– Chủ quán đâu? Cho xin ly café nóng nào!
Cao Trí kéo ghế dịch ra phía cửa ngồi xuống, giở điện thoại ra tìm danh bạ. Vì chưa đến giờ làm việc, anh gọi mấy anh em ra uống cùng.
– Chủ quán đâu, có bán hàng không đấy? Đợi nát cả chỗ ngồi rồi!
Anh gọi lần nữa. Thiếu phụ dạ to, khệ nệ bưng chiếc rổ to, đựng đầy cốc chén, hoa quả đi ra, miệng tươi tỉnh:
– Anh chờ em một tý nhé, hôm qua đông khách quá, một mình làm không xuể, giờ mới rửa ráy xong đây ạ! Chị nhìn Cao Trí tiếp – Gớm, mấy năm rồi, hôm nay mới thấy anh đấy, tưởng quên phố núi rồi – Nói xong chị vội vàng pha café cho anh. Cao Trí sững sờ, khách nhớ nhà hàng, ai lại nhà hàng nhớ khách. Vậy mà…!
Café vừa mang ra, anh em bên huyện cũng tới. Mọi người vui vẻ chào hỏi chúc sức khỏe nhau, uống café rồi vào công việc.
Ở cái phố núi nhỏ bé này. Ai chẳng biết café Ngỗng. Café Ngỗng đặc biệt, bởi nó khiêm nhường giữa bao nhiêu quán lớn nhỏ. Những cái tên nửa tây nửa ta, đèn màu rực rỡ. Café ở đây được lựa chọn kỹ lưỡng, rồi tự rang say, pha nguyên chất. Khách quen thương hiệu lớn như Trung Nguyên, Mê Trang, khó cảm nhận được. Hương vị của nó chẳng giống ai. Người ít dùng, bập phải thứ này, cứ gọi là mất ngủ. Có người say café từ sáng, bốn năm giờ chiều vẫn buồn ói, mà đâu có ói được.
Café thì vậy, chủ quán càng làm người ta nhắc nhớ nhiều hơn. Bởi dáng vóc cao ráo thanh tú, làn da trắng nõn mịn màng. Gái chồng con rồi, mà tươi phơi phới. Đôi má lúc nào cũng đỏ ưng ửng, cặp mắt lúng liếng sắc tựa dao cau. Khuôn ngực tròn căng, cứ nẩy lên theo từng bước chân đi. Lời chào mời thì, ơi chao, cứ gọi là ngọt tận xương tận tủy. Người vô tình cũng khó mà quên được…
Vợ chồng nhà họ yêu nhau lắm. Khi rảnh rỗi cùng đi các quán khác, vừa thưởng thức, vừa tìm hiểu cách làm ăn của đối thủ, hoạch định chiến lược kinh doanh hiệu quả, lại chẳng đụng hàng. Lâu lâu đưa con cái đi siêu thị. Trong nhà chả thiếu thứ gì, chẳng bao giờ họ to tiếng. Các con ngoan, cuối năm học đứa nào cũng được tặng giấy khen, danh hiệu này khác. Tuy còn trẻ nhưng đã có chiều viên mãn lắm.
Khách đến công tác, bao giờ cũng được các anh bên huyện đưa sang giới thiệu và thưởng thức. Cái quán nhỏ chẳng mấy khi vắng khách. Sự nhiệt thành của đôi vợ chồng ấy càng làm tao nhân, mặc khách rủ nhau tìm đến. Trước uống café, sau ngắm dung nhan cô chủ.
Cách đây mấy năm, Cao Trí được cử về giám sát bộ phận điều tra dân số. Ngay hôm đầu, anh được mời café Ngỗng. Phải nói là ngon thật, ở thành phố ít gặp. Vậy là sau mỗi bữa sáng, anh đều có mặt. Khi thì vài người, lúc một mình. Lúc rảnh, nữ chủ quán lại mang thêm ly nước đến gần gợi chuyện. Vừa tăng thêm sự thân mật, vừa để khách đỡ trống trải, nghệ thuật bán hàng mà. Chỉ vậy thôi, cũng làm anh vui vẻ khi xa nhà.
Qua trò chuyện mới hay, cô chủ có cái tên rất đẹp Ngọc Lan. Ngọc Lan người Mường, mãi tận trong núi Mường Tằn. Lan đẹp lắm, mỗi chiều ra suối Bồng tắm, đám trai bản rình rập, trộm ngắm thân hình cao ráo, trắng nõn trắng nà, với những đường cong mê đắm ấy.
– Cho ứa tắm cùng với nhá, Ngọc Lan ơi!
– Ứa xin kỳ lưng cho ún nào, được không?
– Ê! Ngọc Lan không cho mày kỳ lưng đâu, cho tao thôi!
