Đêm qua rắn vào ngủ chung với cô Lâm.
Ối giời ôi, thấy trơn trơn, tung chăn ra, nhảy tưng tưng. Quá may, nó mà đớp cho một phát thì hôm nay chúng ta mất phong bì phúng viếng rồi. Thế con rắn ấy vứt đâu, mất toi bữa nhậu. Nhậu nhẹt cái gì… đập cho nát bét, nhũn nhèo rồi. Ai đập? Còn ai nữa, thế tưởng trong chăn cô Lâm có người nữa à… Thì anh Biên nửa đêm về, mình biết làm sao được. Biết hết chứ, Mường Song bằng bàn tay, ai đi ai về giấu được đấy…
“Con rắn” ở ngã ba, thật hơn cả… con rắn và cô Lâm. Người đứng, người ngồi, tự hào, hớn hở, hồi hộp, khoái chí… Rôm rả được một lúc thì xẹp chuyện. Tại một chị tự nhiên thở dài, sao giờ này mãi không thấy gánh ngô nào ra nhỉ. Chả ai bắt nhời, “gánh ngô” có vẻ không ăn nhập. Đúng lúc rắn chết phải hết chuyện thì thấy cô Lâm đang xuôi dốc. Tất cả ào ra, mắt mắt háo hức. Cô chào chung mọi người, em xuống chợ mua mấy thứ mang vào trường. Giọng nói, sắc mặt vẫn bình thường, chả có dấu vết rắn rết gì cả. Mọi người nhìn ngó rất là thô. Một chị thấy như thế trẻ con quá, liền nói… Này Lâm này, đêm qua, rắn chui vào chăn à. Vâng, có chuyện gì ạ? Không, nhưng mà chị cứ thấy gai hết cả người. Có gì đâu, lúc chợt tỉnh, em cứ thấy bò bò ngọ nguậy, liền thò tay xuống… lôi tuồn tuột, văng một cái. Hóa ra là con rắn… Cô Lâm kể, mặt như không, chả để ý mọi người đang há mồm nhìn mình như anh hùng. Thế hổ mang hay cạp nong? Lúc ấy phải thật nhanh tống cổ nó đi, nào biết mang hay nong… À… nhưng mà sáng nay đem vứt ra thùng rác, em thấy da mốc mốc, lưng lằn vằn. Thế đầu có bìu lô nhô không? Đầu nát bét rồi… em chả biết… Thôi thế là phúc mười đời nhà cô nhé. Hôm nào chú Biên về phải ăn mừng thật to, này nhớ mời chúng tôi đấy nhé. Nhà em còn lâu, chả biết khi nào. Thôi em đi chợ đây, chúc các bác hôm nay mua được nhiều ngô thóc gà vịt nhé. Ờ, chúc cô mau có tin vui nhé.
Cô Lâm đi, mắt mắt nhìn theo. Tóc dài, tha thướt, nhẹ bâng.
Đẹp thế, màu mỡ thế mà mãi không thấy con cái gì nhỉ. Thì chồng biên phòng, năm thì mười họa mới về, giời chưa cho đậu thôi. Giời nào, có khi hỏng rồi. Chú Biên to khỏe thế, như tôi… có mà phanh đĩa vẫn cứ chửa.
Lâm đã tít cuối phố, không nghe thấy chuyện con rắn đã chuyển sang con người.
Nắng sớm, vẫn còn lành lạnh. Hơi nước mưa đêm qua, cùng sương đang tan nhanh, thoắt cái, thị trấn thành một luồng mờ mờ bàng bạc. Cánh rừng như mọc ra từ các nóc nhà, phố có vẻ cao lên.
Lâm làm cô giáo cắm bản. Công việc đầu tiên của ngày là, thức dậy nhóm bếp, sang lớp quét dọn, rồi lấy cán chổi, khua khua hết lượt các ngăn bàn. Xong, ra ngoài cầm gậy đập đập thật kĩ các bụi cây xung quanh. Đứng một lúc, khi thấy con rắn bò ra, lủi xuống khe, mới yên tâm về xem bếp. Khi là nồi ngô, khoai luộc, lúc mấy củ sắn nướng, hay cũng có hôm… bếp không. Quen rồi, cứ có lửa cho đỡ quạnh.
