Mới đây, tại một cuộc bình chọn các bìa báo tết đẹp, trong top 10 bìa báo được đánh giá cao nhất từ hơn 200 bìa báo, tạp chí tết có tới 4 bìa do họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng thiết kế. Anh cũng là người có khá nhiều tranh được sử dụng làm bìa báo tết. Bên cạnh vẽ tranh, thiết kế bìa báo anh còn viết phê bình mĩ thuật. Đỗ Ngọc Dũng cũng là họa sĩ biết đón đầu xu thế hội nhập để đến gần với thị trường mĩ thuật thế giới, mang mĩ thuật Việt Nam ra thế giới và kéo thế giới gần lại Việt Nam. Nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn, 2024, VNQĐ đã có những trao đổi với anh xung quanh việc viết, việc vẽ và những câu chuyện xoay quanh lĩnh vực mĩ thuật.
PV: Chào anh Đỗ Ngọc Dũng! Mỗi dịp trước tết, làng báo chí văn học nghệ thuật lại rộn ràng làm báo tết như một bữa tiệc văn hóa. Rất nhiều ấn phẩm ấy đã được khoác lên mình tấm áo của họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng, anh có thể chia sẻ cơ duyên vẽ bìa báo tết của mình?
Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng: Đúng là mỗi dịp Tết đến – Xuân về các tờ báo tết thi nhau ra mắt bạn đọc với chất lượng tốt nhất về nội dung và đẹp nhất hình thức. Tôi học đồ họa ở Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ra trường năm 1984 về công tác tại Ty Văn hóa, Thông tin Vĩnh Phú, sau đó xin chuyển về Hội VHNT tỉnh, với mong muốn có điều kiện để làm sáng tác nghệ thuật. Ở Hội khi ấy có họa sĩ, nhà thơ Hoàng Hữu- tác giả của bài thơ Hai nửa vầng trăng nổi tiếng. Ông là một họa sĩ vẽ bìa rất uy tín cho các nhà xuất bản ngày ấy. Tôi bị ám ảnh bởi nhiều bìa sách đẹp của ông. Suốt quá trình công tác và hoạt động nghệ thuật, bên cạnh sáng tác hội họa, tôi cũng thường xuyên vẽ bìa sách, báo cho tạp chí văn nghệ, cho các tác giả xuất bản sách, vẽ tranh cổ động, tranh áp phích chính trị tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị… Đặc biệt, từ năm 1984 của thế kỉ trước tôi tham dự cuộc thi tranh áp phích chính trị quốc tế về chủ đề chống chiến tranh hạt nhân, tổ chức tại Liên Xô được tặng giải thưởng. Từ đó đến nay tôi cũng vẫn vẽ bìa sách, báo tuy không thường xuyên.
– Nhưng hình như mọi thứ chỉ thực sự “vào guồng” từ sau khi anh không còn vướng bận công tác?
+ Kể từ khi nghỉ công tác, từ đầu năm 2021 tôi mới có nhiều thời gian chuyên tâm cho sáng tác nghệ thuật, viết báo… Hàng năm cứ dịp đón xuân mới tôi lại vẽ một số các con giáp và như mọi người biết. Thời buổi công nghệ số hóa zalo, facebook rất thuận tiện cho việc chia sẻ tác phẩm của mình. Tôi nhớ năm 2022 Nhà thơ Hồng Thanh Quang thấy tôi chia sẻ mấy tranh vẽ hổ trên facebook, ông thích quá liền tìm điện thoại của tôi qua nhà nhơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, ông nói, ông tuổi Dần và muốn sở hữu một bức vẽ con giáp này. Mấy hôm sau ông lên mua ngay một tranh hổ của tôi. Nhà văn Thy Lan- Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, rồi nhà thơ Đặng Quang Vượng – Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Hà Giang đều gọi điện xin được đăng tranh hổ của tôi trên bìa văn nghệ của các Hội.. Thế rồi tranh bìa của tôi bắt đầu xuất hiện dần nhiều lên trên các bìa báo xuân.
