Xóm chợ gần sông, những căn nhà nằm sát nhau chạy dọc hai bên đường. Trước cửa nhà nào cũng có một sạp hàng buôn bán: thịt lợn, rau củ, gạo ngô, quần áo, đồ hàng mã… Sáng sớm lũ trẻ con ới nhau túa ra từ những cửa nhà. Chúng dồn nhau chạy tuồn qua những sạp hàng, va người này, xô người kia giữa chợ. Tiếng quát tháo inh ỏi lan ra từ đầu đến cuối chợ. Có đứa vừa bị một bàn tay nào đó túm lại, phát một cái vào mông: “Lũ giặc giời này, có để cho người ta buôn bán hay không? Chúng bay dồn nhau mà ngã vào sọt trứng thì tiền đâu mà đền?”. Nhăn nhó, nhe nhửn, kiểu gì đứa nhỏ cũng thoát khỏi bàn tay người lớn để chạy trốn cùng cả đám. Sau khi đã phá phách khắp chợ, chúng mang chiến lợi phẩm đi chơi. Thường thì là cái bánh rán bà Ba cho, có khi là vài quả ổi đào ổi mỡ cô Phụng dúi vào tay. Có khi là nắm kẹo vừng, kẹo bột được mua bằng tiền ăn sáng của thằng Lân. Chúng chia nhau tỏm vào mồm rồi tuồn ra bãi bồi ngoài bờ sông chơi. Mùa này sông cạn, dòng chảy thu hẹp lại nằm gọn lỏn giữa hai bờ cát trắng rộng thênh thang. Tụi nhỏ tha hồ bày trò đùa nghịch cho đến khi nắng lên chói chang, chợ đã tan, người lớn lùa chúng về bằng những tiếng gọi gằn lên khản cổ.
– Có đứa nào dám trốn xuống sông tắm không vậy?
– Không ạ. Tụi con đâu có dám. Quần áo vẫn khô cong đây ạ.
– Liệu hồn. Đứa nào bén mảng chạm chân xuống nước là bị thuồng luồng bắt đi luôn.
Người lớn thường vẫn dọa lũ trẻ như thế để chúng không dám bơi sông. Nhưng trong lúc người lớn bận bịu với hàng hóa, bán mua, mặc cả thêm bớt từng đồng họ đâu biết được rằng lũ trẻ vẫn thản nhiên tắm trộm. Chúng cởi quần áo để lên bờ, hoặc canh chừng sắp đến giờ về là ới nhau chạy lên phơi nắng. Chẳng mấy chốc dưới cái nắng mùa hè quần áo chúng đã khô như chưa từng nhúng nước. Cũng có hôm mải chơi không kịp hong quần áo. Lúc khúm núm chạy về nhà tưởng bị trận đòn, ai ngờ người lớn còn mải cắm mặt xuống sạp hàng kiểm đếm xem còn dư cái gì, lỗ lãi ra sao. Chẳng để ý đến đứa con trời đánh với bộ quần áo ướt, nước còn rơi tong tỏng trên nền chợ. Lúc họ ngẩng lên, vệt nước đã khô chỉ còn lại những xoáy nhỏ trên cát lún. Hú hồn, thế là thoát một trận đòn nhừ tử.
Có hôm tắm sông xong, cả lũ chạy lên bờ nằm vật ra nền cát cạnh bãi cỏ lau. Thằng Hển tự nhiên hỏi:
– Lời ngọt ngào nhất mà tụi mày nhận được từ bố mẹ là gì?
– “Ngủ đi mấy đứa. Khuya rồi”. Đấy là câu nhẹ nhàng nhất mà mẹ tao nói mỗi ngày – con Thẽm bảo.
– “Đói bụng không con?”, mẹ em ngày nào cũng hỏi ít nhất một lần. Thế còn anh Sửu thì sao? – Thằng Hùng hỏi.
