Người cầm bút, đặc biệt đối với người mới cầm bút sáng tác văn nghệ thì thi pháp, thi pháp học và lý luận văn học nói chung là không nên để tâm đến. Buổi đầu người cầm bút hãy cứ viết những điều mình thích. Thích đến mức sốt sả, cuống lên không viết không được. Ở tình trạng ấy, trang viết của anh ta dễ truyền cảm cho người đọc. Người đọc dễ bị anh ta thôi miên để mà cùng vui, cùng buồn, cùng phấn chấn hoặc cùng tức giận. Nếu anh ta có tư cách công dân, có trách nhiệm xã hội thì chắc chắn những trang viết đầu tay ấy sẽ hấp dẫn người đọc không chỉ ở văn chương mới mẻ, tươi rói, lấp lánh mà còn chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Ấy là lúc anh ta viết bằng bản năng, không bị trói buộc bởi các công thức định đề do lý luận chi phối làm cho văn chương bị tròn vo, khô cứng.
Ấy là buổi đầu, giai đoạn viết văn bản năng nhưng người viết không thể kéo dài mãi cái bản năng ấy. Thực tế chứng minh nhiều người đã viết thành công ngay ở tác phẩm đầu tay. Tác phẩm nổi tiếng cả nước. Sau đó tác giả ấy lặn mất tăm. Phần nhiều số người ấy không viết được nữa vì họ không nhảy qua được bản năng của mình để trở thành tác giả viết bằng bản lĩnh. Cũng có thể vì nhiều lý do trói buộc họ không thể tiếp tục sáng tác. Nhưng để viết có bản lĩnh, tác giả phải nâng cao kiến thức mọi mặt. Không chỉ hiểu biết mà cần có sự uyên bác. Muốn hiểu biết và sự uyên bác thì chỉ có học đi đôi với rèn luyện đạo đức. Vì học mà không tu luyện đạo đức thì mãi mãi chẳng bao giờ có sự uyên bác, trác việt đến với anh ta! Mớ kiến thức mà anh ta học được, đọc được từ sách vở chỉ là mớ kiến thức vặt đem khoe mẽ chứ chẳng lợi lộc gì trong việc muốn biến mình thành tác giả có bản lĩnh. Vì thế, hệ thống lý thuyết, lý luận văn học lại rất cần cho những tác giả đích thực. Nó là chìa khóa cho tác giả nhìn rõ mình, nhìn rõ người, mà nhờ vậy, anh ta mới vượt khỏi mình, mới làm mới mẻ mình và mới có sáng tạo, có đóng góp. Vì không có lý luận, hay nói nôm na vì văn hóa thấp lại bị chút thành công làm lóa mắt dễ dẫn người ta đến ngộ nhận hoang tưởng. Do vậy, thi pháp và thi pháp học là một liệu pháp chữa trị tốt giúp được cho nhiều người đi qua bản năng để trở thành tác giả có bản lĩnh.
Không chỉ ở ta, cả thế giới, cận kề là Trung Quốc đã cho thấy tìm hiểu thi pháp và thi pháp học sẽ giúp cho văn chương nhân văn hơn, có ích hơn. Quãng thế kỷ thứ V, đời Nam Tề – Trung Quốc là điển hình cho thời kỳ văn chương hoa lệ, phù phiếm, vô bổ. Các nhà Nho đua nhau chơi chữ. Thời ấy chỉ có thứ văn chương trống rỗng về nội dung, hoa mỹ về hình thức. Do vấn nạn ấy mà ông Lưu Hiệp đã bỏ ra ba mươi năm trời để viết một cuốn sách về thi pháp với mong muốn xoay chuyển thứ văn chương phù phiếm khiến nó quay về con đường bình thường thiết thực hữu ích. Trong cuốn sách ấy ông đã bàn đến mục đích, chức năng của văn học, nguồn gốc của cái đẹp. Từ đấy đề ra các tiêu chuẩn cho một tác phẩm văn học. Ông cho biết, trong tác phẩm văn học, nội dung và hình thức không tách rời nhau mà nội dung bao giờ cũng giữ vai trò quyết định. Thời ấy, chưa mấy ai nhìn ra điều này và ngay ở ta bây giờ cũng có nhiều người không hiểu nên mới dám nhân danh mới hóa, trẻ hóa, tìm tòi, phát hiện để cho ra lò những thứ văn thơ mù mờ, rối rắm, tục tĩu. Họ khước từ văn chương truyền thống coi đạo đức là thứ cổ lỗ, xa xỉ.
