Tôi đang mải mê suy nghĩ lời kết cho thước phim ngắn đầu tay của mình thì tình cờ được chứng kiến câu chuyện của một nhóm học trò, các em có lẽ đang là học sinh phổ thông.
Nhóm trò chuyện về chủ đề: “Cha bạn làm nghề gì?”
– Cha tôi là giám đốc.
– Cha tôi là bác sỹ,…
Ai cũng rôm rả kể về cha của mình, các em kể về những món quà đắt tiền mà cha tặng trong dịp sinh nhật, hay những chuyến du lịch sang trọng trong dịp nghỉ hè. Nhưng không khí bỗng lắng xuống bởi một cô bé: cha tôi làm, cha tôi… cô bé ấp úng, bối rối rồi vội vã bỏ đi.
Tôi thoáng thấy những lời chế nhạo từ nhóm bạn “cha nó làm xe ôm, nhà nó nghèo lắm. Ừ, phải rồi, thảo nào trông nó cũng nhếch nhác, cha nó nghèo vậy chẳng trách mà nó lại tự ti đến thế. Thôi, bỏ đi, chúng mình cũng không cần phải chơi với một đứa như thế”.
Chắc chắn những lời kia đã lọt vào tai cô bé, cô bé chạy vù đi, tôi cũng tò mò bước vội theo sau đó.
Cô bé lững thững bước đi trong đêm, mặt như sắp khóc. Bỗng một bác xe ôm tiến lại phía cô bé giọng hồ hởi: “- Con gái con đi chơi có vui không, lên đây bố đèo về”.
Cô bé vùng vằng: con không thích, bố để con một mình đi!
– Sao thế con, nay đi chơi không vui à? – người cha vẫn ôn tồn hỏi.
Cô bé khẽ lắc đầu rồi gắt lên: – Bố hỏi nhiều thế nhỉ, con đã bảo là con muốn một mình rồi cơ mà!
– Ơ cái con bé này, con gái con lứa, đêm hôm mày đi lang thang ngoài đường thế này bố yên tâm được à, ai gây chuyện với mày, kể cho bố nghe xem nào?
– Là bố, người gây chuyện là bố đấy! – Nghe con gái nói xong người cha sững sờ.
Cô bé nói trong nước mắt: – Tại sao các bạn của con ai cũng có một người cha hoàn hảo, một người cha giỏi giang, còn con lại khác, cha của con chỉ là xe ôm, con chẳng thấy có gì đáng tự hào cả!
Cô con gái bỏ đi, để lại người cha đáng thương, ông như chết lặng trong giây lát.
Tôi đuổi theo sau cô bé, chúng tôi cùng ngồi trên một ghế đá ở công viên. Tôi khẽ hỏi:
– Này em gái, sao đêm hôm khuya hoắt lại ra đây khóc một mình, muộn rồi em không về nhà đi?
Cô bé vẫn yên lặng
– Em không về gia đình em sẽ lo lắng đó – tôi vẫn cố gắng khuyên nhủ.
– Em làm gì có gia đình mà về! – cô bé vẻ ấm ức.
Tôi ngạc nhiên hỏi: Sao thế, cha mẹ của em đâu?
– Mẹ em đã mất khi em còn rất nhỏ, còn bố em thì đi tối ngày thôi!
– Chắc em đang giận vì bố bận đi làm không quan tâm đến em à?
Bố em có làm gì đâu, bố em chỉ làm xe ôm thôi, vậy mà cứ đi tối ngày luôn. Em đang ghen tị với chúng bạn của em, tại sao chứ, những người bạn của em ai cũng có một người bố hoàn hảo, bố của các bạn ấy giỏi giang, lịch lãm và cưng chiều các bạn ấy. Khoảnh khắc em nhìn thấy cha của bạn ấy đi ô-tô đến đón bạn ấy rồi họ cùng ăn ở nhà hàng sang trọng, em đã tủi thân đến nhường nào. Tại sao bố của em không cho em có một cuộc sống sung túc như các bạn của em. Tại sao mỗi khi bố xuất hiện lại không phải là người lịch lãm, phong độ, tri thức như thế, bố em trông thật là quê mùa, nghèo khổ và nhếch nhác.