Tiếng của bọn con trai mới lớn trêu đùa. Chốc chốc lại rộ lên trận cười, vỡ khoảng rừng, bến nước.
Ngọc Lan vờ không nghe thấy, xuống suối gội đầu, mái tóc dài, dày, thả theo dòng nước trong veo tận đáy. Bất ngờ hất tung lên, vòng nước bạc trắng như ôm trọn lấy Ngọc Lan, giữa nắng chiều sơn cước. Không ít chị em phụ nữ, cũng lặng nhìn ước ao. Thầm ghen với vẻ đẹp trời phú của nàng.
Con gái Mường, có nhan sắc, Ngọc Lan sớm nhận ra rằng: Nếu an phận ở nhà, lấy chồng, sinh con như người khác. Không biết bao giờ cuộc đời mới thay đổi. Bởi vậy, quyết tâm học thật giỏi, lập nghiệp bên ngoài. Mới mong giúp đỡ Pộ, Mế và các chế, các eng được.
Quá trình phổ thông, Ngọc Lan học xuất sắc, thi đậu Đại học Thương mại. Gia đình khuyên nên nghỉ, lo chuyện chồng con. Con gái xứ Mường học cao, khó lấy chồng lắm ! Hơn nữa nhà nghèo, tiền bạc đóng góp, không phải dễ. Hiểu điều đó, học năm thứ hai, Ngọc Lan xin phục vụ ở quán café. Không như nhiều bạn khác, người làm gia sư, người đi tiếp thị, người làm nhà hàng sang trọng, Ngọc Lan chọn quán café. Vì biết rằng, khi xã hội thay đổi, cuộc sống sinh hoạt cao, nhu cầu thưởng thức lớn, dễ có thu nhập.
Đi làm, Ngọc Lan tìm học cách pha chế. Dự định ra trường, không có tiền xin việc, mở quán kinh doanh. Hàng ngày sau giờ học, Ngọc Lan đến quán phục vụ, có hôm làm thêm đến khuya, về nhà trọ cũng gần hai giờ sáng. Mệt mỏi vẫn phải cố, Ngọc Lan chẳng nợ điểm môn học nào. Thấy Lan đẹp người đẹp nết, lại chịu khó. Thợ pha chế chính tin tưởng, ân cần chỉ bảo. Lúc anh này đi vắng, Ngọc Lan tự tay pha café, khách khó tính cũng chẳng chê trách gì.
Ra trường, Ngọc Lan quyết định về phố núi. Một quán café nhỏ mang cái tên “Café Ngỗng” ra đời. Ngỗng ngầm ý là Thiên Nga đấy. Ban đầu, chỉ một chiếc tủ lạnh, với chục cái phin, vài chục ly sứ, cốc thủy tinh. Café lấy của nhà cung cấp. Sau này thêm máy say café, máy say đá. Các thứ dụng cụ sắm dần, đến đủ cả.
Hồi đại học, Ngọc Lan yêu một anh cùng trường, học trước ba khóa, quê Quảng Tân. Hai người hứa hẹn, ra trường lo đám cưới. Giờ cuộc sống đủ đầy. Pộ, Mế (*) vui ra mặt. Ngọc Lan có hai con thì họ càng vui hơn.
Khách mỗi ngày một đông hơn, người quen, người lạ tấp nập. Ngọc Lan càng ngày càng xinh đẹp. Ở tuổi ba mươi, mà như mới độ trăng tròn. Trong đám khách có cả những quan chức, không ít kẻ ham muốn. Nhưng Ngọc Lan chẳng chút bận lòng. Khôn khéo lảng tránh, chẳng làm mất lòng ai. Kỹ năng học được ở trường, học từ thực tế, qua thời gian đã dạy cho Lan.
Lúc nghèo, người ta thường không để ý chuyện này, chuyện khác. Khi giầu có, lo đủ mọi đường, sợ mất thứ này, lo mất cái kia. Chồng Lan cũng vậy, giờ đâm ra hay nghi kỵ. Mỗi khi ai đó trêu đùa vợ là khó chịu, sinh cáu bẳn, thậm chí cấm vợ thân mật với bất cứ ai. Vô tình giao tiếp cởi mở một chút, y rằng đêm ấy vợ chồng lại cãi nhau. Trước chỉ hai người, sau cả nhà, hàng xóm cùng biết. Vì vậy, quán dần vắng khách. Hết đổ lỗi người nọ, đến đổ lỗi cho người kia. Cãi nhau chán rồi đánh nhau. Nhiều hôm, Ngọc Lan mang nguyên cái mặt có những vết bầm tím ra bán hàng. Pộ Mế (*) buồn lắm, cắn răng mà chịu. Đánh vợ chán, chồng Lan quay ra hành hạ con. Những đứa con hễ nhìn thấy bố là nem nép. Thương con chẳng biết làm gì.