Bìa Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên số Tết 2024 do hoạ sĩ Đỗ Ngọc Dũng thiết kế. Ảnh: NVCC
Năm sau Quý Mão – 2023, tôi lại vẽ một vài tranh mèo chia sẻ trên trang cá nhân, mấy hôm sau có người bạn gọi cho tôi biết ở phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, họ chép và bán rất nhiều tranh mèo của tôi, bạn ấy còn chụp cả ảnh gửi cho tôi xem, bảo tôi phải xuống kiện. Tôi cười và bảo kệ họ tết nhất đến nơi rồi hơi sức đâu mà kiện. Rồi nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm ở Đà Nẵng cũng nhắn tin cho tôi, ông còn sao chụp cả tranh mèo của tôi và đề nghị cho Tạp chí Non Nước mà ông làm Tổng biên tập được sử dụng tranh này trên bìa tạp chí; Rồi Nhà thơ Văn Công Hùng ở Gia Lai điện thoại nói, ông muốn có tranh mèo của tôi trên bìa tạp chí Du lịch – Cơ quan của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông đang làm cố vấn cho tạp chí; Rồi lãnh đạo Hội VHNT Lào Cai cũng gọi điện, nói tôi cho xin tranh mèo trên trang cá nhân của tôi để làm bìa cho tạp chí số tết. Rồi Sau đó là cuộc điện thoại giọng nam khỏe, ông xưng tên là Đoàn Mạnh Phương, là nhà thơ Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam Hội nhập, ông nói xin Số điện thoại của tôi qua nhà thơ Ngô Kim Đỉnh và đã theo dõi thấy rất thích các tranh con giáp cũng như một số bìa và phong cách vẽ của tôi, ông đặt tôi vẽ cho bìa tạp chí Việt Nam Hội nhập số Tết Quý Mão ra khổ to, với thù lao nhuận bút là 10 triệu đồng. Tôi nhận lời ông và đúng hẹn trả bìa cho ông, ông ưng luôn. Thế rồi Hội Báo Xuân năm ngoái bìa tạp chí của ông đạt giải Hội Báo Xuân. Năm nay ông lại đặt tôi vẽ bìa cho số tết từ khá sớm, và như mọi người biết, đó là một chiếc bìa cũng khá đẹp theo chủ quan của tôi. Mới đây một tổ chức nhà nghề ở Sài Gòn tổ chức bình chọn 10 bìa báo xuân được yểu thích nhất,từ hơn 200 ấn phẩm báo chí, tạp chí số Xuân Giáp Thìn thì Việt Nam Hội nhập xếp thứ 3, ngoài ra có 3 bìa báo khác nữa do tôi vẽ là Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam và Văn nghệ Tuyên Quang, Văn nghệ Xứ Thanh cũng lọt vào top 10 này.
Bìa tạp chí Việt Nam hội nhập số Tết Giáp Thìn được bình chọn thứ 3 ở hạng mục bìa báo, tạp chí dùng tranh thiết kế trong cuộc bình chọn của cộng đồng Degign.
– Vâng! Xin chúc mừng anh, tôi cũng có biết thông tin này. Vẽ cho ra sắc thái mỗi địa phương hay gọi tên được bản sắc tờ báo đó và lại mang hơi thở nhịp đập của một năm mới với những đặc trưng riêng của năm là điều không dễ. Hẳn xung quanh việc vẽ các bìa báo tết ấy cũng có nhiều chuyện thú vị?
+ Quả đúng như vậy khi vẽ cho bất cứ bìa báo tết nào dù là báo Trung ương hay báo các địa phương, tôi thường phải suy nghĩ xem tờ báo này tôn chỉ mục đích chính của nó là gì, hay chủ đề của tòa soạn đưa ra thế nào, để chọn hình ảnh và màu sắc cho phù hợp. Đặc biệt khi vẽ về các tờ báo tỉnh, tôi phải tính đến nét đặc trưng nhất của tỉnh ấy là gì? Bản sắc văn hóa, tiềm năng thế mạnh… để làm sao nhìn vào là người ta nhận diện được ngay… Còn chuyện thú vị trong việc vẽ bìa báo tết quả là cũng nhiều. Ví dụ: Năm kia, khi tôi cho một vài tranh mới vẽ con giáp lên trang cá nhân, sau đó có nhiều nơi đăng kí xin đăng bìa tết. Có con giáp có đến ba bốn nơi xin đăng