Năm 1973 sau khi ra đời Ban vận động thành lập Hội văn nghệ Vĩnh Phú, lúc ấy tôi phụ trách văn xuôi. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi phụ trách thơ. Lãnh đạo Hội là ông Trần Quốc Phi – Phó Chủ tịch tỉnh; ông Nguyễn Chí Vượng – Giám đốc Sở Văn hóa. Anh Cao Khắc Thùy – Thư ký cơ quan.
Hồi ấy chúng tôi không ai có nghiệp vụ báo chí. Nhưng những tập tạp chí văn nghệ in ấn thời ấy lại đúng chuẩn của một tạp chí văn nghệ. Nếu không là truyện ngắn, truyện dài (trích) thì cũng là những bài tản văn, nhàn đàm về thời luận văn học nghệ thuật hoặc thời sự chính trị. Tạp chí ngang tầm một tạp chí văn nghệ địa phương thời ấy; mà lúc ấy cả miền Nam mới có Hội văn nghệ giải phóng còn miền Bắc chỉ có mấy tỉnh mạnh về văn chương như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Bình, Nghệ Tĩnh, Vĩnh Phú là những địa phương thành lập được Hội văn nghệ.
Hội viên các chuyên ngành văn, thơ, nhạc, họa, kịch… có khoảng bốn mươi hội viên. Ai cũng hăm hở viết, hăm hở xây dựng Hội. Anh em gặp nhau là tay bắt mặt mừng, khoe với nhau bản thảo mới viết, góp ý để hoàn chỉnh bản thảo. Hội viên có cả Hữu Thỉnh, Hà Phạm Phú, Văn Chinh, Trần Quang Quý, Hoàng Hữu v.v… Tạp chí “Sáng tác mới” in ra là sản phẩm tinh thần của Hội. Anh em cầm đi khoe với bạn bè khắp nơi. Trong những số tạp chí đầu tiên thấy có gương mặt văn nghệ địa phương và cả những tên tuổi lớn: Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Văn Cao đến Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Phạm Tiến Duật…
Ngày ấy biên tập văn nghệ được thoải mái lắm. Hội viên là những người yêu văn chương nghệ thuật đích thực. Lòng họ chỉ có đầy ắp tâm tình cùng văn chương nghệ thuật. Ngày nay không còn thế, họ vào Hội đều vì mục đích cá nhân, khi chưa được vào thì còn rụt rè anh anh em em, nhưng vào lâu lâu một tí thì xưng hùng xưng bá, tranh giành quyền lợi. Ai cũng chỉ thấy mình là nhất, in được hai bài văn, bài thơ thì coi trời bằng vung. Nhiều anh bị “bệnh sao” luôn ngỡ mình ở ngôi chủ soái thế là tác oai tác quái luôn muốn mượn báo chí làm diễn đàn để hạ bệ người, tôn vinh mình. May là trong Hội còn nhiều người bản lĩnh, vì vậy họ không lung lạc, thao túng được tổ chức Hội. Dần dà chân lý vẫn sáng tỏ. Hội ta vẫn vững bước đi lên.
Cái bệnh hay suy diễn bắt bẻ mà theo lý luận của các nhà khoa học Liên Xô gọi đó là xu hướng của xã hội học dung tục luôn tồn tại ở ta. Nó bắt nguồn từ sự dốt nát, sự đố kỵ nên suy diễn tác phẩm tốt thành xấu hay xiên ngang xiên ngửa, không hoặc cố tình không hiểu những chuẩn mực, những tiêu chí, những định giá của từng loại hình nghệ thuật để soi chiếu, đánh giá bình phẩm tác phẩm mà cố xuyên tạc tác phẩm để buộc tội tác giả.
