Nói đến hội nhập nền kinh tế thế giới, ít ai có thể nghĩ đến sự tác động và ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của các Di sản văn hoá. Nhưng xét về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hoá thì chúng hoàn toàn có mối liên quan và tác động qua lại lẫn nhau, chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Các hoạt động kinh tế tác động đến các hoạt động văn hoá và ngược lại các hoạt động văn hoá sẽ có những tác động đến những hoạt động phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Đại hội lần thứ X của Đảng ta đã khẳng định vai trò rất quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế đó là: “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hoá – nền tảng tinh thần của xã hội. Đặc biệt coi trọng nâng cao văn hoá lãnh đạo và quản lý, văn hoá trong kinh doanh và văn hoá trong nhân cách…”. Đó là căn cứ vừa mang tính chính trị lại vừa mang tính khoa học đã được Đảng ta đúc kết thành lý luận để soi sáng con đường thực tiễn của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Sự phát triển kinh tế của tỉnh Phú Thọ đang có những cơ hội rất thuận lợi, đó là sự kiện nước ta đã trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và tham gia hiệp ước EVFTA với các nước châu Âu và AFTA với các nước khối ASEAN… Đó là những tiền đề điều kiện rất thuận lợi để tỉnh ta thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đẩy nhanh sự nghiệp đổi mới đi đến thắng lợi. Vì vậy, trước xu thế hội nhập với thế giới với nhiều vận hội mới và thách thức mới để phát triển nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, hơn bao giờ hết chúng ta phải khẳng định được vị thế của Di sản văn hóa dân tộc trên quê hương Đất Tổ. Trước hết phải là Di sản văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc để “Hội nhập nhưng không hoà tan”, phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN nhưng không đánh mất truyền thống văn hoá đã được hình thành và gìn giữ qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta.
Trên vùng quê Đất Tổ còn lưu giữ rất nhiều Di sản văn hoá vật thể và phi vật thể phản ánh thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Đặc biệt là hai Di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới hiện nay là điều kiện thuận lợi để giá trị của hai Di sản văn hóa của nhân loại có dịp tỏa sáng và phát huy giá trị trên phạm vi toàn cầu nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch và tìm hiểu, chiêm bái, trải nghiệm giá trị của hai Di sản văn hóa đã là tài sản chung của nhân loại. Nhiệm vụ của các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ là phải phát huy giá trị của hai Di sản này để trở thành tài sản quý giá, là sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Thọ để phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Từ khi nước ta trở thành thành viên WTO, làn sóng đầu tư công nghiệp, đầu tư kinh doanh thương mại và tham quan du lịch v.v… đã có chiều hướng tăng lên nhanh chóng. Ngoài hoạt động kinh tế, các nhà đầu tư kinh doanh sẽ quan tâm đến vấn đề văn hoá của dân tộc ta và họ sẽ đặc biệt chú ý đến các Di sản văn hoá truyền thống mang tính bản sắc của dân tộc Việt Nam. Một phần để họ nghiên cứu, tìm hiểu nền văn hoá của nước chủ nhà nhằm hiểu sâu hơn về đối tác mà họ đang hợp tác trên lĩnh vực kinh tế. Mặt khác, họ cũng tìm kiếm các cơ hội đầu tư trên lĩnh vực văn hoá để từ đó kinh doanh mang cho họ lợi nhuận. Trước hết, chúng ta cần tranh thủ sự ủng hộ và tham gia của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước để thu hút nguồn tài chính theo hình thức B.O.T (một tư duy mới) vào việc tu bổ, tôn tạo các di tích thờ cúng Hùng Vương và di tích liên quan đến nghi thức trình diễn Hát Xoan mà ở đó họ có thể khai thác và phát huy ưu thế của hoạt động tín ngưỡng trên lĩnh vực kinh tế thông qua việc bán các sản phẩm nông sản, đặc sản ẩm thực, hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương. Mặt khác, chúng ta cần xã hội hóa hoạt động tổ chức các lễ hội liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ không chỉ trong ba tháng mùa xuân mà trong suốt thời gian của năm để thu hút du khách. Vì vậy, nhận thức về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các Di sản văn hoá truyền thống nói chung thành tài sản phải luôn đặt ở trạng thái “Động” và “Mở”, có nghĩa là phải luôn luôn đổi mới các hoạt động và đổi mới các sản phẩm du lịch sao cho phù hợp với xu thế của nền kinh tế, để thiết thực góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế nói chung và phát triển kinh tế trong văn hoá nói riêng. Muốn được như vậy thì một trong những biện pháp phải được thường xuyên tổ chức thực hiện đó là biện pháp xã hội hoá các hoạt động của công tác bảo tồn và phát huy giá trị các Di sản văn hoá nhằm huy động trách nhiệm chung của toàn xã hội và huy động các nguồn lực về tài chính, trí tuệ, công sức và của cải của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị, các đơn vị, cơ quan, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân v.v… Tất cả cùng tham gia đóng góp kinh phí thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, tu bổ, khôi phục các di tích kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến việc thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và không gian thiêng để trình diễn Hát Xoan Phú Thọ để làm cho diện mạo của hai Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại trở thành tài sản cố định và phát huy tốt những giá trị để tăng trưởng kinh tế.
Để hai Di sản văn hóa thế giới, trở thành tài sản của tỉnh để phát triển kinh tế, theo cá nhân tôi chúng ta cần quan tâm đến một số giải pháp như:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hoá và các văn bản quản lý, hướng dẫn của Nhà nước đến các địa phương và quần chúng nhân dân nhằm thực hiện tốt phương châm xã hội hoá về bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của hai Di sản văn hoá của nhân loại, để mỗi người dân đều thấu hiểu các quy định của luật pháp trong nước và quốc tế. Có như vậy mới tiếp cận được cơ chế vận hành của nền kinh tế thế giới trên lĩnh vực văn hoá.
Bảo tồn và phát huy giá trị hai Di sản văn hóa của nhân loại để phát triển kinh tế phải tính đến việc bảo tồn, giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc. Tạo sự phát triển hài hoà giữa kinh tế và văn hoá. Đẩy nhanh xây dựng các công trình hạ tầng như các tuyến đường giao thông đi đến các di tích và lễ hội liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ.
Thực hiện phương châm xã hội hoá các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của hai Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại phải tìm, chọn và vận động các “mạnh thường quân” về tài chính trên địa bàn tỉnh tự nguyện đóng góp kinh phí dưới sự giám sát về chuyên môn của ngành văn hóa, kết hợp với các nguồn kinh phí khác của Nhà nước và nhân dân công đức để tạo nguồn lực tổng hợp cho hai di sản.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động nghi lễ tín ngưỡng truyền thống, văn hoá, văn nghệ dân gian tại các di tích liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ để thu hút du khách đến du lịch tham quan, trải nghiệm các hoạt động, tạo niềm tin vào sự thành công đầu tư cho các nhà đầu tư.
Di sản văn hóa của dân tộc đang đứng trước vận hội mới và thách thức mới. Di sản văn hoá vùng Đất Tổ nói chung và hai Di sản văn hóa của nhân loại nói riêng sẽ trở thành tài sản để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân là mục tiêu rất quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân nhằm bảo tồn những giá trị của văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam để phát triển kinh tế trong xu thế hội nhập nền kinh tế thế giới là mang tính tất yếu để Việt Nam nói chung và Phú Thọ nói riêng mãi mãi là điểm đến thu hút các nhà đầu tư, các du khách tham quan du lịch và đó cũng chính là điều kiện thuận lợi tác động trở lại để phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!” trên quê hương Đất Tổ Vua Hùng.
Đặng Đình Thuận