Toàn thân đau nhức, da nứt nẻ, lở loét, môi khô rát, hơi thở khó nhọc. Một người mắc căn bệnh thế kỉ, giai đoạn cuối. Giờ đây cuộc sống với anh là từng ngày, từng giờ, từng phút giây ngắn ngủi. Anh có thể chết bất cứ lúc nào, hôm nay, ngày mai hoặc là cố gắng gượng để sống thêm một vài ngày nữa.
Trọng thều thào:
– Ngày nào mẹ cũng mở toang cánh cửa sổ ra nhé – Người phụ nữ gầy guộc, tóc đã điểm bạc, khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt bà ầng ậng nước, khẽ gật đầu:
– Ừ, mẹ biết rồi!
Rồi bà òa khóc nức nở, Trọng cũng khóc. Anh hiểu nỗi đau trong lòng mẹ. Anh là đứa con bất hiếu, những lời Trọng đã hứa với mẹ giờ chẳng thể thành hiện thực. Trọng không dám nhìn thẳng vào mặt mẹ, anh đang sợ hãi, lương tâm cắn dứt, anh đau khổ khi thấy mẹ đang ngày càng trở nên tiều tụy, héo mòn vì anh. Nước mắt Trọng lăn dài, từng giọt, lăn vào miệng mặn đắng, lăn vào lỗ tai buốt giá. Giọng Trọng giờ yếu ớt, nghe như là hơi thở, lấy hết sức anh nói:
– Mẹ, con xin lỗi!
Bà mẹ nắm chặt tay con rồi gục đầu xuống thành giường mà khóc nức lên. Cả hai đều không để ý đến vị khách đứng phía cửa cũng đang khóc. Liên bước vào, cô nâng bà Loan lên, giọng xúc động:
– Bác ơi, con biết là bác rất đau buồn, nhưng xin bác hãy giữ gìn sức khỏe. Trọng sắp đi rồi, hãy để anh ấy được ra đi thanh thản bác à.
Liên đỡ bà Loan lên ghế, rồi nàng tiến đến bên và chăm sóc Trọng một cách chu đáo. Vốn dĩ người ta rất kỳ thị với bệnh nhân AIDS nhưng Liên ngày nào cũng đến và chăm sóc Trọng. Liệu có phải Liên đang thực hiện đúng trách nhiệm của một trạm trưởng trạm y tế xã không hay còn có những điều còn hơn cả hai từ “trách nhiệm”.
Trọng đưa đôi mắt lờ đờ nhìn mọi thứ trong căn nhà nhỏ thật lâu, quan sát và ghi nhớ chúng. Chiếc ấm tích có từ thời xửa thời xưa lẻ loi nơi góc bàn. Mái ngói đỏ tươi giờ đã nhuốm màu rêu phong. Rồi anh đưa mắt nhìn ra khung cửa sổ, bỗng đôi mắt ấy sáng rực lên, nó ánh lên một niềm vui khó tả. Phải chăng một khám phá thú vị nào đó đã làm cho tâm hồn của một người sắp lìa xa cõi đời này trở nên hoan hỉ đến thế.
Qua khung cửa sổ, là một ngày nắng đẹp. Nắng của trời thu bình yên và êm ả. Những tia nắng lóng lánh, thứ nắng như mật ong pha loãng, loại mật kỳ diệu của tạo hóa, chúng tràn xuống bao trùm lên cảnh vật. Làm cho vạn vật hết thảy đều nhuốm một màu vàng tươi tắn. Rồi chúng tràn qua khe cửa sổ, tựa như những sợi tơ mỏng manh và mềm mại, chúng ùa đến mơn trớn lên tay, lên cổ anh.
