“Làng Cói Hạ” là tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn do Nhà xuất bản Thanh Niên in ấn và phát hành năm 1988.
Tiểu thuyết dày 276 trang khổ 13×19, lấy bối cảnh “Làng Cói Hạ”, một làng quê nông thôn Việt Nam (xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc).
“Làng Cói Hạ” phản ảnh tổng thể cuộc đấu tranh gay go trong tổ chức sản xuất nông nghiệp nước ta giữa cái mới đang phải cố gắng vượt qua mọi trở ngại để hình thành, với cái cũ đã ăn sâu vào nhận thức của lớp cán bộ từ Trung ương tới địa phương tại thời điểm gay cấn đó.
Vốn là nhà văn có bề dầy tinh tường và vốn sống sâu sắc về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, lại am tường vùng quê Hợp Thịnh do quá trình tiếp cận thực tế trước khi sáng tác tác phẩm, nên nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã hóa thân vào các nhân vật để viết nên một tác phẩm sống động, mang tính hiện đại.
Tuyến nhân vật chính diện của tiểu thuyết là Bí thư Đảng ủy xã Lê Bùi, một cán bộ trưởng thành từ du kích kháng chiến chống Pháp đã từng đảm trách cương vị Thường vụ Tỉnh ủy, bị phê phán trong việc khoán hộ cùng với Bí thư Kim Ngọc nên xin về quê hương củng cố phong trào địa phương và các đồng chí của ông như Phó bí thư Đảng ủy Phùng Đắc Thái, Chủ nhiệm HTX Phùng Đắc Thành, Phùng Quang Hùng, Chủ tịch xã Bùi Minh Chí, Công an xã Bùi Văn Đốm.
Trong công cuộc xây dựng Hợp Thịnh trở thành một xã giàu có, tuyến nhân vật chính diện mà Bí thư Lê Bùi là đại diện luôn vấp phải sự chống đối quyết liệt của những kẻ cơ hội chính trị, sợ mình bị lòi cái đuôi bảo thủ, trì trệ do đã phản bác những tư tưởng đổi mới ra. Trước hết là ông “Rán”, một lãnh đạo Tỉnh ủy “Khi cấp trên phê phán cơ chế khoán hộ thì ông ta như cờ gặp gió, hăng hái, xông xáo phê phán”, “Lý luận của ông ta sai bét. Nhưng nhờ có thủ đoạn nên ông ta dù dốt vẫn là người chiến thắng” và tỏ ra tức tối, tìm mọi cách hạ bệ vai trò Bí thư Lê Bùi tại Hợp Thịnh. Chả thế mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần trước ông ta đòi duyệt bản tham luận của Lê Bùi, nhưng Lê Bùi không chịu, còn bảo “Anh có cho tôi nói thì cho, còn tôi không để ai duyệt tham luận đâu. Đại hội người ta cần nghe ý kiến thực của chúng tôi chứ không ai muốn tôi trèo lên bục để nhai lại ý kiến của các anh”. Ông “Rán” bực nhưng vẫn phải cho Lê Bùi nói. Có điều sau đấy ông ta bắt bộ phận thông tin cắt hết dây loa để thu hẹp ảnh hưởng tiếng nói của Hợp Thịnh. Chuẩn bị Đại hội Đảng bộ Hợp Thịnh lần này ông “Rán” lấy danh nghĩa cá nhân một Thường vụ Tỉnh ủy về xã yêu cầu Lê Bùi “Theo yêu cầu chung về việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ cơ sở và xét hoàn cảnh anh, vừa tuổi cao vừa đã cống hiến quá nhiều cho đất nước rồi, vì vậy chuẩn bị đại hội Đảng cơ sở sắp tới, anh em chúng tôi bàn để anh nghỉ hưu và thôi làm Bí thư Đảng bộ”. Thực chất ý kiến này nhằm gây dư luận rằng Lê Bùi sắp hết thời lãnh đạo địa phương, tạo cơ hội cho những kẻ chống đối Lê Bùi ở xã cô lập, làm giảm uy tín của ông trong Đảng bộ để ngăn cản tư tưởng đổi mới trong chỉ đạo điều hành sản xuất nông nghiệp mà ông đã có công xây dựng.
Còn ở địa phương, Bí thư Lê Bùi cũng gặp không ít các phần tử bất mãn.
