Tập truyện ký “Những người lính Trung đoàn họ đã chiến đấu như thế” của tác giả Hoàng Kim Hậu do Nhà xuất bản QĐND phát hành năm 2008 dầy 272 trang với 9 chương mô tả cuộc chiến chống Mỹ của những người lính Trung đoàn 66 ba lần anh hùng thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn III Tây Nguyên.
Trong tác phẩm của mình, ngay mở đầu Hoàng Kim Hậu đã đưa bạn đọc đến với “Những người lính Tây Nguyên” để thấy không khí nóng bỏng ở mặt trận Tây Nguyên với những chi tiết sống động, khẩn trương. Tại Hậu cứ Chư Hinh – Sa Thầy những người lính trẻ bắt đầu làm quen với không khí chiến trường. Với tình yêu thương đồng đội, họ đã vượt qua những cơn sốt rét rừng khủng khiếp “chân tay rã rời, rủn ra đi không vững”, vượt qua những ngày đói ăn với tiêu chuẩn mỗi bữa non một bát cơm.
Qua “Chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh” chúng ta được biết thêm các đơn vị của Trung đoàn 66 bắt đầu tham gia chiến dịch hợp đồng binh chủng. Ðường hành quân xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh cây cối ngút ngàn hàng trăm năm tuổi, cùng với những tiếng hú của bầy vượn. Hình ảnh những đơn vị pháo hoả lực phải khênh vác từng chi tiết cối 160 ly lên trận địa: một người đeo củ đấm, ba người khiêng nòng, còn chiếc bàn đế sáu người khiêng lặc lè khi lên dốc, còn khi xuống dốc dùng đòn bẩy bắn đã được tác giả ghi chép lại cho thấy sự vất vả của người lính.
Trận đánh chiếm căn cứ 42 Tân Cảnh được tác giả tái hiện qua tiếng B40 ùng oàng, tiếng AK điểm nhịp của bộ đội ta và tiếng pháo của địch từ Tân – Cảnh Ðắc – Tô điên cuồng phản kích. Lực lượng của đối phương rất đông và hoả lực chi viện quá mạnh khiến bộ đội ta gặp rất nhiều tổn thất. Trong trận này Hoàng Kim Hậu bị thương gãy đùi, máu phun ra, nóng hổi. Anh được đồng đội đưa về Đội Điều trị 3 mổ cấp cứu, sau đó chuyển về viện B180 tỉnh đội Kon Tum điều trị. Sau khi ra viện Hoàng Kim Hậu háo hức trở về Trung đoàn. Tại đây anh được đồng đội kể lại cuộc chiến của ta tại Đắc Tô Tân Cảnh: Trước sức tấn công của ta, địch đổ quân nống ra ven thị trấn hòng chiếm các cao điểm. Các đơn vị bộ đội ta phải tổ chức đánh địch, lấy vị trí tập kết cho pháo binh. 15 giờ ngày 21/4/72 mở màn chiến dịch giải phóng Ðắc Tô – Tân Cảnh. Pháo binh và tên lửa B72 của ta khai hoả, bắn phá chỉ huy sở sư đoàn 22 và các căn cứ xung quanh Tân Cảnh. Ðêm hôm sau một tổ thông tin cắt rừng ra ven quận lỵ ÐắcTô đón xe tăng của ta. Khoảng 21 giờ 9 chiếc xe từ phía ngầm Pô Cô hạ đi lên. Mấy điểm chốt của địch ven quận lỵ bắn ra như vãi đạn. 03 giờ sáng ngày 24/04/1972 xe tăng ta vào đến Thị trấn Tân Cảnh kết hợp cùng các đơn vị phối thuộc giải phóng thị trấn, còn một bộ phận theo hướng cửa mở K7 và K8 đánh chiếm sư đoàn 22 ngụy và tiếp cận đánh Ðắc Tô 2, sân bay Phượng Hoàng. 04 giờ sáng xe tăng của ta cùng K9 giải phóng Thị trấn Tân Cảnh. 05 giờ 10 phút pháo binh ta trút bão lửa xuống Chỉ huy sở sư đoàn 22 ngụy. Mìn phá rào đồng loạt nổ, cửa mở được khai thông, xe tăng cùng bộ đội ào ạt tấn công căn cứ địch. Chúng điên cuồng cho xe tăng M48 cùng bộ binh phản kích. ÐKZ, súng phóng lựu và đại liên bắn như mưa. Nhưng trước sức tấn công như vũ bão của bộ đội ta có sự chi viện của xe tăng và tên lửa B72 toàn bộ quân địch bị tiêu diệt. 11 giờ trưa ngày hôm đó lá cờ giải phóng đã tung bay trên Chỉ huy sở Sư đoàn 22 ngụy. Ðại tá Lê Ðức Ðạt Sư đoàn trưởng ngụy và cố vấn Mỹ bị tiêu diệt. Sư đoàn phó Vi Văn Bình cùng toàn bộ 429 sỹ quan, binh lính địch bị bắt làm tù binh.