Phía góc vườn những cây mít vẻ lặng lẽ và trầm tư, trên những tán lá xanh ngắt kia lốm đốm màu lá đỏ, mấy cây xoan thân khẳng khiu, đu đưa những chùm lá già nua trong gió. Đám lá ấy, sau khi được tắm cái nắng vàng gắt gỏng của mùa hè dường như chúng đã mệt mỏi và đang chờ đợi ngày trở về với đất mẹ bao la. Chỉ một cơn gió thoảng qua cũng làm cho đám lá ấy rơi xào xạc, có vẻ như chúng đang hân hoan để chào đón một thế giới mới. Còn bầu trời cứ xanh cao vời vợi, không một gợn mây. Cảnh vật đẹp quá, một vẻ đẹp bình dị và mộc mạc. Vang lại từ phía xa, tiếng ai ru con ngọt ngào “Ầu ơi, gió mùa thu mẹ ru con ngủ…”, lời ru ấy quen thuộc quá, nó cứ vang vọng, du dương, như làn khói cứ lan tỏa trong không gian, nó gợi về một quãng thời gian đã xa, gợi những hình ảnh thân thương và quen thuộc. Người bệnh tự dằn vặt và anh thốt lên “À! Đó là khoảng trời của tuổi thơ”.
“Bầu trời xanh kia, sao cao thế, trên cái nền xanh ấy là gì nhỉ, giá như có thể chạm tay vào cái nền ấy” – đó vẫn cứ mãi là một câu hỏi và mãi mãi là niềm khao khát. Vẫn mãi là một ánh mắt chăm chú ngắm nhìn rồi để cho thứ màu xanh ấy như xoáy sâu vào tâm hồn. Chỉ có điều ánh mắt của thời thơ ấu trong sáng và hồn nhiên, còn giờ đây đôi mắt ấy chất chứa đau khổ và tuyệt vọng.
– Trọng à, anh uống thuốc đi! Liên nói.
– Không! Anh không cần – Trọng lắc đầu, vẻ không đồng ý.
– Nghe em đi, đừng cố chấp thế!
Nói rồi cô nâng anh lên, cẩn thận và tỉ mỉ như một người mẹ chăm con ốm. Liên lấy bông lau sạch và bôi thuốc lên những vùng da đang nứt máu của anh. Trọng đưa mắt nhìn nàng. Giờ anh mới có cơ hội nhìn nàng thật kỹ. Khuôn mặt nàng phúc hậu, toát lên vẻ hiền lành, chất phác, đôi mắt vui tươi và nụ cười ấm áp. Nàng có làn da ngăm đen, dáng người khỏe khoắn và có phần mập mạp. Vẻ mặt thoáng chút suy tư, trầm tĩnh. Càng nhìn càng thấy nàng rất cuốn hút, không phải vẻ lung linh, rực rỡ, mà đó là vẻ đẹp bền bỉ với thời gian. Vẻ đẹp ấy nếu chỉ thoạt nhìn thôi thì chưa đủ mà cần có thời gian để quan sát và cảm nhận.
Trọng nhắm mắt, tâm hồn anh đang phiêu du cùng với những ngày hè oi ả xa xưa. Trong khu vườn rộng rãi với đủ thứ cây, từ những cây cọ cổ thụ, thân đã nhẵn đi vì thời gian, đến những cây mít tán rộng quả sum xuê. Dưới gốc mít, bố đã làm một cái chõng tre chắc khỏe, đủ để cả mấy người ngồi lên cùng nhâm nhi bát trà xanh trong những ngày nắng nóng hay những ngày nông nhàn rỗi. Ven đồng, những ruộng rau muống xanh mơn mởn, phía dưới là cánh đồng lúa mênh mông, vàng óng ả, xa xa là bạt ngàn sen.
Quả các cụ đặt tên không sai, làng này có tên là Đại Hương. Đại Hương với cánh đồng rộng lớn nhất huyện và có nhiều loại hoa mang đậm hồn quê. Ve kêu râm ran, những con bướm với đủ loại to nhỏ màu sắc khác nhau bay lượn quanh đám hoa mười giờ, chán hoa mười giờ chúng lại trêu đùa bên những cánh trắng hoa sở. Đám chuồn chuồn ớt, màu đỏ rực rỡ cứ lượn qua lượn lại trước sân như muốn chọc ghẹo bọn trẻ con.
