60 năm đã qua, kể từ khi các tập thơ “Rừng cọ đồi chè”; “Sông Lô, sông Chảy” và “Phú Thọ lớn lên” được xuất bản, cuối năm 1962 đầu năm 1963; người đời biết đến Bút Tre với tư cách như là một nhà thơ – một hiện tượng văn học dân gian của vùng quê Phú Thọ. Sau ngày ông mất (năm 1987), thơ của ông và các giai thoại về ông đã được nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn; các nhà nghiên cứu Ngô Quang Nam, Vũ Kim Biên, Lê Tượng, Nguyễn Đình Vỵ… sưu tầm và giới thiệu. Nhờ vậy, tên tuổi của ông được nhân dân biết đến không chỉ với tư cách là một nhà thơ, một hiện tượng thơ dân gian, dòng thơ dân gian mà còn là một nhà nghiên cứu tuyên truyền văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu; nhà quản lý văn hóa thông tin đầy tâm huyết.
Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng. Ông sinh ngày 23/8/1911 tại xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông dạy học ở châu Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Sau Cách mạng tháng 8/1945 ông về quê, tham gia chính quyền nhân dân, được cử làm Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời xã Đồng Lương. Giữa năm 1946, Chi bộ Cột cờ thành lập, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối năm 1946, ông đi công tác thoát ly.
Năm 1947 – 1950: Làm báo Khu giải phóng (khu 10), phụ trách Nhà in Xây dựng, cán bộ tuyên huấn Khu 10, cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Thọ.
Năm 1951: Ông được bầu vào Huyện ủy Thanh Sơn.
Năm 1952: Ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng Ty Tuyên truyền Văn nghệ Phú Thọ.
Năm 1953 – 1955: Ông làm cán bộ tuyên huấn Đoàn ủy cải cách ruộng đất.
Năm 1956 – 1959: Ông được điều về Bộ Ngoại giao làm Thư ký riêng cho Bộ trưởng Ung Văn Khiêm.
Năm 1960 – 1961: Ông làm Trưởng phòng Thông tin trực thuộc Ủy ban Hành chính tỉnh Phú Thọ.
Năm 1962 – 1968: Ông làm Trưởng Ty Văn hóa thông tin tỉnh Phú Thọ.
Năm 1969 cho đến khi nghỉ hưu năm 1973: Ông làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phú.
Ông mất ngày 18 tháng 5 năm 1987. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Lê Huy Ngọ đã đến viếng và đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng tại xã Đồng Lương, huyện Sông Thao. Sở VH&TT cùng Hội VNDG tỉnh Vĩnh Phú đã phối hợp với gia đình xây mộ cát táng cho ông. Đó là việc làm tình nghĩa, hợp đạo lý, xứng đáng với công lao đóng góp của ông với sự nghiệp văn hóa thông tin tỉnh nhà.
Trân trọng với những đóng góp của ông đối với việc phát triển sự nghiệp văn hóa và thông tin, UBND tỉnh Phú Thọ đã đồng ý cho lấy tên ông đặt tên phố Đặng Văn Đăng ở thành phố Việt Trì (đường công viên bên hồ Trầm Đá – cạnh khách sạn Sài Gòn – Phú Thọ). UBND huyện Cẩm Khê cho xây dựng Khu lưu niệm nhà thơ Bút Tre tại quê hương ông, xã Đồng Lương.
Trong sự nghiệp của mình, cả cuộc đời ông luôn gắn bó với hoạt động văn hóa thông tin và văn nghệ dân gian Phú Thọ. Bút Tre đã có nhiều đóng góp về khoa học, lịch sử, văn hóa dân gian và về quản lý hoạt động văn hóa văn nghệ, thông tin tuyên truyền.
Tuy còn có những ý kiến khác nhau song đa số tư liệu đều xác định Bút Tre là người đầu tiên đã ghi tóm lược được câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ Đại đoàn quân tiên phong khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1954: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Câu nói ấy sau này có người đã sửa lại là: “Các Vua Hùng đã có công xây dựng đất nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy đất và nước”.
Hoặc sửa là: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải ra sức giữ nước”.
Song với quan điểm của Bút Tre: câu này Bác nói với bộ đội nhưng thực chất là với nhân dân Việt Nam bằng tiếng Việt Nam chứ không phải Bác làm thơ chữ Hán và lại càng không phải là làm câu đối nên không phải phụ thuộc vào niêm luật; cốt lõi là sao cho dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.