– “Học hành cho tử tế. Học thì ấm vào thân”. Bố anh thường nói thế lúc bốc vác xong một chuyến hàng, mồ hôi đầm đìa trên lưng. Bố ngả người dựa vào tường, vừa thở dốc vừa nói thế.
– Ban ngày bố mẹ bận túi bụi, lớ xớ vướng mắt là dính mắng. Buổi tối em thường ngủ trước khi bố mẹ xong việc. Nửa đêm có khi tỉnh dậy vì tiếng mẹ xoa tóc mình mắng yêu “thằng chó con, đầu hôi như quỷ”.
– Chả bù nửa đêm mẹ anh toàn ngủ mơ nói giá tiền. Có khi mơ chửi nhau với khách, anh dậy lay mãi mới tỉnh. Bố anh thì ngày làm mệt đêm toàn ngủ ngáy.
Khi đó vài cánh cò trắng cõng nắng bay qua sông. Gió thổi mùi hôi hám, ôi thiu, chua loét từ bãi rác ngoài chợ ra sông. Cũng có thể cái mùi ấy bốc lên từ cơ thể lũ trẻ trong xóm chợ. Con Thẽm nói chị gái nó ra phố đã lâu, cũng váy vóc là lượt, phấn son đủ kiểu, nước hoa hàng hiệu. Thậm chí chị từng mất khối tiền đi tắm trắng để trút bỏ cái đen đúa xứ này. Nhưng chẳng bao giờ mất nổi cái mùi xóm chợ. Chị nó nói: “Chắc chỉ còn nước đi thay máu, may ra…”. Con Thẽm hỏi lũ bạn:
– Sau này tụi mày có đứa nào muốn gắn bó mãi ở xóm chợ này không? Có muốn tìm mọi cách để mất đi mùi chợ như chị tao không?
– Tao chắc chắn không ở lại xóm chợ này. Nhưng cũng không muốn quên đi mùi chợ.
– Tại sao?
– Vì trong mùi chợ có mùi mồ hôi của bố mẹ chúng mình. Mùi cực nhọc nuôi chúng ta khôn lớn.
– Eo ôi. Mày nói chuyện triết lý cứ như ông cụ ấy.
– Nhưng tao nói đúng mà.
– Thì có ai dám bảo sai đâu.
Cuộc sống của tụi nhỏ cứ trôi đi trong những buổi dồn nhau quanh chợ, tắm sông và vùi mình trên bờ cát trắng. Cho đến khi thằng Lựu xuất hiện. Thằng nhỏ trắng bóc, khác hẳn với trẻ con xóm chợ. Nó mặc bộ quần áo cũ, quăn như lò xo, không rõ màu gì. Nó đang đứng giữa chợ ngó quanh thì va phải thằng Hển chạy dồn con Thẽm đòi lại thanh kẹo cao su. Bốn mắt nhìn nhau thằng Hển hất mặt hỏi:
– Ê ai bảo đứng giữa đường? Lạc mẹ à? Có cần tụi này tìm giúp không?
Lựu gãi đầu cười bảo:
– Có mẹ đâu mà lạc.
– Thế đằng ấy đi với ai?
– Đâu có ai đi cùng. Tớ trước giờ toàn đi một mình thôi.