Sau đó Hoàng Kim Hậu được cử đi học “Lớp Y tá ngắn hạn”. Tại đây anh theo đội phẫu tiền phương đi phục vụ chiến dịch Plây Cần đợt hai tháng 10/1972 và chiến dịch Ðăk Xiêng tháng 11/1972. Tốt nghiệp lớp y tá anh được điều về làm y tá Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66.
Tháng 1/1973, Hiệp định ngừng bắn Pari có hiệu lực. Thế nhưng địch trắng trợn phá hoại lệnh ngừng bắn, thực hiện chiến dịch vết dầu loang, lấn chiếm ra vùng giải phóng. Đơn vị anh được phân công giữ vững vùng giải phóng, cắm cờ giải phóng ở Đắc Hà, Kon Tum. Với những trang viết trong “Cắm cờ trên bản Ðak rơ cót” và “Dưới chân núi Chư Mom Ray (Kon Tum)” tác giả cho chúng ta thấy cuộc chiến đấu bảo vệ Hiệp định Pari giữa ta và địch gay go đến thế nào. Nguyễn Văn Thiệu lợi dụng mùa mưa đưa quân đánh chiếm hậu cứ của ta tại Ngô Thanh – Tà Rộp ven Thị xã Kon Tum. Ðây là một trận đánh khó khăn gian khổ, đầy hy sinh mất mát và là bản anh hùng ca của các anh hùng, liệt sỹ, cán bộ và chiến sỹ của Trung đoàn 66. Chỉ với hai tiểu đoàn họ đã phải chiến đấu với 3 trung đoàn nguỵ quân có xe tăng và máy bay yểm trợ tối đa trong điều kiện xa hậu cứ và đang vào mùa mưa dữ dội. Chỉ tính riêng đại đội của Hoàng Kim Hậu lúc xuất kích có gần 60 người, mà khi trở về hậu cứ chỉ còn lại 10 người, cho thấy sự hy sinh to lớn của chúng ta.
Tháng 7 năm 1973, đơn vị Hoàng Kim Hậu được lệnh vượt sông Pô Kô sang Ngô Thanh – Tà Rộp (Thị xã Kon Tum) giữ vùng giải phóng. “43 ngày ở Ngô Thanh” mô tả cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt ở đây. Bộ đội ta tổ chức đánh địch ngoài công sự. Đánh nhau xa hậu cứ, chúng ta gặp nhiều bất lợi. Đi đến đâu cũng phải đào hầm cho dù chỉ dừng lại có vài tiếng đồng hồ. Phía địch lại vô cùng thuận lợi, gần thị xã, gần các khu căn cứ có trục đường 14 cơ giới di chuyển nhanh, xe tăng, pháo binh, máy bay yểm trợ tối đa. Hình ảnh bộ đội ta bị thương, hy sinh để giành chiến thắng được Hoàng Kim Hậu viết lại thật bi hùng, khiến bạn đọc vô cùng cảm động.
Sau chiến thắng PlâyCần, mảng cứ điểm phía tây Kon Tum bị san phẳng. Phía Tây Bắc, căn cứ Ðăk Xiêng – Trung tâm huấn luyện biệt kích của ngụy quyền Sài Gòn ở Tây Nguyên – như thách thức trung đoàn 66. Ðể mở thông hành lang Ðông Tây Trung đoàn 66 nhận lệnh tiêu diệt cứ điểm này.