Con giun xéo lắm cũng quằn. Ngọc Lan đơn phương ra tòa. Những tưởng chồng sẽ thay đổi. Ai ngờ, anh ta càng cuồng nộ, đánh đập mẹ con nhiều hơn. Chính quyền nhiều lần phải can thiệp. Sau ba lần hòa giải không thành, tòa xử ly hôn. Tài sản, con cái chia đôi. Ngọc Lan vay mượn giữ lại ngôi nhà cho con. Giữ lại cửa hàng nuôi con ăn học.
Thấm thoắt ba năm, Cao Trí giờ là trưởng phòng của một sở. Nhân dịp về công tác. Anh tìm lại quán xưa. Vẫn Ngọc Lan ngày nào, sao bây giờ lộng lẫy thế, quán xá cũng trang hoàng hơn. Cao Trí choáng ngợp. Anh gọi một ly café đen đá. Ngọc Lan pha xong bưng ra, bước chân uyển chuyển, dáng đi nhẹ nhàng như lướt trên thảm. Cao Trí thẫn thờ trước vẻ đẹp rạng ngời, cứ nhìn hút sâu theo bóng người đi.
– Em mời anh dùng café ạ!
Lời Ngọc Lan làm anh bối rối. Đã từ lâu, anh thèm một giây phút ngọt ngào mà không có. Anh nhìn trân trân, Ngọc Lan khéo lái câu chuyện chống ngượng.
– Đợt này anh về công tác lâu không? Nhớ ghé quán ủng hộ em nhé!
Cao Trí ậm ừ, chẳng che nổi cái bối rối trong lòng.
Ai bảo tình yêu là sét đánh không biết. Nhưng với Cao Trí, quả thật chẳng sai. Anh như phải nèm, phải ngải vậy. Đêm đêm thao thức, hễ nhắm mắt vào, hình dáng Ngọc Lan xuất hiện. Nó tràn vào tâm trí anh, cả khi ăn, lúc ngủ. Đêm mong trời mau sáng, ngày ngẩn ngơ. Hết giờ, phóng xe gần 60km, tới quán để nhìn thấy Lan. Mưa dầm ngấm đất, Ngọc Lan dần dần có cảm tình với anh.
Một chiều, mưa giông bỗng sầm sập tới, nước lênh láng trên đường. Mưa to quá, ngập vỉa hè rồi tràn vào nhà. Ngọc Lan đang loay hoay chống đỡ, thì Cao Trí tới. Chẳng nề hà, anh lao vào giúp sức. Tường bao sau nhà ập xuống, nhờ vậy, nước thoát nhanh. Hai người hì hụi khuân gạch xếp tạm, phòng kẻ gian. Do gặp phải nước mưa, Cao Trí bị cảm lạnh. Người cứ run lên, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Ngọc Lan lo lắng, tìm thuốc cho anh uống. Sốt cắt cơn trời đã khuya. Ngọc Lan cho Cao Trí nghỉ tại căn phòng ngày xưa của hai vợ chồng. Giờ có khách mới dùng đến.
Sáng ra, Cao Trí vội vã về kịp giờ làm việc. Cả ngày cứ bâng khuâng điều gì, chẳng gọi thành tên. Bỗng chuông điện thoại reo vang. Cao Trí mở máy, tiếng Ngọc Lan:
– Anh à! Anh về cơ quan chưa? Có thấy đỡ hơn tý nào không? Em lo lắm!
– Cám ơn em, anh ổn rồi! Em có mệt lắm không? Anh thuê thợ xây lại chỗ tường ấy nhé! Cao Trí trả lời.
– Thôi anh, em bảo mấy đứa em nó ra làm, anh mệt rồi mà! Nghỉ cho khỏe đi, rồi vào với em!
Cao Trí bàng hoàng, vào với em, nghe sao ngọt ngào đến thế! Trong lòng anh thấy bâng khuâng, vui, vui lắm. Chỉ mong hết giờ, anh sẽ chạy vào ngay.
Sau cơn mưa, bầu trời như được gột rửa. Nắng chan chan trải đầy mặt đất. Mây trắng lãng đãng trên khắp nền trời. Tâm trạng con người cảm thấy thoải mái hơn. Cao Trí vừa lái xe vừa hát, những bài ca không đầu không cuối. Bánh xe lăn êm trên mặt đường phẳng mịn.
Ngọc Lan đang nóng lòng chờ đợi. Cao Trí vừa dừng xe, nàng chạy ra đón, như sợ người khác giành anh mất. Vừa vào nhà, Ngọc Lan nhẹ nhàng đặt tay lên trán anh xem còn sốt không. Rồi nàng pha cho anh một ly café nóng:
– Anh mới bị cảm, nên dùng café sữa nóng cho ấm người!
