Cương ở quê vừa vào đến nơi. Bộ quần áo anh mặc còn hằn những nếp nhăn do ngồi xe khách lâu, vai mang chiếc ba lô bộ đội từ thời còn tại ngũ, trên cổ đeo toòng teng cái máy ảnh hiệu Zenit cổ lỗ mới sưu tầm được.
Thoáng thấy Cương bước chân lên hè khu tập thể giáo viên, Hà chạy ùa ra mừng rỡ như thể đứa trẻ đang ngóng mẹ đi chợ về.
– A! Anh Cương! Các con ơi, ba Cương về rồi kìa!
Chạy theo Hà là bé Hằng 5 tuổi và bé Na 4 tuổi. Chúng cũng reo lên mừng rỡ: Ba! Ba!…
Cương ngồi xuống. Hai bé ùa vào lòng anh mếu máo trách sao ba đi lâu về. Cương ôm chúng vào lòng, lau nước mắt cho chúng, vỗ về.
– Ngoan nào! Ba về rồi mà! Đây, quà của các con đây!
Cương lấy trong ba lô ra, nào là búp bê bông cho mỗi bé một con, nào là bánh, kẹo… bảo quà này của bà nội gửi cho, quà này của cô, của chú…
Hai đứa bé nhanh chóng bị những món đồ mê hoặc ngay, quên hết mọi dỗi hờn.
Cương quê mãi ngoài Hưng Yên xa xôi vào Tây Nguyên làm giáo viên. Vừa rồi anh về quê một tuần chăm mẹ ốm. Bà bị đau ruột thừa, cũng may được phẫu thuật kịp thời, giờ đã bình phục, anh mới dám quay vào với các con và trường lớp.
Đợt về quê này, Cương sưu tầm được một chiếc máy ảnh hiệu Zenit sản xuất từ thập niên 1970. Anh là người mê chụp ảnh và thích sưu tầm máy ảnh cũ. Cương mê chụp ảnh từ khi còn là bộ đội nghĩa vụ ở đồn Biên phòng. Trong những cuộc tuần tra biên giới, phong cảnh biên cương tươi đẹp của Tổ quốc với núi non hùng vĩ, những cánh rừng trùng điệp, những thảm hoa dã quỳ rực vàng mê mải, những bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số có mái nhà rông cao vút như lưỡi rìu khổng lồ phác lên trời xanh… khiến anh muốn lưu giữ lại và lan tỏa đến nhiều người. Hết nghĩa vụ quân sự, Cương thi đỗ cao đẳng sư phạm rồi ra trường, quyết xin về mảnh đất Tây Nguyên nơi đơn vị cũ để công tác. Ước mong chụp được những bức ảnh đẹp cũng dần trở thành hiện thực nhờ thời sinh viên anh học thêm nhiếp ảnh. Giờ anh đã là hội viên chuyên ngành nhiếp ảnh của hội văn học nghệ thuật tỉnh, đã đoạt một số giải thưởng nhiếp ảnh ở địa phương và khu vực.
Căn phòng ở của cha con Cương nơi khu tập thể nhà trường vẫn gọn gàng, sạch sẽ trong những ngày anh về quê là nhờ Hà. Hà đã giúp anh chăm sóc hai đứa bé bên cạnh sự hỗ trợ nhiệt tình của những đồng nghiệp cùng trường.
Thật ra bé Hằng và bé Na không phải là con đẻ của Cương.
Chuyện là mấy năm trước, ba mẹ con bé Hằng và bé Na không rõ từ đâu dắt díu nhau đến đây sinh sống. Ba mẹ con không người thân thích, không có nhà cửa, được dân làng làm cho một gian nhà nhỏ tạm bợ bằng tranh tre trên vạt đồi chính quyền cho mượn. Hằng ngày, người mẹ đi làm thuê hoặc theo dân làng vào rừng tìm kiếm, thu nhặt những lâm sản phụ. Mùa đót thì hái đót, mùa sa nhân thì lấy sa nhân. Thấy hoàn cảnh thế, chi đoàn thanh niên nhà trường do Cương làm bí thư đã vài lần quyên góp từ đồng lương của giáo viên giúp đỡ ba mẹ con.
Nghe kể, hồi ở quê, chồng chị nghiện ma túy rồi chết sau một lần sốc thuốc. Phần vì muốn quên đi những buồn đau do người chồng nghiện ngập gây ra, phần vì cuộc sống khó khăn, chị quyết định ra đi tìm sinh kế mới. Rồi con đường phiêu bạt đã dẫn chị đến nơi này. Nhưng thật không may cho chị, khi tia hy vọng của cuộc đời vừa le lói trở lại đã vội tắt ngấm! Một lần chị vào rừng kiếm sa nhân không may bị nước lũ cuốn trôi mất tích. Hai đứa con của chị, đứa hai tuổi, đứa một tuổi bỗng chốc trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Thương hai đứa trẻ bơ vơ, Cương báo cáo cơ quan và xin chính quyền nhận chúng về làm con nuôi. Không ngờ, quyết định ấy khiến người yêu của anh lúc đó nhất quyết chia tay. Cô là nhân viên kế toán của một cơ quan nhà nước ở dưới tỉnh. Đã nhiều lần cô muốn anh xin chuyển về tỉnh, nhưng anh không đồng ý.
