Hơn 60 năm đời cách mạng, đời thơ, Tố Hữu đã để lại cho đời 7 tập thơ được coi như những “lá cờ đầu” cắm mốc từng thời kỳ quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam. Lý tưởng cộng sản, tính chất trữ tình – chính trị với giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, đằm thắm và đậm đà bản sắc dân tộc… hồn thơ cùng phong cách nghệ thuật nổi bật, đặc sắc ấy khiến thơ ông bất hủ trong lòng bạn đọc, trường tồn trong không gian và thời gian! Có thời, thơ Tố Hữu đã là “thơ gối đầu giường” của nhiều người; là hành trang thân thiết của anh chiến sĩ trên các dặm đường trường chinh… Trên đất nước Việt Nam, từ trẻ đến già dường như rất nhiều người thuộc lòng dăm ba câu thơ hoặc một vài bài thơ Tố Hữu!
Giữa cuộc sống muôn vẻ giờ đây, đọc lại tập thơ cuối đời này của thi sĩ Tố Hữu, thật lý thú và tâm đắc, với mỗi ai, trước những vần thơ triết lý nhân sinh sâu sắc tình người của ông. “Một tiếng đờn” của những năm 80, 90 thế kỷ XX. Tập thơ của tâm trạng, không còn dấu ấn của một thời “Từ ấy” – “Gân đang săn và thớ thịt căng da”và “Hồn quay trong gió bão”. Cái thời tác giả đã vượt qua cái ngưỡng “tri thiên mệnh” mở cửa vào tuổi “cổ lai hy”, nhưng Tố Hữu không hề “lão giả an tri”. Ông hăm hở, rong ruổi về với nhiều miền quê đất nước, về với Huế thân thương – nơi sinh thành để chiêm ngưỡng, tri ân, tri kỷ và là dịp để tri túc… sau bao năm tháng dấn thân vào con đường cách mạng trong xa cách, nhớ nhung, khát vọng! Có phải vì thế mà “Một tiếng đờn” có cái lạ cả về nội dung và phong cách nghệ thuật!?… Thơ ông giờ đây tràn đầy cái ríu rít của cuộc sống đời thường muôn vẻ đáng yêu và có cả cái phải suy ngẫm day dứt! (mà dường như hiếm thấy trong các tập thơ trước đó). Nói cách khác, với “Một tiếng đờn”, Tố Hữu đã vượt lên khuynh hướng vốn dĩ “Tổng hợp và ước lệ” thường thấy trong các tập thơ trước để trở về với tâm trạng, suy tư thầm lặng trước hiện thực mới của xã hội. Song “Hướng tới những quy luật phổ quát và kiếm tìm những giá trị bền vững, giọng thơ vì thế thường trầm lắng, thấm đượm suy tư. Điều đáng trân trọng hơn cả là trước sau thơ Tố Hữu vẫn kiên định niềm tin vào lý tưởng và con đường cách mạng” (Nhận định về tập thơ “Một tiếng đờn” của SGK Văn học lớp 12 – sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000). Đó cũng chính là cơ sở xuất hiện những vần thơ triết lý nhân sinh giàu tính nhân văn, nhân bản của tập thơ này như một tất yếu. Và, không phải ngẫu nhiên, khi Nhà xuất bản Giáo dục đã trích in ở bìa 4 “Tổng tập thơ Tố Hữu”, khổ thơ sau trong bài “Có một ngày như thế” của tập “Một tiếng đờn” coi như tựa đề cho Bộ tổng tập: “Mặc quanh ta sóng gió/ Dù đâu đó chiều tà/ Bình minh đang dậy đỏ/ Tim ta cùng chim ca”.
“Một tiếng đờn” là tiếng lòng, sự suy ngẫm của Tố Hữu trước sự đổi mới đi lên của đất nước với những diễn biến mới nảy sinh về thế thái nhân tình, tư duy, lẽ sống… Trong niềm vui hạnh phúc “Đằm thắm bên em”, nhà thơ vẫn lắng nghe “Một tiếng đờn” của cuộc sống vọng đến – “Một tiếng đờn” trong tĩnh lặng của những nghĩ suy, pha chút đượm buồn trầm lắng… Nhưng trên hết, bao chùm nhất vẫn là niềm tin vào lý tưởng và con đường cách mạng của một trái tim chan chứa yêu đời. Cùng với sự trải nghiệm qua những bước thăng trầm của bản thân, Tố Hữu đã để lại cho đời những vần thơ triết lý nhân sinh được đúc kết từ phương châm sống đẹp nay vẫn còn tinh nguyên giá trị. Xin trích một số vần thơ ấy.