Những chuyện như thế này nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn do có nhiều am hiểu các mối quan hệ đan xen, chằng chịt dây mơ, rễ má thâm căn cố đế trong dòng họ trong làng xã, cùng với các hệ tư tưởng khác nhau, dẫu cho họ cùng sống trong một gia đình, chung nhau một huyết thống nên ông không khó khăn khi xây dựng nên các nhân vật điển hình cho tác phẩm.
Khái Hanh là một nhân vật như thế. Ông ta luôn tự đánh giá mình “Là con nhà khá giả xưa nay, cha ông đã giầu nứt đố, đổ vách”, tự nhận ”Dòng giống nhà ta là dòng giống sai khiến các người”. Chính vì thế “Lúc nào ông ấy cũng túi bụi vì chuyện kiện cáo. Xưa thì kiện quan trên. Nay thì kiện lãnh đạo xã. Bị kích động, phỉnh nịnh nên ông càng ngày càng sa đà vào những chuyện kiện cáo”.
Trong gia đình, Khái Hanh cũng có cách hành xử khác người. Ông có ba người con, hai trai một gái. Con trai cả là Toàn là người cầu tiến “Những năm ở bộ đội về tham gia Ban chấp hành đoàn thanh niên xã” rồi trở thành lái xe ô tô vận tải tích cực của Hợp tác xã toàn xã Hợp Thịnh. Cô em út tên là An, đã từng thoát ly làm công nhân lâm trường, xinh đẹp nên bị giám đốc lâm trường sàm sỡ. Vì không sàm sỡ được nên cô bị giám đốc sa thải. An về nhà, bị bố đuổi. Đã thế ông Khái Hanh còn bảo “Cho mày đi làm đĩ mà nuôi thân”. Vì thế nên An bất mãn, trở thành đĩ thật. Được anh trai Toàn cứu vớt khỏi nơi nhơ nhớp đó, đưa về nhà, nhưng An vẫn bị bố ghét bỏ. Chính vì lẽ đó mà quan hệ bố con luôn căng thẳng.
Với bản chất cố hữu, ông Khái Hanh chuyên lôi kéo những phần tử bất mãn chống đối chính quyền địa phương. Tỷ như ông Biên Lai “Là loại người bất tử, đẻ ra con trai, con gái cũng tứ bất tử. Từ bố đến con năm bẩy người đã vào ngồi tù về tội trộm cướp”. Hay bố con lão Dởm “Xưa nay là loại không thiếu đói nhưng hay nợ dây dưa và không chịu giao nộp sản phẩm cho hợp tác xã” nay ông ta đến gặp Khái Hanh “Nhăn nhó, phàn nàn về hợp tác xã bắt lão ta phải gặt lúa về sân kho đập đạp, phơi phóng để thu hồi sản phẩm”. Rồi Phùng Đại Bồng, một đảng viên bị suy thoái, biến chất, bị ông Khái Hanh đánh giá “Chẳng qua nhờ cách mạng vô sản, nhờ đấu đá mà được vênh vang một thời, rút cuộc khố rách vẫn hoàn khố rách”. Vì vậy ông kích động Bồng “Sớm muộn họ cũng đưa bác ra khỏi Đảng” để lôi kéo Bồng về phe mình chống đối lại Bí thư Đảng ủy Lê Bùi.
Bị trên ép xuống, dưới ép lên đến như vậy nhưng, với trách nhiệm người lãnh đạo đứng đầu địa phương, trong lúc nhân dân cả nước đang lâm vào cảnh đói ăn sau chiến tranh, ông Lê Bùi vẫn hết sức lo lắng đời sống cho tất cả mọi người dân trong xã Hợp Thịnh. Bằng chứng là trong khi các địa phương khác loay hoay chưa tìm được lối ra để cứu đói, ông đã “Tìm ra một cơ cấu mùa vụ thích hợp, chuyển kịp thời cơ cấu giống cây trồng để có thêm vụ ngô đông trên diện tích hai vụ lúa”. Chính nhờ giải pháp tổ chức sản xuất nông nghiệp mạnh bạo ấy của ông mà nhân dân Hợp Thịnh “Gặt xong lúa mùa sớm bắt tay vào trồng vụ ngô đông đại trà trên diện tích lớn hàng trăm héc-ta”. Với sản lượng vụ ngô đông như vậy có thể “Đủ cho dân làng ăn trong bẩy tháng. Năm tháng còn lại đã có hai vụ lúa chính vụ, không những đủ lúa ăn cho dân mà còn thừa thóc dự trữ ăn mùa sau. Năm nay Hợp Thịnh sẽ phấn đấu thu bình quân 654kg lương thực trên một đầu người. Con số này gấp hơn hai lần con số phấn đấu của cả nước”.