Một đám trẻ con quây quần ở sân, Trọng lớn tuổi nhất, sau đó còn mấy thằng em là thằng Thanh còi con nhà chú Phong, thằng Huân khiểng con nhà bác Tám, thằng Ngọc lùn con nhà chú Chương. Còn cả cái Nhung hoa hậu thôn, Liên béo, Thùy hoa khôi, Quỳnh đại ca. Tất cả đều có biệt danh hết dựa vào đặc điểm của mỗi đứa. Ngày ấy, Trọng lớn nhất, năm ấy cậu mười tuổi, Liên kém Trọng hai tuổi. Còn bọn cái Liên, Thùy thì chừng sáu, bảy tuổi, Quỳnh và Nhung nhỏ nhất tầm bốn đến năm tuổi.
Trọng là thủ lĩnh, chỉ huy cả đội đuổi theo và phải bắt sống được kẻ địch. Kẻ địch khi thì là lũ chuồn chuồn ma quái, khi thì là lũ ve sầu lắm mồm, lúc lại là lũ châu chấu, cào cào phá hoại. Trọng dõng dạc lên tiếng:
– Nhân danh là thủ lĩnh của nhóm Đại Hiệp ta tuyên bố: chỉ trong năm phút nữa, mỗi các ngươi phải bắt sống được hai kẻ địch và mang về cống nạp cho ta, nếu không ta sẽ cho các ngươi biết tay.
Cả hội reo hò “Rõ!”. Thế là mặc kệ cái nắng, cả bọn lao ầm ầm, xông thẳng vào lũ chuồn chuồn đang bay qua bay lại vẻ khiêu khích. Một lúc sau, cả bọn đã mang về những chiến lợi phẩm của chính mình. Thằng Thanh còi nhanh nhảu báo cáo:
– Thưa thủ lĩnh, tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với chiến lợi phẩm là hai con chuồn chuồn ngô to tướng.
Rồi lần lượt từng đứa mang tù binh giao nộp cho Trọng, cậu nhốt hết chúng vào trong một chiếc giỏ tre. Đến lượt Liên béo, mặt méo xệch, giọng ấp úng “Em, em chỉ bắt được mỗi một con chuồn kim thôi!”.
Cả bọn nhìn nó, rồi cười hả hê.
– Tại béo quá nên không đuổi kịp địch, thủ lĩnh thông cảm!
Trọng đay nghiến:
– Nhà ngươi, suốt ngày không làm được trò trống gì cả, tất cả chỉ vì quá béo ấy à, thôi, lần này ta tha.
Nghĩ đến đây, Trọng mỉm cười vì sự ngổ ngáo của chính mình. Rồi anh tự hỏi chẳng biết Liên có nhớ những kỉ niệm ấy không, hồi đó Liên có buồn không?
Lúc nào cũng vậy, hình như cái vẻ mập mạp của Liên luôn gây cho nàng những rắc rối. Trọng nhớ, một buổi tối trăng sáng tỏ, mặt trăng tròn như cái đĩa bạc lơ lửng trên không trung. Cánh đồng trước làng đã gặt để lại những gốc rạ trơ trọi, một khoảng trống mênh mông, đủ để cả bọn tha hồ mà chơi bịt mắt bắt dê, rồi chơi trốn tìm. Cả lũ nghĩ ra trò mới, chơi trò “Hoàng cung”. Thế rồi “Hoàng cung” của những đứa trẻ cũng hiện ra trước mắt cũng lung linh không khác gì trong phim. Những con rơm nếp khô đã được xếp thành một hình khối, và được gọi là ngai vàng. Còn những con còn lại là lính canh gác, đom đóm được bắt và thả vào túi nilong buộc chặt lại treo lên cây gọi là lồng đèn.