Thực ra, người đầu tiên trên thế giới trình bày có hệ thống về thư pháp là nhà triết học Hy Lạp cổ đại A-ri-xtốt. Ông đã đề cập đến các nguyên tắc cấu trúc bên trong của các loại hình nghệ thuật và ông đã phân loại văn học. Lần đầu tiên ông bàn đến các khái niệm về nội dung, cốt truyện và nghiên cứu hàng loạt các biện pháp tu từ.
Cụ thể hơn, thi pháp không chỉ là sự tổng hợp các hình thức nghệ thuật của tác phẩm ngôn từ như cốt truyện, kết cấu, hiện tượng ngôn ngữ nghệ thuật, nhịp và vần mà còn bao gồm cả thể loại, thể tài, những nguyên tắc và phương pháp phản ánh, các phạm trù không gian nghệ thuật, quan niệm của tác giả về thế giới và con người. Chữ thi trong thi pháp được mang dấu ấn xa xưa từ thời không chỉ có thơ trữ tình mà sử cũng là sử thi, kịch cũng viết bằng lời thơ. Về sau thành phần của văn được mở rộng không chỉ có thi ca, sử thi (có yếu tố thơ), kịch mà còn có văn xuôi, truyện ngắn, tiểu thuyết.
Những chỉnh thể văn học mang thi pháp bao gồm thi pháp của một tác phẩm cụ thể, thi pháp của một nhà văn, thi pháp của một chủ nghĩa văn học, thi pháp của một trào lưu, một trường phái hoặc thi pháp của một nền văn học, có thi pháp văn học cổ điển, thi pháp văn học cận đại, văn học hiện đại. Xét về phương thức nghệ thuật có thể nói tới thi pháp của thể loại, thi pháp của phương pháp, thi pháp không gian, thời gian, thi pháp kết cấu, thi pháp ngôn ngữ. Thi pháp là một tồn tại khách quan, là cái có trước để đến lượt ra đời một khoa học nghiên cứu về nó, gọi là thi pháp học. Nghiên cứu thi pháp chính là chỉ ra cái hay, cái bản chất nghệ thuật của tác phẩm và chỉ ra cái lý do tồn tại của hình thức tác phẩm. Thi pháp học có ba phạm vi nghiên cứu. Đó là thi pháp học đại cương, thi pháp học chuyên biệt và thi pháp học lịch sử. Thi pháp học không những làm rõ bản chất nghệ thuật của văn chương mà còn chỉ ra cái nghĩa, cái lý của hình thức và các biện pháp của nghệ thuật.
Cụ Lê Quý Đôn trong “Vân Đài loại ngữ viết” trong chương “Văn nghệ” với năm luận điểm sau: 1- Văn học phải có mục đích giáo dục tư tưởng. Nội dung thống nhất với hình thức, nội dung là quyết định. 2- Thơ văn phải phản ánh hiện thực. 3- Hình thức phải bình dị để nhiều người hiểu được chớ cầu kỳ đẽo gọt chỉ chú tâm làm văn. 4- Muốn trở thành nhà văn thì phải học tập, sửa mình và tích lũy vốn sống. 5- Tiêu chuẩn lựa chọn thơ văn vào hợp tuyển.
Các cụ nhà nho xưa đã rất thành thạo về thi pháp, nếu không họ đâu dám lều chõng bước vào khoa thi Hội với bài về kinh thi rất khó khăn. Ấy vậy nhưng ngày nay nhiều bạn trẻ ảnh hưởng phương Tây đổ xô đi đọc sách Tây mà không hiểu gì về bản sắc văn hóa dân tộc trong văn học Việt, do vậy văn chương của họ khó lọt vào mắt bạn đọc vì đó là lối văn bắt trước văn dịch do người viết không hiểu nổi cơ sở văn hóa của từng dân tộc.
Học thi pháp nhất là thi pháp học sẽ giúp ta hiểu biết hơn, hiểu mình, hiểu người, viết có ích, có lợi cho bạn đọc và cho nền văn học chung cả tỉnh, cả nước.
NGUYỄN HỮU NHÀN