Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Phú Thọ là vùng đất bảo tồn 5 bảo vật Quốc gia. Đó là Trống đồng Đền Hùng, bộ khóa đai lưng bằng đồng, bộ sưu tập Nha Chương (Bảo tàng Hùng Vương), tượng Mẫu Âu Cơ (Đền Mẫu Âu Cơ, Hạ Hoà) và bệ đá hoa sen (Chùa Xuân Lũng, Lâm Thao). Những bảo vật trên là di sản có một không hai trên đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng, là tài sản văn hoá vô giá được lưu giữ theo thời gian.
Theo đánh giá của các chuyên gia văn hoá và các nhà nghiên cứu, các bảo vật ở vùng đất Tổ mang đậm dấu ấn thời gian, văn hoá và tín ngưỡng. Đây là những bảo vật gắn liền với thời đại Hùng Vương, mang những giá trị trường tồn, lan toả trong đời sống cộng đồng. Bảo vật Trống đồng Đền Hùng được tìm thấy vào năm 1990 tại đồi Phân Ngùi, xã Hy Cương, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. “Trống đồng có đường kính mặt 93cm, đường kính đáy 94cm, cao 66cm, trọng lượng 90kg được làm bằng chất liệu đồng thau, thuộc loại Hêgơ I, nhóm C” (Tư liệu Bảo tàng Hùng Vương). Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là trống Đông Sơn có kích thước lớn nhất trong tổng số trống Đông Sơn đã biết ở Việt Nam và Đông Nam Á. Bộ khoá đai lưng bằng đồng là hiện vật duy vật ở Việt Nam được tìm thấy tại Việt Trì năm 1976, thuộc giai đoạn văn hoá Đông Sơn, cách đây 2.500 năm. Bộ sưu tập Nha Chương được tạo tác bằng chất liệu đá ngọc, là bảo vật thuộc nền văn hoá Phùng Nguyên, cách đây 3.500 năm. Đây là hiện vật thể hiện quyền lực của nhà vua và uy quyền của tù trưởng. Ba bảo vật trên hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ.
Tại Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ, tượng Mẫu Âu Cơ là độc bản còn lưu giữ tại đền, có niên đại từ thế kỷ XIX. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của thời gian, tượng Mẫu Âu Cơ được chính quyền và nhân dân lưu giữ, thờ phụng nhằm thể hiện sự tri ân, biết ơn công đức trời bể của Mẹ Âu Cơ, người Mẹ của muôn dân đất Việt. Đây là pho tượng nguyên gốc, cao gần 1m, tạc bằng chất liệu gỗ mít, được sơn son thếp vàng đặt uy nghi trên long ngai, vẻ mặt toát lên sự đôn hậu, thanh cao của người phụ nữ Việt Nam. Mẫu Âu Cơ mặc áo đỏ, yếm trắng đầu đội mũ, một tay cầm viên ngọc, tay kia đặt trên đầu gối, chân đi hài cong, đầu đội mũ lấp lánh, nước da hồng, mặt đôn hậu. Toàn bộ tượng toát lên một vẻ đẹp thanh cao, đôn hậu của phụ nữ Việt Nam.
Năm 2021, Phú Thọ được công nhận thêm 1 bảo vật Quốc gia là Bệ đá hoa sen tại chùa Xuân Lũng, huyện Lâm Thao. Đây là công trình được thiết kế bằng đá xanh nguyên khối, cao 1m, rộng 1m, dài hơn 3m. Bệ đá là nơi đặt tượng Phật Tam thế, nơi hương khói phụng thờ Phật. Bảo vật được gắn với lịch sử ngôi chùa từ thế kỷ XIV đến nay vẫn được giữ gìn và bảo tồn nguyên vẹn. Qua những hoa văn, họa tiết trên bề mặt và xung quanh bệ đá toát lên sự tài hoa của nghệ nhân xưa, đồng thời góp phần khẳng định đạo Phật được truyền bá và phát triển ở Việt Nam từ lâu đời.
