Anh cưới Tiên đã được ba hôm, áo cưới vừa mới khô và mớ chén dĩa dùng hôm đám cưới vừa được bà Tư xếp gọn vào trong tủ. Từ ngày có Tiên về làm dâu, bà Tư vui vẻ hẳn lên. Ai nói bà Tư khó, có dâu chắc hành hạ như mấy bà mẹ chồng trong tuồng cải lương hồi xửa hồi xưa. Đến khi cưới Tiên về cho Tâm người ta mới há hốc mồm ra vì bà Tư thương con dâu như con gái ruột. “Mới thì như vậy, không biết sau này có được vậy hay không?” – Vài người kháo nhau thế. Bà Tư nghe hết. Bà cười khẩy: “Chuyện mình mình biết, nhà mình mình lo, con ha”. Tiên cười. Sống với nhau được ít hôm nhưng chị thấy thương mẹ chồng hơn chị nghĩ.
Đám cưới của Tâm không quá rình rang. Thật ra bà Tư vẫn muốn tổ chức cho con một cái đám hoành tráng, thậm chí có thể thuê cả đoàn hát về phục vụ. Bà Tư không giàu nhưng sự kiện trọng đại của cuộc đời đứa con trai duy nhất bà phải lo cho đàng hoàng tử tế để con mình nở mày nở mặt với người ta. Nhưng Tâm lắc đầu: “Từng tuổi này rồi má, làm rình rang không hay”. Tiên không góp ý. Tâm nói sao Tiên nghe vậy. Nghĩ đến cảnh được sống cùng anh, được nấu cơm cho mẹ anh ăn, được ủi áo cho anh mỗi khi anh đi đâu đó… là đã hạnh phúc lắm rồi.
Đám cưới của Tâm ai cũng vui vẻ, nhất là cánh phụ nữ trong làng được dịp diện áo váy lâu nay cất kỹ trong tủ. Mẹ Tâm lóng ngóng ra vào. Tiếng chặt thịt rộn ràng. Tiếng xoong nồi khua rổn rẻn. Mấy đứa con nít tụm lại trước cổng cưới, cũng chơi trò chú rể cô dâu. Riêng Tâm vẫn thấy lòng mình bùi ngủi khó tả. Còn con Nhạn, không hiểu sao nó đứng ngồi không yên, như thể lửa đang đốt dưới chân. Nó ra bờ sông đứng nhìn về xa xăm như trông đợi một điều gì đó, một ai đó.
Đám cưới êm xuôi trôi qua. Con Nhạn thở phào. Đêm tân hôn Tiên bỏ buồng cưới ra hàng ba ngồi ôm mặt khóc ròng. Bà Tư nghe con khóc, sốt sắng hỏi. Tiên gục đầu vào vai bà Tư, than khổ. Bà Tư kêu trời, bà tưởng đã gỡ được một mối thắt chặt trong lòng con trai bà nhưng không ngờ rằng cái mối thắt vô hình ấy có gỡ mãi cũng không được. Tiên ngồi đó đến khuya, cứ nghĩ đến tên người đàn bà mà Tâm gọi trong lúc ngà ngà say, nước mắt chị lại trào ra như suối.
Con sông chảy dào dạt trong đêm…
*
Con Nhạn đang đi chợ bỗng xách giỏ chạy hớt hải về nhà. Nó ghé tai bà Tư nói gì đó rồi bước xuống xuồng, mở dây bơi qua sông. “Bác Thanh ơi, bác Thanh! Chị Dưng… chị Dưng về…”. Ông Thanh đang ngồi cưa gỗ bỗng quăng cái cưa xuống đất đứng dậy khóc như đứa con nít. Tiếng khóc của ông già văng vẳng khắp làng trong, ra tận làng ngoài. Nghe tiếng cha khóc, Dưng càng đi nhanh hơn.
Dưng về làng bất ngờ không ai biết trước. Chị không nói, sợ người làng đàm tiếu hay hỏi han lời ra tiếng vào. Người ta dặn Dưng ra khỏi cổng trại giam thì đừng ngoái lại, cứ một mạch đi luôn. Chị em trong trại giam góp lại cho Dưng vài trăm ngàn xe cộ. Dưng sững sờ trước cổng. Về đâu bây giờ, về làng hay đi đâu đó thật xa để người ta quên đi con Dưng đã từng ở tù ở tội. Dưng ngoái lại nhìn trại giam lần nữa, trộm nghĩ “Người ta lầm lỗi một lần là chừa đến già, ai lại đi lầm lỗi để vào tù thêm lần nữa? Một lần thôi cũng đủ khổ rồi!”.
Sau một hồi suy nghĩ, Dưng quyết định về làng. Má mất rồi nhưng ở làng Dưng vẫn còn có cha. Ông Thanh làm nghề thợ mộc dựng nhà, đóng tủ đóng bàn cho người ta, cũng đủ sống. Ông cứ lay lắt như thế mà đợi đến ngày Dưng ra tù. Ông vẫn thương yêu và chờ đợi Dưng vì là con gái của ông, vì là vô tình chứ không phải cố ý để rồi suốt đời mang tiếng.