Thời đầu chúng tôi thường xuyên mời các tác giả hàng đầu cả nước lên nói chuyện để nâng cao hiểu biết cho hội viên. Chính nhờ vậy mà hội viên của ta mới trưởng thành nhanh chóng. Nhiều người thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt rất nhiều người thành hội viên Hội Nhà văn. Mà là những nhà văn có tên tuổi: Hữu Thỉnh, Trần Quang Quý, Sao Mai, Văn Chinh, Nguyễn Uyển, Nguyễn Hưng Hải, Nguyễn Tham Thiện Kế, Hoàng Hữu, Vũ Đình Minh v.v… Ngày nay tỉnh ta vẫn có nhiều cây bút sáng giá so với mặt bằng chung của cả nước. Từ đó có thể đánh giá tỉnh ta là một tỉnh có đội ngũ tác giả văn chương đông hàng đầu cả nước. Hội văn nghệ tỉnh ta lại được tỉnh quan tâm đầu tư vào hàng hai ba trong cả nước.
Nhìn vào hoạt động của Hội thường người ta nhìn từ nội dung của tạp chí sáng tác của Hội. Tôi tuy có lúc chuyển công tác sang phụ trách xuất bản, rồi nghỉ hưu nhưng luôn luôn được anh em mời làm biên tập văn xuôi cho tạp chí. Tạp chí lúc nào cũng có các chuyên mục văn, thơ, nhạc, họa, ảnh.
Công bằng đánh giá: tạp chí văn nghệ của tỉnh ta thì những số ra thời đầu và hiện giờ là tương đối có chất lượng cao. Anh em biên tập chỉ chú ý đến văn, thơ, nhạc họa… những truyện ngắn in trong tạp chí trước hết nó đúng chuẩn của một truyện. Văn chương không lẫn với văn báo. Có thời, anh em phụ trách biên tập do không học về văn nên cứ thấy truyện là in. Do vậy không đảm bảo tiêu chuẩn của một tạp chí văn học. Khi có những người am hiểu văn chương vào phụ trách biên tập thì ùa nhau vào, lấy số đông để cố vùi dập hạ bệ nhau. Đó là căn bệnh xưa nay thường xảy ra mất đoàn kết ở các Hội văn nghệ địa phương. Người làm biên tập không thể dựa theo ý kiến số đông hội viên trong thực tế số người làm được thơ chỉ độ vài chục người. Ngay cả hội viên thơ của Hội Nhà văn không phải lúc nào cũng làm được thơ. Họ chưa phân biệt được ý thơ với tứ thơ. Nhiều hội viên thơ đưa thơ đến tạp chí tự khen thơ mình rối rít.
Người biên tập văn xuôi như tôi sướng hơn vì viết văn xuôi tưởng dễ nhưng quá khó vì chỉ dựng cái khung của truyện đã khó. Người bình thường khi xem những truyện hay viết giản dị trong sáng đến mức tưởng như dễ dãi để khi động bút vào mới thấy khó. Vì sự hồn nhiên bác học khác xa sự dễ dãi, hồn nhiên của trẻ con. Cộng tác viên văn xuôi viết được những bản thảo trung bình đã khó chứ chưa nói đến việc viết được những truyện ngắn hay. Do vậy cộng tác viên văn xuôi dễ dàng thông cảm với người biên tập hơn. Vì viết đã khó nên họ không hợm mình như người viết được đôi câu vần vè đã ngỡ mình là nhà thơ. Vì thế cả nước mới có các câu lạc bộ thơ, không có câu lạc bộ văn.
Tạp chí văn nghệ giờ đây không chỉ làm chuyên môn mà còn năng động tổ chức nhiều cuộc thi, trại viết động viên hội viên các chuyên ngành sáng tác được nhiều tác phẩm có chất lượng nhờ vậy chất lượng tạp chí được nâng cao hẳn.
Nhìn lại chặng đường hơn bốn mươi năm làm báo văn nghệ vừa để thấy bước phát triển của Hội vừa để thấy những chuyện bếp núc của nghề nghiệp đặng góp một vài kinh nghiệm cho việc làm tạp chí văn nghệ của tỉnh ta.
N.H.N