Thằng Hển ngẩn người ra một lúc rồi dùng tay huýt một tiếng sáo vang. Chưa đầy ba phút sau cả bọn đã có mặt đông đủ ở chỗ có thằng nhỏ lơ ngơ lạc đến. Chẳng cần hỏi han nhiều, con Thẽm nói “nghe bụng nó sôi, chắc đói” thế là nhoằng một cái đã kiếm ngay cho thằng Lựu cái bánh rán bọc đường vàng ruộm. Thằng Hển chạy ngay về nhà mình xin mẹ túi nước mía đang ép dở cho khách. Nghe chừng đã ấm bụng, tụi nhỏ lôi thằng Lựu ra sông. Trẻ con dễ quen nhau, một lúc đã thấy như thân lắm. Trò gì bày ra thằng Lựu cũng hòa nhập rất nhanh. Chỉ đến lúc cả lũ rủ bơi sông là thằng nhỏ lùi lại, nhất quyết không chịu xuống. Lựu nói nó được sinh ra ở làng chài, từ lúc có ký ức đến giờ mở mắt ra đã thấy mình lênh đênh sông nước. Nhưng với Lựu đó là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Có thể vì bố mẹ Lựu đã biến mất trong một dòng nước xoáy tử thần. Đấy là Lựu nghe người dân xóm chài kể thế. Chứ lúc ấy Lựu còn ẵm ngửa, hôm ấy bà nội bế lên bờ đi tiêm phòng, nên may mắn sống sót.
– Vậy giờ bà nội của bạn đâu?
– Bà nội tớ mất năm xưa vì Covid. Kể từ đó tớ bỏ làng chài và cuộc sống lênh đênh buôn bán trên sông. Tớ lên bờ đi lang thang đây đó.
– Cậu đã trôi dạt những đâu trước khi đến xóm chợ này?
– Nhiều nơi lắm. Gặp biết bao nhiêu người. Thấy biết bao nhiêu chuyện. Có muốn tớ kể nghe không?
Muốn! Muốn! Cả lũ nhao nhao hưởng ứng. Chúng chui vào giữa bãi lau tránh nắng, nằm lim dim nghe thằng Lựu kể. Chuyện ở một xóm núi nào đó có đứa nhỏ chưa biết nói đã biết đọc. Nó đọc một lèo hết quyển sách giáo khoa lớp 1. Ở một xóm khác có bà cụ cả chục năm nay không bao giờ ngủ. Cụ thức từ ngày sang đêm, từ năm này sang năm khác. Không ngủ sao mà sống được nhỉ? Hay cụ ấy ngủ mà không cần nhắm mắt? Ai mà biết được. Ừm… cũng có thể ngủ không cần nhắm mắt. Nhắm mắt cũng chắc gì đã ngủ. Rồi chuyện lúc thằng Lựu đi qua một ngôi làng nào đó gặp một bà già mù ngồi ở bến xe. Bà cụ này có tài xem chỉ tay nhìn thấy được tương lai. Không tin ư? Thì tớ cũng không tin. Nhưng ai trong làng từng được bà xem chỉ tay thì đều tin là thật. Nhưng không phải ai bà cũng xem đâu. Bà cụ nói: “Phải có duyên với nhau mới nhìn thấu được”.
– Thế mà cụ có xem cho cậu không?
– Có chứ. Hôm ấy lúc tớ định nhảy lên chiếc xe bus đường dài thì bà cụ níu tay giữ lại.
– Thế bà cụ nói sao?
– Ờ thì… bà nhìn tay rồi ngẩng lên nhìn mặt. Bà cụ thở dài bảo: “Rồi cuối đời cũng trở về úp mặt vào sông nước”. Bởi vậy mà tớ mới không tin bà cụ.
Những câu chuyện của thằng Lựu khiến tụi trẻ con xóm chợ thích mê. Chúng có phần ngưỡng mộ thằng Lựu vì được chu du đây đó khắp nơi. Tụi nhỏ chưa từng được đi đâu ra khỏi xóm chợ này. Chỉ vì không biết phía bên kia bờ sông có những gì mà chúng đã bao lần phớt lờ lời người lớn liều mình bơi qua dòng nước. Cuối cùng, bờ bên kia đâu có gì ngoài cát trắng và những ngọn cỏ lau. Rõ ràng đứng bên này vẫn có thể nhìn thấy bờ bên ấy có gì. Tại sao lũ trẻ vẫn không ngừng thắc mắc? Lựu nghe câu hỏi đó chỉ cười. Câu trả lời nằm trên những đôi chân thèm được bước đi. Thèm được chạm vào. Thèm được khám phá. Đơn giản thế thôi.
