Bà là người từng chơi đàn cho năm tổng thống Mỹ nghe.
Gần 90 năm trước, cô bé 9 tuổi Slenczynska đã biểu diễn một trong những khúc prelude của Rachmaninov khi nhà soạn nhạc đề nghị cô bé chơi đàn bên cửa sổ. Đó là một ngày mùa xuân ở Paris, những con đường được tô điểm với những cây mimosa bung nở các chùm hoa vàng rực rỡ.
“Ông ấy nói: ‘Cháu thấy không? Đó sẽ là những gì cháu muốn mang vào âm thanh của mình – màu vàng’. Lúc đó tôi đáp: ‘Bác nghe cháu nhé’. Nhưng rồi ông ấy ngồi xuống bên đàn và đưa sắc màu vào từng chuỗi thanh âm, ông ấy đã làm điều đó một cách tinh tế… Và một đứa trẻ như tôi thì chỉ có thể cố gắng bắt chước”, bà kể lại.
Bà từng theo học nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, như Artur Schnabel, Egon Petri, Alfred Cortot, Josef Hofmann, và Sergei Rachmaninov.
Tháng 2/2022, Slenczynska, sẽ phát hành album mới nhất của mình sau khi ký hợp đồng với một hãng thu âm toàn cầu. Sinh tại California trong một gia đình gốc Ba Lan, Slenczynska có buổi độc tấu đầu tiên ở tuổi lên bốn và được coi là một trong những thần đồng âm nhạc xuất sắc nhất lịch sử, kể từ Mozart trở lại đây. Cô bé lần đầu tiên biểu diễn với dàn nhạc tại Paris ở tuổi lên bảy.
“Chơi nhạc như thể đi trên một chuyến xe buýt – anh không thể để hành khách của mình xuống xe cho đến khi họ đến được điểm đến”, bà chia sẻ. “Hãy giữ họ chú ý đến một con đường đẹp đẽ. Tôi cũng chỉ cố gắng làm điều đó”.
Mỗi phần của My Life in Music, album do Decca Classics phát hành, kể lại con người nghệ sĩ lẫn nhà soạn nhạc mà Slenczynska biết. Bạn bè bà và những người thầy, bao gồm cả một dàn những người khổng lổ của âm nhạc cổ điển thế kỷ 20. Không chỉ Rachmaninov – bà được coi là học trò cuối cùng còn sống của ông và bà vẫn đeo cái đồng hồ Fabergé hình quả trứng mà ông tặng bà – mà cả Artur Schnabel, Josef Hofmann, Egon Petri, Alfred Cortot và Samuel Barber.
Tuy nhiên bà cho biết là dẫu sao, cuộc sống của một thần đồng không dễ dàng cho lắm. Cha của Slenczynska, Joseph, một người từng ở Nhạc viện Warsaw, đã kiên quyết cho là con gái mình phải trở thành một nghệ sĩ thành công bằng bất cứ giá nào.
Bà kể lại trong cuốn tiểu sử xuất bản năm 1957, Forbidden Childhood, về sức ép phải tập luyện chín tiếng một ngày. “Không ai lựa chọn để trở thành thần đồng. Cha tôi thúc giục tôi vô cùng khủng khiếp vì ông ấy nghĩ rằng đó là một cách kiếm được tiền. Thực sự là, tôi chưa bao giờ có tuổi thơ”.
Slenczynska đã tìm cách thoát khỏi điều đó khi bà ở tuổi 15 và cắt đứt mối quan hệ với cha mình hoàn toàn. Bà theo học môn tâm lý học và không trở lại sân khẩu biểu diễn cho đến năm 1951. Kể từ đó, bà thu âm 10 album với Decca Classics trong khi giảng dạy ở đại học.
Bà từng chơi cho bà Michelle Obama và năm tổng thống Mĩ nghe, bao gồm Herbert Hoover, John F Kennedy, Jimmy Carter và Ronald Reagan, cũng như từng biểu diễn bốn tay với Harry Truman.
Slenczynska từng diễn ở Washington, khi bà nhận được một cuộc gọi bí ẩn, đề nghị bà thay đổi kế hoạch. Sáng hôm sau, bà được một chiếc ô tô lộng lẫy tới đón và trước sự ngạc nhiên của bà, hướng tới Nhà Trắng. “Chúng tôi tới một cánh cửa lớn. Tôi rảo bước và đó là ông Truman, tổng thống Mĩ. Ông ấy nắm lấy tay tôi và nói: ‘Cô có thể chơi duet cùng tôi chứ?’”
Tổng thống đã từng tập một sonata của Mozart và muốn chơi với một nghệ sĩ xuất sắc. “Chúng tôi ngồi xuống ghế cùng nhau và chơi rất tuyệt. Lối chơi của ông ấy giàu chất nhạc và thu hút. Sau đó có ai đó vỗ tay. Rồi tôi bị kéo đi và tôi chỉ còn biết nói ‘tôi thậm chí còn không kịp chụp một kiểu ảnh’”.
Năm sau, sau một buổi hòa nhạc ở Kansas, bà lại có một người khách bất ngờ. “Đó là một buổi tối ẩm ướt và lạnh lẽo với cơn mưa tuyết ập đến. Tôi đang ở hậu trường thì nghe một tiếng gõ cửa. Tôi nghĩ là người phụ tá nhưng khi mở cửa thì thấy ông Truman bước vào. ‘Cô đã từng chơi bốn tay với tôi một lần, cô nhớ chứ?’, ông ấy nói. Và chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện vui vẻ”.
Với tất cả những thay đổi lớn lao mà bà đã trải qua, cam kết của Slenczynska cho âm nhạc và biểu diễn vẫn còn nguyên vẹn. Trong suốt thời kỳ phong thành vì Covid-19 năm 2020, bà đã tải lên YouTube những bản sonata của Beethoven để kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc thiên tài. Buổi độc tấu tiếp theo của bà diễn ra ở Pennsylvania vào ngày 6 tháng hai.
Tuổi bà, bà cho biết, “là một dạng tăng dần đều”. “Khi nhìn lại bạn có thể thốt lên ‘Ôi trời ơi, đã 50 năm trôi qua rồi ư.’ Tôi vẫn còn giữ trong tủ quần áo một bức ảnh ông chồng đáng yêu của tôi. Và thi thoảng tôi lại chợt nhớ ra là ông ấy đã qua đời vào năm 2000. Nếu có thể thì tôi sẽ cưới ông ấy lần nữa, ông ấy là người tôi yêu dấu”.
Bà có hối tiếc điều gì không? “Không hề”, bà đáp, “nhìn lại chẳng mấy khi tốt cả. Hãy nhìn về phía trước, và làm nó cho đẹp nhất khi có thể”.
Tác giả: Tô Vân (Nguồn: https://tiasang.com.vn/)