Nỗ lực trở thành một nghệ sĩ cổ điển đa năng
– Lời đầu tiên xin được chúc mừng anh, về cú đúp giải thưởng “Nghệ sĩ nổi bật” do cả hội đồng lẫn khán giả bình chọn, về danh hiệu “Nhà khởi xướng tiên phong” cho MAESTOSO. Có vẻ như giấc mơ trở thành một nghệ sĩ cổ điển đa năng của anh đã được hiện thực hóa?
– Ðúng là tôi luôn mong muốn hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển như một nghệ sĩ đa năng, ở nhiều khía cạnh khác nhau từ trình diễn – giảng dạy đến tổ chức sự kiện. Bởi với cá nhân tôi, đã trót yêu thì phải say mê mọi thứ liên quan tới loại hình nghệ thuật ấy. Chọn con đường là một nghệ sĩ biểu diễn đơn thuần, ngày ngày chăm chỉ tập luyện rồi thể hiện những tác phẩm kinh điển trên sân khấu, đón nhận những tràng vỗ tay nồng nhiệt từ công chúng thì ai chẳng thích. Nhưng số ít cá nhân đi theo hướng đó cũng phải gánh chịu nhiều áp lực nặng nề, khi lịch diễn hằng năm lên tới cả trăm buổi, cuộc sống không hề dễ dàng gì. Phần lớn còn lại, trong đó có tôi, lựa chọn tham gia giảng dạy song song với biểu diễn như một cách thức tìm đến sự cân bằng. Không chỉ giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từ năm 2018, tôi còn sáng lập Inspirito School of Music với hy vọng mỗi thầy, cô sẽ trở thành nguồn cảm hứng trực tiếp, truyền lửa đam mê nghệ thuật cho học trò đúng như tên gọi Inspirito (mang nghĩa nguồn cảm hứng) từng lựa chọn lúc ban đầu. Chương trình Evolution No1 (nằm trong chuỗi hoạt động “Xưởng văn hóa” do Viện Goethe sáng lập và đạt giải “Dự án nghệ thuật ý nghĩa”) mà chị nhắc tới, chương trình hòa nhạc giáo dục Evolution No2 mới diễn ra tại VCCA hay chuỗi chương trình “Âm nhạc thế kỷ XX” kết nối nghệ sĩ hai quốc gia Việt Nam – Ðức vừa được Goethe Institute triển khai ghi dấu những nỗ lực của chúng tôi, trên hành trình đưa âm nhạc cổ điển đến với đông đảo công chúng Việt.
Ngoài ra, tôi cũng thích công việc tổ chức biểu diễn, dù không được đào tạo bài bản, dù chỉ nhờ chịu khó quan sát học hỏi qua những đêm diễn trong và ngoài nước mình từng góp mặt mà thành. Ðó cũng là lý do tôi cùng ba đồng nghiệp trẻ Nguyễn Phú Sơn – Nguyễn Ðức Anh và Dương Vũ Minh đồng sáng lập MAESTOSO, dự án khởi nghiệp (start up) tiên phong trong lĩnh vực tổ chức các buổi hòa nhạc cổ điển. Nhiều chương trình thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hay đặc biệt là chuỗi chương trình hòa nhạc miễn phí trong không gian Nhà thờ Lớn hay Nhà thờ Cửa Bắc mỗi dịp Giáng sinh hay Phục sinh… là những gì MAESTOSO làm được, cho đến giờ phút này.
Sự ghi nhận của Hanoi Grapevine Finest 2020, trong hai vai trò nghệ sĩ (pianist) cũng như nhà tổ chức (organizer) của hai dự án tâm huyết một lần nữa khẳng định điều tôi từng chia sẻ, rằng “trở về Việt Nam là một lựa chọn đúng đắn”.
Thêm nhiều bàn tay cùng nắm lấy…
– Ðó cũng là thắc mắc của số đông khán giả, trong đó có tôi. Anh đã thành danh ở môi trường châu Âu, quyết định trở về quê hương – vốn chưa hề được coi là thiên đường của nghệ thuật hàn lâm xem ra không hợp logic cho lắm?
– Khác với anh Quang (pianist nổi tiếng Lưu Hồng Quang – nv), tuy được làm quen với cây đàn dương cầm từ nhỏ, ngón đàn ở loại khá giỏi nhưng không tới mức tài năng xuất chúng nên tôi không hề nghĩ đến chuyện sẽ đi đường dài với nó. Ngày nhỏ, kết quả học văn hóa của tôi rất tốt cho nên mẹ còn mong tôi sẽ trở thành một bác sĩ chữa bệnh cứu người. Học tài thi phận, tôi không đỗ vào ngôi trường cấp ba mơ ước, khi đang học năm thứ hai hệ trung cấp piano. Buồn vì rớt xuống nguyện vọng hai, tôi đột nhiên nhận ra nhạc viện thật vui, nơi đó có nhiều bạn bè hơn, môi trường âm nhạc thú vị hơn. Niềm vui ấy kích thích tôi tập luyện chăm chỉ hơn, chuyên tâm với cây đàn hơn. Tôi chọn âm nhạc làm cái đích cho đời mình từ đó.