Nhờ thành công đó mà mọi mặt kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân Hợp Thịnh trở nên no đủ. Các địa phương khác trong cả nước nô nức kéo nhau đến học tập mô hình chuyển đổi mùa vụ, trồng cây ngô đông trên nền đất ướt của ông. Lê Bùi được các đồng chí lãnh đạo Trung ương khen ngợi. Tổ chức lương thực Liên hiệp quốc, Viện dinh dưỡng và ban Văn hóa đối ngoại cử người về quay phim, giới thiệu sự cải tổ môi trường sống và phúc lợi xã hội cho toàn dân ở xã này.
Thế nhưng “Những bài học ấy có nói ra thì những cán bộ như lão “Rán” sẽ bỏ ngoài tai”. Tư duy duy ý chí cộng với tư tưởng ghen ăn tức ở của ông ta vẫn tiếp tục đố kỵ với Lê Bùi. Cuộc đấu tranh giữa hai mặt đối lập về nhân cách đó đã tạo ra những kịch tính hấp dẫn trong “Làng Cói Hạ” của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn. Trong bối cảnh “trên đe dưới búa” đó, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã viết nên những trường đoạn hết sức ấm áp tình người giữa Bí thư Đảng bộ Lê Bùi với những cá nhân chống đối lại chính quyền xã, chống đối lại ông.
Phải chăng trái tim nhân hậu của một đảng viên chân chính đã đồng nhịp với tấm lòng một nhà văn đã tạo ra những trang viết thấm đẫm tình nghĩa trong “Làng Cói Hạ”. Hình tượng cô An sau lầm đường lạc lối đã được quê hương thân yêu đùm bọc, dẫu bố đẻ cô là ông Khái Hanh vẫn cố tình ghét bỏ; hình ảnh gia đình Bồng đói ăn, nhếch nhác “theo đóm ăn tàn” viết truyền đơn đả đảo Lê Bùi, chống đối lãnh đạo địa phương vẫn được cán bộ Hợp Thịnh lo xóa đói giảm nghèo cho khi bố trí vào “đội năm sào”, được bà con lối xóm đùm bọc trong việc trồng vụ ngô đông; hình ảnh Bí thư Lê Bùi khuyên Toàn phải đối xử có tình nghĩa với bố đẻ Khái Hanh, một người cầm đầu lực lượng chống đối khi ông ta cô độc, tuổi đã già, sức lại yếu là những hình ảnh đầy tính nhân văn của tác phẩm. Những hình ảnh đó đã đưa các tuyến nhân vật vượt lên tất cả sự thù hận để đến với một xã hội mà sự chân thành, vị tha đã trở thành lẽ sống, được những đảng viên lão thành trung thành với lý tưởng cao đẹp của mình cùng với nhà văn thổi hồn vào xã hội.
Một mảng nhân chứng và sự kiện mà “Làng Cói Hạ” cũng như các tiểu thuyết khác thường đề cập đến là tình yêu. Đây là màn sương đêm mát mẻ và dịu dàng làm mềm đi sự khô cứng của một tác phẩm đầy ắp tính chính luận. Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã xây dựng được những chương đoạn viết về tình yêu giữa An và Hòa Nghị, giữa vợ Bồng và Hòa Nghị khá hay. Những mối tình ấy có sự thổn thức của con tim, có sự giằng xé giữa các thái cực yêu thương và thù hận, có sự thấp hèn, xa ngã vì nhục dục tầm thường và sự cao thượng của lương tâm và tình người giữa các nhân vật. Chính nhờ mảng tình yêu này đã giữ cho tiểu thuyết “Làng Cói Hạ” cân bằng giữa những con sóng của đời sống xã hội ở một vùng quê đầy giông bão. Nó là khối vật chất có sức nặng đủ lớn ở chính trọng tâm con tầu, giữ cho nó không bị chao đảo.