Dưng gọi cha, chạy đến ôm chầm lấy ông Thanh “Cha ơi, con có tội với cha. Con về với cha rồi đây, cha ơi!”. Ông Thanh quệt nước mắt rồi ngắm con thật kỹ. Nhan sắc Dưng đã vơi đi bội phần, tóc Dưng đã ngắn hơn xưa. Ông Thanh mếu máo “Con ơi! Chuyến này con ở nhà luôn, đừng đi đâu nữa nghe con! Ở với cha. Cha nhớ con đứt ruột”. Hai cha con ôm nhau nước mắt tràn lai láng. Con Nhạn nép sau bụi chuối, chứng kiến cảnh đó, nước mắt Nhạn cũng chảy dài.
*
Biết tin Dưng ra tù, lòng Tâm càng thấp thỏm. Tiên dọn cơm mà Tâm không ăn, than no. Nhưng kỳ thực Tâm đang lắng tai nghe ngóng ở bên kia sông Dưng nói gì, khóc hay cười, có nhắc gì đến Tâm hay không. Bà Tư ý tứ, sợ con dâu buồn, bà mở cải lương to hết cỡ, hết cải lương thì mở sang thời sự, dự báo thời tiết, cố ý lấn át âm thanh vọng lại từ bên kia sông.
Con sông không đủ rộng để làm loãng đi tiếng Dưng kể chuyện ở tù, chuyện cải tạo tốt nên được ra tù sớm hơn kế hoạch. Lòng Tâm càng nóng như lửa đốt. Nếu chưa cưới Tiên chắc Tâm đã bơi xuồng sang sông hỏi han Dưng đủ điều, nắm tay Dưng hoặc ôm Dưng thật chặt trước mặt ông Thanh để ông lão tin rằng dù con gái ông có ở tù về thì Tâm cũng không thay lòng đổi dạ.
Nhưng Tâm không nỡ làm Tiên buồn. Anh ý thức được mình đã có vợ. Không cưới Tiên thì thôi, đã chấp nhận cưới Tiên thì phải một lòng một dạ với Tiên. Bà Tư sợ Tâm cứ vấn vương mãi Dưng nên bà cưới Tiên cho Tâm, vì bà biết Tiên yêu Tâm thật lòng. Tiên đã đợi Tâm từ khi tóc Tiên còn dài, sau một trận bệnh, tóc Tiên rụng đi ít nhiều. Tiên cắt ngắn lấp ló vai, uốn lọn. Anh không từ chối cũng không quá nồng nhiệt với Tiên. Bà Tư nhẹ nhàng nói: “Con Tiên nhân hậu, hiếu thảo, hiền lành, con cưới được nó là phước ba đời. Con sống sao đừng để vợ con buồn, nghe con”. Tâm gật đầu miễn cưỡng.
Trời vào mùa mưa. Những đám mưa không quá to nhưng dải dẳng từ sáng đến trưa, từ trưa đến xế chiều. Thời tiết mùa này dở chứng. Tâm ngồi nhìn mưa, nhìn sang bên kia sông. Màn mưa liêu xiêu không đủ che khuất tầm nhìn của anh, để Tâm thấy rất rõ bóng Dưng đang ngồi bên song cửa chải tóc, tỉa chân mày, “dọn” lại khuôn mặt, níu kéo chút nhan sắc còn sót lại. Tâm nhận ra Dưng vẫn còn đẹp như ngày xưa, thuở Tâm đứng đợi Dưng ở bến sông, thuở Tâm chở Dưng trên chiếc xe đạp cũ đến trường rồi về nhà. Tâm thôi học, một thời gian Dưng cũng nghỉ hẳn ở nhà phụ ông Thanh. Dòng sông này đã chứng kiến mối tình đẹp của Tâm và Dưng, lưu giữ những kỷ niệm mà suốt đời Tâm không thể nào quên được. Một ngày Tâm đang sửa lại hàng rào trước sân bỗng nghe người trong làng gọi ông Thanh oai oải, bảo “Con Dưng giết người, máu me đầy ngoài chợ”. Ông Thanh hốt hoảng, còn Tâm mặt cắt không ra máu. Anh và ông Thanh chạy ra chợ xem sự thể thế nào. Lúc đó người ta đã đưa Dưng đi, còn nạn nhân nằm dài, xung quanh bê bết máu.
Câu chuyện đã sáng tỏ, vì tự vệ trước hành động sàm sỡ của gã thanh niên, Dưng đã chụp ngay con dao mũi nhọn của anh hàng thịt chĩa về phía trước, định dọa. Không ngờ hắn được nước lao tới. Dưng rút tay không kịp, mũi dao ghim vào lồng ngực.
Dưng không có lỗi trong chuyện này là tự vệ chứ không có động cơ giết người. Nhưng con dao là do Dưng cầm, nạn nhân đã về bên kia thế giới. Điều đó không thể phủ nhận. Dưng vào tù. Mức án thấp, nhưng đủ để Dưng đánh đổi mấy năm xuân trẻ.