Tôi khẽ thở dài, lòng tôi cũng nhói đau. Có lẽ, đã đến lúc tôi nên làm một việc gì đó. Đúng rồi, cần phải hành động ngay thôi.
– Em gái này, trước hết em hãy bình tĩnh đi nhé, anh sẽ cho em xem thước phim đầu tay mà anh làm, rồi chúng ta nói chuyện tiếp. Cô bé gật đầu đồng ý.
*
Thước phim hiện lên rõ nét:
Nghề của cha.
“Bạn đã bao giờ tìm hiểu xem công việc của cha mình như thế nào chưa? Một ngày của cha như thế nào? Hãy cùng tôi tìm hiểu nhé!”.
Người đàn ông này là một người chở xe ôm và ông cũng là một người cha.
4h sáng, người cha đã dậy. Xới tạm một bát cơm nguội, đang ăn thì có tiếng chuông điện thoại reo lên, cha bỏ vội bát cơm “chờ tôi một lát, tôi đến ngay đây”. Ông vội vã dắt xe ra, đề máy nhưng xe không chịu nổ máy, nó chỉ phát ra tiếng xèn xẹt rồi tắt ngấm, ông làm đi làm lại vài lần nhưng không được, sau đó ông dùng chân đạp cần khởi động, phải mất một lúc xe mới chịu nổ máy. Ông lao vội đi trong bóng tối. Khi ấy, cô con gái vẫn đang say giấc nồng.
Người xe ôm đã đến địa điểm vị khách ban nãy hẹn, ông ấn máy gọi nhiều lần mới thấy chủ thuê bao bắt máy, giọng đầy cáu cửn “đợi ông lâu quá, nên đi xe khác rồi, làm ăn gì mà lề mề”. Người đàn ông buồn bã, đôi mắt ông nhìn về hướng đông, nhưng mặt trời vẫn chưa mọc, ông nhìn về phía cuối con đường vẻ trông ngóng, mong đợi. Có lẽ ông đang mong đợi có một vị khách bù lại cuốc xe hụt.
Trời bắt đầu sáng dần, tiếng rao quà sáng rộn ràng, đường phố tấp nập. Người đàn ông tiến lại một quán phở mua một tô phở nhưng lại gói mang về. Khi ông về đến nhà cô con gái đã dậy, ông mừng rỡ “bố mua phở rồi này, con ăn rồi đi học nhé”. Đứa con gái vẫn còn nũng nịu “bố dậy sớm thế, bố lại mua phở rồi, sao bố không cho con tiền ăn mỳ cay”.
Người cha khuyên nhủ: – Con còn nhỏ tuổi, mà cứ thích ăn đồ cay là không tốt cho sức khỏe đâu ấy nhé!
Cô bé ngượng nghịu: – Bố đúng thật là, ăn mỳ cay đang là mốt đấy bố ạ, các bạn con rủ nhau đi ăn suốt ấy thôi!
Sau đó người đàn ông lại lang thang trên những chặng đường, nhìn những giọt mồ hôi rơi thấm ướt trên áo, nhìn đôi mắt ông như thấy cả những chặng đường đầy cô đơn. Giải lao dưới bóng một rặng cây, uống nước lọc trong chai nhựa đã chuẩn bị sẵn từ nhà là cách để người đàn ông này tiết kiệm mọi chi phí.
Thành phố về đêm tuyệt đẹp, phố đã lên đèn, những ánh điện nhấp nháy đủ sắc màu. Sau một ngày làm việc vất vả, người ta bắt đầu tìm cho mình những giây phút thư giãn, mà thư giãn ven mặt hồ là điều rất lý tưởng. Ven mặt hồ, nhiều quán ăn vặt, quán kem mọc lên, đêm nào cũng tấp nập khách. Họ ngồi ăn uống, trò chuyện rất vui vẻ. Vì thế, ven hồ cũng có rất nhiều người làm nghề xe ôm, họ mong ngóng và chờ đợi những chuyến xe đêm. Bác xe ôm kia cũng vậy, như một thói quen, ông nhìn ngắm thành phố xa hoa, nhưng trong lòng lại đượm buồn. Rồi như chợt nhớ ra điều gì đó, ông chạy vội vào quán, mua một ly sinh tố, vài chiếc bánh nhỏ, lao xe về nhà nhưng cô con gái đã ngủ rất say, ông khẽ lay người con gái: “Con gái dậy đi, bố mua quà cho con này”. Đứa con gái nói nhệu nhạo trong giấc ngủ: “Muộn rồi, con chỉ muốn ngủ thôi bố ơi, bố phiền quá!”. Đôi mắt người cha thoáng buồn, ông lại trở lại ven hồ để bắt đầu công việc của mình.