Lâm quá cẩn thận từ cái lần cô trò sợ xanh mắt. Hôm ấy sương muối trĩu cành, gió phành phành đập phên nứa, xoáy quẩn, réo gào. Rét quá, gần 9 giờ mới vào học. Cô trò so vai, răng cứ tự nhiên “đánh nhau”. Hết phần tô chữ theo mẫu, Lâm cho bọn trẻ giải lao. Đống lửa đã ủ sẵn cuối lớp bùng lên, cô trò xúm xít, xịt xịt, hơ tay. Một lúc, tất cả các má hồng căng, người giãn ra. Lâm kể ngày bé cô ở quê, chả đủ áo ấm, chả có củi mà sưởi. Thế thì nấu cơm bằng gì, một đứa ngạc nhiên. Bằng rạ, rơm. Ôi khói cay mắt chết, làm sao nhìn thấy cái nồi. Không khói đâu, phải hai tay nhịp nhàng như thế này này. Lâm nhổm người, lom khom làm động tác, hai tay rập rờn thoăn thoắt. Bọn trẻ cười, cô múa dẻo như con rắn bò trên cây ý. Lâm âu yếm, hôm nào cô sẽ dạy các em múa nhé. Lũ con gái háo hức. Còn con trai, vừa đỡ cóng đã như khỉ, nhảy ruỳnh ruỳnh từ bàn nọ sang bàn kia. Sập bàn đấy, bố mẹ bận trên nương không về sửa cho đâu, Lâm quát. Nhưng cuộc chơi đương vui, dừng thế nào được.
Lâm đang xóa bảng để chuyển sang “kể chuyện theo tranh” thì có tiếng kêu thất thanh. Rắn… rắn… rắn… Cái giẻ lau rơi xuống… con rắn đã bò lên bàn… lũ trẻ run nhong nhóc. Con rắn không biết sợ, nghênh đầu nhìn, cái lưỡi chẻ đôi nhịp nhịp thò thụt, phì phì tìm kiếm. Lúc khác chắc chắn là Lâm chết ngất đi, nhưng lúc này, bản năng gà mẹ che chở đàn con bật lên… Trong tích tắc, cái cặp trên bàn… ném thẳng. Trúng lưng. Con rắn chỉ bị giật mình, nhưng cũng hoảng hốt rơi xuống đất, rồi trườn trườn qua bục. Lâm vớ cái thước, nhằm đầu vụt lia lịa…
Một con chết. Cô trò vã mồ hôi. Hoàn hồn. Phải kiểm tra hết các ngăn bàn, lúc nãy các em nhảy, nó thấy động bò ra đấy.
Bọn con gái vẫn so vào góc lớp. Bọn con trai đã hết sợ, đứa đập bàn ùm ùm, đứa thò tay vào ngăn khua khoắng. Cô giáo ơi, em tóm được này. Lôi mãi chưa thấy đầu, chỉ thấy tườn tượt thân rắn óng ánh. Bỏ tay ra… chết chết. Lâm hét lên.
Lâm chạy nhanh ra ngoài, bẻ một cành cây mang vào. Chọc chọc khua khua hết lượt các ngăn bàn. Ba con nữa chui ra. Chỉ kịp nhìn thấy đo đỏ, cái lưng, chót đuôi… loa lóa mất hút.
Buổi học tiếp tục, nhưng “con rắn” vẫn ở trong mắt, trong đầu. Lâm phải pha trò, bọn rắn cũng thích học chữ nhỉ. Không phải, nó ác nhất rừng đấy. Nó nằm trong ngăn bàn lừa lúc mình mải mê thì đớp. Tại có bếp lửa, nhiều người ấm thôi. Không đúng, nó không muốn cho mọi người học… Bọn trẻ nhao nhao, không khí lớp học có vẻ đã trở lại. Lâm cố giọng vui, bảo từ nay cô trò mình phải cẩn thận… nhưng vẫn thấy lo lo. Nói dại, có đứa nào mệnh hệ gì thì Lâm sống làm sao được đây. Phụ huynh suốt ngày trên nương, họ trao con cái cho mình, mình không chỉ dạy chữ còn chăm sóc bảo vệ nữa. Không ai nói ra, cô giáo phải thế này phải thế kia, nhưng đương nhiên là như thế.