Chưa từng làm cha, lại một thân một mình nhận nuôi hai đứa trẻ khiến Cương gặp không ít khó khăn, vất vả, nhất là khi trái gió trở trời. Anh mua sách dạy nuôi con, mày mò lên mạng tìm hiểu về cách chăm sóc trẻ, hỏi han thêm mọi người… Anh phải sắp xếp thời gian, sắp xếp đồng lương eo hẹp… May có địa phương và đồng nghiệp xúm vào giúp đỡ nên dần dần cũng ổn. Hai bé rất ngoan và bi bô gọi Cương là bố.
Khi mới nhận hai bé về nuôi, có nhiều người đồng tình và chia sẻ với Cương, khen anh là người tốt, nhưng cũng có kẻ gièm pha, nói anh làm màu. Kệ, anh không quan tâm. Anh làm việc này xuất phát từ tiếng lòng mình và tình thương dành cho các bé chứ đâu phải làm để được khen? Còn ai chê bai là việc của họ, hơi đâu để ý! Mình phải suy nghĩ bằng cái đầu của mình, hành động theo con tim, khối óc mình chứ sao lại sống chạy theo người khác!
Thời gian đầu, bố mẹ, anh chị em của Cương ở quê không cấm cản, cũng không tỏ ra ủng hộ, chỉ lo lắng cho anh. Dần dà họ chia sẻ với bố con anh và coi hai bé như con cháu của mình. Hai bé cũng dần quen thuộc với ông bà nội, các cô chú ở quê xa qua lời kể của bố Cương và những cuộc gọi video qua điện thoại. Thỉnh thoảng ông bà gửi xe vào cho bố con anh khi bao khoai, khi chục cân bánh đa, khi can tương Bần… Mùa nhãn lồng thể nào cũng có một thùng xốp đóng đầy ú ụ.
Cương gặp Hà khi cô về nhận công tác tại trường anh đang dạy. Đó cũng là năm chi đoàn trường Cương phối hợp với chi đoàn thanh niên đồn Biên phòng đóng trên địa bàn phát động trồng hoa dã quỳ phủ quanh ngọn đồi đặt cột mốc biên cương.
Hà tốt nghiệp sư phạm ngoài Bắc, theo anh chị vào đây định cư và xin việc. Ngay từ buổi đầu đi trồng dã quỳ, Cương đã ấn tượng với vẻ nhiệt tình, năng nổ, lại có ngoại hình duyên dáng của Hà. Năm sau, vào mùa hoa dã quỳ đầu tiên trên cột mốc biên cương nở, Cương vác máy ảnh lên đồi ngắm say sưa thảm hoa vàng rực, đẹp tiêu sơ. Vô tình, anh cũng thấy Hà đang mải mê làm dáng bên những bông dã quỳ cùng chiếc điện thoại… Liền hôm sau và những hôm sau nữa, Cương nhờ Hà lên làm “mẫu ảnh” cho anh. Tình cảm hai người dần nảy sinh từ mùa hoa dã quỳ ấy. Chính một trong những bức ảnh Cương chụp Hà tạo dáng bên hoa dã quỳ ngay nơi dốc đường lên cột mốc đã đoạt giải A cuộc thi ảnh nghệ thuật của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Hà cảm mến và khâm phục, quý trọng Cương khi thấy anh nhận nuôi bé Hằng và bé Na. Nhưng thú thực mỗi lần nghĩ đến chuyện tình cảm hai người có thể tiến xa thì Hà lại có phần lấn cấn về việc Cương nuôi hai đứa trẻ. Không lấn cấn sao được! Đồng lương của giáo viên đã eo hẹp, nếu hai người nên vợ nên chồng sẽ có thêm những đứa con nữa, với ngần ấy miệng ăn, liệu có lo được cho các con chu đáo không?… Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng tình cảm Hà dành cho Cương vẫn luôn nồng ấm. Rồi những lần cùng Cương chăm sóc hai bé khiến cho Hà càng thêm gắn bó. Cô đã xem hai bé như con mình từ lúc nào. Chúng càng lớn càng đáng yêu làm sao!
Về phần Cương, anh biết Hà yêu anh, quan tâm đến anh chân thành lắm, nhưng anh lưỡng lự, không muốn ràng buộc cô vào những vất vả của cha con anh. Mà cũng chỉ là suy nghĩ vậy thôi, chứ con tim anh vẫn xốn xang và lòng anh vẫn thầm mong muốn…
Năm nay là mùa thứ ba hoa dã quỳ lại nở rực rỡ bao quanh ngọn đồi dẫn lên cột mốc biên cương. Hòa trong dòng người từ muôn phương tìm đến tham quan ngoạn cảnh có Cương và Hà cùng bé Hằng, bé Na xúng xính trong bộ váy mới ông bà nội từ quê xa vừa gửi tặng. Họ có được bộ ảnh tuyệt đẹp. Nhiều người ngỡ họ là một gia đình nên đề nghị chụp giúp bức ảnh cả nhà làm kỷ niệm. Hà nhìn Cương ngượng ngùng rồi vui vẻ ôm hai bé cùng tạo dáng.
Về nhà, cả hai háo hức mở máy xem bộ ảnh. Họ dừng lại thật lâu trước những bức ảnh chụp chung. Hà đề nghị Cương cùng chọn bức hình chụp bốn người như lạc giữa ngàn hoa làm ảnh đại diện cho trang facebook. Bức ảnh vừa được hai người đăng lên, một loáng sau, tiếng tinh tinh vang lên liên tục thông báo những lượt thích và bình luận của bạn bè, người thân. Bao lời khen và chúc mừng gia đình nhỏ khiến đôi bạn trẻ nhìn nhau cười hạnh phúc rồi luôn tay hồi đáp những lời cảm ơn.
Truyện ngắn của VŨ VIỆT THẮNG
Nguồn: qdnd.vn