“Mỗi tiết dạy văn là niềm hứng thú đặc biệt, để lại tình cảm đặc biệt khi cảm xúc được thăng hoa”. Đó là cảm nhận của cô giáo Nguyễn Thị Bích Hà, giáo viên Văn – Phó hiệu trưởng trường THCS Hùng Vương, thị xã Phú Thọ.
Tôi biết đến cô Hà từ năm 2000, khi đó cô còn là một sinh viên khoa Ngữ Văn trường ĐHSP Hà Nội mới ra trường. Năm cô ra trường là năm giáo viên Văn ở tỉnh ta không có biên chế,với nhiều người khác có thể sẽ chuyển nghề, trở thành công chức, viên chức ở một cơ quan nào đó hoặc có thể bứt phá kinh doanh bên ngoài làm cho các doanh nghiệp… Nhưng cô Hà vẫn quyết tâm gắn bó với nghề giáo, thực hiện bằng được mong muốn của mình, cô không quản ngại khó khăn xin dạy hợp đồng ở một trường bán công. Với lòng yêu nghề, yêu trò, ham muốn được cống hiến với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hà hàng ngày mặc một lớp quần áo bảo hộ bên ngoài vượt cả 20 cây số đường đất bụi bặm chỉ để thực hiện ước mơ được thể hiện lòng đam mê. Năm 2004 cô được biên chế về công tác tại một trường miền núi – Trường THPT Yên Lập, huyện Yên Lập, khi đó con còn nhỏ, chồng công tác xa, bố mẹ hai bên đau yếu, nhưng với lòng yêu nghề cô vẫn cố gắng khắc phục khó khăn thiếu thốn, say mê nghiên cứu trau dồi kỹ năng giảng dạy. Có những buổi cô thức rất khuya để chuẩn bị giáo án, nghiên cứu phương pháp giảng dạy áp dụng phù hợp với nội dung của từng tiết học. Để những tiết dạy văn đầy nhiệt huyết, thăng hoa là cả một quá trình dày công khổ luyện của người giáo viên dạy văn. Đạt được những tiết dạy đó, chính là lúc cả cô và trò đều đạt cảm xúc thăng hoa, thỏa mãn trong sự khám phá các khía cạnh nội dung và nghệ thuật của tác phẩm văn học, có nghĩa là tìm được ra cái đẹp văn chương được tác giả gửi gắm qua tác phẩm. Khi đó cô và trò cùng hoá thân vào nhân vật, hiểu nhân vật, vui nỗi vui, buồn nỗi buồn của nhân vật: “… đó là những giây phút tôi có thể khóc, cười theo nhân vật, khi đó cảm xúc trong tôi thăng hoa rất đặc biệt” cô Hà tâm sự.