Một ngày của người cha làm xe ôm cứ lặp đi lặp lại như vậy. Đầy những nắng gió, nhọc nhằn, vất vả, có cả những sự chán nản nhưng người cha vẫn kiên định, vẫn cố gắng, bởi ông luôn nghĩ đến con của mình. Nhưng mỗi người con chúng ta đã bao giờ nghĩ về cha, nghĩ về công việc của cha, nghĩ về những điều mà cha đã trải qua chưa?
Câu trả lời có lẽ là chưa, hoặc là rất ít. Bởi vì, bản thân tôi cũng vậy, khi tôi còn nhỏ tôi cũng luôn ghen tị với các bạn, luôn trách rằng sao tôi lại có một người cha nghèo, sao cha tôi không giàu, không hoành tráng như cha của các bạn. Những điều ấy luôn đeo bám lấy tâm hồn non nớt của tôi, cho đến khi tôi trưởng thành nhưng cha không còn trên cõi đời này nữa, thỉnh thoảng tôi nhớ lại những ký ức tốt đẹp về cha, lòng vô cùng hối hận. Các bạn ạ, chúng ta không được lựa chọn người sinh ra mình, nhưng chúng ta được lựa chọn cách sống như thế nào. Hãy biết ơn cha mẹ – người đã sinh ra và nuôi lớn ta.
Thước phim vẫn còn nhưng cô bé đột nhiên hỏi: – Sao anh biết giỏi thế?
Tôi gắng động viên: Anh quen bác xe ôm trong đoạn phim cũng được một thời gian rồi nhưng hôm nay anh mới biết đó là bố em. Bác hiền lành và thật thà, hơn nữa bác lại rất thương con gái của mình. Có lúc bác đã tâm sự với anh rằng người bác thương nhất là cô con gái nhỏ, rằng bác chẳng làm được điều gì tốt đẹp cho con gái của bác, con bé thiếu thốn cả về tình cảm lẫn vật chất. Từ những gì bác xe ôm tâm sự, từ những khoảnh khắc anh vô tình bắt gặp, đã thôi thúc anh làm thước phim này. À, anh đã nghĩ ra đoạn kết cho thước phim rồi:
“Giữa dòng chảy của cuộc sống, chúng ta hãy sống chậm lại một chút, quan sát những người xung quanh ta. Hãy nhìn xem cha đã làm những gì cho ta, hãy đón nhận những yêu thương bằng trái tim. Người xe ôm này có thể không có ô-tô đẹp để đến trường đón con, nhưng ông vẫn đến đón con bằng chiếc xe máy cà-tàng mà mình có. Người xe ôm này có thể không có tiền cho con ăn ở nhà hàng sang trọng, nhưng ông vẫn chắt chiu, nhường nhịn những đồ ăn ngon nhất mà ông có cho con. Cha luôn dành cho con những gì tốt nhất mà cha có. Mỗi người cha dù làm nghề gì đi chăng nữa, chỉ cần là nghề chính đáng thì nó đều đáng để chúng ta trân trọng. Dù cha làm nghề gì đi chăng nữa, thì hãy luôn nhớ rằng cha luôn yêu các con”.
Cô bé nức nở: – Em sai rồi, em chỉ luôn nghĩ đến cảm xúc của riêng mình, em không biết cha đã phải vất vả như thế.
– Vậy em mau về nhà và xin lỗi cha đi! – Tôi ôn tồn.
Cô bé gật đầu đồng ý. Nhưng bác xe ôm đã đứng đó chứng kiến toàn bộ câu chuyện, đôi mắt bác đỏ hoe, giọng bác xúc động: – Về nhà thôi con!
Rồi bác nắm chặt lấy tay tôi, miệng luôn nói: Cảm ơn cậu nhiều nhé!
Tôi nhìn hai cha con ra về, lòng lâng lâng những cảm xúc hạnh phúc.
Truyện ngắn của TRẦN TÚ