Buổi tối thằng Lựu nằm ngủ co quắp trên sạp hàng của một nhà nào đó trong xóm chợ. Thằng Hển, con Thẽm và những đứa trẻ khác đều loay hoay mãi không ngủ được vì thương người bạn nhỏ của mình. Nhất là hôm nào trời đổ mưa. Mọi sạp hàng đều có mái che, nhưng ai dám chắc mưa không hắt vào lạnh buốt. Trong đêm tiếng kẹt cửa kêu lên khe khẽ. Ban đầu là một tiếng rồi hai, ba tiếng lan ra khắp xóm. Tụi nhỏ lẻn ra ngoài xem thằng Lựu ngủ nghê ra sao. Đứa mang cho cái áo, đứa kéo cho cái chăn, đứa để sẵn cái áo nilon ngay bên cạnh. Cũng có đêm thằng Hển trốn ra ngoài ngủ cùng bạn. Hai đứa nằm gối đầu lên tay ngắm trăng sao, kể chuyện trên trời dưới đất bịt mồm cười rinh rích. Con Thẽm nằm nghe bực lắm nằm không ngủ được, mà trốn ra thì sợ bị đánh.
Ban đầu người lớn dè chừng thằng Lựu bằng những lời dăn đe con mình: “Biết nó là ai? Thế nào? Bụng dạ ra sao? Lỡ cho nó vào nhà, đêm ngủ quên nó khoắng hết thì vốn liếng đâu mà làm ăn, chạy chợ?”. Lũ trẻ nhìn người lớn trong xóm bằng đôi mắt nghi hoặc. Sao người lớn hay bảo “nhìn mặt mà bắt bình dong”? Thằng Lựu hiền khô à. Hiền từ lúc ngủ, lúc cười, lúc cáu um vì bị tụi nó trêu đùa. Đến bảo cầm súng chun bắn con chim thằng Lựu còn không dám nữa là. Lâu dần người lớn thấy thương thằng Lựu từ lúc nào không biết. Có gì ngon cũng dặn con phần cho thằng Lựu. Đến tối là nhắc con “gọi thằng Lựu vào nhà ngủ không sương gió”. Nhưng thằng nhỏ đã quen ở bờ nằm bụi. Nó sợ làm bẩn nhà người khác. Sợ sự hôi hám lẫn đâu đó trên cơ thể mình làm người ta khó chịu. Người lớn bảo:
– Rồi nó cũng đi khỏi đây thôi. Chẳng có vùng đất nào giữ nổi đôi chân ấy.
– Nhưng tụi con giữ được Lựu thì sao?
– Thì mừng chứ sao. Nhưng thằng nhỏ ấy cũng từng đi qua bao nhiêu xóm nhỏ. Từng quen biết bao nhiêu đứa trẻ khắp vùng.
Thật ra tụi nhỏ hiểu điều đó chỉ không hiểu sao người lớn cứ phải nói toạc móng heo ra những chuyện chẳng vui gì. Người lớn đâu hiểu được nỗi nơm nớp lo sợ một ngày nào đó người bạn nhỏ sẽ bỏ đi. Biết đâu chỉ sáng mai thôi, lúc mở cửa dụi mắt nhìn từ sạp hàng đầu tiên đến cuối chợ không thấy cái dáng nằm co quắp ấy đâu. Hoặc ngay lúc cả lũ đang nằm ngửa cổ giữa bãi lau chờ nghe một câu chuyện nào đó ly kỳ thì Lựu đã rời đi nhẹ nhàng như một con sóng vỗ. Nhưng chúng vẫn muốn tin rằng sẽ có một sự gắn kết nào đó đủ ấm áp, thiêng liêng để có thể giữ chân thằng Lựu ở lại xóm chợ này. Như là cách chúng bảo nhau từ giờ sẽ không đứa nào xuống sông tắm nữa sau giấc mơ hãi hùng của con Thẽm. Nó mơ thấy mùa lũ về, sông Hồng nước dâng cao ngập cả cánh đồng lau và những ruộng ngô, vườn chuối trồng dọc bờ đê. Giữa dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy, cuốn theo những cây gỗ to, vài con lợn chết trương phình và rất nhiều đồ đạc. Những người dân xóm chợ rủ nhau đi vớt gỗ rừng. Bỗng phát hiện ra có một xác người dạt vào bờ, vướng gỗ không trôi được.
