Đền Mẫu Âu Cơ tại xứ Cây Thị, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ toạ lạc bên cây đa cổ thụ hằng trăm năm tuổi trên một gò đất cao giữa cánh đồng Hiền Lương phì nhiêu, bát ngát lúa đồng. Ngôi đền cổ kính, trầm mặc là nơi thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, người Mẹ của muôn dân đất Việt, nhân vật huyền thoại gắn với truyền thuyết Cha Rồng, Mẹ Tiên trong tâm thức của người Việt từ thuở hồng hoang đến nay.
Con đường dẫn vào đền Mẫu đi giữa cánh đồng lúa đang nhú lên những lá mạ non đầu mùa hoà vào tiết trời se sắt lạnh và lất phất mưa xuân. Hai bên đường là hai hàng cây kim giao thẳng tắp xanh tốt gợi lên sự bình yên, tôn nghiêm, chuẩn mực. Ngôi đền toạ lạc ở một địa thế vô cùng vững chãi, hài hoà. Mặt đền quay về hướng chính nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc.
Phía xa xa là ngọn núi Nả cao sừng sững, nơi gắn liền với huyền thoại Mẫu Âu Cơ thường lên đó hái lá thuốc chữa bệnh cho muôn dân và cũng là nơi Mẫu bay về trời. Từ ngọn núi Nả, hai triền núi trùng điệp chạy dài mãi như bức tường thành vững chãi bao bọc xóm làng. Nơi đây, trong huyền tích ấm áp nơi cội nguồn, Mẫu Âu Cơ trong hành trình dẫn 50 người con đi khai thiên phá thạch đã dừng chân để tạo dựng cuộc sống, dạy muôn dân trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm dệt vải.
Cuộc sống, làng mạc ngày càng đông vui no đủ. Một ngày kia, Mẫu Mẹ lên núi Nả, cùng bầy tiên nữ bay về trời, Mẫu thả dải lụa hồng xuống ngọn đa để các con ngàn đời ngưỡng vọng. Thư tịch cổ ghi chép lại, khi Mẫu Âu Cơ thăng thiên, để tưởng nhớ, tri ân công lao trời biển của Mẫu, thời Lê Sơ (1428 – 1527), dưới triều vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức năm thứ 6 (năm 1465), vua đã ra chiếu chỉ phong thần, cấp tiền, xây dựng thành đền Mẫu Âu Cơ, giao cho nhân dân xã Hiền Lương thờ phụng. Trải qua thời gian, đến thế kỷ XV, triều đình Hậu Lê đã phong sắc và cho xây dựng đền, thế kỷ XIX, nhà Nguyễn một lần nữa lại phong sắc công nhận đền Mẫu Âu Cơ. Ngày 03/8/1991 đền Mẫu Âu Cơ chính thức được Bộ VHTT cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Phía trong ngôi đền, trên thượng cung là nơi thờ tượng Mẫu Âu Cơ. Tượng Mẫu được tạo tác từ chất liệu gỗ mít, độc bản, sơn son thếp vàng, hoa văn tinh xảo. Tượng Mẫu ngự trên long ngai uy nghi, khuôn mặt toát lên vẻ đẹp thanh cao, phúc hậu của người phụ nữ Việt Nam. Trước tượng Mẫu Âu Cơ, mỗi người con lắng lòng mình trong niềm tri ân, hoà vào dòng huyền thoại để cảm nhận về một hình ảnh người Mẹ bước ra từ trong truyền thuyết bao dung, hiền từ và luôn dang rộng vòng tay che chở muôn dân. Đó là hình ảnh người Mẹ của xứ sở, người Mẹ của dân tộc Việt Nam. Ngày 15/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 88/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia cho tượng Mẫu Âu Cơ thờ trong đền Tổ Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương (Hạ Hòa – Phú Thọ).
Mỗi khi trở về đền Mẫu, trong lòng mỗi người dân đất Việt dù ở gần hay nơi xa, dù có đi đến chân trời góc bể vẫn luôn thấy lòng mình ấm áp khi được trở về nguồn cội thiêng liêng của dân tộc. Con người tự hào về nòi giống Tiên Rồng, tự hào trước huyền tích ấm áp về người Mẹ của muôn dân hiền từ, bao dung, yêu thương, che chở cho các con.
Để mỗi khi trở về đền Mẫu, trong bảng lảng khói nhang trầm, trong vọng về tiếng chiêng, tiếng trống tự ngàn xưa, ai ai cũng như được tìm về chốn nương tựa ấm áp, thấy ở nơi đây lẽ sống của dân tộc. Mỗi người tìm được chính mình giữa cuộc sống với biết bao bộn bề, gian khó, xua tan đi bao ưu phiền. Dù là ai, không phân biệt sang thấp, địa vị, biết gắn kết, yêu thương giống nòi hoà vào tình yêu làng quê, dân tộc. Đó chính là giá trị gắn kết cộng đồng của đền Mẫu Âu Cơ từ bao đời nay.
Cây đa cổ thụ toả bóng xanh tốt hoà vào nét vòm cong vút và mái ngói rêu phong, biểu tượng cho sự trường tồn, vững chãi, cổ xưa. Xung quanh Đền Mẫu là những vòm cây xanh với nhiều loại cây đơm hoa kết trái quanh năm tạo nên không gian xanh mát, thanh sơ và hài hoà. Dải lụa hồng mềm mại buông từ ngọn đa vắt qua mái đền rêu phong như gợi lên dòng huyền thoại về Mẫu Âu Cơ như chảy từ thuở hồng hoang đến hôm nay mãi mãi không ngừng.
Để trong huyết quản mỗi người dân đất Việt, huyền thoại ấy lan toả thành những giá trị nhân văn tốt đẹp đã trở thành lẽ sống của dân tộc, thành vẻ đẹp của làng quê, thành mối quan hệ ứng xử hài hoà giữa muôn người. Sự tri ân Mẫu Âu Cơ gắn với đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam, đó là đạo lý thờ cúng tổ tiên, biết ơn đấng sinh thành. Theo thời gian, đạo lý ấy đã kết thành tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ vô cùng độc đáo.
Muôn dân cùng hướng về một cội, muôn người con cùng chung và thờ phụng một người Mẹ của dân tộc. Đạo lý và tín ngưỡng ấy thiêng liêng, ấm áp và có sức sống trường tồn trong lòng dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, ngày 23/01/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL, công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đền Mẫu Âu Cơ mang đậm những giá trị trường tồn với thời gian, đó là giá trị khoa học, lịch sử, tín ngưỡng, nhân văn. Trong thời kỳ hội nhập, đền Mẫu Âu Cơ không chỉ là biểu tượng thiêng liêng nơi cội nguồn, mà còn là di sản vô giá để nơi đây phát triển du lịch tâm linh, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước với bạn bè quốc tế trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trở về nơi nguồn cội, mỗi người dân Việt Nam lắng nghe được tiếng đồng vọng của cha ông trong lịch sử, đó là tiếng của “Những buổi ngày xưa vọng nói về”, tìm thấy sức mạnh của dân tộc mình hiện hữu trong huyết quản của mỗi người và sáng niềm tin vào tương lai.
NGUYỄN THẾ LƯỢNG