mà không muốn nhường nhau. Nhiều khi tôi phải dàn xếp, thuyết phục cho từng báo những tranh phù hợp, nhưng đôi khi họ cứ khăng khăng em xin chọn tranh này rồi, em nhận trước rồi… Thú thật, vì gấp thời gian có lúc tôi phải thay đổi chút ít hình họa cho khỏi trùng lặp, hoặc cho quay ngược lại, hoặc thay đổi chút màu sắc. Thế nhưng oái ăm thay, có lần đã dàn xếp thống nhất xong cho từng báo, đến khi gửi lại file in cho họ, có lúc bấm nhầm đi cả tệp mấy tranh cùng lúc. Không biết vô tình, hay hữu ý mà khi báo ra có lần 2 tờ bìa giống nhau, tôi lo quá trách các bạn ấy quá chủ quan, rằng tôi sẽ mất uy tín… May mà hai tờ báo ở hai miền khác nhau (một ở miền Nam, một ở vùng cao có biên giới giáp với Trung Quốc). Rồi đành nhắc các bạn ấy lưu ý anh chị em tác giả không giới thiệu trên facebook, zalo nếu không thì rất xấu hổ vì không thể giải thích được, còn rất nhiều chuyện thú vị khác nữa,…
– Vẽ theo đặt hàng là điều không phải họa sĩ nào cũng làm được, đặc biệt là trong một khoảng thời gian rất ngắn của một, hai tháng cuối năm, nếu không có nền tảng thường trực và bề dày kiến thức, vốn sống trải nghiệm văn hóa… Anh đã hoàn thành số lượng tranh bìa lớn trong một thời gian ngắn ấy như thế nào? Theo anh một bìa báo Tết phải hội tụ những yếu tố gì?
+ Đúng là thời điểm cuối năm ai ai cũng bận công việc, cố cho xong kế hoạch trong năm, rồi họp hành hội đoàn, tổng kết liên hoan, gặp mặt, rồi công việc gia đình nội, ngoại… Họa sĩ cũng không nằm ngoài guồng quay chung đó. Thời gian này, cũng là thời điểm các tòa soạn lo làm tờ báo tết của mình. Ngoài lo chất lượng bài vở, một điều quan trọng nữa đó là lo hình thức cho bìa báo thật ấn tượng và bắt mắt. Vì thế mấy năm gần đây tôi thường rất bận cho việc vẽ bìa báo tết, cũng một phần vì tính cả nể của tôi, khó từ chối, dù có báo đặt hàng khá muộn. Mỗi mùa báo tết tôi thường vẽ tầm hơn chục bìa, có năm cao điểm vẽ đến gần 20 bìa cho các báo ở trung ương và địa phương khắp cả nước. Còn về kiến thức, vốn sống và trải nghiệm văn hóa như anh nểu ra thì đúng là họa sĩ vẽ bìa cũng như những lĩnh vực khác, có kiến thức, vốn sống, trải nghiệm văn hóa thì sẽ rất thuận lợi trong cách đặt vấn đề, cho tư duy chín trước khi dùng tay nghề và nghệ thuật để biểu đạt ý tưởng. Với tôi nhiều lúc chưa vẽ xong bìa này, đêm nằm tôi lại phải tư duy cho bìa tiếp theo, bởi công việc dồn dập. Những dịp này thú thật tôi ngủ được rất ít, và làm việc thường từ 10-12 giờ mỗi ngày. Có lúc trước khi nghỉ, rời phòng làm việc còn chụp lại bản vẽ dở, tối nghỉ còn tranh thủ nhìn ngắm lại để biết phải chỉnh sửa cái gì, thêm bớt cái gì…
Theo tôi, một bìa báo tết, trước hết phải bắt mắt, phải mang sắc xuân và hơi thở thời đại, niềm mơ ước, khát vọng vươn lên của đất nước hay từng địa phương như đã nói ở trên… Một điều quan trọng nữa là nó phải mang bản sắc riêng và chuyển tại được thông điệp riêng, hay tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ chính của tờ báo ấy.
Một bìa chuyên san Xuân Giáp Thìn của tỉnh Phú Thọ do hoạ sĩ Đỗ Ngọc Dũng vẽ tranh và thiết kế. Ảnh: NVCC
– Anh có nhớ chiếc bìa báo Tết đầu tiên mình vẽ?
+ Có lẽ từ lâu tôi đã vẽ bìa sách, báo nên cũng không nhớ rõ cái bìa báo đầu tiên mình vẽ năm nào và vẽ cái gì!