Cả đám sẽ diễn tả lại cuộc tuyển chọn cung tần mỹ nữ của vua. Thằng Thanh nhanh nhẹn được phong làm Thừa tướng, còn hai thằng còn lại là công công, thái giám. Bọn con gái sẽ là những người đẹp, để vua tuyển chọn và phong chức. Mà vua ở đây đương nhiên là Trọng rồi. Những bông hoa dại gần đó nhanh chóng được bọn con gái hái và gài lên tóc để trở nên xinh đẹp hơn trước mặt nhà vua. Quỳnh đại ca của nhóm con gái nhanh chân bước lên trước và cười thật tươi. “Dạ, nàng quá đẹp” – thằng Huân khiểng lên tiếng. Bọn còn lại đều gật gù đồng ý. Trọng đắc chí tuyên bố “Ta phong nàng làm hoàng hậu, Thùy thì làm phi, còn Liên béo quá xấu, ngươi hãy làm người hầu cho hoàng hậu”. Cả bọn tán thành. Rồi lấy đài sen giả vờ nâng chén chúc mừng. Trọng nhớ hình như lúc đó khuôn mặt của Liên sầm lại, nhưng chẳng có ai để ý tới điều đó.
Tuổi thơ cứ thế trôi đi với bao niềm vui và nỗi buồn. Trọng càng lớn càng thể hiện tài năng vượt trội. Anh là người đa tài, lại đẹp trai, hào hoa đã làm trái tim của biết bao các cô gái phải xao xuyến. Ước mơ trở thành kỹ sư tàu thủy như trở thành hiện thực sau khi anh đỗ đại học với số điểm cao ngất ngưởng. Ngày anh đi học với tưng bừng khí thế. Ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người. Bà con lối xóm tiễn anh đi với bao niềm tin và ước mơ.
Còn nhớ lúc Trọng chuẩn bị lên tàu, Liên chạy theo má nàng ửng đỏ, rồi nhanh chóng nhét một cái gói nhỏ vào vali của anh. Hóa ra, đó là một chiếc khăn mùi xoa, có thêu hình một bông hoa dại kèm một nhành hoa khô. Lúc đó, Trọng đã mỉm cười lòng đầy xao xuyến nhưng còn học hành và có nhiều cô nàng xinh xắn mà chút xao xuyến ấy đã nhanh chóng rơi vào lãng quên. Nghĩ đến đây, khóe mắt Trọng cay cay, anh nở một nụ cười đầy ẩn ý, nụ cười chứa đựng sự tiếc nuối cho những ngày đã qua. Và rồi cặp mi của anh từ từ khép lại.
Chẳng ai có thể hiểu được Trọng đã mắc căn bệnh AIDS như thế nào. Anh không nghiện hút, cũng đâu phải là đứa chơi bời. Trong mắt của mọi người thì anh luôn là một người xuất sắc. Bố mẹ và bà con lối xóm đều hãnh diện vì anh. Nhưng chỉ sau vài năm từ nước ngoài về thì anh đã bị bệnh tật đày đọa. Người ta hoài nghi và đặt ra các giả thiết. Nhưng Trọng hiểu rõ nhất nguyên nhân tại sao anh lại mang trong mình virut HIV. Chỉ vì một chút giận dỗi, bực tức, một chút bồng bột của tuổi trẻ mà anh đã rơi vào cạm bẫy và đánh mất chính mình. Ngày hôm ấy giá như anh không ham vui, giá như anh kiên định hơn, giá như anh không để cho cảm xúc nhất thời chi phối thì chuyện đã không thế này. Mà giờ cũng đã quá muộn để nói hai từ “giá như” rồi, có lẽ nên đổ lỗi cho sự sắp đặt của số phận. Trọng mỉm cười đầy chua xót.
