Nắng tháng 5 năm nay đến muộn nhưng không vì thế mà bớt gắt gỏng hơn. Vừa mới chớm vào đợt nóng đầu tiên mà cả không gian đã hầm hập như thể bị gói kín trong giấy bạc. Tiếng ve dội lại từ muôn ngả kéo đầu óc tôi trôi về những ngày oi bức của hơn hai mươi năm trước – những trưa hè trốn ngủ đầy thú vị của tuổi hoa niên.
Trẻ con có rất nhiều “đặc quyền” so với người lớn. Trong đó việc trốn ngủ trưa vào ngày hè, khi tiếng trống bế giảng năm học tùng tùng vang lên là điều được mong đợi nhất. Người lớn dĩ nhiên chẳng ai cho phép cả, thế nên sẽ có đứa giả vờ lim dim mắt, có đứa vờ xin ra ngoài uống nước để mở tivi thật bé, có đứa mắt ríu rồi vẫn cố căng mắt vì lọt tai tiếng chúng bạn đang í ới ngoài ngõ. Có biết bao trò chơi vẫy gọi khi bố mẹ vừa rời bước đi làm: đuổi ve, bắt bướm, chơi đồ hàng, hái quả xanh… nhưng tôi thích nhất là thức cả trưa ở bên bà, ngắm nhìn suối tóc trắng tinh như kim tuyến và ngắm nhìn đôi bàn tay nhăn nheo têm những cánh trầu.
Những năm ấy bà tôi chừng hơn bảy chục tuổi, mái tóc còn dày, dài quá gấu áo. Hàm răng đen nhánh đều như hạt na mỗi khi cười mang sự hấp dẫn khó tả. Ngày nay khi dùng từ hấp dẫn để tả vẻ đẹp, người ta thường hay nghĩ đến các cô gái trẻ. Nhưng với mỗi đứa trẻ con, người bà luôn có một sức hấp dẫn rất riêng vừa bình dị vừa yêu kính thân thương.
Bà hay ngồi ở bậc cửa sau nhà, chỗ có vạt nắng chiếu xuyên qua mái cót ngay gần đống củi khô. Bà ít ngủ nên hầu như trưa nào bà cũng ngồi ở đấy, hôm thì hong suối tóc dài ngào ngạt mùi vỏ bưởi, hôm lại ngồi khâu vá mảnh áo sờn rách mà mẹ tôi bảo cách nào bà cũng không chịu bỏ. Nhưng thường xuyên nhất là bà ngồi têm trầu. Đứa trẻ con mười tuổi là tôi cứ mải mê nhìn bà chẻ và cuốn những thứ quả, thứ lá với nhau điệu nghệ như một màn biểu diễn nghệ thuật. Cơi trầu của bà là chỉ là hộp thiếc tròn tận dụng từ hộp bánh kẹo cũ. Bên trong có tập lá trầu không, dăm quả cau bánh tẻ, chút vôi cuốn gọn vào túi nilon, ít rễ chay khô và một con dao nhỏ. Chỉ đơn giản vậy thôi. Bà không đầy đủ bộ lệ ăn trầu như những gì tôi được tìm hiểu sau này. Không xà tích, không bình vôi, cũng chẳng có đồ gì chạm trổ hoa văn. Nhưng đồ ăn trầu của bà đố đứa trẻ con nào được sờ sệt, táy máy. Ngồi ngắm và nhìn bà têm trầu thì được.