Các bảo vật Quốc gia ở Phú Thọ lưu giữ tinh hoa độc đáo và những giá trị văn hoá của cội nguồn dân tộc. Đây đều là những công trình, hiện vật mang giá trị nghệ thuật thể hiện trình độ, sự tài hoa và ý tưởng sâu sắc của người xưa khi sáng tạo để làm nên những tác phẩm độc bản vô cùng có giá trị, mang âm hưởng, khí phách và linh hồn của thời đại. Các bảo vật cũng là sự kết tinh những giá trị về tư tưởng, lịch sử của dân tộc. Những bảo vật quý giá như trống đồng, bộ sưu tập Nha Chương và bộ khoá đai lưng bằng đồng là minh chứng quan trọng cho sự phát triển và nền văn minh giai đoạn đầu của Nhà nước Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Tượng Mẫu Âu Cơ lưu dấu ấn trong tâm hồn muôn dân đất Việt về hình tượng người Mẹ nhân hậu, bao dung, luôn dang rộng vòng tay che chở, yêu thương cho đàn con. Mẫu Âu Cơ là biểu tượng cho người Mẹ của dân tộc, người Mẹ xứ sở đã có công cùng đàn con đi khai thiên phá thạch, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Đình Vỵ (Phú Thọ) chia sẻ: “Trải qua thời gian, dù cuộc sống mỗi thời kỳ có đổi thay nhưng những bảo vật vẫn được nhân dân gìn giữ, có sức sống trường tồn trong dòng chảy văn hoá, trong những giá trị bền vững của cuộc sống và quan trọng hơn cả, những giá trị trong mỗi bảo vật đã có sức sống trong tâm hồn Nhân dân”.
Ở mỗi bảo vật, đều toát lên những giá trị, sự gần gũi và hiện hữu trong đời sống mà mỗi người khi chiêm ngưỡng đều cảm nhận được. Từ bảo vật, giá trị của nền văn minh lúa nước, nghệ thuật tạo tác, trí tưởng tượng bay bổng và óc sáng tạo đã được nghệ nhân xưa gửi gắm, thổi hồn vào trong mỗi hiện vật. Để ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, khi khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng, hậu thế luôn ngưỡng vọng, trân quý những sản phẩm văn hoá độc đáo, mang tinh hoa của thời đại.
Từ bao đời nay, các bảo vật còn gắn với những tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Trong đó, tượng Mẫu Âu Cơ tại Đền Mẫu Âu Cơ là sản phẩm kết tinh sự độc đáo và nhân văn của tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ được nhân dân Hiền Lương, Hạ Hoà và muôn dân đất Việt lưu giữ, truyền lại qua bao thế hệ. Thờ Mẫu Âu Cơ là một minh chứng thiêng liêng cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, biết ơn những người đã có công sinh thành, dưỡng dục, biết ơn thế hệ đi trước đã mở đường, tạo dựng cơ ngơi. Khi đến chiêm bái Đền Mẫu Âu Cơ, trước tượng Mẫu, mỗi người dân Việt Nam như được lắng lòng mình trước hồn thiêng sông núi, trước sự bao dung, che chở của Mẹ hiền để tìm được chính mình giữa bao bộn bề của cuộc sống. Nơi đây là sự gắn kết con người với con người, không phân biệt sang hèn, ai ai cũng tự nhủ mình đều là “Con Rồng, cháu Tiên” và nhân lên niềm tự hào về nguồn cội của dân tộc.
Bảo tồn và phát huy những giá trị của các bảo vật Quốc gia là trách nhiệm của chính quyền và Nhân dân các địa phương. Việc bảo vệ, gìn giữ các bảo vật đã và đang được Bảo tàng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ và Ban Quản lý các di tích lịch sử nơi lưu giữ bảo vật lên phương án khoa học, cụ thể và chuyên nghiệp.
Bà Tô Thị Hải Yến, Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử Đền Mẫu Âu Cơ cho biết: “Ban Quản lý đã xây dựng và triển khai chi tiết, cụ thể phương án bảo tồn, bảo vệ an toàn tuyệt đối bảo vật tượng Mẫu Âu Cơ đang được lưu giữ tại đền. Ban Quản lý phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để thực hiện thường xuyên, hằng ngày những công việc như quét dọn khu thượng cung, lắp đặt camera theo dõi tình hình an ninh trong khuôn viên di tích và nơi đặt tượng Mẫu”.
Đồng thời, để phát huy giá trị của bảo vật trong thời kỳ hội nhập theo phương châm “Biến di sản thành tài sản”, các địa phương, Ban Quản lý các di tích trong tỉnh Phú Thọ, nơi lưu giữ các bảo vật đã chủ động xây dựng và triển khai các đề án, chương trình phát triển du lịch tâm linh hướng về cội nguồn để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thụ hưởng văn hoá tâm linh của du khách mọi miền. Từ đó, góp phần tạo sự lan toả giá trị trường tồn của các bảo vật Quốc gia trong đời sống cộng đồng.
NGUYỄN THẾ LƯỢNG