Đã có nhiều người từng ví: Nếu coi nghề dạy học là những bước đi thường, thì người giáo viên dạy văn là bước đi trong điệu múa… Dạy học đã khó, dạy văn lại càng khó hơn, đòi hỏi người thầy phải có nghệ thuật tạo hứng thú với học sinh thì các em mới yêu thích môn văn. Vì vậy việc đổi mới phương pháp dạy văn là việc làm rất cần thiết đối với mỗi giáo viên hiện nay. Cô Hà chia sẻ: Dạy văn là quá trình hướng dẫn học sinh khám phá, rung động với vẻ đẹp nội dung và hình thức của tác phẩm, qua mỗi bài học giúp học sinh có được những hiểu biết về xã hội, văn hoá, văn học, lịch sử, đời sống nội tâm của con người và năng lực ngôn ngữ để học tập, khả năng giao tiếp, nhận thức về xã hội và con người. Từ đó, bồi dưỡng năng lực tư duy, làm giàu xúc cảm thẩm mĩ và định hướng thị hiếu lành mạnh để hoàn thiện nhân cách. Để tạo giờ học văn có hứng thú thì người giáo viên luôn cần phải biết làm mới mình, phải không ngừng đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học, tìm mọi cách truyền thụ để học sinh dễ hiểu và cảm nhận được cái hay, cái đẹp, tính nhân văn của môn học. Dù đã hoàn thành chương trình học thạc sĩ, xong tôi vẫn tự học hàng ngày theo cách: Đọc sách, nghiên cứu tài liệu, xây dựng ngân hàng đề qua đó truyền đạt kiến thức tới học sinh theo cách dễ hiểu nhất. Trong giờ lên lớp, tôi yêu cầu học trò phải vận động, phản xạ thông qua các trò chơi, hình ảnh trực quan, các câu hỏi, các tình huống tiếp cận tác phẩm, cô trò cùng khám phá tác phẩm thông qua những câu hỏi, câu trả lời rất hay, rất thú vị. Có những tiết học nhờ những chia sẻ thẳng thắn của cá nhân học sinh mà giờ học trở nên sôi động, vui vẻ. Trong mỗi bài giảng tôi đưa ra nhiều dẫn chứng từ bài thơ, bài văn, bài nghiên cứu. Với mỗi chi tiết, tình huống trong văn học, tôi hướng học sinh liên hệ đến thực tế diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, vận dụng sự hiểu biết, góc nhìn nhận của cá nhân để xử lý các tình huống ấy. Từ đó, giáo viên cũng thêm hiểu về tâm tư, suy nghĩ và hoài bão của từng học sinh, khéo léo gửi gắm những bài học về tình người, về những tư tưởng sống tích cực, truyền thêm những thông điệp, tình cảm, dạy các em biết chia sẻ và yêu thương. Cũng nhờ đó mà môn Ngữ văn dần trở thành môn học được nhiều thế hệ học sinh yêu thích. Phương pháp dạy văn hay, hấp dẫn chính là cách để học sinh tiếp cận tác phẩm, hướng học sinh đến những vẻ đẹp tâm hồn chân, thiện, mỹ. Giá trị của văn chương chính là giáo dục con người biết sống có nhân cách cao đẹp.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hà đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô tham gia giảng dạy ở nhiều môi trường giảng dạy khác nhau (4 năm dạy hợp đồng ở trường bán công Long Châu Sa – Lâm Thao, 2 năm biên chế về trường THPT Yên Lập, 15 năm giảng dạy và làm tổ trưởng bộ môn ở trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh; từ năm học 2020 – 2021 cô chuyển về làm Phó Hiệu trưởng trường THCS Hùng Vương – thị xã Phú Thọ), dù ở cương vị công tác nào cô vẫn luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, không ngừng học hỏi phấn đấu vươn lên. Cô được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành, đặc biệt trong những năm gần đây: Năm 2018 cô được nhận Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo với thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”; năm 2020, được nhận Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về điển hình tiên tiến ngành giáo dục giai đoạn 2015 – 2020; năm học 2020 – 2021 cô về nhận công tác mới tại Trường THCS Hùng Vương, ngoài nhiệm vụ công tác quản lý, cô đã tham gia vào bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn. Trong kì thi HSG cấp tỉnh, cô cùng với các đồng nghiệp bồi dưỡng cho 8 em tham gia dự thi thì cả 8 em đều đạt giải (4 giải nhì, 3 giải ba và 1giải Khuyến khích). Đội tuyển Văn của cô phụ trách đứng số 1 toàn tỉnh và góp phần đưa môn văn khối THCS thị xã Phú Thọ lần đầu tiên xếp vị trí thứ 1/13 huyện, thành, thị. Trong những năm tiếp theo, cô Hà mong muốn sẽ tiếp tục cùng các cô giáo dạy văn trong tổ có nhiều hoạt động trao đổi kinh nghiệm, đổi mới phương pháp dạy văn, tạo nên những tiết dạy – học văn đầy hứng thú đặc biệt.
T.L