– Văn nghệ Đất Tổ hẳn là tờ mà anh dành sự quan tâm đặc biệt hơn cả
+ Tất nhiên là từ khi còn làm Chủ tịch Hội, tôi luôn quan tâm nhiều đến Văn nghệ Đất Tổ về mọi mặt, bời nó là cơ quan ngôn luận, là tiếng nói của giới văn nghệ sĩ miền đất cội nguồn dân tộc, hơn nữa lại là vùng đất từng là cái nôi của nềnVăn nghệ cách mạng thời kì kháng chiến chống Pháp, với bao nhiêu tên tuổi văn nghệ sĩ hàng đầu của đất nước từng sống, làm việc tại vùng đất Hạ Hòa – Phú Thọ, họ để lại những tác phẩm bất hủ đi vào lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà. Giờ đây tôi được Tổng biên tập – nhà văn Hồng Chính mời giúp cho phần mĩ thuật của tạp chí càng thấy mình có trách nhiệm hơn, góp sức mình làm cho tạp chí ngày càng đẹp về hình thức, chất lượng về nội dung, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Còn về tranh bìa của tạp chí, chúng tôi thống nhất cách năm tôi mới vẽ bìa còn lại đặt người khác vẽ cho khách quan và cũng là để thay đổi phong cách cho phong phú, mặt khác để anh em cũng không nghĩ mình tham (cười)
Hoạ sĩ Đồ Ngọc Dũng tại Bảo tàng Hàng không vũ trụ ở Washington DC – Mĩ. Ảnh: NVCC
– Là người đi nhiều, quan sát và trải nghiệm đời sống mĩ thuật ở các nước anh có nhìn nhận đối sánh với môi trường hoạt động nghệ thuật nói chung, mĩ thuật nói riêng tại Việt Nam?
+ Có thể nói sau 13 năm làm Chủ tịch Hội, cùng 7 năm làm Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ, tôi có điều kiện được đi công tác, học tập, tham quan, triển lãm ở khá nhiều nước trên thế giới (khoảng trên 30 nước). Trong các chuyến đi ấy có những chuyến mang tranh đi triển lãm ở nước ngoài, và những chuyến đi không liên quan đến hoạt động mĩ thuật. Nhưng tôi thường dành thời gian để ghé thăm các triển lãm mĩ thuật, đến hầu hết các bảo tàng nghệ thuật lớn trên thế giới, cảm phục trước sự sáng tạo vĩ đại của con người, các nghệ sĩ từ hàng ngàn năm trước đã để lại những di sản nghệ thuật vô giá cho hậu thế. Còn trong các triển lãm quốc tế mà tôi tham gia, cả những lần do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, những lần do Hội VHNT Phú Thọ chúng tôi tổ chức ở Hàn Quốc, Trung Quốc và cả những lần tổ chức tại Phú Thọ nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Tôi cho rằng, tranh của các họa sĩ Việt Nam nhìn chung đều ngang hàng, thậm chí có phần đẹp hơn, đặc biệt cái duyên trong các tác phẩm mĩ thuật của các họa sĩ Việt Nam, ở đây ý muốn nói là cảm xúc sáng tạo của nghệ sĩ thể hiện trong tác phẩm được biểu đạt rõ nhất và vì thế nó có sức lôi cuốn người xem hơn tác phẩm của họa sĩ các nước khác. Có lẽ chính vì yếu tố này mà các tranh của các danh họa Việt Nam thường có giá cao trong các sàn đấu quốc tế.
Bên cạnh đó tôi cho rằng, môi trường hoạt động mĩ thuật ở Việt Nam là khá thuận lợi với các văn nghệ sĩ nói chung và giới nghệ sĩ tạo hình nói riêng. Đó là luôn được nhà nước quan tâm đầu tư, tạo điều kiện khi có tác phẩm tốt, được xét trao các giải thưởng kịp thời,…Vì thế mà nhiều năm nay, như chúng ta biết hoạt động mĩ thuật diễn ra rất sôi động, các triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân, triển lãm khu vực liên tục được tổ chức ở khắp cả nước. Nhà nước còn định kì tổ chức triển lãm mĩ thuật toàn quốc, trước đây là 5 năm một lần, nay rút xuống còn 3 năm một lần. Rồi triển lãm toàn quốc về đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng do Tổng cục Chính trị – Bộ Quốc phòng tổ chức thường niên 5 năm một lần. Đó chính là những sân chơi nghệ thuật sang trọng, tạo điều kiện cho mĩ thuật phát triển, đồng thời phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Như vậy tôi cho rằng mĩ thuật Việt Nam đã hội nhập quốc tế một cách nhanh chóng và đầy tự tin.