“Đánh chiếm các cứ điểm Bắc Kon Tum” cho bạn đọc rõ hơn về trận đánh đó. Từ hậu cứ các hướng tiến quân của ta bí mật vào vị trí tập kết. Pháo binh, súng cối, DKZ chọn vị trí thuận lợi nhằm bắn trực tiếp để nâng cao tính hiệu quả. Trinh sát trung đoàn, tiểu đoàn cùng cán bộ tham mưu, tác chiến và các cấp đại đội liên tiếp đi địa hình, chui vào hàng rào, vẽ từng lô cốt và cách bố phòng trong đồn địch. Đến ngày nổ súng, pháo binh ta bắt đầu khai hoả. DKZ và cối 106,7 ly của ta bắn áp đảo pháo binh địch, mỗi quả đạn là một lô cốt bị hạ. Ðăk Xiêng chìm trong lửa khói mù mịt. Bộ binh ta dưới sự yểm trợ của hoả lực vượt qua cửa mở đánh công kiên. Lô cốt và các điểm hoả lực của địch lần lượt bị khống chế và tiêu diệt. Máy bay của địch quần đảo, ném bom bừa bãi vào các khu rừng quanh điểm chốt nhưng cũng không cứu vãn được tình thế. Sau 30 phút chiến đấu bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa, tiêu diệt 220 tên, bắt sống 45 tù binh, thu 4 khẩu pháo 105 ly, 1 súng cối 106,7 cùng toàn bộ vũ khí kho tàng của địch trong căn cứ.
Sau đó là trận “Đánh chiếm cụm cứ điểm Đắc Pét” “Đánh vào Trung tâm tiểu đoàn bảo an” ở Tây Bắc thị xã Kon Tum bộ đội ta cũng giành thắng lợi, bắt sống tiểu đoàn trưởng ngụy cũng được tác giả tái hiện lại dưới ngòi bút của mình.
Trong “Tây Nguyên những trận mở đầu chiến dịch mùa xuân 1975” Hoàng Kim Hậu cho bạn đọc thấy đơn vị anh “Đánh chiếm căn cứ Đức Lập” ngày 10/3/1975 và “Chặn đánh quân đổ bộ xuống Phước An” (Ban Mê Thuột) như thế nào. Lúc này chính quyền Thiệu hoảng loạn ra lệnh rút khỏi cao nguyên Trung phần. Một cuộc di tản chưa từng có của địch xảy ra. Trên các trục lộ 7,14,19 hàng đoàn xe, pháo, xe quân sự, xe dân sự chen chúc hỗn loạn. Quân ta thừa thắng truy đuổi, cắt đường tiêu diệt và làm tan rã phần lớn quân đoàn 2 nguỵ. Mặt trận đã chuyển sang bước ngoặt mới, khẩu hiệu thần tốc xốc tới giải phóng miền Nam được phổ biến đến các đơn vị. Ngày 23/03/1975 quận lỵ Khánh Dương đã được giải phóng.
Cuối tháng 3/1975 lực lượng vũ trang Quân khu V và Quân đoàn 2 đã giải phóng hoàn toàn các tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, thành phố Ðà Nẵng và Phú Yên.
Các đơn vị của Trung đoàn 66 Sư đoàn 10 đã sử dụng một lực lượng lớn với chiến thuật luồn sâu, chia cắt, tiến công và chốt chặn không cho địch ứng cứu lẫn nhau. Với địa hình hiểm trở, địch lại chiếm ưu thế về địa hình và hoả lực nếu ta không có cách đánh hợp lý thì tổn thất là không tránh khỏi.Thế nhưng bộ đội ta đã nhịn đói, luồn sâu, vất vả, hy sinh để bao vây chia cắt địch theo đúng ý đồ của bộ chỉ huy chiến dịch “Tiêu diệt Lữ đoàn 3 trên đèo Ma Đrắc” của địch.
Lữ dù 3 bị tiêu diệt, lá chắn phía tây Ninh Hoà bị san phẳng. Thừa thắng, Trung đoàn 24 lập tức đánh chiếm trung tâm huấn luyện Lam Sơn. Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 28 kết hợp cùng Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 24 giải phóng căn cứ Dục Mỹ và tiến về thị xã Ninh Hoà. Cả Sư đoàn 10 bừng bừng khí thế theo đường 21 tiến về đồng bằng, bắt đầu tham gia“Chiến dịch Hồ Chí Minh” lịch sử.
