Tôi vẫn còn nhớ mãi cái lần định mệnh tôi nhìn thấy Na, là trong tiệc mừng tốt nghiệp đại học tại nhà anh bạn cùng khóa. Tôi đi tham quan ở sân sau và nhìn thấy một cô gái đang ngồi bên cửa sổ ở tầng trên. Cô bé quả là một giai nhân tuyệt sắc, khuôn mặt trái xoan, mắt bồ câu, cái nhìn thơ ngây, trong sáng như thiên thần. Mái tóc của cô bé đen như gỗ mun, dài như dòng suối mát xoã xuống đôi bờ vai tròn lẳn với cái áo đầm màu hồng nhạt nhẹ nhàng như cánh bướm. Tôi cứ ngắm mãi không chán và mỗi lần như vậy, trong người tôi lại rạo rực như có ngọn lửa bùng cháy. Cô bé bắt gặp ánh mắt và mỉm cười với tôi, nụ cười ngọt lịm. Tôi lập tức đỏ mặt, né tránh cái nhìn đó, khi quay mặt lại, cô bé đã biến mất từ lúc nào giống như một nàng tiên vậy. Không kìm lòng được, tôi dò hỏi chủ nhân buổi tiệc về nàng tiên bí hiểm đó, nghe xong câu chuyện của tôi, chủ nhân buổi tiệc kinh ngạc, miệng lẩm bẩm:
– Cậu đang hỏi về em gái của tôi à.
Tôi mừng như người vừa bắt được của quý, năn nỉ mãi anh bạn đồng nghiệp mới chịu gọi em gái ra gặp tôi. Đúng là nàng rồi, nàng tiên có nụ cười tươi thắm như những cánh hoa mùa xuân đang nở. Nhưng tôi lại được một lần nữa kinh ngạc không để đâu cho hết. Một nàng tiên xinh đẹp nhưng theo như lời anh bạn lại là một nỗi khốn đốn, đau buồn, một cơn ác mộng của gia đình. Anh trai cô bé thở dài và nói cho tôi biết sự thật:
– Em gái tôi tên là Na, bị bệnh thiểu năng trí tuệ. Năm nay đã mười tám tuổi rồi nhưng trí tuệ chỉ bằng một đứa trẻ lên bảy, lên tám mà thôi. Thật ra bi kịch được bắt đầu từ năm mà những đứa trẻ xấp xỉ tuổi cô bé đã biết nói, biết đi, còn cô bé lại ngồi đực ra giữa nhà, chưa nói nổi một từ nào. Sau khi đi khám mới phát hiện ra Na bị bệnh thiểu năng trí tuệ. Ba mẹ tôi đã chạy chữa các cửa nhưng tình trạng bệnh vẫn không tiến triển…
Tôi thất vọng tột cùng, cảm thấy xót xa vô cùng. Thương và tiếc cho nàng tiên bị bệnh thiểu năng trí tuệ. Khi buổi tiệc kết thúc, tôi ra về thì phát hiện ra nàng tiên đang nấp sau một gốc cây, mắt nhìn đăm đăm vào bọn trẻ đang chơi đùa phía trước nhà với một ánh mắt khao khát đến cháy bỏng. Tôi nhìn cô bé, cảm thấy áy náy. Thấy ánh mắt khao khát muốn có người chơi cùng của Na, tôi đột nhiên hỏi:
– Em có thích chơi cùng anh không?
Na ngập ngừng gật đầu.
Vậy là để cho cô bé vui, tôi cùng cô bé chơi các trò chơi của con nít. Bắt gặp ánh mắt biết ơn một cách sùng bái của cô bé, tôi suýt tưởng mình là một ông bụt thời hiện đại.
Vài ngày sau, anh trai Na đưa em gái đến nhà tôi chơi bởi vì Na đòi tìm tôi, tôi là con trai tỉnh lẻ nên thuê phòng trọ sống một mình ở thành phố này. Anh trai Na nói:
– Ngày nào Na cũng ngồi trước nhà đợi cậu, không thấy cậu đến chơi, nó cứ ngồi trước nhà đợi mãi.
Cô bé vẫn xinh đẹp như lần trước, tôi mỉm cười với Na và hỏi:
– Tại sao em lại tìm anh?
Cô bé cười, cái cười ngốc nghếch, hiểu được chết liền.
Anh trai Na đưa tôi một phong bì bảo là theo ý của ba mẹ mình:
– Tôi biết là bạn vẫn chưa xin được việc. Bạn đang đi làm gia sư để kiếm tiền trang trải cuộc sống đúng không? Đây là tiền học phí ba mẹ gửi cho bạn kèm bé Na nhà mình.