Bà già rồi nên ăn uống kém, chỉ miếng trầu thì không bữa nào thiếu. Đến giờ tôi vẫn chưa quên hình ảnh bà ngồi dựa lưng vào bậu cửa, đôi tay nắn bóp hai đầu gối củ lạc thỉnh thoảng lại đưa lên lau khuôn miệng đỏ tươi như tô son. Đôi mắt bà hướng ra xa như thể nơi đó có hình bóng quê hương đồng chang nắng cháy. Bà thong thả kể về nhà bác cả ngày xưa vất vả ra sao, giờ con cháu đã khôn lớn thế nào. Bà kể về những ngày thuở ma ông còn sống, làm chủ nhiệm hợp tác xã được bà con quý lắm, ngày ông mất dân làng tới viếng đông nhất xã. Bà nắc nỏm nhớ dàn trầu bên bờ giếng sau nhà, lâu không ai hái có tốt um lên không. Mỗi lần bác cả xuống chơi bà đều dặn phải năng hái lá trầu, mang xuống chùa nhờ các vãi ăn đỡ chứ lá để không nó cùng buồn úa hết. Như những câu chuyện cổ tích, vẫn những tình tiết đó, nhân vật đó nhưng đứa trẻ lúc nào cũng muốn được nghe lại, mỗi lần bà kể chuyện quê tôi lại mong ước được về quê, được ăn củ sắn, củ khoai, được ngửi mùi rơm bếp.
Năm ấy em tôi bốn tuổi cũng là bấy nhiêu năm bà rời quê xuống ở với gia đình người con trai thứ ba. Bà thương em yếu đuối cứ đi học là ốm, bà thương mẹ tôi một nách hai con lại cảnh chồng bộ đội, biền biệt xa nhà. Hiểu được nỗi nhớ quê của bà nên sau mỗi buổi chợ, mẹ đều mang mang về biếu bà thức quà quê, khi là cân khoai cân lạc, khi là túi lá sắn muối chua để nấu với tép đồng… đặc biệt mẹ không bao giờ quên nhánh cau tươi với xếp lá trầu không. Ở thành phố đã lâu nhưng bạn của bà cũng chỉ có hai người là hai cụ già nhà hàng xóm, dù cùng trà tuổi nhau nhưng bà vẫn theo thói quê gọi “bà” xưng “em”. Không bánh kẹo, thuốc nước, mỗi lần gặp nhau những người bạn già lại mang hộp trầu cau mời nhau, chuyện trò rôm như Tết. Bà nào khỏe răng sẽ nhai dập miếng trầu rồi mời người răng yếu ăn trước. Tôi luôn là con bé lanh chanh bên cạnh, xin bổ cau, xé rễ, quệt vôi cho bà. Có lần còn thèm thuồng xin bà miếng trầu để đến tận bây giờ vẫn nhớ vẹn nguyên mùi cay xộc mà giòn thơm của lá, vị chát của rễ chay, vị ngọt của trái cau bánh tẻ. Các bà nhìn đứa cháu răng trắng như hạt ngô chọ chọe nhai trầu mà cười vui hiền hậu.
Hơn hai mươi mùa cau đã trôi qua. Hai mọ già bên hàng xóm đã là người thiên cổ. Bà tôi nhờ giời phật độ trì nên ngót trăm tuổi vẫn còn khỏe mạnh, duy chỉ có trí óc là không còn minh mẫn. Con bé ngày xưa mỗi lần thèm hơi bà là lại phóng về quê để được ôm ấp bờ vai còm cõi, nặn bóp hai đầu gối vẫn ngày đêm nhức mỏi, để kể bà nghe đủ chuyện trên trời dưới bể. Bà nghe câu được câu chăng chỉ móm mém cười. Không còn hàm răng đen ánh như hạt na, suối tóc dày ngày xưa cũng theo thời gian đi mất, nhưng được ở bên bà vẫn luôn là cảm giác bình yên. Tôi vẫn thèm rúc vào bà đề được ngửi mùi của người nhà quê, mùi khói bếp, mùi trầu cay, thoang thoảng chút dầu gió vương trên mái tóc gội bằng vỏ bưởi…
Ánh nắng đầu hè chiếu rọi qua mái cọ khô, để lại những sợi óng ánh như kim tuyến trên mái đầu trắng tinh vừa mới được bá cả cắt gọn gàng ngang cổ. Bà ngồi thư thái trên chiếc ghế bành ngoài hiên, khuôn miệng thỉnh thoảng mấp máy như muốn kể câu chuyện thuở ma ông bà nào đấy giữa những xao xác quên nhớ của thời gian. Ký ức của bà chắc đang trôi về những cột mốc yên bình nào đó trong quá khứ. Giống như tôi, ký ức về bà sẽ mãi ngưng đọng ở tháng ngày xưa cũ.