Rồi tôi đi du học, hết Bỉ tới Thụy Ðiển. Một, hai năm đầu, được học hành trong môi trường chuẩn, được các nghệ sĩ tài năng dạy dỗ, tôi nghĩ mình sẽ chọn châu Âu làm quê hương thứ hai. Nhưng ở lâu hơn, tôi nhận ra môi trường ấy yên bình và ổn định sớm quá, trong khi tôi ôm ấp trong mình nhiều tham vọng và cả ước mơ. Cơ hội hiện thực hóa những điều đó, với một người nước ngoài là không dễ dàng, thậm chí là cực kỳ khó khăn.
Trong những dịp về nước hiếm hoi, tôi có cơ hội tham gia biểu diễn tại một số chương trình quy mô nhỏ. Những khán phòng chật kín khán giả cho thấy âm nhạc cổ điển đang từng bước phát triển tại Việt Nam. Giấc mơ chuyển tải những tinh hoa nghệ thuật phương Tây đã gom góp bao năm thôi thúc tôi quyết định trở về vào năm 2018. Thời gian đầu khởi nghiệp MAESTOSO chẳng dễ dàng gì, đúng là làm vì đam mê bởi tiền nong chẳng thấy đâu. Rồi chúng tôi nhận ra, muốn duy trì hoạt động biểu diễn phi lợi nhuận thì phải tìm kiếm rất nhiều nguồn tài trợ cũng như phải có khoản thu nhập ổn định của riêng mình. Vậy là phải mở trường, phải giảng dạy để bù đắp một phần chi phí.
Ðiều hành và quản lý song song hai mô hình, tôi thấy tiếc khi nhiều đồng nghiệp trẻ phải chạy đua kiếm tiền để có thể trang trải cuộc sống, nhiều người bỏ nghề rẽ sang hướng khác vì không có được môi trường âm nhạc đích thực để giữ trọn đam mê. Tự thấy mình có chút may mắn và thuận lợi hơn, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm gánh vác những điều lớn lao hơn. Như ươm mầm và đào tạo những tài năng tương lai. Như tổ chức nhiều buổi diễn để các nghệ sĩ có điều kiện đem tiếng đàn đến với công chúng. Như bắc nhịp cầu bằng những chương trình hòa nhạc giáo dục, những đêm hòa nhạc chất lượng kể cả bán vé hay miễn phí để kéo gần khoảng cách giữa khán giả và âm nhạc đỉnh cao. Tất cả vì một tương lai sống động hơn cho đời sống âm nhạc cổ điển Việt Nam. Thêm nhiều bàn tay cùng nắm lấy nhau, giấc mơ ấy sẽ thành hiện thực.
– Xin được chốt lại bằng một câu hỏi mang tính riêng tư. Sinh ra trong một gia đình nổi tiếng, anh có phải chịu áp lực khi phải đứng dưới cái bóng quá lớn của cha và của anh trai mình?
– Rất may là khi quyết định đi theo âm nhạc, trước mặt tôi đã có đủ khoảng trống để vươn lên. Giờ bố tôi đã nghỉ hưu, anh trai sinh sống và làm việc tại nước ngoài, cả gia đình tôi vẫn luôn có thể hỗ trợ nhau rất tốt trong công việc.
– Xin cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.
Thạc sĩ, pianist Lưu Ðức Anh, sinh năm 1993 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bố là PGS, TS, NSƯT Lưu Quang Minh – giảng viên accordion và nhạc jazz uy tín. Anh trai là Lưu Hồng Quang – pianist nổi tiếng với nhiều giải thưởng quốc tế.
Lưu Ðức Anh từng tốt nghiệp thủ khoa đại học năm 2013 và cao học piano năm 2015 tại Nhạc viện Hoàng gia Liège (Bỉ). Sau đó, anh theo học khóa nâng cao tại Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Ðiển) và chính thức trở về Việt Nam từ năm 2018.
Từng biểu diễn tại nhiều sân khấu lớn của châu Âu, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản…, anh cũng giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế uy tín: giải nhì trong các cuộc thi piano Classic Sonata (Australia, 2009) và toàn Vương quốc Bỉ năm 2014; giải nhất trong các cuộc thi piano Leopold Godowsky (Ba Lan, 2014), Andrée Charlier (Bỉ, 2015) và Stockholm (Thụy Ðiển, 2017); giải Ðặc biệt trong cuộc thi piano quốc tế Alain Marinaro (Pháp, năm 2017). Cũng trong năm 2017, anh được bầu chọn là Gương mặt trẻ tiêu biểu của Thành Ðoàn Hà Nội và Gương mặt trẻ triển vọng toàn quốc.
Tác giả: Hồ Cúc Phương (thực hiện)
(Nguồn: https://nhandan.com.vn/)