*
Buổi tối, lúc ăn cơm, chuyện cô trò đánh đuổi rắn đã đi khắp bản. Con về kể cho bố mẹ, cháu về kể cho ông bà. Lập tức, bố đứng lên, tao đến nói cảm ơn cô giáo, gọi nó về uống rượu mừng luôn. Lập tức, ông chộp con gà đang ngủ, tao mang cho cô giáo ăn để nó lấy về sức khỏe… Mười lăm mâm cơm Mường Hống chả bảo nhau mà đều nghèn nghẹn. Cứ như đang động rừng, như lũ quét sắp về ý.
Sáng hôm sau, đồn biên phòng cũng biết. Lúc Lâm vừa cho trò nghỉ, vừa vào phòng thì có anh bộ đội cưỡi ngựa đến. Mấy lần cùng chị em giáo viên lên đồn giao lưu, biết chàng trung úy nói hay hát ngọt, tên là Biên nhưng Lâm chưa nói chuyện với anh. Thấy anh đứng cửa, Lâm run run chào, anh… anh vào chơi ạ. Anh hỏi luôn chuyện lớp học hôm qua rắn đến thế nào. Nhắc đến rắn, Lâm tự nhiên so vai, em khiếp quá, chỉ lo nó đớp đứa nào. Anh nói, ở đây nhiều rắn độc lắm. Em mới ở xuôi lên phải cảnh giác, gặp thì bình tĩnh, kiên quyết. Mình cuống lên là tai họa đấy. Em chỉ lo nó báo thù… không hiểu sao Lâm lại nói thế. Anh nhìn mặt Lâm tái tái, làm gì có chuyện ấy, rắn chứ có phải người đâu. Nhưng ngày xưa rắn biết báo thù mà, em đọc ở đâu rồi nhỉ… sao lại không nhớ nhỉ.
…Một hôm, thầy đồ cho học trò phát cỏ trong vườn để cất lớp học. Đến đêm, ông nằm mộng thấy một người đàn bà dẫn bầy con nhỏ đến xin ông thư thả ít hôm, vì bận con mọn nên chưa kịp dời nhà, ông nhận lời. Đến khi học trò của ông phát cỏ đập chết một bầy rắn con, lúc ấy ông mới hiểu ra ý nghĩa của giấc mộng, nhưng muộn rồi. Đêm đó, khi ông ngồi soạn bài thì có con rắn bò trên xà nhà, phì lưỡi, nhỏ xuống một giọt máu, thấm mấy trang sách…
Có phải chuyện ấy không? Biên ngừng giọng “thầy giáo kể chuyện”, hỏi. Đúng rồi, thế hôm sau rắn có đến không? Có, một đàn… nhưng thầy trò phòng bị trước, cầm gậy khua hết các ngăn bàn, bụi cây. Rắn lộ mặt, chạy đi, chả ai làm sao cả. Không phải… anh làm văn vào em rồi. Đâu… thầy đồ chứ có phải cô đồ đâu. Biết thừa… chỉ giỏi sáng tác thôi. Hồi học phổ thông chắc anh giỏi văn lắm nhỉ. Ừ, anh thích văn nên thi vào Học viện Biên phòng để sau này được ở những nơi thật nhiều mây, thật nhiều gió. Anh thỏa ước nguyện rồi còn gì. Em chẳng mơ ước được cao xa như anh. Chả nghĩ là ở đây, ở rồi, vừa sợ lại vừa thích… cứ như xem phim kinh dị ý.
Cô bé này đúng là… cô bé. Anh nhìn Lâm, rồi bất ngờ búng một cái vào má. Má hồng lên. Người cúi xuống, người cứ nhìn, mê đắm.
…
Con rắn hôm ấy, không ngờ là mở đầu cho một tổ ấm nơi núi cao rừng sâu. Nếu nhà báo nào lên được đây, sẽ sướng lắm, sẽ “ôm” con rắn mà phóng bút, tình yêu đến từ con rắn, biên cương có bà mối rắn… đại loại li kỳ hấp dẫn thế để câu những bạn đọc thành phố, đói chuyện mới lạ.