Thấy Ngọc Lan chăm sóc tận tình quá, Cao Trí càng bối rối, chân tay cứ như thừa ra, chẳng biết để vào đâu.
– Anh uống đi kẻo nguội mất ngon bây giờ. Hôm nay mình đi nhà hàng ăn tối nhé. Phố bên có đặc sản thú rừng ngon lắm!
– Hay ăn ở nhà em, mình nấu lấy hợp khẩu vị, đảm bảo vệ sinh hơn!
– Thôi anh, việc đó để hôm khác, em mời thêm mấy đứa bạn rồi! Miễn cưỡng, Cao Trí phải đồng ý.
Sau cuộc rượu, mọi người rủ nhau đi hát. Bạn bè Ngọc Lan ai hát cũng hay, biết anh e ngại. Một người chủ động chọn bài, mời anh hát song ca. Cao Trí không thể từ chối. Xong, họ yêu cầu mỗi người hát riêng một bài. Anh bối rối, vì chẳng nhớ tên bài nào cả.
Ngọc Lan chọn bài, mời anh.
“Dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời/ Dù cho mây, hay bão tố có cuốn qua đây/ Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy/ Có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi nữa, tôi vẫn yêu em…”.
Cao Trí hát bằng trái tim, bằng cả tấm lòng, say sưa da diết lắm. Giọt lệ trong mắt Lan ngân ngấn. Bạn bè thấy vậy hùa vào trêu.
– Cảm rồi, cảm nhau rồi, Ngọc Lan ơi!
Khuya, mọi người chia tay. Cao Trí đưa Ngọc Lan về trong hơi men. Men rượu, men tình chuếnh choáng. Vừa vào nhà, bất ngờ anh choàng tay, ôm chầm lấy Ngọc Lan. Ngọc Lan run rẩy gỡ ra, khuôn ngực tròn căng, phập phồng thở dốc. Nhưng đôi tay vạm vỡ càng xiết chặt. Người nàng túa mồ hôi ra ướt đầm lưng áo. Ngọc Lan càng cố gỡ, Cao Trí càng xiết chặt. Sự chống cự ngày càng yếu ớt, khi hai đôi môi chạm vào nhau. Từ trạng thái chống cự, giờ Ngọc Lan xiết chặt hơn. Họ thì thầm vào tai nhau những gì, chỉ hai người mới biết. Tiếng trẻ con đang thở đều trong cơn ngủ. Tiếng thở của hai người lúc to lúc nhỏ. Sự chuyển động vô hình, khi khoan lúc nhặt, đêm đồng lõa với người yêu nhau.
Kể từ sau buổi ấy, họ tính chuyện lâu dài. Được Ngọc Lan đưa về thăm Pộ, Mế. Cao Trí cũng mời nàng về thăm gia đình. Hai bên rất ủng hộ, nhất là mẹ Cao Trí, bà thấy Ngọc Lan thì mừng ra mặt. Một điều mẹ, hai điều con.
Tiệc cưới nhanh chóng diễn ra, có đầy đủ họ hàng nội ngoại. Những đứa con anh, con chị vui lắm. Bởi lâu nay mỗi bên chỉ có bố, hoặc mẹ chăm sóc hàng ngày.
Sau ngày cưới, Ngọc Lan vẫn ở nhà bán hàng. Hằng ngày sau giờ tan sở, anh chạy về chăm chút vợ con. Cửa hàng mỗi ngày thêm đông khách. Cao Trí bàn với vợ, mở rộng không gian tầng hai. Có phòng hát cho nhau nghe, trang trí đẹp, hấp dẫn, sẽ thu hút thêm nhiều khách đến.
Cái tên “Café Ngỗng” vẫn được dùng, thương hiệu đã khẳng định. Ai đến Hoàng Vân, không thể không vào một lần cho biết.
Đêm Trung thu, đám rước đèn rầm rập, trống ếch rộn ràng thôi thúc. Chú Tễu tinh nghịch, cầm chiếc quạt mo dẫn đầu. Đội lân vào từng nhà, múa, nhận tiền thưởng. Trẻ con, người lớn, ai nấy đều vui vẻ.
Năm nay vợ chồng Ngọc Lan, thấy mình trẻ lại nhiều, đưa con theo đám rước mà lòng phơi phới. Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, khi tình yêu và lòng tôn trọng được duy trì bền vững. Cao Trí rất tâm đắc điều này, anh và vợ, ai cũng một thời bị tổn thương sâu sắc. Nên họ hiểu giá trị cuộc sống, gia đình quý giá như thế nào. Bất giác, bàn tay tìm nhau giữa rộn ràng phố núi.
Truyện ngắn của ĐẮC PHƯỢNG
* Pộ, Mế: Bố, Mẹ.