Trong bầu trời sáng tạo của văn học nghệ thuật, việc khai thác các mảng đề tài trong cuộc sống để xây dựng nên những tác phẩm là việc làm tất yếu trong đó có mảng đề tài lịch sử. Đến nay có thể khẳng định, lịch sử là một trong những đề tài quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu nhân loại cũng như của sân khấu Việt Nam. Bằng chứng là trong lịch sử sân khấu thế giới nói chung, lịch sử sân khấu Việt Nam nói riêng đã có không biết bao nhiêu tác phẩm sân khấu được khai thác từ mảng đề tài lịch sử, trong đó đã để lại cho nhân loại, cho dân tộc nhiều tác phẩm bất hủ, để đời. Có thể nói, với hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung, lĩnh vực nghệ thuật sân khấu nói riêng thì đề tài lịch sử có một sức sống mãnh liệt, sức sống mãnh liệt ấy bắt nguồn từ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc trải qua bao thế hệ và bao thăng trầm của lịch sử. Hiện thực lịch sử đó luôn là nguồn cảm hứng vô tận, nguồn chất liệu dồi dào cho các loại hình văn học nghệ thuật thả sức khai thác. Hiện thực lịch sử chứa đầy tính hành động và tính mâu thuẫn xung đột, đó cũng chính là bản chất của nghệ thuật sân khấu, khai thác đề tài lịch sử một cách khéo léo sẽ có nhiều cơ sở tạo thành những tác phẩm chứa đầy kịch tính, do đó ta có thể khẳng định hiện thực lịch sử sẽ mãi luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo trong lĩnh vực hoạt động của nghệ thuật sân khấu.
Phú Thọ, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi có kinh đô Văn Lang từ buổi bình minh lịch sử các Vua Hùng dựng nước, nơi đây có một kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian vô cùng phong phú, nhất là các truyền thuyết, các chứng tích lịch sử về thời đại Hùng Vương cùng các trò diễn xướng dân gian như trò trám, đánh phết và các hội làng truyền thống, đặc biệt là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ những di sản văn hóa được lưu truyền từ ngàn đời qua bao thế hệ… Tất cả kho tàng văn hóa cổ truyền trên vùng đất Tổ đều là những chất liệu, là vốn quí để nghệ thuật sân khấu có thể khai thác đưa vào trong các hoạt động sáng tác, dàn dựng và biểu diễn.
Ý thức được vấn đề đó, nhiều năm qua cùng với nhiều tác phẩm văn học, thơ, ca, âm nhạc, mỹ thuật, múa… thì trên lĩnh vực hoạt động sân khấu của tỉnh Phú Thọ cũng đã xuất hiện những tác phẩm sân khấu khai thác đề tài lịch sử hướng về cội nguồn mà cụ thể là các tác phẩm có nội dung liên quan tới truyền thuyết lịch sử thời kỳ các Vua Hùng dựng nước như các vở: Nghĩa tình trời đất; Ngọc sáng không phai; An Tiêm – nàng Út (hay Mai An Tiêm); Sơn Tinh, Thủy Tinh; Cột đá thề (Lời thề non nước); Lang Liêu; Người kế vị ngai vàng… cùng nhiều ca cảnh, hoạt cảnh khác được diễn trên lĩnh vực sân khấu không chuyên.
Trong những năm qua hoạt động sân khấu tỉnh Phú Thọ khi khai thác mảng đề tài lịch sử hướng về cội nguồn đã đạt được một số kết quả đáng trân trọng như:
Hoạt động sân khấu của tỉnh Phú Thọ từ lâu đã quan tâm khai thác mảng đề tài lịch sử trên quê hương Đất Tổ cội nguồn, nơi mở ra trang sử đầu tiên về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, thời đại các Vua Hùng dựng nước, nơi có kinh đô Văn Lang, kinh đô đầu tiên của dân tộc Việt Nam, nơi còn lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa quí báu có từ ngàn xưa để lại…
Cùng với nhiều loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật sân khấu tỉnh Phú Thọ đã góp phần tái hiện một cách sinh động, chân thực về đời sống xã hội có trong truyền thuyết lịch sử dân tộc, qua đó góp phần khẳng định và tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông.
Thông qua các sáng tác về đề tài lịch sử, ngoài những giá trị giáo dục nhận thức về lịch sử, lòng tự hào dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, các tác phẩm sân khấu đã tích cực góp phần giới thiệu, quảng bá những nét bản sắc văn hóa, độc đáo chỉ có riêng ở quê hương đất Tổ.
Tuy nhiên, khai thác mảng đề tài này còn nhiều hạn chế, là chủ yếu cho sân khấu kịch hát; ca kịch (sân khấu chèo); sân khấu kịch nói thì hầu như chưa có (có thì cũng chỉ ở sân khấu quần chúng, không chuyên với qui mô những tiểu phẩm ngắn, hoặc sân khấu hóa…).
Tuyến kịch còn đơn giản, đời sống tâm lý nhân vật còn đơn điệu chưa xây dựng được nhiều vở diễn có hình tượng nhân vật xứng tầm với nhân vật có trong truyền thuyết lịch sử. (Lịch sử dựng nước và giữ nước thời đại các Vua Hùng kéo dài cả nghìn năm đấu tranh với thiên nhiên, giặc giã… cùng bao thăng trầm của lịch sử).
Khai thác mảng đề tài lịch sử trong hoạt động sáng tác và dàn dựng và biểu diễn có những thuận lợi và khó khăn riêng:
Về những thuận lợi:
Là vùng đất có kinh đô cổ đầu tiên, nơi phát tích cội nguồn dân tộc, nơi còn lưu giữ nhiều truyền thuyết lịch sử về những buổi đầu bình minh dựng nước và giữ nước của dân tộc, với vô số các địa danh, di tích, chứng tích lịch sử, những tên đất, tên làng, ao, hồ, sông, suối, núi, rừng gắn và cả một hệ thống các nhân vật lịch sử có trong các câu chuyện truyền thuyết lịch sử, dã sử, huyền tích…
Tất cả sự nghiên cứu sáng tạo nghệ thuật đều gắn với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha trong đó có đấu tranh với thiên nhiên, với giặc giã, và ngay với chính bản thân con người của thời đại đó, sự nối tiếp qua bao thăng trầm của dòng chảy lịch sử là cơ sở tồn tại phát triển cả một dân tộc như ngày hôm nay.
Là con cháu Lạc Hồng, con cháu Rồng Tiên và lòng tự hào dân tộc các văn nghệ sĩ Đất Tổ luôn trong tâm thế khát khao, sáng tạo nên được những tác phẩm, những hình tượng nghệ thuật trong sáng tác, dàn dựng và biểu diễn.
Lãnh đạo chính quyền cùng các cấp quản lý luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ nghiên cứu, sáng tác, dàn dựng các tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử.
Nhân dân, lực lượng khán giả tiềm năng của tỉnh Phú Thọ luôn có tinh thần lạc quan trong cuộc sống, yêu thích các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong đó có nghệ thuật sân khấu, đây là một trong những phẩm chất của người dân vùng đất Tổ, nơi có những diễn xướng dân gian, những lễ hội, những làn điệu dân ca cổ (hát Xoan) gắn liền với những truyền thuyết lịch sử có từ thời các Vua Hùng dựng nước.
Về những khó khăn:
Để sáng tác được những tác phẩm sân khấu liên quan tới đề tài lịch sử, nhất là lịch sử từ thuở bình minh dựng nước đòi hỏi các văn nghệ sĩ sáng tác phải có năng lực trình độ, vốn sống và sự hiểu biết lịch sử, văn hóa nhất định để có thể tìm hiểu vén bức màn truyền thuyết lịch sử dày hàng nghìn năm thông qua những phong tục, tập quán, những giai thoại, sự tích, thần tích, câu chuyện huyền thoại, mang màu sắc huyền bí, tâm linh… Từ đó xây dựng và tái hiện lại được một đời sống xã hội chân thực, phong phú, những mối quan hệ xã hội, những mâu thuẫn, xung đột trong đó những nhân vật trong giai đoạn lịch sử có cách cảm, cách nghĩ, cách hành động có tính thuyết phục cao sinh động như cuộc sống vốn có trong lịch sử. Tuy nhiên, do nguồn tư liệu lịch sử không phải lúc nào cũng được đầy đủ, rõ nét, việc khơi trong, gạn đục để lấy chất liệu xây dựng tác phẩm nếu không đủ năng lực trình độ về văn hóa, nghệ thuật rất dễ sa vào việc hư cấu, sáng tạo tùy tiện, bóp méo lịch sử, hình tượng nhân vật lệch lạc…
Trong công tác dàn dựng cũng nảy sinh những khó khăn khi chuyển toàn bộ câu chuyện kịch cùng cả hệ thống nhân vật từ trong tác phẩm mang tính văn học lên thành hình tượng trên sân khấu, các vấn đề liên quan tới nghệ thuật biểu diễn của diễn viên cũng như sử dụng, xử lý các yếu tố nghệ thuật, kỹ thuật sân khấu như… (Mỹ thuật, âm nhạc, âm thanh, ánh sáng…) làm sao cho vừa đảm bảo tính nghệ thuật nhưng cũng phải đảm bảo cả tính logich chân thực của lịch sử. Không thiếu trường hợp có kịch bản tốt nhưng do công tác đạo diễn kém nên dẫn tới vở diễn không thành công, nhưng cũng có trường hợp chất lượng kịch bản chỉ ở mức trung bình nhưng nhờ có tài năng, sáng tạo của đạo diễn nên đã xây dựng được một vở diễn tốt, có chất lượng nghệ thuật cao.