Sau đó, ngày nào tôi cũng đến nhà Na kèm em học, mỗi lần cần phải giấu Na khi nhà có khách hay có tiệc quan trọng là tôi phải dẫn cô bé về nhà mình. Na là một bí mật đau buồn, là cơn ác mộng nên gia đình thường bối rối khi giới thiệu với khách, vậy cách tốt nhất là giấu biệt Na đi mỗi khi nhà có việc quan trọng. Xã hội đã công nhận quyền và nhu cầu của người khuyết tật. Pháp luật đảm bảo quyền cho người khuyết tật được đi học ở ngôi trường thích hợp. Vậy mà gia đình bạn tôi còn giữ cái suy nghĩ ấu trĩ, lạc hậu đó. Mỗi lần được đến nhà tôi chơi, Na rất vui, rất hay cười, một nụ cười rất đáng yêu, em hớn hở chạy khắp phòng tôi, nhí nhảnh như một con mèo con. Na vẫn là một đứa trẻ, trẻ con bao giờ cũng lương thiện. Lâu ngày, đến nhà tôi chơi là một ước muốn không thể thiếu của Na. Cô bé nhìn tôi bằng đôi mắt thơ ngây, chân thực, nhất là sự sùng bái của em đối với tôi.
Một thời gian sau, hàng xóm đã quen với sự có mặt của Na ở nhà tôi. Những bà tám hàng xóm nhiều chuyện, lắm lời vẫn hay đùa gọi tôi và Na là một cặp trời sinh. Tôi rất ghét kiểu đùa đó, cảm thấy như mình bị sỉ nhục. Dù sao Na vẫn là người bị bệnh thiểu năng trí tuệ cho dù cô ta có đẹp đến cỡ nào đi nữa. Té ra, không riêng gì gia đình bạn mà ngay cả chính tôi cũng cảm thấy mắc cỡ khi có một người bạn thiểu năng trí tuệ.
Mẹ tôi ở quê gọi điện ra cho tôi hỏi thăm tôi có bạn gái chưa và hối thúc tôi đã ra trường thì nhanh cưới vợ. Nếu không về quê làm việc, mẹ sẽ tự đi tìm vợ cho tôi. Tôi chợt giật mình: Nếu tôi có người yêu, cô ấy sẽ hay đến phòng trọ thăm tôi. Như vậy thì cô ấy sẽ gặp Na bất cứ lúc nào, cô ấy sẽ nghĩ gì, liệu cô ấy có tin vào sự trong sáng của tôi không? Thấy tôi có bạn gái, Na sẽ phản ứng ra sao? Làm sao biết trước được hành động của một người bị bệnh thiểu năng trí tuệ bột phát bất ngờ như thế nào? Nếu lỡ xảy ra chuyện gì thì tôi sẽ là người vô cùng khó xử.
Tôi đem suy nghĩ của mình tâm sự với anh trai Na, anh trai Na tỏ ra rất thông cảm với tôi. Sau đó không làm khó tôi nữa, khi tôi xin nghỉ dạy kèm Na, cũng không dẫn Na đến chơi phòng trọ tôi khi em đòi. Vậy nhưng người tìm gặp tôi lại là ba của Na, ông ấy nói:
– Con gái tôi ngày nào cũng ngóng đợi cậu, cũng bắt anh nó phải chở đến phòng trọ cậu chơi, khiến anh nó chẳng dám về nhà. Na không chịu ăn uống ngủ nghỉ gì cả. Cậu sẽ là nhân viên công ty tôi với mức lương khởi điểm cao hơn người khác. Đổi lại cậu dọn đến nhà tôi ở riêng một phòng, tiền ăn ở tôi không lấy đồng nào, cậu đồng ý chứ?.
– Bác cho cháu thời gian suy nghĩ ạ!
Có chuyện thì phải vái tứ phương, hễ phong thanh nghe ai mách cách gì, thầy bói ở đâu hay là tôi lập tức tìm đến xin bùa giải yêu. Tôi tìm được nhà thầy vào lúc chập tối, vừa qua cổng chưa thấy mặt nhau, đã nghe tiếng thầy thánh thót:
– Người ta đi cắt tiền duyên với người âm, còn người này thì lại đi cắt tiền duyên với người trần mắt thịt, ngược đời thế đấy. Từ lúc bước qua cổng là tôi đã biết người này là ai rồi…
Tôi thẽ thọt thưa chuyện, kể rõ ngọn ngành về tình trạng hiện nay. Sau một hồi tính toán, thầy bảo việc của tôi là chuẩn bị tiền, mọi việc còn lại là của thầy. Tôi hơi sững người trước số tiền quá lớn, nhưng sợ thầy đọc được ý nghĩ sẽ tự ái nên vội vâng dạ rối rít. Tôi ngồi yên để thầy xem cho kỹ từng cái nốt ruồi trên cái khuôn mặt vốn ưa nhìn của mình. Thầy xem tỉ mỉ ngoại hình tôi giống như người ta xem heo để phối giống, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi thầy mới bảo:
– Số anh hiện cả lên trán đấy, nếu anh lấy nữ đang theo thì cả đời lận đận, không ngóc đầu lên nổi. Làm việc cật lực tối ngày vẫn không đủ cơm ăn, nhà cửa thì không có, chạy đi đâu cũng không thoát số nghèo khổ vô cùng. Nhưng dứt được nữ này ra rất khó, chỉ có mỗi mình thầy mới làm được việc. Sứ mệnh của thầy là phải giúp anh việc này nhưng còn tùy…
Thầy nói như biết rõ mọi chuyện trước khi gặp tôi, không tỏ thái độ gì tôi xin phép cáo từ. Vậy nhưng ra đến cửa xỏ mãi chân vẫn không vào được đôi giày. Mắt thầy liếc xéo tôi một cái rồi thản nhiên nói:
– Thầy đã nói là phải nói cho hết nhẽ. Nếu anh không đủ tiền cắt duyên thì thầy có thể làm cho một cái bùa bỏ yêu với điều kiện tự tay anh đeo cho nữ đó thì mới linh nghiệm…
Tưởng chuyện gì chứ tự tay tôi đeo lá bùa vào cổ của Na là chuyện nhỏ. Không biết có phải lá bùa có tác dụng hay không mà tôi yên ổn được một thời gian. Chính vào lúc tôi tưởng cuộc sống đã dần ổn định, thì một cuộc điện thoại của anh trai Na đánh thức tôi vào lúc sáng sớm:
– Na có đến phòng trọ cậu không?
Tôi thấy lo, vội chạy ra mở cửa, nhìn thấy khuôn mặt đầy nước mắt của Na xuất hiện. Thực ra tôi muốn ôm lấy cô bé nhưng tôi đã không làm vậy. Tôi sa sầm mặt, đứng chặn lấy cửa, giả bộ tức giận hét lên:
– Em đến đây làm gì? Từ giờ trở đi em không được đến nhà tôi nữa nghe chưa.
Na sợ hãi, tôi vừa dứt lời, Na khóc nấc lên, em rụt rè gọi tên tôi. Nhưng tôi biết nếu tôi không làm vậy, nhất định Na sẽ bám riết lấy tôi không chịu rời. Tôi nghiêm mặt, quát thật lớn:
– Anh ghét em, em về nhà ngay, lần sau không được đến đây nữa.
Sau đó tôi đóng cửa một cái rầm thật to, trước khi cánh cửa đóng lại, tôi kịp nhìn thấy hai hàng nước mắt không ngừng chảy của Na.
Sáng đó tôi cố tình không ra khỏi nhà, mỗi lần nhìn mắt qua khe cửa, tôi vẫn thấy thân hình gầy gò của Na ngồi nép vào bậc cửa, trên cổ vẫn còn đeo lá bùa của tôi cho. Không biết phải làm gì, tôi đành gọi điện cho anh trai Na đến đón cô ấy về. Nhưng người đến lại là ba của Na, ông ấy nói:
– Tôi sẽ mua tặng cậu một căn nhà, với điều kiện Na sẽ sống cùng cậu và người giúp việc, mọi chi phí sinh hoạt tôi chịu.
Nỗi sợ hãi đeo đuổi khiến tôi chọn phương án trốn chạy. Hôm sau, tôi chuyển nhà ngay lập tức và không để lại một dấu vết nào. Anh trai Na hết lần này đến lần khác gọi điện năn nỉ tôi, em gái sắp phát điên, tôi không còn cách nào khác, đành thay đổi luôn số điện thoại.
Hai năm sau, tôi đã cưới vợ và sắp có con đầu lòng. Trong một lần vô tình gặp lại một bạn học. Tôi có hỏi thăm về anh trai Na và Na. Người đó cho biết, Na đã được gia đình đưa đi chữa bệnh ở nước ngoài, nghe đâu bệnh tình gần như là khỏi hẳn. Tôi nghe như vậy rất mừng cho Na và cảm thấy lòng mình bớt áy náy, dằn vặt hai năm qua.
Hơn một năm sau, trong một lần đưa con đi khám bệnh, rồi nhập viện ở khoa nhi. Tôi đã tình cờ gặp lại Na ngay trong cái phòng bệnh mà con tôi đang nằm. Vẫn vẻ đẹp như ngày nào nhưng bây giờ trông Na càng rạng ngời hơn xưa khi bế một đứa bé trên tay với khúc hát ru êm dịu:
Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo… gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học
Mẹ đi trường đời….
Bên cạnh mẹ con Na còn có một chàng trai tuấn tú thành đạt, gặp tôi cô chào nhẹ nhàng và giới thiệu:
– Đây là chồng và con em, anh ấy cũng là vị bác sỹ đã điều trị cho em khỏi bệnh.
Tôi nghe rất mừng cho Na và cảm thấy hổ thẹn với lòng mình…
Và cũng chính trong cái dịp con tôi bị ốm nằm viện lúc đó, là cái ngày tôi không muốn nhớ nhưng lại là ngày tôi vĩnh viễn không thể nào quên. Tôi vô tình phát hiện đứa con của tôi không phải là máu mủ của tôi. Đứa bé là con thằng sếp của vợ tôi. Vậy mà cô vợ tôi còn già mồm bảo:
– Cơ ngơi, nhà cửa, tiền bạc đều do con vợ này làm ra tất. Anh có gan thì dứt bỏ tất ra đi xem nào?
Trời sắp tối. Tuy đây là lúc người ta nhanh chân về tổ ấm, nhưng lại không có cái nhà nào để cho tôi đi về. Tôi tiếp tục chầm chậm một mình bước đi trên con đường tấp nập qua hết nhà này đến nhà kia. Giữa thành phố, nhà cửa san sát như thế này nhưng tại sao không có một ngôi nhà nào là nhà của tôi?… Tôi cứ lẩm bẩm, lặp đi lặp lại cái nghi vấn này như một thằng thiểu năng trí tuệ lang thang ngoài phố giữa tiết trời lạnh buốt.
Đứng dựa thành cầu, tôi nhìn chòng chọc đầu đứt của sợi dây thừng rớt xuống, tôi muốn quấn nó vào cổ tôi cho rồi. Tôi muốn mình biến mất, hoàn toàn biến mất khỏi thế gian này. Nhưng mọi người sẽ nghĩ như thế nào khi tôi biến mất. Họ sẽ không thể nào biết được lý do thật sự tôi biến mất khỏi cuộc đời này, đã vậy tôi lại không thể nói cho mọi người biết được lý do thỏa đáng của việc tại sao không có cái nhà nào là nhà của tôi.
Trời càng lúc càng tối. Tối đến thì phải ngủ nghỉ nhưng cần phải có nhà. Thế thì không có một lý do nào không có cái nhà nào là nhà của tôi. Bất chợt tôi thoáng nghĩ: Có lẽ tôi đã nhầm lẫn một điều gì đó thật quan trọng. Không phải là không có nhà mà chỉ vì quên mất đường về.
Vợ đã chạm vào lòng tự trọng, tính sĩ diện đàn ông trong tôi, không biết nên khóc hay nên cười. Lòng tôi cứ đau buốt xen lẫn với kinh tởm lạnh người. Thế là tôi ra đi. Nhưng, tại sao… tất cả đều là của vợ tôi, mà không phải là của tôi? Không, dẫu gia đình ấy không phải là của tôi đi nữa, ít nhất cũng không phải là của bất cứ ai. Dĩ nhiên được lắm chứ. Đôi lúc tôi có ảo tưởng. Tưởng rằng dưới gầm cầu hay ghế đá trong công viên là của bất cứ ai. Đúng ra ở đó là chỗ của mọi người, không phải là chỗ của riêng ai. Nhưng những vật này dần dần trở thành đồ vật của ai đó rồi, cuối cùng trở thành đồ vật của người ta.
– Nè. Thức dậy. Nè, mau đi chỗ khác đi. Nếu mày không chịu đi, tao sẽ có cách bắt mày phải đi.
– Đây là chỗ của mọi người, không phải là chỗ của riêng ai.
– Ví dụ như đây là chỗ của chung đi nữa, nhất định cũng không phải là chỗ của mày.
Trời càng lúc càng khuya. Tôi vẫn tiếp tục đi. Tôi thà chịu khổ còn hơn bị xúc phạm nhục mạ như thế. Cuộc đời giống như một giấc mộng. Cứ nghĩ tôi đã có một gia đình đầy đủ, vậy mà khi tỉnh mộng bỗng nhận ra chính tôi mới là người thiểu năng trí tuệ…
Truyện ngắn của THU HIỀN