Tranh của hoạ sĩ Đỗ Ngọc Dũng có cảm hứng từ những nét văn hoá dân gian đậm nét. Tác phẩm Trẻ nhà quê của Đỗ Ngọc Dũng. Ảnh: NVCC
– Ngoài việc vẽ anh còn viết bài về văn hóa nghệ thuật khá nhiều, trong đó có bài viết về mảng mĩ thuật. Anh có nhìn nhận gì về phê bình mĩ thuật tại Việt Nam hiện nay? Liệu nó đã làm được việc kích thích, đồng hành với người làm sáng tạo nghệ thuật?
+ Đúng là bên cạnh việc vẽ, tôi cũng hay viết bài về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Gần đây tôi có xuất bản 2 cuốn sách với gần ngàn trang in ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Năm 2023 vừa qua tôi có đăng khoảng 40 bài viết trên các ấn phẩm báo chí trung ương và địa phương, một phần ba trong đó là viết về mĩ thuật, giới thiệu tác giả, tác phẩm. Tuy nhiên, theo tôi, lĩnh vực phê bình văn học nghệ thuật nói chung và phê bình mĩ thuật nói riêng cảm thấy đuối sức so với hoạt động sáng tác, lực lượng làm phê bình mĩ thuật cũng rất hạn chế. Vì vậy sự khích lệ đồng hành cũng như tương tác của hoạt động phê bình mĩ thuật đối với người làm sáng tác còn ở mức khiêm tốn, trong khi đời sống mĩ thuật phát triển nhanh và rất sôi động như hiện nay.
– Người ta hay nhìn vào việc bán tranh để đánh giá mức độ thành công của họa sĩ. Ở bình diện ấy anh thấy những sản phẩm, tác phẩm mình sáng tạo ra như thế nào?
+ Việc bán được nhiều tranh tôi cho rằng, trước hết là phản ánh kết quả sáng tạo, tài năng cũng như lao động nghệ thuật nghiêm túc của họa sĩ. Tuy vậy, nó không phải là tất cả mà vấn đề là bán cho ai, đối tượng sở hữu tác phẩm ấy là ai, rồi tác phẩm ấy có thực sự là nghệ thuật, hay chỉ là sản phẩm thương mại chạy theo thị hiếu thị dân tầm thường. Với tôi, tôi tự hào là một số tác phẩm của mình được bán và lưu giữ ở Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam và nhiều đối tượng là các nhà sưu tập nghệ thuật sành điệu khác trong và ngoài nước.
Những đặc trưng của vùng quê Phú Thọ cũng đi vào tác phẩm của Đỗ Ngọc Dũng. Tác phẩm sơn dầu Trung du chiều tím của hoạ sĩ Đỗ Ngọc Dũng. Ảnh: NVCC
– Nghệ thuật đích thực và tranh đại chúng ở một chừng mực nào đó thì chúng vẫn có thể chung sống và hỗ trợ cho nghệ sĩ trong việc làm nghề và nuôi nghề. Quan điểm của anh về việc này thế nào?
+ Tôi nhớ khi mới xuất hiện Câu lạc bộ Thơ Việt Nam, có nhiều người, cả các nhà thơ đã lên tiếng cực lực phê phán, thậm chí có người còn coi nó như một thứ tà đạo. Thế nhưng cho đến bây giờ tôi thấy mọi người đều chấp nhận nó, thừa nhận nó như một nhu cầu khách quan của đời sống xã hội, nhất là đối với đông đảo lực lượng công chúng là những người nghỉ hưu, người yêu thích thơ ca…Và chính hoạt động phong trào này đã góp phần làm lan tỏa thơ ca bác học đến với nhiều dối tượng xã hội. Điều đó còn được minh chứng qua Ngày thơ Việt Nam được tổ chức hàng năm. Lĩnh vực mĩ thuật cũng vậy, tôi nghĩ mỗi dòng tranh có đời sống riêng của nó, anh cao cấp, anh sang trọng, anh có gu thẩm mĩ cao thì anh cứ chơi tranh bác học, tranh salon, tranh cách điệu cao, tranh trừu tượng, siêu thực… theo cách nghĩ của anh. Tóm lại là anh chơi hàng thứ thiệt đẳng cấp chất liệu đắt tiền, tranh của những tên tuổi mĩ thuật. Tôi quan niệm khác, gu của tôi khác, tôi bình dân chơi tranh theo dòng thông dụng, đại chúng dễ nhìn, dễ hiểu hợp với số đông. Chính những cái phục vụ đại chúng ấy, luôn là số đông, số đông ấy có cả những người rất nhiều tiền, những giám đốc, chủ doanh nghiệp… họ sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để chơi tranh theo thẩm mĩ đại chúng của họ. Như vậy họa sĩ sẽ đáp ứng yêu cầu của họ và nhận được những khoản thù lao xứng đáng. Chính điều đó đã mang lại hiệu quả thiết thực cho họa sĩ, có thêm điều kiện để làm nghệ thuật đích thực. Như vậy, trên thực tế hai dòng tranh này vẫn cùng tồn tại và có đời sống riêng và sẽ mãi là như vậy. Trong chừng mực nào đó vẫn hỗ trợ cho nhau.