Để có được tác phẩm sân khấu tốt thì không thể thiếu lực lượng nghệ sĩ, diễn viên tài năng, đây là vấn đề khó khăn đặt ra với sân khấu chuyên nghiệp tỉnh Phú Thọ hiện nay. Lớp thế hệ các nghệ sĩ tài năng một thời của tỉnh trước đây như: Hương Dịu, Trần Ngoạt, Hoàng Quỳnh, Quốc Giới, Minh Luân, Minh Thân, Thu Yến, Ngọc Định… (của sân khấu Chèo) Xuân Hương, Tự Dung, Hồng Thắm, Quang Huy, Hoàng San, Duy Phượng… (Sân khấu kịch nói) đều đã cao tuổi không tham gia vào các hoạt động biểu diễn. Hiện sân khấu của tỉnh đang rất cần bổ sung lực lượng thế hệ nghệ sĩ trẻ tài năng, nhưng với điều kiện hiện nay việc tuyển dụng được là điều rất khó khăn (liên quan tới cơ chế thu hút và các điều kiện khó khăn trong đời sống sinh hoạt và hoạt động nghệ thuật của tỉnh).
Để có được những tác phẩm hay về đề tài lịch sử trong thời gian tới tác giả xin đề xuất một vài ý kiến như sau:
Một là: Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Liên hiệp VHNT các tỉnh định kỳ tổ chức các đợt sáng tác về đề tài lịch sử, trong đó mời mở rộng thành phần các tác giả tham gia.
Hai là: Trước khi mở đợt sáng tác cần chú ý tới việc cung cấp tài liệu, tư liệu, kiến thức cho các tác giả sáng tác về đề tài lịch sử.
Ba là: Hàng năm, cần dành nguồn kinh phí nhất định cho các hoạt động sáng tác về đề tài lịch sử (thông qua hỗ trợ của Nhà nước và tài trợ của cơ quan đơn vị quan tâm tới hoạt động văn hóa nghệ thuật của tỉnh).
Bốn là: Về công tác dàn dựng vở diễn cần chú ý tới năng lực của đạo diễn và tham khảo sự góp ý của các chuyên gia về những khía cạnh lịch sử, văn hóa… (chú ý là tham khảo để thực hiện sáng tạo nghệ thuật chứ không phải dùng sân khấu để miêu tả lịch sử một cách máy móc).
Năm là: Cần có sự quan tâm đầu tư tăng cường lực lượng nghệ sĩ diễn viên tài năng, nhiệt tình, yêu nghề bằng những cơ chế thu hút (biên chế, điều kiện làm việc, tinh thần hợp tác…) và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ thể hiện và khẳng định tài năng thông qua các tác phẩm về đề tài lịch sử.
Sáu là: Các Hội Trung ương và địa phương cần dành nguồn kinh phí nhất định để đầu tư dàn dựng cũng như tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn sân khấu về đề tài lịch sử đối với sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên để các tác phẩm sáng tác có cơ hội được đưa lên sân khấu.
Hy vọng rằng sân khấu Phú Thọ ngày một phát triển phù hợp với giai đoạn hiện nay, đồng thời sân khấu Phú Thọ cũng sẽ không ngừng khai thác mảng đề tài lịch sử hướng về cội nguồn để xứng với miền Đất Tổ Vua Hùng.
NGUYỄN VIỆT THẮNG