Ông cũng là người đề xuất với các nhà lãnh đạo của Đảng lấy câu nói bất hủ này của Bác để giáo dục ý thức trách nhiệm với Tổ quốc cho các thế hệ người Việt Nam.
Ủng hộ quan điểm của ông năm 1969 nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết trên báo Nhân dân: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. (Theo ông Vũ Kỳ – Thư ký riêng của Bác Hồ – khi số báo này được phát hành, Bác đã xem và tỏ ý rất hài lòng). Từ đó câu nói đã được cố định hóa và trở thành bất hủ.
Ông Bút Tre là người sớm nhận biết và đặt vấn đề nghiên cứu văn hóa Hùng Vương trên vùng đất Tổ; đặc biệt nêu ra quan điểm: phải dựa vào lịch sử, thức tỉnh lịch sử hàng nghìn năm để tạo nên động lực tinh thần giúp con cháu các Vua Hùng cùng đứng lên đánh Mỹ.
Cuối thập kỉ 60 đầu 70 của thế kỉ XX, được Thủ tướng Chính phủ khuyến khích, động viên; Trưởng ty Văn hóa thông tin Đặng Văn Đăng là một trong những người tiên phong đã trực tiếp làm việc với các nhà khoa học đầu ngành về lịch sử như GS – Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, GS – Viện sĩ Phạm Huy Thông, nhà sử học Trần Huy Liệu… để phối hợp tổ chức 4 cuộc hội thảo khoa học về Hùng Vương dựng nước. Sau hội thảo các nhà khoa học xã hội Việt Nam đã thống nhất khẳng định:
– Thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
– Địa bàn trung tâm chủ yếu của cư dân Hùng Vương là Phú Thọ.
– Đền Hùng là di tích tiêu biểu thờ Quốc Tổ Hùng Vương.
– Việt Trì là kinh đô thời đại các Vua Hùng dựng nước Văn Lang.
Vấn đề xây dựng quy hoạch, bảo vệ, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng và việc sưu tầm, bảo tồn phát huy giá trị di sản dân ca Xoan, Ghẹo văn hóa đặc trưng của vùng quê trung du Phú Thọ được ông đặc biệt quan tâm.
Năm 1962 sau khi Đền Hùng được Nhà nước xếp hạng là Di tích quốc gia (đợt đầu tiên của cả nước), nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ông đã cho tổ chức hát dân ca Xoan – Ghẹo tại nhà công quán Đền Hùng.
Khi đã nghỉ hưu ông vẫn thường xuyên quan tâm góp ý với các cơ quan của tỉnh về tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hàng năm sao cho đáp ứng tốt nhất tình cảm hướng về cội nguồn dân tộc, cùng nhau đoàn kết xây dựng và bảo vệ đất nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam: “Giỏ cơm, bầu nước ba ngày hội/Cả vạn người dân, một tấm lòng”.
Ông Bút Tre là nhà quản lý văn hóa, thông tin, văn nghệ năng động và tâm huyết. Ông sáng tác thơ ca để phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, nghị quyết Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ca ngợi quê hương đất nước, giới thiệu gương người tốt, việc tốt, phong trào tốt…
+ Hướng về Đại hội Đảng ta
Con yêu viết bản trường ca quê mình.
+ Quang vinh thay con người Phú Thọ
Đất mẹ hiền đồi cọ nắng rung
Đảng ta, trời mọc đằng đông
Sáng soi Phú Thọ ruộng đồng ngát thơm.
+ Đường cách mạng khó khăn càng vượt
Ngày đấu tranh càng dượt càng lên
Đốt hồng ngọn lửa đầu tiên
Người dân Phú Thọ nuôi bền lòng tin.
Ông là người đầu tiên tổ chức hoạt động tuyên truyền bằng xe đạp trên suốt tuyến đường giao thông bộ từ Phú Thọ tới Quảng Bình đất lửa trong chiến tranh chống Mỹ; đi đến đâu ông cũng tạo được nụ cười chiến thắng đến đó: “Bút Tre chẳng như mọi người/ Qua sông/ Nhớ mãi nụ cười chú em”.
Ông cũng là người đầu tiên phát hiện: Văn hóa thời chiến phải là “tiếng hát át tiếng bom”. Phát hiện đó được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám ghi nhận và cho phát động rộng rãi trong toàn ngành Văn hóa suốt thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Ông là một trong những người tích cực nhất tạo ra tâm lý yêu quê hương rừng cọ đồi chè, nơi Đất Tổ Hùng Vương cho nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ: “Quê ta đang lớn lên rồi/ Sống trong trời lộng, rạng ngời niềm tin”.