Sau đám cưới, đồn cùng dân bản dựng cho họ ngôi nhà ngay cạnh lớp học. Trông xa tưởng là túp lều lí tưởng, lại gần hao hao lán nương, vào trong gặp cô giáo Lâm. Em chào cô ạ, em là Lý Văn Rắn… thấy cô giáo ấm quá đẹp quá, em bò sang xin lùi nhờ cái đuôi… ôi thích quá, em sẽ ở đây mãi mãi muôn… đời… Biên rập rờn tay, ngân nga, đoạn cuối bất ngờ đổ theo kiểu vọng cổ. Tưởng Lâm cười, nhưng không, cái mặt nghiêm lại, em cấm anh hát ca bôi bác đấy. Thì thôi, anh sẽ kể chuyện cho bố mẹ nghe. Đừng đừng em xin đấy, mình ở trên này bình thường, nhưng bố mẹ biết lại lo ngày lo đêm. Tuân lệnh sơn nữ nương nương, từ rày trở đi ngôi nhà này chỉ có tiếng yêu nhau thôi ạ.
Nhà mới, vợ chồng trẻ, cột kèo cũng rắc rắc, chỉ lo sập. Họ làm tiếp trăng mật… vì mấy hôm cưới xong, chả lãng mạn gì cả. Tân hôn di động, có tối ở đồn, mãi khuya mới làm, có đêm ở phòng Lâm, toàn sách vở với… củi.
Hai ngày, không có con rắn nào, chắc nó thấy người quen có chồng rồi, không đến. Chả phải, sáng nay, lúc Lâm đang dưới bếp, nghe tiếng Biên trên nhà – chào đồng chí, đây là nhà tôi nhé, đến chơi hòa bình thì nhất trí, ta không giết mi thì mi cũng đừng cắn ta. Lè lưỡi phì phì à, dọa à… trò tiểu nhân, vô nghĩa. Thôi thế đủ rồi, đi đi… hay ho gì cái kiểu nấp bụi rậm, lẻn đến…
Lâm cầm đoạn củi, lom khom tiến lên. Con rắn đang dựng cổ, lắc lư đầu. Đôi mắt ra oai “chiếu tướng”, đừng hòng thôi miên tao nhá. Sẽ đập một phát nát đầu, rồi quăng xuống vực, con sau mon men sẽ gặp xác tấm gương. Lâm vừa vung tay lên thì đúng lúc Biên quay lại, tóm chặt cổ tay… Anh hiền quá đấy, liệu anh có mãi ở nhà canh em được không? Không, nhưng đánh nó chết thì dễ, còn hậu họa… em không suy nghĩ à? Ngày mai, ngày kia, liệu mình có yên giấc không? Giết một, nó còn trăm nghìn họ hàng theo hơi, kiếm cớ tìm đến, hỏi lợi hay hại. Ấy là chưa kể sau đấy mình ăn không ngon ngủ không yên, soạn bài cứ giật mình thon thót. Thôi thôi thôi, anh lí luận lùi rồi đấy. Tưởng đàn ông đàn ang mạnh mẽ thế nào, hóa ra cũng hèn. Hèn… cô nói lại tôi nghe xem nào. Biên mím môi, cắn chặt hàm răng. Một phút, Lâm nín thở, tưởng sẽ ăn một cái tát. Không, Biên đang căng cứng, miệng bỗng phì ra… một luồng gió lạnh. Như là gió rắn. Lâm giật mình lùi lại, phản xạ.
