Lịch sử dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao dựng nước của các Vua Hùng. Công lao ấy được cộng đồng người Việt khắc ghi ngàn đời nay, trở thành truyền thống cao đẹp với triết lý “Con người có tổ có tông”. Người Việt đã suy tôn các Vua Hùng là Thủy tổ của dân tộc, nên việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành tập quán, tín ngưỡng và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hàng ngàn năm nay.
Trải qua thời gian, phong tục này đã trở thành Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mà đỉnh cao là thờ cúng Hùng Vương. Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc đó là sợi chỉ đỏ tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc, của đất nước và đã trở thành một biểu tượng văn hóa – tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và dân tộc. Với ý nghĩa đó, cộng đồng người Việt tự nguyện giữ gìn và phát triển Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương một cách tự nhiên không khiên cưỡng. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Từ lòng biết ơn đến tôn kính các thế hệ tiền nhân và tổ tiên, gia đình, dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa, tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng thờ một Tổ tiên chung của toàn dân tộc: Đó là các Vua Hùng”.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bắt nguồn từ vùng đất cổ Phú Thọ rồi lan tỏa ra phạm vi cả nước. Việc thờ cúng Hùng Vương bắt đầu từ sự ra đời của các ngôi đền thờ Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh của những cư dân địa phương xung quanh khu vực Đền Hùng. Các ngôi đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng ra đời gắn với quá trình phát triển của các làng xã dưới chân núi. Như vậy, vùng tâm điểm của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, từ đỉnh núi Hùng, nơi thờ tự các Vua Hùng đầu tiên này, theo dòng chảy thời gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần dần lan tỏa tới các địa phương khác.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 249 di tích đang thờ tự (Khu di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, 37 di tích cấp quốc gia, 135 di tích xếp hạng cấp tỉnh) và 93 di tích chỉ còn là phế tích. Phú Thọ là tâm điểm của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những hoạt động Lễ – Hội diễn ra trang nghiêm, thành kính tại các ngôi đền trên núi Hùng và các di tích thờ Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ, thu hút hàng triệu đồng bào cả nước và kiều bào tham gia trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. Cùng với tỉnh Phú Thọ, để tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng, các địa phương có điểm thờ Hùng Vương đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng một cách trang trọng, thành kính, thể hiện sự tri ân, công đức Tổ tiên của các thế hệ con cháu với công lao dựng nước của các Vua Hùng. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã thực sự trở thành ngày hội của đồng bào từ Bắc chí Nam với nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian của các vùng miền dân tộc.
Năm 2022, với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương”, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức quy mô cấp tỉnh gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản Văn hóa đại diện của nhân loại. Nội dung phần Lễ bao gồm: Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6/3 âm lịch; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày 10/3 âm lịch và Lễ dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong”; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; lễ rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích về Đền Hùng. Nội dung phần hội, là các hoạt động hội truyền thống, được tổ chức ở quy mô phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, đó là trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – hội tụ và lan tỏa”; trưng bày tư liệu, sách, báo, chiếu phim phục vụ nhân dân; lễ đón Bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội cướp bông ném chài Đền Vân Luông; tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống, trình diễn hát Xoan làng cổ; chương trình múa rối nước; tổ chức biểu diễn nghệ thuật; Hội thi gói, nấu bánh Chưng và giã bánh Giầy tỉnh Phú Thọ; giải Bơi chải trên hồ công viên Văn Lang; chương trình nghệ thuật phục vụ Lễ hội Đền Hùng, gắn với Kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đặc biệt vào ngày mùng 10 tháng 3, khi tại Đền Thượng (Điện Kính Thiên) trên núi Nghĩa Lĩnh diễn ra lễ dâng hương thì ở các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên cả nước cũng đồng thời tổ chức dâng hương tại các di tích theo sự hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cũng vào ngày này, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ những năm gần đây đã tuyên truyền, khuyến khích mỗi gia đình người dân sẽ làm mâm cơm để dâng cúng lên ban thờ Tổ tiên tại gia để cùng tưởng nhớ, tri ân ông, bà, cha mẹ, tổ tiên mình. Điều đó chính là giá trị bản sắc riêng có của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thể hiện đạo lý, sự biết ơn và lòng thủy chung của cộng đồng đối với quá khứ. Truyền thống ấy đã được hình thành, bám rễ và ăn sâu trong đời sống, trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt, tạo nên sức sống và sự lan tỏa sâu, rộng của một loại hình tín ngưỡng độc đáo duy nhất đã được UNESCO đã công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Không chỉ ở trong nước mà ở một số quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng lập đền thờ các Vua Hùng như ở Califonia (Hoa Kỳ), Canada, Australia… hoặc các điểm thờ tự để đặt ban thờ, bài vị và tượng Hùng Vương để kiều bào cùng tổ chức lễ dâng hương nhớ về Tổ tiên trong ngày Quốc lễ, như ở Nga, Séc, Lào,… Có thể nói, việc thờ cúng Hùng Vương đã ăn sâu, lan tỏa rộng khắp, nơi đâu có người Việt sinh sống thì tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên – thờ các Vua Hùng được người Việt tôn vinh và thờ tự. Những không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ấy chính là sự hồi cố về quá khứ, về lịch sử, là những bằng chứng sinh động và đầy sức thuyết phục về sự bảo lưu và phát triển của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng người Việt. Các di tích và địa điểm thờ tự Vua Hùng ở khắp nơi luôn được người Việt bảo tồn, gìn giữ và xây dựng chính là sự khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Đó chính là hành trang tinh thần vô giá của cả dân tộc để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được ra đời, hình thành và hun đúc gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Việt, được các thế hệ người Việt bảo lưu tại các di tích thờ cúng các Vua Hùng cùng với các lễ hội dân gian tại các di tích ấy, tạo thành một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam. Các giá trị của tín ngưỡng ấy luôn được bảo tồn, phát triển ngày càng sâu rộng trong đời sống của người Việt và luôn được trao truyền, thực hành từ thế hệ này sang thế hệ khác để trường tồn và lan tỏa cùng sự phát triển của dân tộc.
Lê Trường Giang