Đã có nhiều thống kê, so sánh, nhưng chắc chắn khó có thể đủ đầy. Trường Sơn là chiến trường rộng nhất, trải dài trên 11 tỉnh của Việt Nam, bảy tỉnh Trung – Nam Lào và bốn tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia. Là chiến trường chiến đấu trong thời gian dài nhất: 16 năm, từ tháng 5-1959 đến hết tháng 4-1975. Là chiến trường mà bộ đội công binh mở nhiều con đường nhất: năm trục dọc, 21 trục ngang, với tổng chiều dài gần 20 nghìn km. Là chiến trường điện thoại được mắc tới tất cả các cấp đại đội và tương đương. Đây cũng là chiến trường bắn rơi nhiều máy bay của đế quốc Mỹ và tay sai nhất: 2.454 chiếc; hứng chịu nhiều bom đạn: bốn triệu tấn; có số người bị nhiễm chất độc hóa học nhiều nhất; có lực lượng bộ đội nữ và nữ thanh niên xung phong nhiều nhất…
Góp phần làm nên một Trường Sơn huyền thoại, phải kể đến đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu. Đó là các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ, văn công, tuyên văn, với các tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác tại chỗ, biểu diễn tại chỗ, trực tiếp cổ vũ, động viên tinh thần quyết chiến quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần hun đúc và xây dựng phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Trường Sơn – Bộ đội Cụ Hồ. Trường Sơn cũng là chiến trường có nhiều bài hát nổi tiếng, nhiều trường ca ca ngợi, nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh. Chính sự sum suê của các loại hình văn học nghệ thuật khắc họa cuộc chiến đấu vẻ vang của bộ đội Trường Sơn đã cho thấy sự tất thắng của đoàn quân chính nghĩa và thương hiệu Văn nghệ sĩ Trường Sơn. Đến hôm nay đội ngũ văn nghệ sĩ Trường Sơn vẫn điệp trùng như những ngày còn bom đạn trong những cánh rừng. Ký ức của hàng chục vạn bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong từ những tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời ở Trường Sơn, phục vụ người chiến sĩ và nhân dân cả nước, mãi đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hôm nay.
Nhắc đến đội ngũ văn nghệ sĩ Trường Sơn không thể không nhắc đến nhà thơ Phạm Tiến Duật, con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại, một nhà thơ của bộ đội Trường Sơn mà ai cũng biết. Phạm Tiến Duật đoạt Giải nhất cuộc thi thơ do Báo Văn nghệ tổ chức năm 1969 với chùm thơ viết về Trường Sơn: Gửi em cô thanh niên xung phong; Bài thơ về tiểu đội xe không kính; Lửa đèn; Nhớ. Sau đó là các tập thơ: Vầng trăng quầng lửa (1970), Thơ một chặng đường (1971). Phạm Tiến Duật theo cách nói của nhà thơ Vương Trọng chính là người lĩnh xướng của dàn thơ chống Mỹ. Có những chuyện về anh, về thơ anh đã trở thành huyền thoại: Một đơn vị nhỏ bị vây lấn trên đồi, chịu bao nhiêu ác liệt và thiếu thốn, khi được vô tuyến cấp trên hỏi, các anh cần gì nữa để giữ chốt, họ đã trả lời: “Chúng tôi chỉ cần thêm thơ Phạm Tiến Duật !”. Và đồng đội bên ngoài đã nhồi thơ Phạm Tiến Duật vào đạn cối để bắn lên chốt cho họ!
Một trong những nhà văn sáng tác thành công, có nhiều tác phẩm về Trường Sơn là Nguyễn Minh Châu. Mảng sáng tác về Trường Sơn là một mảng lớn trong sự nghiệp của nhà văn. Ông luôn tâm niệm: Không có đời sống thì không có tác phẩm văn học. Lặng lẽ có phần khiêm cung, người con của làng Thơi, của những chợ Ngò, chợ Giát hóa ra lại là người sớm có mặt ở Trường Sơn. Chỉ bằng vào truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng đã đủ thấy tài năng và tâm huyết của Nguyễn Minh Châu với con đường huyền thoại. Lứa tuổi học trò nhiều thế hệ, các sinh viên hôm nay và mai sau hẳn trong tâm hồn luôn thấm đẫm một mảnh trăng cuối rừng ngân nga như một sợi chỉ xanh đọng lại trong tâm hồn mình. Ông là một nhà văn Trường Sơn đặc biệt với những Dấu chân người lính; Những người đi từ trong rừng ra; Những cánh rừng đầy giấy bay đã ăn sâu bám rễ đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khi nhắc về kháng chiến chống Mỹ.