Thế là hai người giận nhau. Ăn cơm vẫn không ai nói một câu. Tận lúc ngủ, sau khi lưng đối lưng gần tiếng thì Biên ật người lại, vòng tay ôm vợ. Mai anh phải xa em rồi, nào, hết tiết giận dỗi rồi ra chơi thôi cô giáo ơi… Lâm nguẩy một cái, vòng tay Biên càng chặt. Nguẩy nguẩy yếu dần, rồi… ự ự… Đây với đồn, mấy chục cây số đến đường biên, xa cái gì mà xa. Gần đấy mà xa lắm đấy, cô vợ biên phòng ơi, anh thương em lắm. Ới giời, lại phát biểu cảm xúc rồi. Không, anh nói thật đấy, chả chiến tranh nhưng thực tế thế nào em cũng biết rồi. Ý anh nói, anh Miễn bạn anh hy sinh chứ gì. Sao các anh vô lý thế nhỉ, có súng mà bị những người lạ cầm dao chém chết… Phải em á, em nhằm thẳng đầu bóp cò, tan xác cái loại rắn độc đi. Lại nóng rồi, lên lớp cứ thế này có mà học trò chạy mất dép. Trò em có bao giờ đi dép đâu mà mất. Hí hí… định hí hí nữa thì môi ăn môi luôn.
Đêm bập bềnh theo tiếng thở, tiếng chùn chụt.
*
Biên về đồn, một ngày, hai ngày.
Tháng sau, Lâm thấy khó chịu, ăn gì cũng ứ ứ lắc lắc như con gà nghẹn. Chị Hiệu phó ngoài trung tâm vào thăm lớp, Lâm tả lại, rồi hỏi, em bị thế là làm sao chị nhỉ? Là chửa rồi, đang nghén, rồi em sẽ nôn, thấy mùi cơm cũng nôn. Eo ôi, thế thì chết đói à. Không chết đâu, nhưng khổ, làm ra con người phải gắng chịu.
“May”, dịp ấy mùa nương, trò đến lớp được năm đứa, hôm sau còn hai, hôm sau nữa nhõn một.
Lâm phải lên nương tìm trò. Đi mãi, đi mãi… mấy lần ngồi bóp cái chân sưng như bắp chuối thì đến nơi. Lâm nhìn đồng hồ, chao ôi mình cuốc bộ những bảy tiếng cơ à…
Phải đi thêm một chặp nữa mới đến nương. Lâm dừng, ngắm lúa vàng rực, xa xa trên đỉnh núi, thấy đường biên, cột mốc mờ mờ như gốc cây. Có thể anh ở đó? Lâm căng mắt rồi giơ tay… em đang dưới này anh ơi.
Bố mẹ, học trò thấy cô giáo đến thì lạ quá… mừng quá. Nó thích học nhiều, nhưng lúa chín rụng xuống đất, phải cho cả nhà lên, nhiều người cùng nhau thu nhanh. Năm ngày nữa xong, thì nó về, lại học, chữ vẫn ở trong cặp cô giáo, có chạy như con chó đâu mà lo. Lâm đã quen nghe cái lí người Mông, chả nói lại câu gì. Không nên vận động ngay, phải làm cùng, rồi từ từ… đâu sẽ vào đó thôi.
Cho em cái liềm nào. Cô giáo không biết gặt đâu. Lúa cao hơn cô giáo thì ngửa cổ cắt vào má chảy máu. Cô giáo biết gặt mà, ở quê thì đi cấy đi gặt mới có cơm ăn đi học. Phụ huynh đưa cái liềm, vẫn chưa tin, cô giáo làm thử xem nào. Lâm xoèn xoẹt… xoèn xoẹt… Cái liềm loang loáng, tất cả mắt tròn theo, thích thú.
Chả đến năm ngày, non sáng ngày thứ ba nương đã gặt xong. Thôi, ta ăn cơm sớm rồi còn mang lúa về nhà. Bữa cơm trên nương, có thịt hun khói, có rau nướng trong ống tre, Lâm thấy ngon quá, chả ư ứ, nôn ọe như ở nhà. Có lẽ núi rừng mênh mông, trời mây trong vắt, gió lồng lộng thổi, làm bay hết những mùi chết tiệt.
Sang chiều, đoàn gùi lúa đã lên đến đỉnh núi Sam. Từ đây, nếu đi thẳng, về bản còn độ ba tiếng nữa, nhưng lối ấy dốc. Dốc lên dễ, dốc xuống khó, lại nặng gùi trên lưng, nhỡ trượt chân là người lăn như tảng đá xuống vực.