– Ông là nhà văn hóa dân gian lớn, là người sáng lập Hội VNDG tỉnh Phú Thọ. Cả cuộc đời ông say sưa và đắm mình trong dòng chảy của văn hóa dân gian. Với ông cái bản chất nhân cách của con người cũng chính là cái tâm bất tận vì nhân dân. Tính nhân dân, vị tha của người nông dân đã ngấm vào máu thịt của ông. Ông miệt mài nghiên cứu, say sưa viết, viết vì sự gần gũi với tri thức của nhân dân, ngôn từ, cách diễn đạt sao cho dân dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ thuộc, dễ bắt chước và dễ làm theo: “Trăm năm ở một làng Vè/ Nghìn câu lục bát, mấy đề vè Nôm/ Khi khuya sớm, lúc hoàng hôn/ Bà con kể lại, xóm thôn vọng lời”.
– Bút Tre là nhà thơ dân gian đầy cá tính. Cho đến cuối đời ông vẫn tự nhận mình chỉ là vè sỹ chứ không phải là nhà thơ chính danh của Hội Nhà văn Việt Nam, song độc giả yêu thơ ông vẫn vinh danh ông là nhà thơ.
Tâm hồn ông là biểu trưng của tình cảm và tấm lòng đôn hậu của người nông dân vùng Đất Tổ. Tư duy dân gian trong thơ ông rất giản dị, hồn nhiên và được đúc rút từ thực tiễn cuộc sống; không cầu kì, không dập theo khuôn mẫu, bẻ từ, chiết chữ…
“Bút Tre văn nghệ không thừa nhận/ Thêm bao bịa đặt cá nhân xuyên/ xuyên tạc/ Nỗi oan trái đâu cần ai rửa/ Ánh trăng vằng vặc góc trời riêng”.
Thơ ông gắn bó với nhân dân, nói bằng ngôn ngữ của dân, hòa cùng cuộc sống của dân; bởi vậy kể cả đồng thời, đương thời và hậu duệ, ai cũng được nở một nụ cười khi đọc thơ của ông hoặc học ông làm thơ dân gian – kiểu Bút Tre/ hậu Bút Tre.
Bút Tre đã xuất bản một số tập thơ: Rừng cọ đồi chè; Phú Thọ lớn lên; Sông Lô, sông Chảy; Đồng Tâm thắm thịt thay da; Một ngày của Phú Thọ; Quê hương Phú Thọ và một số tập mới viết xong bản thảo, chưa xuất bản: Về Nguyễn Trãi; Nguyễn Quang Bích; Nhật ký thơ (389 bài đường luật); Tia lửa làng quê; Nắng chói sông Lô (hơn 100 trang; bản gốc ông đã tặng và lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Hà Nội; Hội VNDG tỉnh Phú Thọ giữ bản sao).
Ngoài ra ông còn có một số bài nghiên cứu về Hùng Vương dựng nước, về văn hóa Phú Thọ và về quê hương của ông – xã Đồng Lương, Chiến khu Vạn Thắng.
Di sản của ông để lại cho đời cũng giản dị, mộc mạc như chính cuộc đời ông, không cầu kỳ, xa cách: “Bút Tre ghi xuống thơ mình/ Cho người cảm nghĩ, cho tình nông sâu”.
Và ông đã tự bộc bạch rằng: “Tôi làm thơ tặng cho Đảng và tặng cho nhân dân Phú Thọ, vì tôi yêu quê hương rừng cọ đồi chè”; hay “Tôi làm vè tuyên truyền, ai cần thì dùng, cần thì đọc, còn không thì tôi sáng tác cho tôi”: “Bút Tre nối bước những ai/ Một dòng thơ mở đường quai kể vè/ Năm năm dân dã lắng nghe/ Một Bút Tre thành vạn Bút Tre các làng”.
Bút Tre – xứng đáng là niềm tự hào của các hội viên Hội VNDG Việt Nam; những gì ông để lại cho đời hôm nay, đều đã trở thành di sản tinh thần của xã hội: “Thơ viết, thơ ngâm, thơ bất tuyệt/ Một dòng gợi nhớ để cho đời”.
Kỷ niệm 45 năm ngày ông đi xa, cũng là dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội VNDG tỉnh Phú Thọ, mong sao có ngày Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh cho sưu tầm, biên tập và xuất bản “Tổng tập thơ Bút Tre”; để thông qua đó mọi người có cách nhận biết về thơ của ông và hiểu ông một cách đầy đủ hơn, đúng đắn hơn, thực sự nhân văn hơn với phong cách văn hóa dân gian của ông.
Phạm Bá Khiêm