Câu chuyện thứ 1: Đến thăm trường thiếu nhi miền Nam
Nghe tin Bác đến thăm trường thiếu nhi miền Nam, các cô chú phụ trách trường tíu tít chuẩn bị, trang hoàng hội trường đón Bác.
Khi Bác đến, tất cả mọi người ùa ra đón Bác và đưa Bác đến hội trường đã được chuẩn bị cờ, hoa lộng lẫy.
Nhưng Bác đề nghị, dẫn Bác đến nhà bếp và phòng ngủ xem các cháu có được ăn no, ngủ ấm và chăm sóc chu đáo không. Sau đó, Bác lấy ra một gói kẹo lớn chia đều cho các cháu. Đang nhìn các cháu ăn kẹo, Bác chợt nhận ra có 1 cháu đang đứng ở góc phòng, nét mặt buồn xo. Bác gọi lại hỏi:
– Cháu tên là gì? Vì sao lại đứng ở đây?
– Cháu tên là Tộ. Vì cháu phạm lỗi, tay bẩn không rửa nên các cô chú phạt, không cho nhận kẹo của Bác.
Bác cười bảo bạn Tộ đi rửa tay rồi chia kẹo cho Tộ, sau đó Bác dạy:
– Từ nay, cháu phải luôn giữ gìn đôi tay cho sạch nhé. Bàn tay con người rất đáng quý.
Bạn Tộ rất cảm động trước sự chăm sóc ân cần của Bác. Từ đấy, bạn luôn giữ đôi tay sạch sẽ và rửa tay sạch trước khi ăn.
Câu chuyện thứ 2: Để các cháu làm chủ
Cũng chính tại ngôi nhà của Bác ở Phủ Chủ tịch có một sự kiện đáng ghi nhớ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ với thiếu nhi. Từ ngày 22 tháng 6 đến ngày 11 tháng 7 năm 1961, Bác đã dành chỗ đó cho các cháu làm phòng triển lãm “Thiếu nhi với 5 điều Bác Hồ dạy”.
Trong 20 ngày, có gần 10 vạn thiếu nhi đến xem triển lãm và vui chơi trong dịp hè. Bác Hồ, Bác Tôn đã đến nói chuyện và dự liên hoan với 2.000 thiếu nhi trong buổi bế mạc ngày 11 tháng 7 năm 1961.
Đồng chí phục vụ Bác cảm thấy như vẫn còn sôi động khi vào dịp hè năm 1961 các cháu thiếu nhi tổ chức triển lãm “Làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” trong nhà khách Phủ Chủ tịch.
Trung tâm triển lãm chính là phòng khách long trọng của ngôi nhà. Nhiều em lần đầu tiên được đến nơi này thích lắm, chỗ nào cũng sờ, sung sướng lăn cả ra nhà, bãi cỏ.
Những tiếng hát, tiếng cười nói vang vang, đúng là ngày hội. Có đồng chí sợ tiếng loa làm ảnh hưởng sang các cơ quan xung quanh nên xin Bác bỏ bớt loa đi, nhưng Bác bảo:
– Triển lãm của các cháu phải để loa mới vui.
Bác còn nhắc phải có nhiều kem, si-rô, nước và bánh kẹo để phục vụ các cháu.
Thỉnh thoảng những khi nghỉ, Bác cũng ra xem các cháu vui chơi. Có hôm Bác đi dạo ở phía dưới, thấy một phòng có kê các ghế băng. Bác hỏi các đồng chí ghế đó để làm gì. Đồng chí phục vụ thưa:
– Thưa Bác để dành cho các cháu bị mệt ạ.
Thấy vậy, Bác bảo:
– Sao dành cho các cháu mà lại không có giường?
Ngày hôm sau, các đồng chí phục vụ triển lãm đã liên hệ với Bộ Y tế và các ghế băng được xếp lại nhường chỗ cho những chiếc giường xinh xắn.
Bác Hồ là như vậy. Khách của Bác, dù là những người nhỏ bé nhất cũng luôn được tôn trọng và quan tâm chu đáo.
Câu chuyện thứ 3: Bác nhớ các cháu thiếu niên dũng sĩ miền Nam
Tháng chạp năm 1968, các dũng sĩ thiếu niên miền Nam đang học ở khu Tả Ngạn thì có mấy chú đưa xe ô tô đến đón về Hà Nội.
Luyện, Thu, Nết, Phổ, Mên, Hòa … chưa hiểu có chuyện gì. Về Thủ đô hôm trước thì ngày hôm sau, có xe đến đón đi, vào đến sân Phủ Chủ tịch mới biết là được vào gặp Bác Hồ.
Vừa bước chân xuống xe, đã thấy Bác Hồ và Bác Tôn ngồi ở một cái ghế dài kê trước cửa nhà. Tất cả chạy ào tới chào hai Bác.
Bác cháu trò chuyện với nhau. Sau đó Bác Hồ bảo:
– Thôi các cháu vào ăn cơm với hai Bác!
