Lao động nghệ thuật là lao động sáng tạo có tính đặc thù cao, mang đậm dấu ấn cá nhân, bản lĩnh, tài năng và tâm huyết của mỗi văn nghệ sĩ. Để có được những tác phẩm VH, NT có giá trị, mỗi văn nghệ sĩ phải thực sự là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên tâm với nghề nghiệp, sở thích, có cái nhìn khách quan, biết tích lũy vốn sống một cách cần mẫn và có sự cảm nhận tinh tế, những phán xét công bằng, hợp tình, hợp lý với sự kiện, sự việc mà mình tâm đắc và dày công nghiên cứu. Trong môi trường sáng tạo VHNT chung ấy, 5 năm qua cùng với những đổi thay kỳ diệu của quê hương, đất nước là những đổi thay trong cách nghĩ, cách sáng tạo của mỗi VNS đất Tổ đã làm cho vườn hoa VHNT Phú Thọ ngày thêm khởi sắc, góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, VH, NT của quần chúng nhân dân lao động.
5 năm – một chặng đường chưa phải đã dài, nhưng cũng đủ để thấy được những việc VNS đã và đang làm. Nói về những nỗ lực của đội ngũ VNS, chúng ta có thể thấy ở nhiều góc độ trong nhiều lĩnh vực hoạt động. Nhà thơ Trần Thị Nương cho biết, chị rất mừng được trở lại quê cha đất Tổ sau nhiều năm công tác xa quê. Nữ thi sĩ tâm sự: chị nhận thấy không có ngọn măng nào trở thành cây tre cứng cáp mà không cần sự đùm bọc, che chở, dìu dắt giúp đỡ của cả làng tre… Những bài viết ban đầu của chị rất ngây thơ, ý tưởng chưa sâu nhưng bằng sự cảm nhận tinh tế của người làm thơ, sự ánh xạ của bạn bè văn chương, chị đã lớn lên từ đó. Chị từng viết “Người thợ rừng, người đi lên cao/ Vượt mọi gian lao bằng đôi chân đất/ Mắt dõi nhìn những cây thẳng nhất/ Ưng ý rồi cưa đổ mới thôi…” (Người thợ rừng). Và, đây nữa, chị viết “Mé đồi xanh mênh mông/ Nghé suốt đời ăn cỏ/ Mà làm nên hạt lúa/ Đi vực nào… nghé ơi!” – (Vực nghé). Từ những bước đi chập chững ban đầu đó, khi đã trở thành nhà thơ Việt Nam như hiện nay, mặc dù đã nhận được nhiều giải thưởng văn học ở Trung ương và địa phương nhưng với chị viết văn là một nghiệp chướng đầy cam go, nghiệt ngã. Trước mỗi chân trời mới, người làm thơ không cách nào khác là lại bắt đầu từ một đường cày mới, vật vã, gian truân may ra mới có những câu thơ găm lại trong lòng bạn đọc. Bộc bạch về tâm trạng của một nhà thơ đã ở vào tuổi chín, chị nói: Thiết nghĩ, muốn có văn chương đích thực thì người cầm bút trước tiên phải là con người chuẩn chỉ về đức nghĩa ấy là chưa kể phải có năng khiếu và tài năng thì tầm của câu thơ, của tác phẩm mới đi xa được, còn ngược lại là thứ văn chương hời hợt, xun xoe, lễnh loãng thì chắc chắn tác phẩm sẽ chỉ thuộc dạng “Súng thần công thì dài mà tầm đạn đi lại ngắn”. Và chị gửi gắm: Hội VHNT – ngôi nhà chung ấm áp của bầu bạn văn chương những thập kỷ qua luôn để lại trong lòng chị những ấn tượng đẹp đẽ. Nơi ấy, chị đã dành trọn gần cả cuộc đời để “Tìm mật trong cây tìm thầy trong bạn” và là nơi chắp cánh cho chị bay lên.
Nói về những tâm tư của mình đối với hoạt động VHNT Phú Thọ, họa sĩ trẻ Nguyễn Quang Hưng nhận định những năm qua Hội LH VHNT luôn đóng vai trò nòng cốt trong sự nghiệp chung của đất nước, trong đó có sự nghiệp VHNT quê hương đất Tổ Vua Hùng. Hội đã tổ chức được nhiều hoạt động gắn với việc thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa NQTW 9 (khóa XI) và NQ 23 của Bộ Chính trị (khóa X) lồng ghép với phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ đó đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác của hội viên, khuyến khích, động viên VNS tích cực sáng tạo nhiều tác phẩm có chất lượng. Hướng tới Đại hội lần thứ IX Hội LH VHNT Phú Thọ, nhiệm kỳ 2020 – 2025, họa sĩ mong muốn Hội cần tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, quan tâm đổi mới nội dung hoạt động VHNT trong tình hình mới, từng bước phát triển phong trào một cách phong phú và đa dạng, tạo điều kiện để hội viên có cơ hội phấn đấu phát huy tài năng, năng lực sáng tạo, có giải pháp nhân rộng điển hình VNS tiên tiến cũng như các tập thể Chi hội tiêu biểu nhằm góp phần phát triển VHNT tỉnh Phú Thọ vững mạnh. Tiếp tục tăng mức đầu tư cho VHNT, nhất là cần tập trung đầu tư, hỗ trợ cho các sáng tác chất lượng cao, đa dạng về nội dung, hấp dẫn về đề tài, phong phú về thể loại. Đảm bảo kinh phí cho các chương trình hoạt động lớn đi đôi với xây dựng Đề án bảo tồn, truyền bá các loại hình VHNT cổ truyền. Khuyến khích trao thưởng những tác phẩm VHNT gắn với đời sống người lao động, với phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp tục tổ chức các cuộc thi, sáng tác, biểu diễn, triển lãm, liên hoan… truyền bá sản phẩm VHNT có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao. Từng bước xây dựng đội ngũ VNS chuyên nghiệp có năng lực, phẩm chất đạo đức và sức sáng tạo cao, trong đó chú trọng quan tâm đến đội ngũ sáng tác trẻ. Nguyễn Quang Hưng đề nghị, Hội cần bám sát thực tiễn mới của VHNT Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, quán triệt sâu sắc quan điểm định hướng của Đảng về VHNT để tổ chức các cuộc giao lưu với các Hội VHNT trong nước và các Trung tâm, các Quỹ văn hóa quốc tế. Song song với đó cần có biện pháp ngăn chặn, chống lại một số khuynh hướng sáng tác có biểu hiện cực đoan, xuyên tạc bóp méo lịch sử đi ngược lại đường lối văn nghệ của Đảng, ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Đại diện Chi hội Nghiên cứu lý luận phê bình, tác giả – thạc sĩ Chu Thị Hảo lại nhận định: Tác phẩm văn chương là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ. Tác phẩm ấy chỉ thực sự bắt đầu vòng đời của nó khi đến tay bạn đọc, được bạn đọc tiếp nhận và thưởng thức, trong đó có các nhà nghiên cứu phê bình văn học – người giữ vai trò quan trọng làm nên sức sống lâu bền của tác phẩm VHNT. Nhiều năm trở lại đây, công tác nghiên cứu phê bình VHNT ở Phú Thọ đã có những đóng góp quan trọng trong việc tái hiện diện mạo VHNT của tỉnh nhà. Các bài nghiên cứu, giới thiệu thơ, văn, âm nhạc, sân khấu, hội họa của hội viên đã gióp người đọc hiểu sâu sắc hơn giá trị của mỗi sáng tác văn chương, cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ; cái hay cái đẹp của nghệ thuật hội họa, âm nhạc… Có thể kể đến những bài nghiên cứu như : Truyền thuyết “Bọc trăm trứng” và con số 100 (Dương Huy Thiện), Kim Dũng với những câu lục bát bỏ bùa (Nguyễn Thị Mai), Màu nắng sáng trong “Thắp lại mùa tôi” của Nguyễn Vĩnh (Đoàn Hải Hưng), Đôi điều cảm nhận về tập thơ “Dấu mùa của Phạm Quang Nhuận (Phương Nguyên), Gặp Dư Hồng Quảng giữa “Nhịp đời muôn nẻo” (Đỗ Xuân Thu), Một ca khúc chất chứa tiếng lòng của người lính biển của nhạc sĩ Khánh Nhung (Phạm Thị Thu Hà)… Cùng với việc tái hiện diện mạo VHNT của tỉnh, các bài nghiên cứu phê bình của hội viên về những tác phẩm văn học trong nhà trường đã trở thành nguồn tài liệu tham khảo quý cho người dạy và học. Đó là: Bình luận văn chương (Nguyễn Đình Vỵ), Cảm nhận văn chương (Lê Như Kỳ), Bác sống như trời đất của ta (Triệu Hồng); một số bài nghiên cứu như : Không gian văn hóa và con người miền núi trong bài thơ “Nói với con” của Y Phương (Nguyễn Thế Lượng), Vẻ đẹp văn hóa đất kinh kỳ qua truyện ngắn Một người Hà Nội (Chu Thị Hảo), Đôi điều quanh bi kịch cuộc đời của Chí Phèo (Hoàng Loan)… Người đọc, người dạy và học rất cần những bài viết về phong cách cá nhân, quan niệm nghệ thuật về con người, thời gian, không gian nghệ thuật, triết lý nhân sinh, chi tiết, ngôn từ, giọng điệu. Tất nhiên để có những bài nghiên cứu phê bình chất lượng đòi hỏi người nghiên cứu phê bình phải có đủ tầm. Nghĩa là có vốn kiến thức sâu rộng về tác giả, tác phẩm, lý luận văn học, lý luận ngôn ngữ. Có như vậy mới tránh được lối viết sáo mòn, hoặc đề cao, ngợi ca chung chung, hoặc khen không đúng, không trúng, hoặc phê phán thái quá. Cái tầm của người nghiên cứu rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là cái tâm của họ. Người nghiên cứu phê bình có cái tâm trong sáng, chân thành sẽ khơi gợi được ở người đọc những cảm xúc thẩm mĩ nhất định. Nói về điều này, thạc sĩ Chu Thị Hảo khẳng định đây chính là những phẩm chất cần thiết của người làm công tác nghiên cứu phê bình và chữ “tâm” chính là yếu tố quyết định nội dung.
Là nghệ sĩ sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Vũ Văn Viết vô cùng tâm đắc với câu nói của V.I.Lênin “Nghệ thuật thuộc về nhân dân” hay nói rõ hơn, nhân dân chính là cái đích của nghệ thuật. Và vì thế, tác phẩm VHNT hãy để nhân dân thưởng thức và họ sẽ đánh giá, lựa chọn món ăn tinh thần phù hợp với họ. Từ cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, nhạc sĩ rút ra được những bài học vô giá về giá trị nghệ thuật của tác phẩm, đó là, để đến được với quần chúng nhân dân, nghệ thuật cần phải được quảng bá bằng các lợi thế riêng của mỗi loại hình. Các chức năng chính của nghệ thuật như giáo dục, định hướng, thẩm mỹ lan tỏa một cách sâu rộng trong nhân dân và tạo nên mặt trận mới đó là tư tưởng. Khách quan mà nói thì trong nhiệm kỳ 5 năm (2015 – 2020) qua, đội ngũ VNS Phú Thọ nói chung, trong đó có lĩnh vực âm nhạc nói riêng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu chất lượng. Nhiều tác phẩm VHNT có giá trị nghệ thuật cao được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận và đánh giá cao, cá biệt có tác phẩm vượt ra ngoài tầm quốc gia, đến với bạn bè quốc tế. Những thành tựu đó đòi hỏi VNS phải đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp sáng tạo, hướng về lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc và điều đáng quan tâm là VNS phải vượt lên chính mình. VHNT được sáng tác ra rất cần được quảng bá rộng rãi, được các cơ quan thông tin đại chúng đón nhận và tuyên truyền, giới thiệu trong nhân dân, đến với nhân dân, từ đó góp phần vào việc cải biến xã hội bằng những giá trị của chân – thiện – mỹ, hướng tới đỉnh cao của sự sáng tạo là một xã hội văn minh, an toàn, công bằng. Vì thế, theo ông, hoạt động quảng bá, giới thiệu tác phẩm của VNS Phú Thọ không chỉ nằm trong phạm vi hẹp là giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ mà rất cần được tổ chức rộng rãi trên báo Đảng tỉnh, Đài PTTH và hơn hết là các sự kiện triển lãm, liên hoan, đêm thơ nhạc, sân khấu, giao lưu, tọa đàm, hội thảo trong và ngoài tỉnh để các VNS vừa có dịp được cọ xát với thực tế sáng tác, vừa có dịp thể hiện bản lĩnh, tài năng của mình và trên hết là để tác phẩm VHNT đến được với đông đảo công chúng.
Đánh giá về hoạt động Hội và vai trò của VNS, nghệ sĩ Hoàng Tự Dung – Trưởng Chi hội Sân khấu không khỏi tự hào: từ sự phấn đấu cống hiến không biết mệt mỏi của anh chị em VNS mà Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ đã giành được nhiều kết quả tốt đẹp trên nhiều mặt, trở thành mái nhà chung, là nơi quy tụ các VNS, tạo cảm hứng cho họ có những sáng tác mới. Nhiều chuyên ngành đã đạt được thành tích xuất sắc trong đó có Chi hội Sân khấu qua các đợt Liên hoan, Hội thi, Hội diễn… và được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đồng thời thâm nhập sâu sắc vào đời sống nhân dân trong tỉnh nói riêng và đóng góp tích cực vào sự nghiệp sáng tác VHNT của cả nước nói chung. 5 năm qua Chi hội Sân khấu đã sáng tác, dàn dựng và biểu diễn, đóng góp vào phong trào VHNT của tỉnh các hoạt động sân khấu với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Ca kịch, kịch nói, kịch ngắn, tiểu phẩm, ca cảnh, trích đoạn, tham gia biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị nhân dịp các ngày Lễ, ngày Kỷ niệm của tỉnh; của đất nước, các chương trình tuyên truyền phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật của nhà nước trên các lĩnh vực: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Phòng chống tệ nạn ma túy; Trật tự an toàn giao thông; Phòng chống HIV – bạo lực gia đình, bạo lực học đường, sức khỏe sinh sản; Xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư… Nhiều tác giả như Nguyễn Việt Thắng, Hoàng Tự Dung, Trọng Bằng, Quốc Giới, Duy Phượng v.v đã có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp sân khấu Phú Thọ những năm qua lên một tầm cao mới. Những kết quả đạt được là sự cố gắng rất lớn của đội ngũ hội viên, song trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, sự hội nhập trên mọi mặt của đời sống đã tạo nên những thách thức, những áp lực không nhỏ cho đội ngũ VNS, đòi hỏi chúng ta phải có một tâm thế nhân sinh quan kiên định, một tinh thần đổi mới rộng mở và có những sáng tạo mang tính đột phá để có thể tiếp tục cho ra đời những đứa con tinh thần đầy khỏe mạnh góp phần tạo nên diện mạo mới cho không gian VHNT tỉnh nhà. Để giúp cho hội viên vượt qua những trở lực đó, nghệ sĩ mong muốn Hội tiếp tục quan tâm hơn nữa một số lĩnh vực như: Tiếp tục mở các trại sáng tác cho các chuyên ngành, có chính sách cho một số chuyên ngành mà hiện nay tính xã hội hóa thấp như chuyên ngành Múa và Sân khấu; Các Hội chuyên ngành TW tiếp tục tạo điều kiện cho hội viên ở tỉnh được tham gia các trại sáng tác của TW để anh em có điều kiện học hỏi kinh nghiệm chuyên môn; Công tác hỗ trợ đầu tư sáng tác hiện nay còn dàn trải chưa hiệu quả cần được đổi mới có trọng điểm, đầu tư cho những ý tưởng có khả thi cao, song cũng cần có sự ưu tiên cho một số lĩnh vực như Sân Khấu, Lý luận phê bình…
Phải khẳng định rằng, từ trong gian khó, đội ngũ VNS Phú Thọ dưới sự chỉ đạo, định hướng của Hội VHNT trước đây và Hội LH VHNT hiện nay, đã không ngừng được kiện toàn, phát triển và có nhiều nỗ lực vượt lên, đi sâu vào đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc để sáng tạo nên những tác phẩm văn chương, nghệ thuật có sức sống lâu bền với thời gian. Trải qua 8 kỳ Đại hội, Hội LH VHNT tỉnh đã ngày càng trưởng thành và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh vững mạnh. Điều đó làm nên vị thế của tổ chức Hội không thể thiếu trong đời sống xã hội, xứng đáng là ngôi nhà chung ấm áp của VNS trên quê hương của các Vua Hùng.
Vũ Kim Liên