Nhà biên kịch Xuân Trình viết Bạch đàn liễu năm 1973 sau chuyến đi thực tế ở nông thôn với câu chuyện có thật từ một nông dân kể lại với bao bức xúc, ẩn ức (có cả nỗi tuyệt vọng) về một “nạn cường hào mới”. Điều đó đã ám ảnh và thôi thúc ông không dứt.
Dường như mọi cảm xúc từ người kể chuyện đã nhanh chóng chuyển sang và vây bọc tâm can người nghệ sĩ – chiến sĩ tiên phong, dũng cảm đối mặt với những vấn đề hiện thực xã hội gai góc. Lấy bối cảnh một làng quê nông thôn Bắc Bộ vào năm 1968, Bạch đàn liễu tập trung nói về quyền dân chủ của con người, về cuộc vận động cải cách dân chủ chống tệ nạn cường hào mới ở nông thôn. Vở kịch nói về một đôi trai gái yêu nhau là Độ và Liệu cùng trồng lên hai cây bạch đàn. Do Độ phải lên đường nhập ngũ, Liệu ở nhà liên tục bị thế lực chính quyền áp bức mà cụ thể là nhân vật ông Quyền, một Phó chủ tịch xã tham lam, xấu tính luôn luôn o ép. Không chỉ có vậy, sự phiền nhiễu tinh quái, khôn vặt của ông Quyền còn nhằm đến hai cây bạch đàn quý của gia đình Độ để lấy về làm nhà của mình.
Kịch tính cao trào của vở kịch là việc gia đình Độ phải chặt bỏ hai cây bạch đàn hằng ngày họ vẫn chăm sóc để hối lộ ông Quyền. Mặc dù căm phẫn nhưng vẫn phải nhẫn nhịn các thế lực công quyền. Sự sách nhiễu, thối nát của một cá nhân đã làm ảnh hưởng tới một tập thể, phá vỡ hạnh phúc của một đời người, niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chính quyền bị đổ vỡ.
Bạch đàn liễu chỉ là một câu chuyện nhỏ mà tất cả chúng ta có thể bắt gặp bất kỳ nơi đâu, nhưng nội dung mà tác giả muốn truyền tải đến khán giả lại vô cùng lớn. Ê kíp sáng tạo của LucTeam theo tinh thần nghệ sĩ đương đại đã làm nên thành công cho vở diễn dựng theo phong cách ước lệ của sân khấu truyền thống, vốn là thế mạnh của đạo diễn Trần Lực… Vở kịch đã rút ngắn thời gian từ 180 phút xuống còn khoảng 80 phút nhưng có thể nói nó không những đảm bảo được giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, mà còn được thể hiện vô cùng hấp dẫn, cuốn hút. Đúng với một phong cách đạo diễn rất Trần Lực, sân khấu của Bạch đàn liễu được đan cài nhiều yếu tố khái quát và hài hước, hiện đại và truyền thống chèo…
Thành công của công tác dàn dựng chính là khai thác khả năng diễn xuất đầy tài năng của nghệ sĩ biểu diễn tham gia Bạch đàn liễu với NSND Trung Anh (vai ông Lượng); Hoàng Tùng (vai ông Quyền), Khuất Quỳnh Hoa (bà Lượng), Ngọc Trâm (Bí thư), Lê Minh Quân (vai Độ), Phương My (vai Liệu). Qua cách thể hiện của nghệ sĩ, các nhân vật dẫu có cách xa về thời gian, không gian, lối sống, bối cảnh xã hội thì người xem vẫn cảm nhận rất chân thật được cái chất của từng nhân vật.
Một trong những thành công của vở kịch phải kể đến sự diễn xuất xuất sắc của NSND Trung Anh (vai ông Lượng – bố của Độ). Những cảm xúc lẫn lộn của một người nông dân không có tiền và quyền khi phải lựa chọn giữa hạnh phúc và tương lai của con trai đã khiến khán giả nhiều lần phấn khích. Khi phải quỳ lạy chính người con dâu tương lai, khi phải khúm núm nịnh bợ quan xã, khi thì đứt từng khúc ruột lúc tự tay đốn hạ cây bạch đàn. Từng nhát búa nện vào cây bạch đàn nghe chát chúa như sự uất hận đã bị kìm nén nay được lúc phát lộ. Cho đến vở diễn này, đạo diễn Trần Lực và các diễn viên đã rất nghề khi sáng tạo nhân vật bởi lối diễn hình thể, tiết chế ngôn ngữ và đặc biệt là cách diễn bi hài rất giỏi.
Sân khấu của Bạch đàn liễu 2019 khá đơn giản, không màu mè bắt mắt nhưng chính nét giản dị đó lại giúp khán giả tập trung hơn vào câu chuyện, không bị phân tán vào những phục trang và sân khấu. Các phần chuyển cảnh cũng không còn sự rườm rà của truyền thống mà hoàn toàn dựa vào âm thanh thoại của nhân vật và ánh sáng. Điều này đã cho khán giả thêm một trải nghiệm mới trong sân khấu ước lệ. Hai buổi diễn ra mắt Bạch đàn liễu tại rạp Đại Nam đã không còn một chỗ trống, nhiều khán giả đến sau phải đứng để theo dõi vở diễn, thế nhưng những tràng pháo tay vẫn không ngớt qua từng phân cảnh.
Hà Vương (Theo: baovanhoa.vn)