Một nhà văn chính hiệu Trường Sơn – 559 là nhà văn Lê Lựu với cuốn sách viết trực diện về những người lính mở đường Trường Sơn, đó là tiểu thuyết Mở rừng. Cũng ít ai biết rằng thời gian đó, ông đã có lần tháp tùng nhà văn đàn anh Nguyễn Minh Châu đi thực tế ở Trường Sơn, đi cắp tráp học thầy. Vào Trường Sơn, bám sát các trận đánh, bám sát dân công, bộ đội hành quân, Lê Lựu hớn hở ghi ghi chép chép đặc kín các quyển sổ trong nhiều chuyến đi diễn ra liên miên. Mỗi khi nhắc đến những ngày tháng sống ở Trường Sơn cùng với các chiến sĩ công binh mở đường, những cô gái thanh niên xung phong tinh nghịch, những anh bộ đội lái xe vui tính và đặc biệt là những cô văn công Trường Sơn, Lê Lựu rất xúc động.
Đường Trường Sơn không chỉ của những người chiến sĩ Trường Sơn, đó là con đường giải phóng dân tộc, của tất cả mọi người cho nên được các văn nghệ sĩ sáng tác rất nhiều. Ai vào chiến trường mà không qua Trường Sơn. Rất nhiều tân binh có học vấn vào Trường Sơn và chính họ đã thấm đẫm trong thực tế chiến đấu mà trở thành văn nghệ sĩ. Đội ngũ từ Trường Sơn sinh ra có Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Phạm Hoa, Nguyễn Duy, Trần Nhương, Nguyễn Thụy Kha, Quang Chuyền, Trọng Khoát (văn thơ); Hoàng Đình Tài, Đức Dụ, Bùi Quang Ánh… (họa sĩ); Hoàng Kim Đáng, Vương Hồng… (nhiếp ảnh). Một số lớn tác giả vào Trường Sơn và đã cho ra đời nhiều tác phẩm như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Khải, Xuân Sách, Phạm Ngọc Cảnh, Ngô Văn Phú…; các nhạc sĩ Huy Du, Huy Thục, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan, Tân Huyền, Hoàng Hiệp, Trần Chung, Nguyên Nhung… Nhiều tác phẩm về Trường Sơn đến bây giờ vẫn được người đọc yêu mến. Có thể nói chính họ đã làm nên diện mạo văn học nghệ thuật chống Mỹ.
Hiếm có cuộc chiến tranh nào lại có những vẻ đẹp và tính nhân văn của người chính nghĩa được ngay người trong cuộc tự ghi lại chân thực như thế. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh: Không có sách chúng tôi làm ra sách/Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình. Ở Trường Sơn còn có những huyền thoại khác. Đó là những cô gái mảnh mai không phải làm thơ, ca hát mà ôm vô-lăng điều khiển những chiếc xe tải hàng chục tấn chạy trong mưa bom bão đạn. Chiến trường. Đạn bom. Sự sống và cái chết mong manh, ẩn hiện. Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, những bàn tay, khối óc mười tám đôi mươi. Tầng tầng lửa, núi cao, vực sâu thách thức, ngang ngửa trập trùng. Những nữ lái xe tải quân sự Trường Sơn mảnh dẻ dáng hình con gái như cánh lan rừng hiện ra mộc mạc. Những vòng vô-lăng tròn quay xuyên đạn bom, xuyên mưa nắng, xuyên thời con gái hướng ra phía trước. Buồng lái xe là buồng con gái, một chút riêng ao ước, đơn sơ. Những cung đường bom đạn nhất các chị đều có mặt. Người con gái quê Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình đều gặp nhau ở Trường Sơn nơi tuyến lửa.
Những đóng góp của văn nghệ sĩ với Trường Sơn, từ Trường Sơn mãi là bài học giàu giá trị nhân văn, khẳng định tâm hồn và trí tuệ của bộ đội Việt Nam, con người Việt Nam trong những giờ khắc ác liệt nhất của cuộc chiến tranh đúng theo tinh thần mà tổ tiên ta truyền dạy: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai
(Nguồn: https://bcdcnt.net/)