Hình như là mưa, có tiếng tí tách, rồi có tiếng ào ào trên lá cọ, có cảm giác man mát, có cả mùi ươi ưởi của thân cây lạc nữa. Và có rất nhiều thứ thân quen. Trọng mở mắt không phải trời mưa. Có lẽ trong khi người ta biết mình sắp chết thì lúc đó mới lưu luyến với cái cuộc sống này. Anh nhớ những ngày mưa. Vẫn chiếc giường này, những ngày mưa nhìn ra khung cửa sổ, thấy ông trời thật ủ dột, ông khoác trên mình chiếc áo bầu nhầu màu đen xám cũ kỹ, rồi có lúc lại là một chiếc áo màu xám trắng. Trọng nhìn trời, trong con mắt ngây ngô của trẻ thơ, bầu trời khi mưa như là một chiếc khung cửi khổng lồ tự động dệt bao nhiêu là nước, mưa lao xuống tưởng như là cả một đám sợi đang bủa vây thế gian, nhưng vui tai lắm lúc thì tí tách lúc lại ào ào.
Một cơn gió nhẹ thoảng qua, mang theo mùi hương dịu dàng và cả cái vị chát chát của đám sen cuối mùa. Mùa này, ngày nhỏ Trọng thường hay cùng cha đi “mót sen”, lúc này đám trông sen đã về hết, cả cánh đồng vắng tanh. Những bắp sen cuối mùa, ăn sống vị nhạt thếch, nhưng luộc lên vẫn có vị bùi bùi ngọt ngọt. Không còn ai đe dọa, hai cha con tha hồ bơi thuyền lướt trên đồng, lúc đó Trọng tha hồ hò hét, hái lượm những bông hoa súng hay nghịch ngợm đám trứng ốc nhồi ven bờ cỏ. “Giá như giờ đây mình có thể vùng dậy mà ngắm nhìn cảnh đó lần cuối, để có thể gào lên sung sướng”. Trọng suy nghĩ và sống mũi anh cay cay. Anh thấy nhớ lắm, có lẽ nỗi đau về thể xác lúc này chẳng là gì hết. Những nỗi nhớ, chúng làm anh đau nhói và khao khát được sống. Nhưng dường như những gì đã qua thì sẽ không bao giờ trở lại được nữa và quá khứ thì mãi là cái đã qua.
Chiều lại về rồi. Qua khung cửa sổ, phía chân trời ửng đỏ, những tia nắng cuối ngày yếu ớt cố bám trụ trên lá cây, dường như chúng cũng sợ ngày tàn. Nhưng nền trời vẫn xanh lắm, một màu trong xanh cao vút. Khói chiều đã loang ra từ các mái nhà, Trọng im lặng và như muốn thở sâu hơn để cảm nhận được hương vị của khói bếp, để mà khắc sâu nó vào trong tâm trí. Cái vị giòn, ngọt của rơm cháy, vị khăng khẳng của cây lạc, vị nồng nồng của lá bạch đàn. Ôi! Toàn những hương vị thân quen. Phía bên kia cánh đồng, làng Vực Trường mờ đi trong làn khói. Có gió nhẹ, đưa khói xòa ra, rồi từ bếp bay lên lùa qua mặt làm cho mắt ai nhòe đi. Chỉ cách có một cánh đồng nhưng địa hình của làng Vực Trường lại bằng phẳng hơn nhiều so với làng Đại Hương. Người ta còn ví von: “Hỡi cô em xinh xắn/ Chớ có về Đại Hương/ Miền núi đường đi khó/ Về Vực Trường với anh/ Đồng bằng, đất màu mỡ”.
Làng Vực Trường trải dài theo triền sông, không chỉ có địa hình bằng phẳng mà đất đai ở đó còn rất màu mỡ. Ở đó, cái bãi dài và rộng đối diện với làng Đại Hương trồng rất nhiều chuối tây và nhãn. Trong tâm trí người bệnh hiện lên một con đường mòn nho nhỏ, mờ mờ màu trắng xám. Đó là một buổi trưa cuối hạ, trời không nắng cũng chẳng mưa, thứ cảm giác ngột ngạt làm cả lũ trẻ trong xóm bỗng thấy chán nản, phần vì có lẽ những trò chơi suốt mấy tháng hè giờ đã trở nên nhàm chán. Cả bọn ngồi trên chõng tre và tay bo má nhìn ngắm sang làng đối diện. Bỗng Thùy sứt lên tiếng “Không biết làng bên kia nhìn sang làng mình sẽ thấy như thế nào mọi người nhỉ?”. Ừ, tò mò quá! – cả đám cùng đồng thanh.