Tất cả đi đường vòng luồn trong rừng, lâu thêm hai giờ, nhưng an toàn. Quả đúng, đoạn bằng hơi lâu, đoạn dốc thấp thì như có bánh xe dưới bàn chân. Đến rừng đào ta nghỉ nhé, đấy có con suối to, ai uống thì uống, ai rửa mặt thì rửa mặt cho khỏe. Sắp đến rừng đào chưa, Lâm hỏi khi tự nhiên thấy tối mù, rậm rịt lau chít. Lâm nhắm mắt lại để mở ra sẽ quen… Nhưng vừa mở mắt ra thì… cướp cướp… một tiếng hét to.
Từ bên kia suối, bảy tám người quần áo đen, mặt bịt khăn đen, tay lăm lăm gậy gộc, ào sang. Giật gùi, đạp người, giằng kéo… Đập, phang, nhảy lên, ập cả người xuống… Đám chít đổ rạp. Đám lau tơi tả.
Lâm cố hết sức giằng lại được gùi thóc nhưng bị hai cái đạp vào bụng, chết ngất. Cô giáo có làm sao không? Mãi sau, phụ huynh mặt bê bết máu, lê đến, nâng Lâm lên. Em không sao… ự ự… đau quá… Lâm ôm bụng quằn quại một lúc thì như có bàn tay cầm ruột lôi ra. Cô giáo ơi đừng chết, hai đứa trò ôm Lâm, nước mắt giàn giụa…
Lâm tập tễnh về được đến nhà, tắm rửa. Cái đau chỉ còn âm ỉ, nhưng làm sao… máu cục cứ ra mãi… Lâm đuội đi.
Ba hôm sau Biên mới về được. Biên nói ngay, bọn anh đuổi chúng rồi. Nhìn vợ xanh rớt, cứ khóc nấc lên, Biên im lặng, vuốt vuốt mái tóc. Thôi đằng nào con cũng đã mất rồi, em đừng quá suy nghĩ, rồi trời sẽ cho chúng mình. Tại em, giá như cứ ở nhà thì đâu xảy ra nông nỗi. Em làm như thế là đúng, cô giáo cắm bản nào chả nhiều cùng với bà con. Lỗi là ở bọn anh. Không phải, em nghe nói đồn đã giải quyết xong vụ cướp, ổn thỏa hai bên rồi mà. Ừ, nhưng… nhưng mà thôi em đi nghỉ sớm đi, chuyện nhiều đau đầu đấy. Điều “nhưng” mà Biên định nói lại thôi ấy là núi Sam lâu rồi phức tạp, nhiều khi các anh cứ phải âm thầm lặng lẽ hành động… Không nên cho Lâm biết, bây giờ cô ấy phải ổn định tâm lý, còn lũ trò, còn tương lai con cái.
*
Lựa mãi, sau gần tháng, khi Lâm đã có vẻ thăng bằng trở lại, Biên mới nêu vấn đề chuyển nhà ra Mường Song. Lâm giãy nảy, dứt khoát không không. Biên bảo nhà ngoài đấy đã xong xuôi, bố mẹ anh mừng quá, lo cho một khoản, cộng với bạn bè giúp vừa đủ. Còn tiền anh tiết kiệm được cũng thừa cái xe máy. Em chịu khó sáng đi chiều về, có ba chục cây số, vèo mấy cua là đến lớp thôi. Lâm vẫn không chịu, em bỏ lũ trẻ thế nào được, buổi sáng em chưa đến kịp nhỡ rắn cắn đứa nào thì ân hận cả đời.
Chuyện tạm gác lại. Mãi khuya, chả biết Biên “nỉ non” phân tích thế nào… Lâm mới miễn cưỡng nhất trí và ra điều kiện, anh phải để em thư thư hai tuần thu xếp đã.
Sáng hôm sau, Lâm dậy sớm. Cô sang lớp học, không mở khóa, cứ đứng nhìn vào, rồi ra đầu dốc ngóng.