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn có tài biến hóa các trang văn. Ông dùng thủ pháp dựng truyện khá điêu luyện để xây dựng các nhân vật của mình thành tuyến vững chắc theo kịch bản tiểu thuyết đã định nhờ những nguyên mẫu có thực ngoài đời, rồi thổi sinh khí vào đó, biến các nhân vật trở nên sống động trong tác phẩm. Chỉ qua vài trang viết với những tính cách, lối sống riêng biệt, ông đã dựng nên nhân vật “Rán” đầy mưu mô và thủ đoạn, một dạng cán bộ lãnh đạo cố thủ trong hệ tư tưởng cũ, sa đọa và biến chất, không còn tình đồng chí, đồng đội. Nhà văn đã dùng phép so sánh trong văn chương để dựng nên nhân vật Khái Hanh vừa hãnh tiến, vừa ma quái, mất hết tình người trong tình cảm, kể cả với con cái dứt ruột đẻ ra. Phép so sánh đó được sử dụng với nhiều nhân vật khác để làm toát ra tính cách của nhân vật mà nhà văn định xây dựng. Đó cũng là kinh nghiệm quý báu, rất đáng trân trọng mà nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn để lại cho bạn viết thế hệ sau.
*
Viết về quản lý kinh tế, xã hội trong bối cảnh đất nước bắt đầu chuyển đổi mô hình từ kế hoạch hóa tập trung sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa có tiền lệ là việc làm không hề dễ dàng, nhất là đối với thế hệ nhà văn vốn chỉ quen với công việc sáng tác. Thế nhưng nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã dũng cảm dấn thân vào công việc mới mẻ và khó khăn đó. Tất nhiên, bây giờ sau ba chục năm đất nước đổi mới, độ trễ về thời gian và không gian đã cho phép thế hệ đương thời nhận ra nhiều điều mà trước đây không dễ gì ai đã nhận ra, thì những trang viết của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn từ ngày ấy còn có những điều phải bàn thêm cũng là một điều dễ hiểu.
Đọc “Làng Cói Hạ” chúng ta thấy rằng lúc đó Hợp Thịnh đang thực hiện mô hình khoán 100 mới được xây dựng, chứ chưa thực hiện mô hình khoán 10. Hai mô hình đó khác nhau căn bản về cách thức quản lý từ tổ chức sản xuất, phân phối đến tiêu thụ sản phẩm. Cứ xét về mô hình quản lý khoán 100, thì thấy đây là hình thức khoán tân tiến hơn mô hình kế hoạch hóa tập trung, nhưng lạc hậu hơn nhiều so với cơ chế khoán 10. Đó là điều không phải bàn cãi.
Chúng ta ai cũng biết, một trong những trọng trách của nhà văn là phải đưa ra được những dự báo và phương thức quản lý tân tiến phù hợp hơn trong xã hội hiện tại. Trọng trách này khiến nhà văn thông thường phải bằng kinh nghiệm và vốn sống lùi ra xa để nhìn nhận, đánh giá sự việc, từ đó giảm áp lực mà độ trễ của thời gian gây ra để tìm ra những bước đi đón trước tương lai cho xã hội. “Cứ như trong ý mà suy” thì thấy trong “Làng Cói Hạ” nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn có phần ưu ái Bí thư Lê Bùi và Hợp Thịnh khi nói đến những cố gắng của họ mà chưa mổ xẻ để lột tả tư duy “duy ý chí” của họ, khiến cho những nhược điểm của khoán 100 chưa được bộc lộ. Có lẽ thắng lợi của kỹ thuật trồng ngô đông trên nền đất ướt khiến ông dễ dàng bằng lòng với Lê Bùi và Hợp Thịnh trong cơ chế vận hành hai vụ lúa còn lại trong năm chăng? Nếu có thể lùi lại một bước, tìm ra nhược điểm này của họ, bổ sung một số chương mới, khai thác thực tế từ 1988 đến 1990 để viết thêm về thắng lợi của khoán 10 ở đây thì “Làng Cói Hạ” chắc chắn sẽ được nâng tầm thêm một nấc, có giá trị thực tế hơn và nhà văn có thể nâng vị trí của mình lên cao nữa. Nhưng “Làng Cói Hạ” mới chỉ dừng ở vị trí đó, thời điểm đó.
Dù sao tất cả đã qua rồi. Mọi ao ước vẫn chỉ là ao ước bởi một chữ “nếu”. Tiểu thuyết “Làng Cói Hạ” đã ra đời được hơn 30 năm, đã hoàn thành trọng trách của nó trước biến thiên của lịch sử. Chính vì vậy sự ao ước nói trên đã thuộc về lịch sử. Giờ đây chúng ta trân trọng “Làng Cói Hạ”, trân trọng nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn. Mong nhà văn tiếp tục mang đến cho bạn đọc những trang viết mới về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, khai thác thêm những vốn sống sâu sắc của ông, làm giàu thêm những tác phẩm văn học có giá trị cho kho tàng văn học của nước ta trong thời gian tới.
Vũ Quốc Khánh