– Cái bãi kia sao mà trắng thế, đặt chân lên chắc là mát lắm – thằng Huân lên tiếng.
– Bên ấy nhiều chuối quá, mẹ bảo toàn chuối tây đấy, ngon lắm – Liên béo giọng đầy hào hứng.
– Hức, đúng là đồ con lợn chỉ biết nghĩ đến ăn, thảo nào mà… – Thanh còi giọng lém lỉnh.
– Tao muốn sang bên đó để có thể khám phá ra con đường bí ẩn kia – Trọng nói và chỉ tay vào con đường mờ mờ màu trắng xám.
Nói rồi đám con trai bày cách sang bên đó. Mấy đứa tranh thủ lúc người lớn đang ngủ trưa. Mượn tạm con thuyền, cả ba đứa quyết định bơi rẽ theo phía phải, đến bờ đập rồi sẽ len theo bờ đập để sang được bờ bên kia. Khi đặt chân lên con đường màu trắng xám ấy, Trọng nhớ, anh đã sung sướng đến chừng nào, đó là một sự chinh phục, và bắt đầu cho cuộc hành trình khám phá một thế giới mới. Ngước mắt nhìn sang làng Đại Hương, đẹp thật. Những mái nhà nằm rải rác, ẩn khuất sau đám cây, có những lũy tre bao quanh như dãy tường thành vững chắc, đồi cọ đẹp lạ lùng, thân cây đứng hiên ngang, sừng sững tựa như những chiến binh khổng lồ đang đứng gác cho ngôi làng. Lang thang rồi chiều muộn cả đám mới giật mình.
Trời đã nhá nhem tối, trong bãi chuối rậm rạp, mọi thứ trở nên tịch mịch và tiếng kêu của côn trùng trở nên khắc hoải. Tưởng như đang lạc vào một chốn ma mãnh, hoang vu. Không đèn, không thuộc đường, cả đám nhốn nháo, khóc nhếch nhác. Một ông cụ chạc bảy mươi tuổi, tóc đã bạc trắng, ông cởi trần để lộ làn da đen bóng, thân hình gầy guộc nhưng rắn chắc. Ông nhíu mày và quát “Mấy đứa mày ở làng bên à, giỏi nhỉ, có tí tuổi đã sang đây ăn trộm chuối rồi, tao đưa chúng mày lên xã nhé!”. Thằng Thanh khóc, thằng Huân khóc, rồi Trọng cũng khóc theo. Ông già cúi xuống xoa đầu ba đứa, trong ánh đèn pin khuôn mặt ông hiện lên vẻ đôn hậu, ánh mắt ông hiền từ “Nhà các cháu ở đâu, sang đây làm gì thế?”, ‘’Dạ, Đại Hương ạ!’ – Trọng nói to. “Chúng cháu thấy bên này đẹp quá nên sang ạ” – thằng Huân khiểng ấp úng nói. Thằng Thanh còi láu cá nói theo “Chuối ngon và chúng cháu đói nên mới lấy ạ”. Ông già cười chậm rãi “Lần sau các cháu không được đi một mình nhé, bố mẹ sẽ lo lắng, đi theo ông, ông dẫn về”. Những tiếng gọi thất thanh, mọi người đã lo lắng đi tìm con. Ánh mắt bố mẹ đều bực bội khi nhìn thấy mấy đứa. Cả ba chỉ biết len lén đi lên thuyền còn quên cả việc cảm ơn ông lão tốt bụng.