– Thế giới phẳng cùng những tiện ích công nghệ đã kéo gần hơn những không gian và thực hành nghệ thuật. Khác với trước đây, cơ hội cho các nghệ sĩ dường như là như nhau. Anh có nghĩ điều này sẽ là điều kiện tốt cho các nghệ sĩ?
+ Đúng là thời đại công nghệ đã, đang và sẽ là điều kiện rất tốt cho các nghệ sĩ giao lưu trao đổi tác phẩm, học tập lẫn nhau, hiểu nhau, hiểu bạn, hiểu mình hơn và thi đua nhau trong sáng tao. Tôi cho rằng cũng chính nhờ những tiện ích của Interrnet đã làm cho các nghệ sĩ gần nhau hơn, thúc đẩy họ thi đua sáng tác mạnh mẽ hơn, cống hiến được nhiều hơn cho nghệ thuật, làm cho nghệ thuật phát triển mạnh lên nhiều.
Đại sứ Hy Lạp Nikos D.Kanellos thăm phòng tranh của hoạ sĩ Đỗ Ngọc Dũng tại TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: NVCC
– Cũng ở góc nhìn ấy, anh có cho rằng việc hòa nhập và đưa tác phẩm ra thế giới của các họa sĩ Việt sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn không?
+ Đúng như vậy, mĩ thuật khi ra thế giới vốn đã thuận lợi hơn so với nhiều ngành nghệ thuật khác. Ví dụ như văn học còn phải dịch, phải in ấn xuất bản. Nhưng mĩ thuật thì không phải dịch. Nó là nghệ thuật thị giác, tất cả các nghệ sĩ hay công chúng đều có thể xem và hiểu được tác phẩm của nhau. Chính Internet đã là nhịp cầu kết nối quan trọng để các nghệ sĩ giới thiệu, quảng bá tác phẩm của mình ra thế giới và ngược lại. Các họa sĩ xem được, biết được tác phẩm của nhau, chỉ một cái nhấn chuột là ta có thể xem được các kiệt tác nghệ thuật ở Bảo tàng Louvre, Bảo tàng Picasso, hay Bảo tàng Van Gogh… Tôi nhớ mấy năm trước dù đại dịch Covid-19 nhưng chúng tôi vẫn tham gia Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc bằng hình thức online và gửi tác phẩm qua mạng Internet. Như vậy những tiện ích của công nghệ đã kéo gần hơn không gian nghệ thuật với nghệ sĩ. Bên cạnh đó, tôi cho rằng cũng chính thế giới phẳng đã góp phần quan trọng làm lành mạnh hơn thị trường, môi trưởng mĩ thuât thế giới. Việc đạo tác phẩm, nhái tác phẩm rất dễ bị lộ diện và lên án.
Hoạ sĩ Đỗ Ngọc Dũng – Tranh kí hoạ của Trần Tuy.
Từ hơn chục năm trước, khi còn là Chủ tịch Hội VHNT Phú Thọ, Hội chúng tôi từng được đánh giá là Hội tiên phong trong giao lưu, hội nhập quốc tế về mĩ thuật. Chúng tôi từng được tỉnh giao tổ chức 3 trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại Phú Thọ. Bên cạnh đó còn chủ động kí kết với Hiệp hội Mỹ thuật Hàn Quốc, định kì triển lãm giao lưu mĩ thuật ở mỗi bên, góp phần làm cho hoạt động mĩ thuật ở tỉnh rất sôi động.
– Cám ơn họa sĩ đã chia sẻ! Chúc họa sĩ năm mới với nhiều sáng tạo mới!