mơ. Từ bóng cá trắng, bóng sương trắng, bóng chữ trắng qua nhào nặn, dồn nén, chắt lọc tạo nên một bóng trắng hoàn mỹ trong mơ, như cái bóng trắng khỏa thân của người con gái Á đông được tạo hóa ban cho con người gieo hoang đồng trăng.
Chính cái bóng trắng lõa thể đẹp đến mê hồn mong manh dễ vỡ ấy đã thôi thúc tâm can tác giả không dám, không thể chạm vào dù là rất nhẹ.
Trong khoảnh khắc thất thần, anh không những thấu cảm nỗi khổ của Nguyễn Bính trong “Chân quê” về cái bóng trắng của áo gài khuy bấm mà cô bạn gái cùng làng mặc về khi ra tỉnh. Anh còn vượt qua nỗi dằn vặt lấm tấm mồ hôi bằng khao khát được mặc áo vào cho em, được bảo vệ giữ gìn cái ấm, cái tinh khiết, ngọc ngà của em giữa đồng trăng, nên mới có:
“Lấm tấm ai mơ gài khuy áo” !
Nguyễn Thế Yên