– Tụi mày biết cái xác ấy là ai không?
– Ai mà biết.
– Chính là thằng Lựu đấy. Tao đã mơ thấy rõ mồn một. Rõ cả cái nốt ruồi ở đằng sau gáy nó. Tao đã khóc quá trời. Vì khóc mà tỉnh giấc. Hóa ra chỉ là một giấc mơ. Có khi nào lời bà cụ mù nói với thằng Lựu là sự thật?
Giấc mơ ấy thằng Lựu không được nghe ai kể. Tụi nhỏ cũng không còn kéo ra sông chơi nữa. Người lớn trong xóm chợ bỗng nhiên giật mình nhận ra tụi nhỏ lớn phổng phao nhanh quá. Chẳng mấy chốc mà chúng thành người lớn. Họ chột dạ nghĩ mình còn chưa kịp dạy dỗ chúng điều gì. Chúng tự ăn tự chơi. Tự một mình loay hoay tìm con chữ và điều hay lẽ phải trong cuốn sách giáo khoa và những buổi chợ búa bán mua chật cứng lời mặc cả. Chúng như hòn đất, ngọn cây. Nhưng là những thân cây đang dần cứng cáp sắp khó uốn nắn rồi. Trong những buổi chợ tàn, mùi rau quả thiu thối bốc lên. Đám ruồi nhặng ở đâu kéo đến, và rác theo gió thổi vun thành từng đống, bụi mù. Người lớn ngồi bên sạp hàng mệt nhọc nghĩ đến ngày mai. Họ không biết tìm đâu ra điều gì tươi sáng vụt thoát khỏi nỗi cực nhọc quẩn quanh này. Người lớn từng đã thử hình dung, nếu xóm chợ vắng đi những đứa trẻ nghịch ngợm hồn nhiên thì trông sẽ thế nào? Sẽ thiếu đi tiếng cười. Sẽ chỉ còn bán mua chát chúa. Sẽ chẳng tìm đâu thấy điều gì đáng để hy vọng cả.
Ai đó vừa buột miệng hỏi nhau:
– Bọn trẻ phải sống một cuộc đời khác chứ, đúng không?
– Suy cho cùng vốn liếng, tài sản của chúng ta chẳng có gì ngoài lũ trẻ.
Lũ trẻ mà họ nói đến có cả thằng Lựu nhỏ. Chẳng biết từ bao giờ cái dáng nhỏ thó của nó đã trở nên thân thuộc gắn bó với xứ này. Nhà ai mua áo mới cho con, thằng Lựu cũng có phần. Cứ đến bữa là tiếng gọi “Lựu ơi!” vang lên khắp xóm. Nhà ai đó đã tính chuyện nhận thằng Lựu làm con nuôi để cho nó có một mái nhà. Đêm đến được nằm ngủ trong chăn ấm đệm êm, trong những lời càm ràm đầy yêu thương của một người mà nó sẽ cất lên tiếng “mẹ”. Rồi thằng Lựu sẽ được đến trường. Sau này biết đâu nó sẽ thành thầy giáo, bác sĩ, công an. Hoặc chẳng cần phải làm điều gì đó lớn lao, dân xóm chợ chỉ mong sao thằng Lựu cùng lũ trẻ nơi đây sẽ có một cuộc đời tươi sáng và hạnh phúc…
Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG