Chăm chú nhìn lão Diện đang loay hoay với mớ giấy vụn, Tịnh Cáo ngán ngẩm:
– Thôi đi bố già ơi! Thời này là thời nào rồi mà bố còn tiếc mấy tờ lịch cũ và cuốn vở bọn trẻ con không viết hết, đóng lại làm giấy nháp kia chứ? Chúng nó bây giờ có điện thoại thông minh và máy vi tính, chỉ cần gõ phím choách một cái là cả thế giới hiện ra trước mắt, đâu có như thời ông xe đạp, dép lốp, đi buôn bồ kết, chả ai mua nên ngủ gật để kẻ trộm móc mất cả giấy tờ thương binh nên mãi không được hưởng chế độ.
Không ngước đầu lên, lão Diện lẩm bẩm:
– Bỏ đi phí quá, gom lại, biết đâu bọn trẻ cần dùng.
Tịnh Cáo nói cũng có phần đúng. Trong con mắt của dân làng và con cháu, họ đều coi lão là ông già tụt hậu. Ti vi chỉ để xem thời sự, thời tiết, dân ca và chèo. Mỗi tháng nhà người ta hàng triệu tiền điện, còn nhà lão chỉ hết vài trăm vì chỉ có hai bóng điện và cái quạt cây. Thời nay, khi cuộc sống khấm khá hơn, người ta nghĩ đến ăn ngon, mặc đẹp và đi du lịch khắp nơi, tham gia các câu lạc bộ dưỡng sinh, dân vũ, thi thoảng giao lưu văn nghệ, ẩm thực. Thấy vậy, lão Diện bĩu môi: “Cóc nhảy đua, cua nhảy đỏng, dân với chả vũ rách việc!”. Phương tiện đi lại của lão là chiếc xe đạp cà tàng, mốc thếch, có lẽ sản xuất từ thời Pháp thuộc.
Bảo lão không biết gì về khoa học, về công nghệ hiện đại cũng chưa hẳn đúng. Chuyện là thế này: Một buổi chiều, khi lão lùa mấy con vịt xuống cánh đồng vừa gặt xong cho chúng kiếm hạt rơi hạt vãi rồi vào ngồi nghỉ dưới gốc cây đa đầu làng. Mấy bà đi làm đồng hẳn cũng đang nghỉ tránh nắng, sôi nổi trò chuyện. Thoạt đầu, lão không quan tâm lắm đến chuyện đàn bà, chỉ đến khi lão nghe tiếng mụ Chuông buông giọng thẽ thọt:
– Vừa mất hơn hai triệu để mua cái điện thoại thông minh cho con cái Lài nó học online các bà ạ. Đi đứt con lợn.
– Ở nhà mà không có điện thoại thì lấy gì mà học. Một bà lên tiếng.
Chả là từ năm ngoái, do tình hình dịch bệnh nên học sinh phải tự học ở nhà, còn học bằng cái gì thì lão đâu có biết.
Chuyện một lúc, một bà thở dài:
– Cũng thương cho thằng con nhà Lý, toàn phải học nhờ qua điện thoại thằng cháu tôi.
Lão giật mình, Lý là con một liệt sỹ đi bộ đội. Chồng Lý đau ốm triền miên. Mọi công việc trong nhà đều do Lý gánh vác.
Sáng hôm sau, lão bảo vợ lấy bọc tiền bán gà, vịt góp dồn từ năm trước rồi đạp xe lọc cọc ra cửa hàng bán điện thoại di động. Người chủ cửa hàng nhìn lão, vẻ lạ lẫm rồi hỏi mua loại nào. Lão ngẩn ra hồi lâu rồi nói cụt ngủn:
– Loại để online.
Trưa hôm đó, lão đem chiếc điện thoại đến nhà Lý, đúng lúc thằng bé ngồi đọc sách, mẹ nó đang nấu cơm. Đưa cho nó cái điện thoại, lão nhẹ nhàng:
– Ông cho cháu để học bài.
Thằng bé ngẩn ra một lúc lâu rồi ấp úng:
– Sao tự dưng ông lại cho cháu ạ?.
Mẹ nó đứng đó, tay cầm que cời bếp, từ trong cặp mắt thiếu phụ lấp lánh đôi giọt nước.
Bảo lão hâm cũng đúng. Ai đời, chạy ăn từng bữa, nhiều hôm vợ lão phải đợi lão đi làm thuê buổi sáng, lấy tiền mới có cái đổ vào nồi cho bữa trưa. Ấy thế mà sau một cơn bão, làng xóm tan hoang, nhất là những nhà tường đất, mái rạ. Thu dọn, sửa sang cho nhà mình xong, lão tay rìu, tay cưa cứ lẳng lặng đến giúp đỡ hàng xóm rồi lẳng lặng ra về, không lấy của ai bất cứ thứ gì, dù họ có nài nỉ thế nào, lão cũng lắc đầu.
Chiều nay, có vẻ lão rất vui. Lão lăng xăng quét dọn nhà cửa, lau chùi bộ ấm chén rồi lôi từ trong chiếc tủ gỗ nhỏ ở góc nhà bộ quân phục bạc màu. Vuốt cho giãn bớt nếp nhăn trên ngực áo, lão gắn lên đó mấy tấm huân chương cũng bạc màu rồi đưa lên ngắm nghía. Lạ thay, lúc đó mắt lão rưng rưng. Khi vợ lão từ dưới bếp bước lên, rụt rè:
– Có việc gì đấy ông?
Lão xúc động:
– Mai ông Thảo đến chơi.
…Mùa khô năm 1970. Sau những trận giao tranh ác liệt ở phía bắc Kon Tum, những đơn vị chủ lực của ta rút về phía tây, giáp biên giới với nước Lào để củng cố lực lượng. Ngày thì học tập chính trị, chiến thuật, tăng gia. Đêm, đung đưa trên cánh võng giữa đại ngàn, những người lính trẻ từ nhiều miền quê khác nhau lại kể cho nhau nghe những câu chuyện về thời cắp sách, về ánh mắt cô bạn cùng lớp lúc chia tay lên đường nhập ngũ. Có lúc, cả cánh rừng chỉ còn tiếng gió lay trên vòm lá, tiếng con nai gọi bạn khi ai đó nhắc về người mẹ lưng còng nơi đồng chiêm trũng. Thỉnh thoảng, một cuộc đấu khẩu nổ ra khi tranh luận: đâu là con cào cào, con châu chấu, đâu là con tép, con tôm… Mọi chuyện chỉ lắng lại khi Diện nhẹ nhàng lên tiếng:
– Thôi, gọi thế nào là tùy từng địa phương. Khi nào hòa bình, đến thăm nhau rồi tranh luận tiếp.
Mấy ngày nay, không hiểu vì sao, lũ máy bay trinh sát OV10 quần đảo khắp cánh rừng. Đơn vị phát lệnh báo động. Chiều tối, khi nhận từ anh nuôi hai suất cơm với canh rau rừng, Diện trở về căn hầm chữ A. Đúng lúc đó, vọng tiếng ầm ì của máy bay B52 rồi tiếng bom nổ dây chuyền. Đã quen với những loạt bom rải thảm, Diện nhào tới cửa hầm, xô Thảo xuống và nằm đè lên người bạn. Những tiếng nổ chát chúa âm vang cả khu rừng. Khi những âm thanh chết người đi qua, Thảo gắng gượng gồng mình, nâng tấm thân bất động của Diện lên khỏi cửa hầm. Một dòng máu nóng chảy xuống ướt cả lưng áo Thảo. Nước mắt lưng tròng, Thảo lôi vội cuốn băng cấp cứu trong túi đeo bên hông, vừa băng, vừa không ngừng lay gọi bạn.
Diện không chết. Mấy mảnh bom găm vào vai phải và ngất đi do sức ép. Cũng phải mất hàng tháng trời nằm cấp cứu ở trạm quân y. Hôm anh ra viện, về đơn vị, Thảo cười như như chưa bao giờ được cười, đãi Diện và mấy người trong tiểu đội nồi canh cá suối nấu môn thục mà cả buổi sáng hôm đó, Thảo hì hục tìm kiếm.
Sau Hiệp định Pari năm 1973, Thảo trở thành công vụ cho Tiểu đoàn trưởng, rồi ra Bắc học sỹ quan, về hưu với quân hàm Thiếu tướng. Còn Diện sau đó về làm kinh tế ở Đức Trọng – Lâm Đồng, rồi ra quân. Xin việc ở mấy Công ty gần nhà không được, Diện về quê làm vườn và đào ao thả cá. Bị thương ở chiến trường nhưng do mất hết giấy tờ, nên không có chế độ thương binh. Khi ba đứa con trứng gà, trứng vịt của lão mới trên dưới mười tuổi thì vợ lão bị bệnh tim, nợ nần chồng chất vì lo tiền chạy chữa, thuốc thang mấy năm trời. Học hết cấp hai, thằng lớn đi bộ đội, còn hai thằng ở nhà đứa làm máy xát, đứa theo bố đi đánh vữa, đào ao thuê.
Bây giờ thì đứa nào cũng đã lập gia đình và đã ra ở riêng. Dẫu không dư dả gì, nhưng cuộc sống cũng không thiếu thốn như ngày trước. Mỗi đứa một nết nhưng được cái chúng cũng biết thương bố mẹ nên thỉnh thoảng mớ rau, bát gạo đem cho lão. Những ngày giỗ tết, bọn trẻ kéo về, náo động cả căn nhà. Lão ngồi đó, cười rạng rỡ.
Buổi sáng, một chiếc taxi đỗ trước cửa nhà lão. Từ trên xe bước xuống là một người đàn ông tầm thước, tóc bạc trắng, dáng đi nhanh nhẹn, hăm hở khi thấy phía trước là một ông lão quân phục chỉnh tề. Lão Diện ở đó từ sáng sớm. Kỳ lạ cho cuộc gặp mặt sau mấy mươi năm của hai người đàn ông. Họ đứng đó, đối diện nhau một lúc lâu mà không nói lời nào, ánh mắt bừng sáng. Rồi họ lao vào, ôm chặt lấy nhau.
Lát sau, căn nhà nhỏ của lão rộn rã tiếng cười. Những câu chuyện không đầu không cuối cứ nối nhau, tràn ra, trong trẻo đến lạ thường. Vợ lão thấy lạ quá: có bao giờ lão nói nhiều thế này đâu. Lão háo hức như đứa trẻ khi nghe ông Thảo kể về những người đồng đội cũ, những diễn biến của đơn vị sau ngày ông ra quân. Có lúc, họ lặng đi khi nhắc về những người đã ra đi trong và sau chiến tranh. Câu chuyện dần trở về hiện tại. Khi ông Thảo hỏi về tình hình kinh tế, thu nhập của gia đình, lão Diện thủng thẳng:
– Cũng tạm ổn, ông ạ. Nhà có hai sào ruộng, cho các cháu cấy hái, đến vụ nó đem cho ít thóc. Gà, lợn nuôi vừa để ăn, vừa bán lấy tiền trang trải sinh hoạt.
– Thế còn chế độ thương binh. Được bao nhiêu?
Lão Diện thở dài:
– Tôi làm mất hết giấy tờ nên không làm được chế độ, ông ạ. Cũng đôi lần định làm lại hồ sơ mà khó quá. Sau chiến tranh việc đi lại cũng khó khăn mà chẳng biết phải làm từ đâu.
Ông Thảo lặng đi. Lát sau, ông đứng lên nhìn ra ngoài sân. Phía cuối vườn, một cặp gà trống mái đang mải miết cào bới đám lá trên nền đất cằn cỗi bên đàn con đang líu ríu. Ngày mai. Ừ, phải rồi, ông sẽ bắt đầu từ ngày mai. Bắt đầu từ những đồng đội thuở chiến tranh rồi trở về đơn vị cũ, dù có mất bao nhiêu thời gian, công sức đi chăng nữa, ông sẽ làm lại bằng được cái hồ sơ cho lão Diện. Chỉ như thế ông mới có thể thanh thản mà sống.
Tiếng lão Diện đưa ông về thực tại:
– Nào, mời ông vào xơi cơm với vợ chồng tôi. Trưa nay nhất định ta phải say, đúng không ông.
Truyện ngắn của Hà Thành