Nhân câu hỏi ngây thơ mà nghĩa lý của đứa cháu: “Đời là gì hả ông”?, ông giải thích với cháu thật dung dị mà sâu xa: “Đời như cái bánh thơm ngon ấy/ Cháu cũng như ông, có một đời/ Nhưng đời của cháu còn dài và đời chẳng của riêng ai/ Đời của cháu còn to lắm/ Nhớ để ăn chung bạn một bàn”. Vì: “Đời không thể ăn gian” (Cái bánh đời).
Ông khẳng định: “Đời đâu phải thị trường nhân phẩm/ Gian ác mang mặt nạ thánh hiền/ Tình nghĩa cũng theo thời lạnh ấm/ Bạc vàng do giá trị sang hèn” (Chân trời mới).
Do vậy, ông bâng khuâng trước sự lạc đường của ai đó giữa đời này: “Ôi bâng khuâng sống giữa đời này/ Biết mấy người đi lạc hướng đây/ Say tỉnh, tỉnh say nào thấy hướng/ Càng đi càng lún xuống đầm lầy” (Lạc đường).
Song thái độ sống của chúng ta, nhất là những người đồng chí thiêng liêng, trước sau vẫn phải “Thương nhau không thể mặc cho người”. Đó chính là cách sống đẹp, như đã có lần ông hỏi bạn “Ôi! sống đẹp là thế nào hỡi bạn?”, rồi tự trả lời: “Bữa cơm dù dưa muối đầy vơi/ Chân lý chẳng bao giờ đổi bán/ Tình thương vô hạn để cho đời” (Một khúc ca).
Và “Sống là cho, là chia sẻ ngọt bùi”. Sống đẹp là: “Kể chi vàng bạc, bạn ơi/ Thủy chung giữ trọn một đời thanh cao” (Vườn cam Tường Lộc).
Là “Xin sáng lòng ta một chữ NHÂN” (Duyên thầm). Sống giữa đời đủ đầy, sung sướng, hạnh phúc hôm nay, sống đẹp là phải biết “nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nhớ công ơn những người đã hy sinh xương máu: “Nghĩa trang trắng màu vôi/ Thầm nhắc người đang sống” (Có một ngày như thế). Lời nhắc nhủ thật nhẹ nhàng mà thấm thía với mọi người, nhất là với những kẻ sống vô ơn bạc nghĩa.
“Một tiếng đờn”, tập thơ của tâm trạng buổi về già, được nghỉ ngơi, thơ của những ngày “Đầm ấm bên em”, bên cháu con… Song nhàn thân mà chẳng nhàn tâm. Nhiều đêm ông thao thức nghĩ chuyện đời, rồi bâng khuâng tự vấn… hỏi mình sau, trước: Cho cuộc đời, cho Tổ quốc thương yêu. Ta đã làm gì? Và được bao nhiêu?
Để lại chập chờn mơ ước và tự khẳng định: “Nếu là con chim, chiếc lá/ Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không có trả/ Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?” (Một khúc ca).
Quả vậy, đã là một con người – “Con Người” viết hoa với ý nghĩa “tuyệt diệu” và “tự hào” như M. Gooc Ki đã tôn vinh, con người, một tế bào trong cộng đồng dân tộc không thể sống vô cảm, vô ích mà phải là “Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh”; Không thể sống ích kỷ “Chỉ nhận riêng mình” mà phải “sống là cho”, cũng như “Vay” phải “có trả” công bằng, sòng phẳng. Đó chính là biểu hiện đẹp của truyền thống đạo lý dân tộc, của đạo lý Cộng sản. “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” mà Bác Hồ đã từng khuyên nhủ v.v…
Điểm lại một số vần thơ triết lý nhân sinh trên đây của Tố Hữu, tin rằng những vần thơ ấy sống vĩnh hằng với đời, bồi đắp trong chúng ta tình yêu cuộc sống, cách sống đẹp cho đời và cháy trong tim ta niềm tin như ông đã tin: “Dòng đời cứ chảy, tan bèo bọt/ Thế trận lòng dân dậy tiếng kèn”.
Và “Ngày mai… sẽ đón những ngày mai/ Rạng rỡ, đường ta rất rộng dài!”.
Nguyễn Đình Vỵ