Giá mà Tâm có thể sang bên kia sông để nắm lấy đôi bàn tay Dưng. Một cái nắm tay cũng đủ để Dưng thấy lòng ấm áp, xoa dịu những đau thương Dưng đã trải suốt mấy năm ròng. Nhưng không thể, giữa dòng sông bấy giờ ai dựng lên một bức tường rào vô hình ngăn cách anh và Dưng. Bên này sông là thế giới của Tâm, của Tiên và bà Tư. Bên kia sông, hai cha con ông Thanh đang sống những tháng ngày cơ cực bởi sự dè bỉu của dân làng, nương tựa vào nhau cho qua ngày đoạn tháng.
Mùa hạ đi qua. Mùa thu chầm chậm đến. Tiết trời mát mẻ, mưa ít hơn và dòng sông cũng đầy nước hơn. Cây bưởi bên hè sai trái. Sáng Tiên ra lấy cù móc chọc cho trái bưởi rơi xuống, đem vào xẻ, múi bưởi mọng nước thì ăn, vỏ bưởi thì nấu nước gội đầu. Tóc thêm dài và mượt.
Chờ đợi mãi, cuối cùng Dưng cũng xuống bến sông. Một đêm trăng, anh ngồi hút thuốc trước hàng ba bỗng thấy bóng Dưng khỏa nước. Trăng soi lấp loáng. Như vô thức, Tâm chạy xuống bến sông, nhảy xuống xuồng bơi sang bên kia. Nghe tiếng nước khua róc rách, Dưng giật mình nhìn lại thì Tâm đã sắp sang được bên kia bờ.
“Dưng, đừng đi, em! Đợi anh với!” – Tâm gọi.
“Tôi với anh có còn gì nữa đâu mà chờ với đợi. Anh về với Tiên đi, chị ấy thương anh. Đừng tìm tôi nữa. Tôi chỉ là người đàn bà tù tội” – Dưng nói vậy, mắt rưng rưng nước. Lúc này mũi xuồng Tâm đã chạm được bờ sông bên kia. Tâm bước lên bờ, quên cả việc cột dây lại để chiếc xuồng trôi lững lờ ra giữa sông. “Đừng nói vậy, Dưng! Bao nhiêu năm qua anh vẫn nhớ đến em. Nhớ nhiều lắm!”. Dưng cười nhạt: “Nhớ? Có còn nghĩa lý gì đâu. Giờ anh đã có vợ. Tôi có cuộc sống của riêng tôi. Chúng ta đừng dính dáng gì đến nhau nữa. Đó là cách tốt nhất, anh à!”.
Tâm đứng chơ vơ ở bến sông. Dưng ngoảnh mặt bước đi. Thật ra lúc ấy mắt Dưng tràn trề nước. Nhưng Dưng không tự cho mình cái quyền đến với Tâm lần nữa. Giá như chỉ có bà Tư là rào cản thì cả hai sẽ vượt rào, có lẽ dễ dàng hơn việc anh đã bị ràng rịt bởi Tiên, người phụ nữ tốt bụng. Dưng nuốt nước mắt, vờ như mình mạnh mẽ. Nói thêm câu nữa: “Anh đừng lo, tôi không giận anh đâu! Mỗi chúng ta có con đường riêng, cuộc sống riêng. Việc anh cần làm bây giờ là sống hạnh phúc với Tiên. Đừng có dây dưa với cái bến sông này nữa”. Nói rồi Dưng bước đi, bỏ Tâm sau lưng, bỏ cả lời xin lỗi của Tâm, để lời nói ấy theo cơn gió bay đi mất hút.
Khi bóng Dưng khuất vào trong căn nhà nhỏ thì Tâm xốn xang nhận ra trời đã sắp sáng. Còn chiếc xuồng Tâm bơi sang nước đã cuốn trôi đi đâu đó xa khỏi bến bờ này. Anh biết làm thế nào để trở lại bên kia?
*
Ở bến sông quê. Có lời nguyền gì mà cả Tâm, Tiên và Dưng đều khổ. Và cả bà Tư với ông Thanh nữa. Nếu không vì một rào cản nào đó thời xa lắc, có lẽ giờ đây họ đã thành một đôi.
Tiếng chổi quét xuống sân nhà xoành xoạch, quét đi những chiếc lá mùa thu rơi, tất cả vọng vào tai anh. Một thanh âm giòn giã. Tâm chợt nghĩ về Tiên, về bà Tư. Tâm không muốn Tiên thấy mình đứng chơi vơi ở cái bến sông này, trong tim ấp ôm một chuyện tình xa xôi, lẽ ra nên nhốt vào quá khứ.
Anh phóng xuống dòng sông. Nước sông sớm lạnh. Bơi… Hụp… Lại bơi… Trong lòng anh lúc này là hình bóng của Tiên, là căn nhà tràn ngập ánh nắng và một ngày không xa sẽ văng vẳng tiếng nói của trẻ thơ.
Con Nhạn nói đúng: “Cái gì của quá khứ, nếu đã không thay đổi được thì hãy chôn vùi, hãy ném xuống lòng sông… anh hai ha!”.
Truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY