Như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã xác định, cấu trúc của văn hóa bao gồm 4 tầng: tầng văn hóa vật chất, văn hóa thể chế, văn hóa hành vi và văn hóa tinh thần. Có thể xem tầng văn hóa vật chất, thể chế thuộc về cơ sở hạ tầng; văn hóa hành vi, văn hóa tinh thần thuộc về cơ sở thượng tầng, về cơ bản, xét về mặt ý thức hệ, nền văn hóa Việt Nam trước năm 1975 bị phân đôi thành hai vùng tiểu văn hóa đối lập: văn hóa Miền Bắc xã hội chủ nghĩa và văn hóa Miền Nam tư bản chủ nghĩa. Văn hóa Miền Bắc có cấu trúc đồng bộ, thống nhất. Văn hóa Miền Nam có cấu trúc đa dạng, phân hóa phức tạp. Từ sau năm 1975, đất nước thống nhất, non sông một dải, tạo tiền đề cho sự tái thống nhất văn hóa dân tộc. Sau năm 1975, văn hóa Việt Nam vận hành với những đặc điểm chính của văn hóa Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, các yếu tố văn hóa Miền Nam đối lập với văn hóa Miền Bắc bị mất tiếng nói. Cấu trúc này đến cuối những năm 1970 thì rơi vào khủng hoảng, ở đó cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa có nhiều mặt lâm vào tình thế cực kỳ bất cập, làm biến đổi sâu sắc văn hóa hành vi và văn hóa tinh thần. Tình thế nguy hiểm buộc Đảng ta phải tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện, thể hiện trong Cương lĩnh chính trị được thông qua tại Đại hội VI (1986).
Từ đầu những năm 1990 trở đi, tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam có những biến chuyển mạnh mẽ. Việt Nam dần từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội gay gắt và đã có những thành tựu bước đầu rất đáng ghi nhận. Việc đa dạng hóa các thành phần kinh tế, khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng đã thúc đẩy người dân phát huy mọi năng lực của bản thân, tham gia rất tích cực vào các hoạt động kinh tế, làm cho bức tranh kinh tế hết sức đa dạng, phát triển mau lẹ. Đến giữa những năm 1990, kinh tế Việt Nam có bước tăng trưởng khá, lạm phát được đẩy lùi, nhiều công trình hạ tầng và cơ sở công nghiệp được xây dựng, tỉ lệ người lao động có việc làm tăng cao, đời sống vật chất của nhân dân được chăm lo, về cơ bản đại đa số nhân dân thoát ra khỏi tình trạng đói kém, vươn tới thoát nghèo. Đây là cơ sở để Đại hội VIII đề ra chủ trương, đường lối “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”. Trong 10 năm thực hiện mục tiêu này và sau 20 năm Đổi mới, Việt Nam đã vượt qua thời kỳ suy giảm, đạt tốc độ tăng trưởng khá cao trong một thời gian dài, đời sống vật chất của đại bộ phận nhân dân có những thay đổi rõ rệt. Đến nay, sau hơn 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã ở vào nhóm những nước đang phát triển có thu nhập trung bình, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới về sản xuất một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Về kinh tế, Việt Nam tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, trở thành một bộ phận khăng khít của chuỗi sản xuất toàn cầu. Về xã hội, thành phần giai cấp, lứa tuổi, giới tính, tâm trạng và tình cảm xã hội đã có rất nhiều thay đổi so với thời kỳ trước Đổi mới. Về văn hóa, toàn cầu hóa và Internet đang đặt ra những cơ hội và thách thức lớn đối với mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.
1. Toàn cầu hóa: di dân, du lịch, ý thức đa chuẩn và đa ngữ
Sau khi Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1995) với nước ta, đặc biệt là khi có Internet (1997), quá trình toàn cầu hóa ở Việt Nam đạt được bước ngoặt: chưa khi nào văn hóa Âu – Mĩ, Nhật, Hàn lại được sẵn sàng đón nhận, thậm chí đồng nhất với hiện đại hóa như bây giờ. Về mặt văn hóa, đây là một chuyển biến lớn: Âu – Mĩ hóa/ hiện đại hóa trở thành một đòi hỏi và xu hướng thẩm mĩ trong văn nghệ. Thời đại chỉ có một ngôn ngữ thống nhất, loại trừ tính đa ngữ, đa chuẩn, đa dụng trong nghệ thuật như giai đoạn văn nghệ trước đó đã lui vào dĩ vãng.
Sau năm 1986, nhất là từ sau năm 2000 đến nay, văn hóa, xã hội Việt Nam thực sự tham dự vào tiến trình toàn cầu hóa. Trước năm 1990, hiện tượng vượt biên kèm theo thái độ thù địch của chính quyền; ký ức thuyền nhân kèm theo thái độ thù hận của nhóm người vượt biên đã kéo theo một chuỗi diễn ngôn ý thức hệ chính trị và kỳ thị trong đời sống xã hội và văn chương. Sau nửa cuối những năm 1990, cộng đồng Việt kiều hình thành sau năm 1975 và những nhóm di dân sau đó đã từ phía thù địch, đối kháng, kỳ thị chuyển thành tình bè bạn, nghĩa đồng bào, một bộ phận được chính quyền trọng thị là “Việt kiều yêu nước”. Tình hình biến chuyển mau lẹ dẫn đến sự tái cấu trúc ký ức của cả hai phía, và do đó, đã làm thay đổi diễn ngôn văn chương: diễn ngôn ý thức hệ thù địch từng bước được thay thế bằng diễn ngôn hòa hợp, hòa giải. Văn chương Việt đã bắt đầu hành trình tái thiết ký ức văn hóa, ở đó, những ký ức văn hóa thuộc không gian thứ ba ít lưu luyến với quá khứ hận thù vốn nguyên địch – ta đã tìm được nơi chốn nương tựa chính đáng. Bằng việc tái tạo ký ức văn hóa và thay đổi diễn ngôn, văn chương Việt Nam sau năm 1986 đã đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hòa hợp hòa giải dân tộc.
Từ sau năm 2000, ngành du lịch phát triển mạnh; thu hút nhiều khách du lịch quốc tế và Việt kiều từ các nước trở về thăm quê hương, đặt cơ sở làm ăn kinh tế. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam rất đa dạng, từ nhiều nền văn hóa/ngôn ngữ khác nhau chứ không đơn tuyến như giai đoạn trước đó. Khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Mĩ, Nga… đã mang đến những luồng văn hóa mới, tác động trước hết đến các lĩnh vực dịch vụ rồi lan sang các lĩnh vực khác. Các sinh hoạt văn hóa có nguồn gốc phương Tây như Ngày lễ Halloween, lễ Noel, lễ Valentine… đã tham dự vào đời sống văn hóa, hình thành nếp sinh hoạt văn hóa của cư dân các đô thị lớn. Các làn sóng văn hóa Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, từ tiểu thuyết ngôn tình, thời trang, phim truyền hình đến K-pop, J-pop đã được giới trẻ tiếp thu lập tức thông qua các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và biến thành một phần đời sống của họ. Người Việt cũng bắt đầu du lịch nước ngoài, trải nghiệm trực tiếp sự chuyển dịch không gian văn hóa, các điều kiện từ bên ngoài nhìn lại văn hóa Việt Nam, hình thành tư duy đối chiếu và phê bình văn hóa, nhận rõ những ưu điểm và hạn chế thuộc về phẩm cách con người phẩm cách quốc gia. Các nhà thơ xuất thân là du học sinh ở nước ngoài, các nhà thơ Việt hải ngoại xuất phát từ hệ hình tư duy và văn hóa khác biệt, các nhà văn đô thị thuộc thế hệ sinh sau những năm 1980 không hề biết đến chiến tranh, giỏi ngoại ngữ và công nghệ số đã góp những tiếng nói quan trọng vào văn chương. Chính sự đa dạng của các điểm nhìn tham chiếu đã mang đến luồng gió mới trong thực hành biểu đạt văn hóa. Tính đa tiêu chuẩn và tiêu chuẩn kép được phép tồn tại và ảnh hưởng trong văn hóa. Nghĩa là một loạt điều kiện mới đảm bảo cho sự xuất hiện của các nhóm văn hóa, văn chương khác nhau cùng tồn tại, phát triển. Không gian tự do biểu đạt, tự do “mở miệng” sau khi được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố “cởi trói” đã tạo thuận lợi cho các nhà văn “đi tìm mặt mình”, “đi tìm cái tôi đã mất”, đối thoại với quá khứ và lịch sử. Cùng với khát vọng thành thực, diễn ngôn “ấm ức”, “bức xúc”, “bất mãn”, phê bình văn hóa / phản văn hóa, đặt vấn đề với chính giới/ chính thể bằng thái độ thẳng thắn, thậm chí gay gắt được dịp bộc lộ. Thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ và đạt thành tựu sau Đổi mới, các nhà văn đã kinh qua chiến tranh như Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Sương Nguyệt Minh… phơi mở tính phức tạp của chiến tranh và những chới với, hụt hẫng của con người khi đối mặt với thách thức phức tạp của cuộc sống thường nhật. Chính họ chứ không ai khác đã dẫn dắt, cổ vũ các nhà văn nghĩ và viết khác đi.
Trước Đổi mới, tình hình dịch thuật văn học phần nhiều mang tính hành chính và đơn tuyến. Nó là sản phẩm của tư duy kế hoạch hóa và được kiểm soát chặt chẽ bởi các cấp quản lý văn hóa. Dịch thuật cũng như xuất bản được quản lý chặt và chỉ một số lượng rất ít các tác phẩm văn học phương Tây thuộc trào lưu hiện đại chủ nghĩa được dịch và giới thiệu vào Việt Nam. Từ sau 1986, nhất là trước những năm 1990, tình hình dịch thuật và xuất bản đặc biệt sôi động với việc xuất hiện các “đầu nậu” làm môi giới dịch sách, in sách và bán sách. Hàng loạt tác phẩm văn học khác nhau, hết sức đa dạng, xuất phát từ rất nhiều khu vực văn hóa với những khuôn khổ thẩm mĩ và ý thức hệ khác biệt đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Kết quả là từ đầu những năm 1990, trong đời sống văn hóa, ảnh hưởng của văn hóa Xô Viết và văn hóa Đông Âu thấm đẫm màu sắc ý thức hệ xã hội chủ nghĩa dần dần phai nhạt. Thay thế các tác phẩm văn học kinh điển hoặc văn học cách mạng được chọn lọc của Nga và Đông Âu là các tác phẩm văn học dịch thuộc đủ mọi thể loại và phẩm cấp đến từ phương Tây. Sự đa dạng và sôi động của thị trường sách dịch sau đó, nhất là sang đầu thế kỷ XXI, các nhà xuất bản và dịch giả thường đặc biệt chú ý đến các giải thưởng văn chương quốc tế và nhanh chóng có ngay các bản dịch tại Việt Nam, đã đóng góp vào việc làm chuyển dịch ý thức của đội ngũ sáng tác và công chúng tiếp nhận văn học. Trong công nghiệp văn hóa mới manh nha đã chứng kiến sự xuất hiện ào ạt các văn hóa phẩm của phương Tây, các thể loại phim hành động Hồng Kông, phim Hollywood. Bên cạnh sự đa dạng, đáp ứng mọi loại thị hiếu, các ấn phẩm có nguy cơ gây tê liệt các thang đo có sẵn, khiêu khích các chuẩn thẩm mĩ đã định hình, làm thay đổi và phân tầng thị hiếu, sở thích của công chúng.
Học hỏi, làm theo, lai ghép, sáng tạo và cạnh tranh với các nhà văn thế giới, các nhà văn Việt Nam buộc phải thay đổi và văn chương nội địa do đó chuyển mình. Các dịch giả và văn học dịch với tư cách là người môi giới văn học đã đóng vai trò động lực để văn học trong nước thay đổi theo chiều hướng đa dạng hóa và việc hướng đến nhu cầu của người đọc/ người tiêu thụ đã trở thành ý thức chủ động của người viết. Các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng sau năm 1986 phần lớn có trình độ ngoại ngữ, có khả năng đọc/ dịch và một số trong họ là những dịch giả văn chương nổi tiếng (Nguyễn Xuân Khánh, Dương Tường, Hoàng Hưng, Trương Đăng Dung, Văn Cầm Hải, Thuận…). Cũng như văn xuôi, thơ ca bị phân hóa và phân khúc theo thị trường sách và thị hiếu độc giả, căn cứ vào lứa tuổi, giới tính và trình độ văn hóa nhất định. Nói cách khác, không có một đồng phục dùng chung cho các nhà thơ, không thể tồn tại dàn đồng ca trong văn chương, cũng không thể có một hệ tiêu chuẩn chung cho việc tiếp nhận văn học. Tìm kiếm sự khác biệt trong sáng tác tương ứng với sự khác biệt và phân tầng văn hóa của các nhóm công chúng là lẽ sống và không gian văn hóa của văn học sau Đổi mới.
Trong văn học sau Đổi mới, ý thức về “tính khác” tồn tại bên trong một ngôn ngữ tiếng Việt thống nhất đã trở nên rõ ràng trong sáng tác của hầu hết các nhà văn, nhà thơ. Ý thức đa ngữ trở thành một biểu hiện của ý thức dân chủ và tính hiện đại. Các nhà văn mạnh dạn đưa các “thể loại lời nói” khác nhau vào văn chương, làm cho văn chương biến đổi khác lạ. Trước, các điển tích, điển cố rút ra từ kho tri thức Hán học; các thuật ngữ, khái niệm mới rút ra từ Tân thư; các khẩu hiệu chính trị rút ra từ cuộc sống xã hội được dẫn dụng nghiêm trang thì nay mọi thứ đều có thể bị phỏng nhại. Hàng loạt từ ngữ, điển tích, điển cố có nguồn gốc Âu – Mĩ xuất hiện trong sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam như Lê Đạt, Dương Tường, Trương Đăng Dung, Nguyễn Việt Hà. Các nhà văn thời kỳ Đổi mới ý thức rằng đằng sau ngôn ngữ không phải chỉ là hiện thực, mà là những di sản tư tưởng, văn hóa, tâm lý mang tính liên văn bản. Mỗi trạng thái đa ngữ trong tác phẩm của họ không chỉ phản ánh trạng thái đa ngữ trong đời sống mà là ý thức hướng tới sự đa mã, đa trị, liên văn hóa và đa tiếp cận. Trong công việc biên tập văn hóa, biên tập diễn ngôn rất đặc biệt của mình, các nhà văn muốn kiến tạo một thế giới đa ngữ tích cực nhằm giải kiến tạo các chuẩn thẩm mĩ và chuẩn ngôn ngữ đã thành khuôn sáo. Các nhà văn, nghệ sĩ sau 1986 coi tiếp thu, lai ghép, pha trộn các kỹ thuật Đông – Tây là trò chơi sáng tạo. Bởi thế, chưa khi nào mà các thử nghiệm khác nhau đối với văn chương lại nở rộ và đa dạng như thế trong văn học Việt Nam. Thơ “họa hình”, âm – hình của Dương Tường, thơ Tân hình thức; văn xuôi của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Lê Đạt, Đặng Thân… là những ví dụ. Tìm tòi ngôn ngữ biểu đạt khác nhằm tìm lại cái tôi đã mất hoặc kiến tạo bản sắc cá nhân như một chuẩn thẩm mĩ mới là đặc trưng của các hình thức biểu đạt văn hóa/ văn học Việt Nam trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng vào thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa, kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho văn hóa Việt Nam có diện mạo mới đan xen giữa truyền thống – hiện đại – hậu hiện đại. Nền văn hóa này đang nảy sinh nhiều vấn đề: hiện tượng di dân do từ nông thôn ra thành thị; hiện tượng đô thị hóa và sự biến mất các không gian văn hóa làng quê truyền thống; hiện tượng kinh tế hóa mọi hoạt động văn hóa tinh thần; hiện tượng toàn cầu hóa kéo theo sự du nhập ồ ạt văn hóa nước ngoài dẫn đến nguy cơ mất bản sắc… Về mặt xã hội, sự phân cách giàu nghèo, sự khác biệt về điều kiện vật chất tinh thần đang có nguy cơ nới rộng khoảng cách giữa nhóm thành thị và nông thôn miền xuôi và miền ngược, đồng bào thiểu số và người Kinh đa số, người trẻ và người cao tuổi, nam và nữ; quan chức, thương nhân và người lao động, về cơ bản, thụ hưởng thành quả Đổi mới có sự chênh lệch lớn và chưa công bằng giữa các nhóm tiểu văn hóa. Đã và đang hình thành các tiểu văn hóa với những tiếng nói và khả năng biểu đạt khác biệt có nhu cầu đòi được lắng nghe và được quyền tồn tại. Tiến trình này đồng hành với tiến trình dân chủ hóa xã hội, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế – văn hóa sâu rộng với phần còn lại của thế giới.
Đổi mới kinh tế, toàn cầu hóa, Internet và công nghệ số đã làm thay đổi một cách cơ bản và sâu sắc diện mạo văn hóa Việt Nam đương đại. Đã manh nha hình thành một lớp nhà văn và công chúng mới. Đấy là lớp nhà văn và công chúng đa dạng, đa nguồn, tự do trong viết lách, phát thanh và tiếp nhận. Lớp nhà văn và công chúng này dĩ nhiên sẽ là tương lai của văn hóa/ văn học Việt Nam trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
2. Internet vào Việt Nam: không gian mở của văn hóa/ văn học số và các nhóm văn hóa/ văn học nhỏ phụ
Năm 1997 được xem là cột mốc đánh dấu kỷ nguyên Internet chính thức được sử dụng ở Việt Nam. Trải qua hơn 20 năm trải nghiệm với Internet, nền văn hóa, văn học Việt Nam đã có những thay đổi đột biến: chưa bao giờ chúng ta tự do, hội nhập nhanh, sâu rộng và đồng hành cùng thế giới như bây giờ. Có thể nói, nhờ Internet và các công nghệ, kỹ thuật, dịch vụ kèm theo, chúng ta đã thực sự cùng lúc sống trong cả ba hệ hình tư duy tiền hiện đại – hiện đại – hậu hiện đại. Trong khi vẫn suy nghĩ và biểu cảm như cha ông, nhiều nhà văn và công chúng hôm nay khác biệt với thế hệ trước bởi sự vây quanh của các thiết bị công nghệ số. Máy tính cá nhân, máy tính bảng, các thiết bị nghe nhìn và lưu trữ, điện thoại thông minh… được kết nối với mạng Internet đang trở thành những vật dụng quen thuộc thường ngày, quy định đời sống xã hội của mỗi cá nhân. Bây giờ, thật khó tưởng tượng một đời sống cá nhân mà thiếu vắng email, website, messenger, facebook, youtube, zalo và nguồn điện. Hễ ra đường mà quên mang theo điện thoại, người ta lập tức thấy như thể mình quên hành lý cho một chuyến đi xa. Internet và công nghệ số chính là những nhân tố quan trọng hàng đầu khiến thế giới trở nên phẳng. Với công nghệ số, đời sống kinh tế – chính trị – văn hóa Việt Nam đổi thay từng ngày; một số thói quen thường thấy ở con người đã biến mất hoặc đang bị thay thế, một số thói quen mới hình thành. Sự đổi thay ấy tác động sâu sắc đến đời sống văn hóa/ văn học Việt Nam, hình thành một không gian văn hóa/ văn học mới: không gian văn hóa/ văn học mạng, ở nơi ấy, người viết – văn bản – người đọc đều biến đổi sâu sắc.
Chưa có một định nghĩa thật rõ ràng và thống nhất về văn học số. Người ta thường nghĩ rằng văn học số là bộ phận văn học tồn tại ảo trên mạng Internet. Trong không gian mạng có thể bao gồm tất cả các tác phẩm văn học viết đã từng được xuất bản bằng hình thức sách in, nay được số hóa và phát tán trên Internet, nơi mà bất kỳ ai có nhu cầu đọc đều có thể truy cập, sử dụng tiện lợi với mức chi phí thấp nhất. Về phương diện này, dễ nhận thấy một sự đổi thay trong phương thức bảo tồn, lưu truyền: từ truyền khẩu của văn học dân gian đến sách in, và giờ đây, từ sách in chuyển thành sách điện tử. Đặc biệt, cách thức thưởng thức văn học cũng ít nhiều thay đổi. Thay vì lật giở từng trang sách in để tưởng tượng, phỏng đoán, cảm thụ… giờ đây người đọc dán mắt vào màn hình, đọc các trang sách điện tử hiển thị trên màn hình, cũng để tưởng tượng, phỏng đoán, cảm thụ;.. Quá trình số hóa các sách in, đặc biệt được các cơ sở giáo dục thúc đẩy do chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 chưa cho công chúng trải nghiệm đích thực về văn học mạng bởi bản chất của hoạt động thẩm mĩ dựa trên sự tương tác giữa người đọc và văn bản chưa có những biến động lớn. Tuy nhiên, quá trình số hóa và truyền tải trên Internet, nơi bất kỳ cá nhân nào cũng có khả năng tự biến mình thành một cơ quan lưu trữ, xuất bản và truyền thông, có thể xóa bỏ mọi rào cản và mọi giới hạn về kiểm duyệt, cho phép một sự tự do trong việc truyền bá tác phẩm và tính dân chủ, tính đại chúng trong thưởng thức văn học. Hiện tượng người sáng tác tự xuất bản trên mạng, tự tạo các website hay diễn đàn tương tác với người đọc đã trở thành phổ biến. Hầu như nhà văn, nhà thơ nào cũng sở hữu riêng một tài khoản trên mạng xã hội, nơi các sáng tác mới hoặc các sáng tác vì lý do nào đó chưa được nhà xuất bản chấp thuận phát hành lập tức đến ngay với công chúng. Ở Việt Nam, bắt đầu chứng kiến sự thâm nhập của các comment, website, đường liên kết điện tử vào quá trình kiến tạo văn bản văn học số. Tác giả của văn học số trở thành người biên tập, người quản trị, kết nối văn bản này đến văn bản khác trong không gian mạng. Các nhà văn, nhà thơ có thể trực tiếp lắng nghe các ý kiến phê bình, bình luận, tự điều chỉnh ngay trong quá trình sáng tác. Tuy nhiên, văn học mạng thực sự phải là kiểu sáng tác mà người viết có sử dụng các hiệu ứng, tiện ích của phương tiện truyền thông kỹ thuật số, của Internet và mạng xã hội. Người sáng tác đưa vào tác phẩm của mình các icon, các biểu tượng, các hình ảnh, các kết nối liên mạng, các bình luận trực tiếp của người đọc… Văn học mạng phải là nơi siêu văn bản, trở thành “phương thức phổ biến của việc tổ chức và thực hiện ký hiệu” và “tính liên văn bản được xây dựng thành kiến trúc của siêu văn bản” (Barker), ở Việt Nam, văn học mạng dường như mới là trạm dừng của các văn bản trước khi nó tìm được cách hiện diện trên sách giấy theo kiểu truyền thống. Tuy thế, đã xuất hiện một hình thức biểu đạt mới là ngôn ngữ mạng và một không gian mới của giao tiếp văn học là không gian mạng.
Về nguyên tắc, mọi công chúng đều có thể được hưởng lợi từ công nghệ số và mạng Internet, nhất là khả năng tự toàn cầu hóa chính mình(1). Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng trở thành một thành viên trong cộng đồng mạng, và không phải ai cũng có khả năng đọc/ hiểu được các ký tự, các biểu tượng, các thể loại lời nói mới được tạo ra trong môi trường Internet hoặc có năng lực liên văn bản đáp ứng được đòi hỏi của siêu văn bản. Bởi vậy, tình trạng mù dân số có thể dành cho cả những người có trình độ tri thức cao nhất (thường thuộc về lớp độc giả lớn tuổi). Thêm nữa, trong môi trường mạng, cả tác giả và công chúng nhất định phải thường xuyên hiện diện, tương tác bằng nhiều cách để thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, nếu không sẽ dễ bị lãng quên. Bởi thế mới xuất hiện các hình thức “câu like” hoặc “câu view” để chứ minh mình còn tồn tại hoặc để được chú ý. Muốn “câu like” hoặc “câu view” hiệu quả người ta đã lạm dụng tối đa cách viết gây shock, lối nói giật gân, ngôn ngữ quảng cáo. Với khả năng ẩn danh, lại dễ dàng công bố văn chương trên mạng có thể đề cập đến mọi chủ đề, kể cả những chủ đề húy kỵ hoặc bất khả thực hiện bởi sách giấy. Tuy nhiên, quan sát các sáng tác của văn học mạng, có thể thấy nổi lên chủ đề tình yêu, hôn nhân, ngôn tình, thời trang, công việc nội trợ – những chủ đề thường nhật của cuộc sống đô thị thích hợp với độc giả nữ, người trẻ và sống ở đô thị. Quay lưng, né tránh các vấn đề chính trị – xã hội quan trọng, cốt yếu có thể là hạn chế của văn học mạng.
Máy vi tính và Internet đang truyền bá một hình thái biết chữ mới, bỏ lại sau lưng những người không nắm được hình thái ngôn ngữ mới này, biến họ thành kẻ bên lề thành người ngoài cuộc. Tuy nhiên, theo Umberto Eco, văn học số không có khả năng thỏa mãn tất cả những nhu cầu tri thức chúng ta đang khơi lên, nó có thể lấy mất cái thú vị, cái gu trong việc thưởng thức văn học truyền thống, nơi đòi hỏi người đọc thời gian và sự hợp tác với văn bản và với bối cảnh của nó (2). Bởi vì, một thông điệp văn chương phức tạp thường tỉ lệ nghịch với đòi hỏi tức thời của thói quen lướt mạng. Nhà văn và độc giả dễ bị lôi kéo vào các xu hướng tức thời, hiệu ứng đám đông (còn gọi là “đu trend”), trong khi giữa cái thích của đám đông với cái giá trị không phải lúc nào cũng đồng hành. Thêm nữa, Internet là không gian bùng nổ lượng thông tin khổng lồ, phức tạp, vô hướng và phi chọn lọc, thách thức khả năng định hướng và sàng lọc của con người. Thực tế là kỷ nguyên số đã phân hóa công chúng độc giả, hình thành nhiều tiểu văn hóa trong một văn hóa. Trong sự hăng hái cổ vũ cho văn học mạng, dự cảm đầy âu lo của Eco lưu tâm tất cả mọi người về những đứt gãy văn hóa có thể xảy ra, nhất là sự đứt gãy văn hóa giữa thế hệ độc giả trẻ và già, giữa các tiểu văn hóa nông thôn và đô thị, giữa độc giả nam và nữ, giàu và nghèo.
Văn học mạng rất thích hợp với thơ, các thể ký, tự truyện, nhất là phê bình văn học. Những bài phê bình trên không gian mạng vô cùng phong phú, đa dạng. Phê bình chuyên nghiệp và nghiệp dư, dòng trạng thái (status) và những bình luận ngắn (comment) cùng tồn tại. Công chúng bắt đầu trải nghiệm trạng thái quá tải diễn ngôn phê bình văn học, nơi mà không một ai có thể đủ thời gian đọc hết những bài viết, những dòng trạng thái có tính chất phê bình văn học có trên Internet, mạng xã hội. Các lý thuyết mới và các quan niệm mới về triết học, mĩ học, văn học được cập nhật, giới thiệu ồ ạt xen lẫn vô số các bài phê bình mang tính chất thương mại, quảng cáo, chơi đùa bông phèng và theo sở thích cá nhân. Với những đặc tính của phê bình văn học trong kỷ nguyên số như tính quảng cáo, tính miễn phí, tính xuyên thời gian – không gian, tính đối thoại tản mạn, phê bình văn học trên mạng rất có thể bị các tập đoàn truyền thông và các nhà xuất bản “bắt cóc”, trở thành một mắt xích trong dây chuyền sản xuất tư bản văn hóa với mục tiêu chính là gây ấn tượng và thuyết phục nhằm bán hàng cho các ông chủ xuất bản. Phê bình văn học trở nên giàu có và dân chủ hơn nhờ đóng góp của những người không chuyên về văn chương. Nhưng phê bình văn học chuyên nghiệp bị thách thức, bị tước bỏ tính đặc tuyển, không còn là lĩnh vực chỉ dành cho một số ít tinh hoa; nó bị giải chuyên nghiệp hóa, dần trở thành một hiện tượng đại chúng. Những bình luận, dòng trạng thái (comment, status) có tính chất phê bình văn học thường là những phản hồi tức thời của người đọc, làm cho đời sống văn học sôi động, dân chủ, kết nối kịp thời, nóng hổi khâu sản xuất với tiêu dùng văn hóa/ văn học. Tuy nhiên, ở đó khó có những diễn giải thật tinh tế, thật nghiêm túc vốn cần đến tài năng, thời gian, cộng đồng đọc duyệt. Trong bối cảnh Việt Nam, nơi thơ ca được in chủ yếu để dành tặng và dành tặng để nhận được sự đáp lễ là giới thiệu trên mạng xã hội, thành thử Internet và mạng xã hội là môi trường sống thuận lợi của thơ ca và phê bình văn học. Phê bình văn học rất khó thành một nghề nghiệp nghiêm chỉnh mà có xu hướng trôi dạt về phía trò chơi giải trí và liên kết nhóm xã hội: phê bình như một thú tao nhã, một nỗ lực liên kết tình cảm cá nhân. Đó có lẽ là tình thế dành cho phê bình văn học trong kỷ nguyên số.
Tương tác và kết nối, xét đến cùng, chính là hiệu ứng của kỷ nguyên công nghệ số. Nhu cầu tương tác và kết nối trong thời đại này đạt đến mức cao nhất. Điều này có thể thấy ở những nhóm xã hội/ văn hóa khác nhau. Người ta có thể kết nối ảo ngay cả khi đang đối diện, họp nhóm, họp hành biểu quyết những việc quan trọng. Thế giới ảo làm người ta mất tập trung vào thế giới thực. Thậm chí người ta dần quên thế giới thực để sống với thế giới ảo. Trên báo chí đã xuất hiện nhiều bài viết cảnh báo tình trạng những kẻ nghiện games phạm tội vì không còn khả năng phân biệt thế giới thực và thế giới ảo; những người già chết trong cô độc không ai biết dù máy tính của họ đang kết nối và họ có một mạng lưới bạn ảo khắp toàn cầu. Nhờ Internet mà người ta có thể kết nối, trò truyện, tâm sự với những người chưa bao giờ gặp, ở những không gian vô cùng xa lạ. Nhưng từ kết nối ảo đến kết nối thực có thể không bao giờ xảy ra. Mới đây Công ty Facebook đã đổi tên thành Meta và hướng đi của công ty này là xây dựng một thế giới ảo song song với thế giới thực dựa trên công nghệ thực tế ảo. Thế giới thực sẽ bị thế giới ảo cạnh tranh quyết liệt hơn. Tình trạng “hồn lìa khỏi xác”, chu du trong xã hội tưởng tượng sẽ không còn là phép lạ của riêng Tôn Ngộ Không. Đây sẽ là một thách thức đối với văn chương, bởi với văn chương không có thế giới ảo được làm sẵn để chờ người đọc thụ động tiêu thụ: người đọc phải chủ động tưởng tượng, nhập tâm và cảm nhận thế giới ấy như là thế giới dành riêng cho mình. Trong chiến lược của Meta, rất có thể không gian ảo sẽ tràn ngập hàng hóa ảo, điều hầu như xa lạ với các xã hội tưởng tượng do văn chương sáng tạo ra. Văn chương vốn là môn nghệ thuật phổ cập nhất của loài người, cũng là môn nghệ thuật đòi hỏi nỗ lực tinh thần khi tiếp nhận nó liệu có nguy cơ bị thu hẹp và trở nên xa xỉ trong thế giới ảo của con người tương lai?
Người dùng Internet thường có thói quen lướt web, lướt “phây” để tìm kiếm thông tin. Lướt chứ không đọc thật kỹ. Tìm thấy thông tin nhưng ít có nhu cầu ghi nhớ, suy ngẫm, vì chỉ cần mấy giây truy cập là lập tức có thể lục lọi mọi thông tin trên Internet. Thông tin cũng ít được kiểm chứng, và các thông tin sai lầm được lan truyền nhanh hơn tốc độ hiệu chỉnh và đính chính các lỗi đó (3). Cộng đồng độc giả trên mạng sẽ mang thói quen mới này khi tiếp xúc với văn bản văn học số. Họ lướt chứ không đọc kỹ, hoặc có đọc kỹ thì không thể kiên nhẫn đọc những văn bản trường thiên, những kiến trúc lớn, những thể phức tạp (4). Ngắn trở thành lựa chọn của kỷ nguyên văn học số. Thêm nữa, tương tác trong không gian internet thường mang tính trực tiếp, tức thời, nặc danh. Tính trực tiếp khiến thói quen gián cách và hiệu ứng thẩm mĩ gián cách đã được những uy tín lớn như Bertolt Brecht cổ zúy và xây đắp đang có nguy cơ phai nhạt. Mỗi người có thể cùng lúc dùng nhiều “nickname” khác nhau, “chat” với nhiều bạn khác nhau, chấp nhận cùng ảo và ít chịu trách nhiệm về mọi lời nói trong không gian ảo. Điều này khiến cho tương tác trong không gian ảo ít tính chất tự kiềm chế, ít có thời gian suy ngẫm nên thiếu sâu sắc, thậm chí nhiều khi nông cạn, hời hợt. Những bình luận và nhận xét nặc danh và ảo thường thiếu khả năng tự vấn, tự phê phán một cách nghiêm khắc. Đặc biệt, nó không cần đến tính nhất quán được điều khiển từ một hệ tiêu chuẩn thẩm mĩ xác định. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên trên không gian ảo, nhiều người tự xem mình là những người thích “chém gió thích “nổ”, thậm chí viết/ nói ngược lại với điều vừa viết/ nói trước đó hoặc đã viết trên sách/ báo giấy. Bởi thế, chưa lúc nào khả năng kết nối giữa nhà văn và người đọc lại nhanh chóng, tức thời, đa dạng nhưng tiềm ẩn tính lỏng lẻo, sự hời hợt tính hai mặt như lúc này.
Văn học mạng khơi ra vô số bình luận nhưng tránh né các đối thoại nghiêm túc. Văn học mạng thách thức vẻ đẹp “trong kích thước và trật tự” kiểu truyền thống. Tuy nhiên, Thomas L. Briedmnn lạc quan cho rằng kỷ nguyên số mang tính cách mạng ở chỗ làm biến đổi cách tiếp cận từ tĩnh tại và bị động sang cách tiếp cận chủ động, tham dự và dân chủ. Rõ ràng kỷ nguyên số thỏa mãn nhu cầu nhân văn của con người. Đó là nhu cầu được biểu đạt, tham dự và được nghe thấy ý kiến của mình. Khi tham dự trò chơi tương tác trong môi trường ảo, ai cũng được thỏa mãn nhu cầu trở thành người điều khiển ngôn từ, ký hiệu và biểu tượng. Đối với sáng tác văn học, người đọc trở thành đồng tác giả, cùng điều khiển trò chơi văn bản, trò chơi ngôn ngữ và trò chơi biểu tượng.
Toàn cầu hóa trong kỷ nguyên văn hóa/ văn học số đã khiêu khích và đặt ra những câu hỏi khó: Đâu là bản sắc văn hóa Việt Nam trong văn hóa toàn cầu? Đâu là chuẩn giá trị của cái tôi trong không gian ảo? Văn hóa/ văn học số là thể thống nhất, thuộc về đại chúng hay nó phân tán và chỉ thuộc về các nhóm tiểu văn hóa? Tiêu chí nào để thẩm định văn chương, phân biệt các giá trị? Làm thế nào để thông qua Internet và mạng xã hội, nhà nước quản lý, hỗ trợ phát triển và cung cấp có chọn lọc các sản phẩm văn hóa phù hợp với mục tiêu, tầm nhìn của mình?
Những vấn đề đặt ra với văn học Việt Nam sau năm 1986 trên nền những biến đổi sâu rộng về cơ tầng văn hóa khiến cho việc tiếp cận văn chương từ góc độ văn hóa cũng biến đổi linh hoạt. Trong những biến đổi đó, tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa đòi hỏi những viễn cảnh và tầm nhìn mới, ở đó văn hóa đúng nghĩa là xóa nhòa các ranh giới, chấp nhận tính đa chuẩn. Diễn ngôn phê bình văn học từ góc nhìn văn hóa không phải là tạo ra sự cách biệt mà là tạo ra sự thông hiểu lẫn nhau, thu hẹp các khoảng cách và bất đồng. Người nghiên cứu, phê bình lĩnh hội phản hồi mọi hiện tượng văn học như là những thực hành biểu đạt văn hóa cốt để thấu hiểu, liên kết, dung hợp hơn là để xa lánh, cô lập, loại trừ, can thiệp thô bạo, có khả năng gây tổn thương sâu sắc cho các nhóm tiểu văn hóa yếu thế.
T.S. Nguyễn Văn Thuấn
Tài liệu tham khảo:
1. Phan Tuấn Anh (2020), Những khu vực văn học ngoại biên, Nxb. Hội Nhà văn.
2. C. Barker (2011), Nghiên cứu văn hóa: Lý thuyết và thực hành (Đặng Tuyết Anh dịch), Nxb. Văn hóa thông tin.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 57, Nxb. Chính trị Quốc gia.
4. Jean-Claude Carrière & Umberto Eco (2014), Đừng mơ từ bỏ sách giấy (Hoàng Mai Anh dịch), Nxb. Thế giới.
5. Nguyễn Hưng Quốc, (2010), Văn học Việt Nam thời toàn cầu hóa, Nxb. Văn mới, USA, Hoa Kỳ.
6. Tô Huy Rứa & Hoàng Chí Bảo (Đồng chủ biên, 2017), Nghiên cứu chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật.
Chú thích:
1. L. Friedman Thomas (2011), Thế giới phẳng, Nxb. Trẻ
2. Umberto Eco (2004), Đi tìm sự thật biết cười (Vũ Ngọc Thăng dịch,) Nxb. Hội Nhà văn
3. L Friedman Thomas (2011), Sđd.
4. Umberto Eco (2004), Sdd.