Bữa cơm chẳng có thịt cá gì nhiều nhưng rất ấm cúng. Các dũng sĩ thiếu niên được ngồi ăn cùng Bác Hồ và Bác Tôn. Nết, người nhỏ nhất đoàn, cái đầu chỉ lấp ló cạnh bàn, được Bác gắp thức ăn cho luôn.
Vừa ăn, Bác cháu vừa nói chuyện rất vui. Ăn xong, hai Bác cho mỗi cháu một bông hồng, một quả táo, một quả lê và ba quyển sách “Người tốt việc tốt”.
Sau đó Bác Hồ bảo:
– Các cháu lại cả đây hôn hai Bác rồi về.
Các dũng sĩ hôn hai Bác xong, Bác Hồ căn dặn:
– Các cháu về trường cố gắng học tập cho giỏi.
Tất cả đều cảm động. Đoàn Văn Luyện khi đó mới mạnh dạn thưa với Bác:
– Thưa Bác, chúng cháu cứ tưởng hai Bác gọi chúng cháu về có việc cần.
Bác Hồ cười hiền từ và bảo:
– Hai Bác nhớ các cháu cho nên gọi các cháu về để hai Bác gặp hỏi chuyện.
Nghe nói, Luyện và các bạn cảm động muốn trào nước mắt. Hai Bác tuổi đã cao, trăm công nghìn việc, vậy mà vẫn nhớ đến các cháu miền Nam. Luyện nghĩ:
“Mình được ở ngoài Bắc mà hai Bác còn lo và thương biết chừng nào!…”
Câu chuyện thứ 4: Quây quần bên Bác
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam”…
Đó là tiếng hát của các em học sinh thuộc hệ sơ trung của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội) vang lên sôi nổi trong ngày 1 tháng 6 năm 1969 khi các em được vinh dự biểu diễn báo cáo thành tích học tập với Bác Hồ kính yêu lần cuối cùng trước khi Bác mất.
Hôm ấy, tuy sức khỏe Bác đã yếu nhưng Bác rất vui khi thấy các cháu biểu diễn đàn vĩ cầm, đàn dương cầm rất giỏi và các cháu còn biểu diễn rất hay, rất say sưa những loại đàn dân tộc cổ truyền như sáo, nhị, bầu.
Bác gọi các cháu là “những nghệ sĩ tí hon”, “những nghệ sĩ tương lai” rồi Bác hỏi:
– Các cháu phải học giỏi để sau này phục vụ nhân dân.
Bác ôm các cháu vào lòng, hỏi han từng người:
– Cháu chơi đàn gì?
– Bố mẹ cháu làm gì?
Khi các em giới thiệu với Bác cây đàn thập lục và tam thập lục, Bác cười và bảo:
Ta có tiếng ta, sao các cháu không gọi là đàn 16 dây và đàn 36 dây có hơn không?
Từ đó hai cây đàn này được mang một cái tên đơn giản bằng ngôn ngữ dân tộc mà Bác Hồ đã chỉ bảo và mỗi lần nhắc đến cái tên này các em đều nhớ tới Bác.
Sau mỗi tiết mục biểu diễn, Bác vỗ tay thật to và nói:
– Các cháu vỗ tay to lên để hoan nghênh bạn đánh đàn hay chứ!
Khi chia kẹo cho các cháu, Bác bảo:
– Cho cháu này thêm một cái vì bé nhất.
Và đánh đàn quây quần bên Bác có các cháu ở thành phố, nông thôn là con em cán bộ, công nhân, nông dân, các dân tộc miền núi ở cả hai miền Nam, Bắc.
Câu chuyện thứ 5: Đối thủ đáng yêu
Ngày 7 tháng 2 năm 1958 hơn 3.000 em thiếu nhi Ấn Độ đồng diễn chào mừng Bác Hồ.
Các em hô vang sôi nổi: ”Cha, Cha Hồ (Bác Hồ)”. Thủ tướng Nêru ngồi cạnh Bác sung sướng nói vui:
– Ngài là đối thủ đáng yêu của tôi, vì được các em gọi là Bác.
Ở Ấn Độ, các em thiếu nhi chỉ gọi Nêru là Bác, và Bác Hồ là người thứ hai được các em gọi là Bác.
Không khí hôm đó vui như ngày hội. Các em ùa lên tặng hoa, có em tặng Bác Hồ hai cái kẹo. Có em mù cả hai mắt được Bác ẵm lên sờ râu, sờ má Bác, rồi ôm chặt lấy Bác một cách âu yếm. Trước tình cảm đó ai cũng cảm động.
Cả cuộc đời Bác đã hy sinh cho dân tộc Việt Nam. Với Bác, nước Việt Nam chính là đại gia đình của Người, trẻ em Việt Nam chính là con của Người.
Qua những mẩu chuyện Bác Hồ với thiếu nhi, chúng ta càng thấy rõ tình yêu vô bờ bến của Bác Hồ với trẻ em – những búp măng tương lai của đất nước.
Nguồn: Internet