Nhớ lại quãng thời ngây dại ấy sao mà bình yên thế, vui nỗi vui của trẻ con, buồn nỗi buồn của trẻ con và lo nỗi lo của trẻ con. Giờ đây Trọng chẳng còn gì nữa, chỉ còn lại thân xác héo tàn và bệnh tật đầy đọa, cái chết đang cận kề. Giá như anh có một đứa con, giá như anh có thể ôm chúng vào lòng mà nói “Bố yêu con”. Và làm những điều tốt đẹp cho chúng.
Có tiếng sáo diều vi vu, rồi diều bay cao vút. Trọng mải miết nhìn theo cánh diều no gió kia. Có tiếng nói vọng lại “Anh Long giỏi quá”. Tiếng nói của một bé gái. Một sự quen thuộc. Trọng nhớ, cánh đồng trước cửa, đã gặt, để lại những gốc rạ trơ trọi, có chỗ lúa de đã xanh mơn mởn, không có nước nhưng bùn vẫn hơi nhão. Phía bên có một gò nổi lên giữa đồng, gò to và rộng trước người ta trồng bầu, trồng bí nhưng vì đám trâu bò thường xuyên phá phách và cứ đến mùa mưa là gò lại bị ngập nước, nên giờ người ta bỏ trống. Đám trâu bò tha hồ mà nhởn nhơ. Đám trẻ con tha hồ chơi, đến tối thì lùa trâu, lùa bò về.
Cuối tháng tám, tiết trời mát mẻ hơn, nắng cũng nhạt hơn, bầu trời xanh dịu hiền. Còn trò gì thú vị hơn với đám trẻ trâu bò là việc thả diều. Bọn chúng tụ tập dưới bóng cọ, mang dao, mang tre, nứa, mang những quyển vở đã viết đi hay những tờ báo nhặt được ở đâu đó ra và rủ nhau làm diều, giấy được xé ra rồi cắt và dán vào những thanh nứa, keo dán là loại bột nhầy nhầy được bọn trẻ con quấy bằng bột sắn. Thằng Thanh còi còn về lấy trộm cả cái diều của bố nó, cái diều trông rất đẹp, to, khỏe và chắc chắn. Diều không làm từ một loại giấy bình thường mà nó giống như một loại da rất mỏng, nhẹ và bền. Phía trong còn được gắn một cây sáo, nghe nói nếu diều bay sẽ phát ra tiếng rất hay làm cả bọn háo hức. Mấy đứa con trai trong xóm thi nhau kéo những chiếc diều tự tạo được, còn bọn con gái có nhiệm vụ ngồi xem, cổ vũ và nếu thấy con bò, con trâu hư đốn nào chằn lên để ăn sắn thì nện cho chúng một trận. Chạy trên cánh đồng, đuổi theo nàng gió đứa nào đứa nấy vã mồ hôi, quần áo bám đầy cỏ may, dính đầy bùn, chân tay vằn vèo, nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ.
Sự hồn nhiên và đam mê làm quên đi nắng, quên đi bẩn và quên đi mệt. Đến lượt cái diều của Thanh, vì nó to và nặng làm cậu không sao chơi nổi. Mấy đứa kia xúm lại chơi thử, thằng Huân kiêu căng hẳn lên khi nó làm con diều đó bay được. Nhưng cu cậu nhanh chóng thất vọng, chỉ một lát sau, diều đã lao đánh tõm một cái xuống nhưng may mà mắc vào đám rạ nên không bị bẩn. Lúc đó, Trọng đã lao tới giành lấy chiếc diều rồi theo chiều gió, dọc theo cánh đồng cậu chạy thật nhanh con diều bị cuốn vào cơn gió nó vươn lên cao. Tiếng sáo vang lên, thật trong, và diều càng lên cao tiếng sáo càng rõ ràng. Trọng ngước mắt theo cánh diều, tay liên tục nhả dây, diều bay cao vút, trông cứ hun hút, hình ảnh đó cứ xoáy sâu vào tâm trí của Trọng, một niềm kiêu hãnh vô bờ bến. Cả bọn xúm lại hoan hô và reo lên “anh Trọng giỏi thật đấy!”. Diều ơi, diều bay lên thật cao đi, vươn tới cái nền trời xanh thẳm kia đi, một sự khao khát mãnh liệt trong tâm hồn của những đứa trẻ.
Ký ức cũng đã xa rồi, giờ đây chỉ còn lại nỗi nhớ. Cũng giống như sự sung sướng, niềm kiêu hãnh bỗng vụt tắt khi đêm tối bủa vây, và con diều kia cũng bị kéo xuống. Trọng nghĩ đến thực tế và tim anh nhói đau. Còn Liên giờ đây những kỷ niệm tuổi thơ với Trọng vẫn còn nguyên vẹn trong cô! Ngày ngày cô vẫn đến đây chăm lo cho Trọng từng thìa cháo, muỗng sữa, có mặt Liên những cơn đau trong anh dịu bớt…
Còn Liên giờ đây những kỷ niệm tuổi thơ với Trọng vẫn còn nguyên vẹn trong cô. Ngày ngày cô vẫn đến đây chăm lo cho Trọng từng thìa cháo, muỗng sữa. Có mặt Liên những cơn đau trong anh dịu bớt…
Màn đêm đã ập xuống. Bầu trời về đêm đầy sao, gió thổi nhẹ mang theo hương sen, hương cúc man mác. Rồi Liên lại đến, nàng dắt theo một đứa bé chừng 5 tuổi. Trọng nhìn thằng bé và phải mấy phút sau anh mới bình tĩnh lại được. Thằng bé giống anh quá, đôi mắt, chiếc mũi và cái miệng kia là bản sao của anh. Trọng lặng người và nghĩ có thể anh sắp chết cho nên mọi thứ xung quanh cũng trở nên mơ hồ.
– Con anh đấy! – Liên thút thít.
– Em… – Trọng không nói nên lời.
– Anh có nhớ. Khi anh chuẩn bị sang Nga công tác, lần ấy em xuống Hà Nội và mẹ anh có nhờ em đưa cho anh một món đồ. Em đã đợi anh rất lâu ở cửa phòng cho đến khi anh về thì trời đã tối. Lúc ấy, người anh nồng nặc mùi rượu. Anh còn khóc và liên tục gọi tên một cô gái tên Lan nào đó. Anh tưởng em là cô gái ấy, và… – Liên khóc nức nở – Em đã không thể kiểm soát được chính mình, vì anh quá cuốn hút, cũng vì em đã mến anh từ rất lâu rồi.
– Sao em không nói cho anh biết?
Liên lắc đầu:
– Em không thể, em thấy xấu hổ và tủi nhục, em đã biện lý do hơn một năm trời em đã không về nhà và để con cho bác ruột em ở Hà Nội trông hộ.
– Xin lỗi. Trọng nhìn Liên, nàng đang khóc nức nở, thằng cu con đứng yên lặng với vẻ mặt hoảng hốt, có lẽ nó không biết điều gì đang xảy ra.
“Con trai, bố yêu con. Bố xin lỗi, vì bố không làm được gì cho con. Giá như lúc này bố có thể ôm con vào lòng. Giá như bố biết được sự hiện diện của con trên cõi đời này, giá như bố còn thời gian…”.
Trọng nhắm mắt lại. Anh nghe loáng thoáng có tiếng gọi bố, thấy tiếng trẻ thơ cười đùa khúc khích, thấy sao trời, thấy đom đóm bay, thấy cánh diều hun hút trên nền trời xanh thẳm, anh thấy cả tuổi thơ và những ước mơ. Qua khung cửa sổ hình như trên nền trời lại có thêm một ánh sao nữa, một linh hồn được siêu thoát. Trọng đã tắt thở và trên khóe mắt anh vẫn còn lấp lánh những giọt nước mắt.
Truyện ngắn của TRẦN TÚ