Ở hướng Đông Sài Gòn Quân đoàn 2 đánh chiếm căn cứ Nước Trong, chi khu quân sự Long Thành, vượt đường 15, bao vây quận lỵ Long Tân. Sư đoàn 3 Quân khu 5 đánh chiếm chi khu Ðức Thạnh, tiến về giải phóng Bà Rịa Long Khánh. Quân đoàn 4 tiến công căn cứ Trảng Bom, uy hiếp Hố Nai – Biên Hoà. Hướng Tây Nam, chủ lực Quân khu 8 cắt đường 4, chia cắt bao vây các sư đoàn 7, 9, 22 nguỵ. Vùng Tây Nam bộ Đoàn 232 đánh chiếm An Ninh, Lộc Giang. Hướng Bắc Quân đoàn 1 tiêu diệt địch trên lộ 13, tiến công Thủ Dầu Một. Quân đoàn 3 từ hướng Tây, Bắc đánh cắt đường 22 và đường 1, đánh chiếm Trảng Bàng, Ðồng Dù, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài, tạo bàn đạp cho các đơn vị luồn sâu đánh chiếm nội đô Sài Gòn.
Sáng ngày 30 tháng 4, ta tiến công Sư đoàn 25 nguỵ trong căn cứ Ðồng Dù. Những chiếc xe tăng, xe K63 kéo pháo phủ đầy lá nguỵ trang ùn ùn tiến về giải phóng Sài Gòn. 11 giờ 30 phút miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam đã được thu về một mối. Biết bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau, biết bao nhiêu đồng chí của chúng ta đã đổ máu để đổi lấy ngày toàn thắng.
*
Tác giả Hoàng Kim Hậu khép lại tập truyện ký của mình như vậy đó. Bạn đọc hôm nay và sau này chắc chắn sẽ có nhiều người rơi nước mắt khi đọc những dòng Hoàng Kim Hậu viết về sự hy sinh của các anh hùng, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam thế hệ “Những người lính Trung đoàn”.
Chúng ta biết ơn Hoàng Kim Hậu không phải chỉ vì anh là thương binh hạng 3/4, nạn nhân chất độc da cam đã sống và chiến đấu tại Trung đoàn 66 ba lần anh hùng đó, mà còn vì anh ngày ấy đã làm được việc ghi chép lại nhật ký chiến trường giữa làn ranh sinh tử để hôm nay có những trang sách đặc biệt này.
Dưới ngòi bút của mình, với những ký ức về chiến tranh, với tình yêu đồng đội đồng chí chân thành và mãnh liệt của những người lính đã từng vào sống ra chết nơi bom đạn thời đánh Mỹ tại chiến trường Trường Sơn máu lửa, Hoàng Kim Hậu đã tái hiện nên bản anh hùng ca bất diệt của những người lính Trung đoàn 66, tạc vào không gian và thời gian lương tâm và khí phách không phải chỉ của “Những người lính Trung đoàn 66” mà còn là của cả dân tộc Việt Nam chúng ta.
Tất nhiên tác phẩm “Những người lính Trung đoàn họ đã chiến đấu như thế” của Hoàng Kim Hậu nếu có thể tiết chế về chi tiết, chắc lọc về ngôn từ hơn nữa thì sẽ cô đọng, khúc triết hơn. Cách dựng chuyện đôi lúc còn chưa hợp lý, nặng về chất liệu ký cho nên đã làm mờ đi chất liệu truyện trong tác phẩm khiến cho tính hào hoa phong nhã của tuổi trẻ thời đi đánh Mỹ chưa được rõ nét.
Dẫu vậy chúng ta vẫn trân trọng Hoàng Kim Hậu khi đọc tác phẩm này của anh và có quyền hy vọng anh tiếp tục đóng góp cho cuộc sống hôm nay và mai sau những trang viết thấm đẫm hơi thở của cuộc sống nhiều hơn nữa.
Vũ Quốc Khánh