Mãi thì ba đứa đầu tiên cũng đến. Chúng chào, chạy ào qua Lâm… để được reo to, tao đến sớm nhất. Cô ơi, cô chưa mở cửa à. Ba con lại đây cô bảo, mấy hôm nữa cô không ở đây, các con tự làm cho cô yên tâm nhé. Sùng chăm chỉ thì cầm chìa khóa luôn… nào làm thử đi… ấy ấy đừng đút vào hết, quá nửa thì vặn nhẹ, thế thế… được rồi… giỏi quá. Nào ta vào lớp, các em sẽ làm gì nhỉ! Quét lớp, khua ngăn bàn rồi ra đập bụi cây. Lại giỏi nữa rồi. Lâm vui vui, hồi hộp, nhìn ba đứa làm. Nếu rắn ra, mình sẽ “chịu đựng” để cho chúng nó tự xử lý. Không có con nào cô ơi, ra ngoài đập bụi cây thôi. Một loáng, bụi cây đã như bị mưa đá, vì ba đứa… tất cả lớp đã đến, reo hò, xông lên. Chả thấy con nào ra cô ơi… a đây rồi con này màu như đất, con này xanh như lá.. mày mày… mày nằm rình ở đây từ đêm qua à… cút mau… đồ bửn tính cút mau… Gậy này đập xuống, gậy kia gổng lên, hẩy vút một cái văng xa. Thấy bùng nhùng, xoay xoáy trên cao, rồi rơi nhanh, mất hút.
Vào lớp. Câu chuyện về rắn hôm nay nở như ngô rang vì cô giáo “chỉ xem”, toàn các anh hùng bé tí tự làm nên chiến thắng. Ngay buổi trưa thì lớp tổng vệ sinh luôn. Chổi chít, chổi nhựa, dao dựa, dao thái, dao bài, cuốc, thuổng… nhà cô bị lôi ra hết. Lớp vẫn sạch, quét thêm nữa, khua mạng nhện xong, lại quét. Bụi cây linh tinh xung quanh thì chặt, phang, đập, bẻ… Hò reo, mồ hôi ra không biết, nắng lên từ lúc nào cũng không biết. Càng thích, nắng lên thì rọi ngay xuống đất, rắn chả còn chỗ mà ẩn nấp rình mò.
Lâm mang ra một nồi khoai, chia vừa vặn mỗi đứa một củ. Cô giáo không ăn à, một đứa hỏi. Còn đâu mà cô ăn, chúng mày tham quá, thằng Sùng bẻ luôn củ trên miệng đưa Lâm. Cô no rồi, các em cứ ăn đi, Lâm nói mà nước mắt cứ ứa ra.
…Một tuần, hai tuần, bọn trẻ đã quen việc. Chúng tự giác, thành nề nếp, đã cẩn thận như cô. Lâm vui, tạm yên tâm cho kế hoạch gia đình mình.
*
Thị trấn vắng teo. Gốc cây sấu râm mát cũng chỉ mấy đứa trẻ chơi “bố mẹ con”, “trốn tìm”…
Mấy bà hàng xáo đi đâu hay ốm đau gì nhỉ? Mùa rộ rồi, thóc ngô kìn kìn ra, không về mà chớp lấy mấy đồng, đến lúc lại suốt ngày ngồi thủng nón, vêu mõm kêu than.
Các quán “hoành tráng” cũng chả tha thiết gì đến hàng họ bán chác. Khách đến gọi ồi ồi mãi mới thấy ông già nằm giường nói ra, đi hết rồi, tôi không biết bán. Hỏi vợ chồng chúng nó đi đâu, bảo, nghe nói vào Mường Hống. Vào đấy, toàn núi với rừng, định buôn lá cây à. Chả biết, thấy thị trấn rủ nhau đi đông lắm.
Vào mấy nhà cựu chiến binh dãy hai, dãy ba chuyện thì ớ ra… chúng nó đi buôn rắn.
Hóa ra nguồn cơn… tít từ “con rắn ngủ cùng cô Lâm”. “Nhân vật” và “thông tấn xã” thị trấn đều thật thà, hồn nhiên thả tin. Chả hay Luận thọt ngang qua, nghe lỏm, mừng hú… một mạch lên bãi rác. Hắn định bụng bới về, băm viên, cưa hết một chai. Nhưng… tại cái đuôi thò ra… Người lạ thấy, mắt sáng lên, hỏi mua. Một triệu, hắn nói chơi, không ngờ người kia rút luôn hai tờ năm trăm đưa. Hắn tưởng mơ, đút tiền vào túi sau, đóng cúc xong mới hỏi, rắn gì mà mua đắt thế. Rắn sừng, ngâm rượu uống đảm bảo khỏe như tê giác. Tiếc quá, giá như hét mười triệu hắn cũng ok… nhưng tiền trao rắn lấy rồi.
Và, con rắn trong… tặc lưỡi, chu cha, xuýt xoa.
Rồi, phân tích lí luận. Từ trước đến nay, thị trấn chưa hề có loại rắn này. Không phải ngẫu nhiên nó chui vào chăn cô Lâm. Khả năng… mà chắc chắn rồi, nó theo cô Lâm từ Mường Hống về… Lớ ngớ bò lên, chui vào yên xe, chả tìm được đường ra, đành ngủ lại. Lúc xe về nhà, đói quá bò tìm lung tung, rúc vào chăn, tưởng cái hang… Trong đấy rừng sâu, lại sát bên kia mới có loại rắn lạ đó…
Đoàn người vào Mường Hống tìm rắn. Nhộn lên. Rắn về bao, về lồng sắt.
Học trò được yên vui, ra chơi thoải mái đùa nô.
Mường bản thanh bình. Trên nương, trong rừng, đã thấy tiếng hát của trai gái (…từ rất lâu, sau vụ cướp thóc).
Buổi cuối cùng, hôm đoàn bắt rắn rút quân. Một người hỏi Lâm, cô có vui không? Em vẫn thấy lo lo. Rắn ra con nào bắt con đấy, bằng ngón tay cũng không thoát… còn lo nỗi gì. Em không biết, nhưng cứ thấy như kiểu nắm đuôi thế nào ý.
Rắn về thị trấn bị ách lại. Thấy bảo tên lái rắn bị “gọi” đi.
Trên về thông báo tới toàn thể nhân dân – động vật lạ không ai được bắt giữ, buôn bán… Rồi lùng sục, tịch thu, có hai hôm, năm chục lồng rắn lên ô tô vụt đi.
Vẫn thấy loang loáng cái mắt hi hí, cái đuôi thò ra như người vẫy tay.
*
Lâm có thai. Sau hai tháng chắc chắn, cô mới báo tin cho Biên. Biên mừng quá. Sợ như lần trước, anh cùng vợ về trung tâm xin Hiệu trưởng cho nghỉ một tuần. Anh cũng nghỉ phép năm trước để… chăm vợ.
Nhà sắp có ba người, lâng lâng, là lạ. Đêm đêm, Biên ôm ấp trò chuyện với vợ. Khuya, khi mấy lần Lâm ngáp, rồi ngủ lúc nào không biết; Biên mới thật khẽ, ra cái giường một phía ngoài, sát cửa ra vào. Sáng dậy, Lâm hỏi, sao chồng lại ngủ riêng. Biên cười, chồng quen tư thế sẵn sàng chiến đấu rồi… à… sợ đè vào con.
Có Biên ở nhà, Lâm ngon giấc, một mạch đến sáng. Không ngủ mê, giật mình. Cứ thế ba đêm. Đến đêm thứ tư thì tự nhiên… trong chăn lại bò bò. Lâm hét lên, Biên bật dậy, theo phản xạ, vào luôn tư thế… Không kịp, con rắn to bằng bắp tay loàng ngoàng, tích tắc đã bò lên xà nhà, rồi lẩn vào mái, mất hút. Cứ như là tivi vừa tắt, trườn trườn phì phì vẫn còn.
Biên sang giường Lâm, chả ai ngủ lại được nữa. Biên dặn đi dặn lại, không được nói chuyện này với ai. Như thế thì ác quá… nó sẽ còn tìm người gây chuyện, mình không thể im lặng. Sợ mọi người hoang mang. Sợ gì, em còn chả sợ nữa là…
Sáng hôm sau, mặc Biên phân tích hết lời, cả giận dữ nữa, nhưng Lâm vẫn nhất quyết vào Mường Hống.
“Em lo cho bọn trẻ lắm, rắn còn nhiều lắm” – Tiếng Lâm cứ văng vẳng. Biên đứng lặng một lúc rồi lấy xe phóng theo. Nghỉ phép mấy ngày, tự nhiên Lâm làm anh giật mình.
Truyện ngắn của DU AN