Xuân là mùa lễ hội, là lúc người ta mời rượu ép rượu nhau nhiều nhất và được phép uống mà không bị trách cứ, nên chỉ thấy bài hát gắn rượu với xuân chứ không phải mùa nào khác. Trong các chương trình ca nhạc đón xuân và cả ở nhạc chờ trong điện thoại có thể bắt gặp Ly rượu mừng (Phạm Đình Chương), Rượu xuân (Quỳnh Hợp), Rượu cưới ngày xuân (Đinh Trầm Ca)…
Rượu nhân thêm niềm vui gặp gỡ trong những ngày xuân. Rượu kéo mọi người xích lại gần nhau hơn, cởi mở hơn, thật lòng hơn. Bởi thế người xưa mới nói “rượu vào lời ra” và “rượu ngon phải có bạn hiền”. Mừng xuân đón tết hay hội hè lễ lạt, tiệc tùng cưới hỏi hay cúng giỗ ma chay…, người ta đều uống để giao lưu kết bạn hoặc sum vầy giãi bày, chúc tụng chung vui hoặc chia buồn tiễn biệt.
Không chỉ đưa đẩy cho câu chuyện trôi hơn nồng hơn, rượu còn giải khuây lúc cô đơn muộn phiền, làm vợi đi nỗi lo nỗi đau. Và cái thứ dung dịch cay – đắng – chát ấy còn là chất men kích thích sáng tạo. Đâu phải ngẫu nhiên tao nhân mặc khách xưa có câu “bầu rượu túi thơ”. Lý Bạch xuất thần thơ trong rượu nên có danh xưng không chỉ Thi Tiên mà còn là Tửu Tiên, Túy Thánh.
Uống để thăng hoa cùng đất trời, để hát ca bên nhau cho trọn cái chữ “tình”. Uống để buông những mê muội và quên mọi lầm lạc, để vứt bỏ cái vỏ tự tạo và trở về với con người thật nhất của mình. Vậy thì uống đâu chỉ cho vui trong cơn bốc đồng, mà sâu xa hơn thế, uống để cùng ngẫm và ngộ sự đời. Tửu ca của Phó Đức Phương là như thế.
Rượu đôi ba ly uống cạn cái chữ tình
Xoay đất trời về thuở bình minh.
Thuở bình minh còn có thể là mùa nào khác ngoài xuân – mùa khởi đầu năm mới, mùa khởi đầu sự sống mới. Thuở bình minh cũng là giai đoạn nguyên sơ của đời người. Dường như nhạc sĩ mượn rượu để triết lý về mùa của sự tái sinh, về cái tôi thuần khiết mà cuối đời ông sẵn lòng phá tung tất cả để trở về với bản thể cá nhân. Vạn vật cùng xoay theo vòng quay tạo hóa: đi hết tứ quý lại về với xuân, đi hết thế gian lại quay về nhà ta, đi hết nhân gian lại trở về chính mình, và cuối cùng, đi hết cõi trần để về cõi trời.
“Ngược xuôi bôn ba nay ta về nhà ta”, nơi mênh mông lá hoa trăng tràn bốn bề, nơi không còn khắc khoải âu lo những đợi những chờ. Chắc không tình cờ mà ban đầu ca khúc được đặt tên Về nhà. Phó Đức Phương vốn đau đáu với sự trở về không chỉ một lần. Ông rưng rưng về thăm lại miền quê: “Nơi bền lâu là nơi lắng sâu/ Thiếu quê hương ta về đâu” (Về quê). Ông phấn khích về nguồn nhập hồn vào những nhân vật huyền thoại trong những hùng ca sử thi: “Đi hết cõi hữu hình, ta vào miền vô ảnh” (Bài ca Thần chim Lạc).
Về, với Phó Đức Phương còn có nghĩa là kết thúc một đoạn đường đời “lắm vực nhiều khe” để ta về với ta, ta lại là ta. Con người đa đoan ở thời điểm viết Tửu ca đã tâm sự với bạn bè: “Đến lúc tớ quay lại với sáng tác thôi!”. Và ông đã “trút đi gánh nặng đường xa”, chuyển giao trọng trách quản lý Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc do ông sáng lập và dốc bao tâm huyết gần hai chục năm. Như mùa xuân trở lại khởi đầu chu kỳ mới, Phó Đức Phương lại hào sảng “dong cánh buồm cho thuyền lộng gió”, lại nồng nàn nhiệt huyết theo về quá khứ linh thiêng với ước mong cuối cùng là kịp “âm nhạc hóa” những trang sử Việt đầy hào khí.
Trở lại với tiêu đề bài hát. Có lẽ tên gọi Tửu ca hợp hơn với tính đại chúng. Tinh thần cộng đồng còn thấy rõ ở phần tên tác giả. Say là lúc thật với lòng mình nhất, dễ bộc lộ cái tôi của mình nhất, nhưng cũng lại dễ hòa đồng nhất. Muốn đề cao tình “tửu hữu”, muốn trao tặng tác quyền cho tất cả các “bạn mình” (nhạc sĩ vẫn gọi vui bạn nhậu như thế kể cả người kém vài chục tuổi), ông ghi vào mục tác giả không phải tên mình mà là NNUR – những người uống rượu – và tuyên bố bài hát là “của chúng mình”.
Còn chờ gì nữa tỉnh lại thôi
Men đây môi ấy vơi đầy đầy vơi
Quên đi quên nữa sẽ tỉnh dần thôi…
Âm nhạc cứ thế chao đảo vơi đầy đầy vơi, tỉnh tỉnh say say… Say men đấy mà lại rất tỉnh đời! Chuyển tải ý nghĩa sâu xa sự đời trong lời ca là giai điệu hết sức giản đơn, dễ vào dễ thuộc, chỉ nghe vài lần có thể hát theo được, nhất là câu dạo.
Câu dạo trong bản phổ chỉ có giai điệu kèm chú thích là nhạc đệm, thực tế nét nhạc này được truyền miệng thành lời “rênh rênh tá tà rênh tá ta rềnh tá ta rềnh”. Đoạn “đệm nhạc mồm” bằng những từ vô nghĩa thường được diễn tấu với giọng lè nhè lặp đi lặp lại không biết mệt của người say. Chính điệp khúc “rênh rênh” là chất men lôi kéo người nghe nhập cuộc cùng người diễn, hợp thành một nhóm lên đồng và biến Tửu ca thành bài hát tập thể nhộn nhạo hài hước, mà hài khúc và bài hát tập thể là loại bài đang cần mà vẫn thiếu trong nhạc Việt.
Với vai trò mở – nối – kết, đoạn dạo tạo nên cấu trúc quay vòng như rondo, cứ loanh quanh mãi không dứt và muốn hát đến bao giờ cũng được. Đã nhậu lai rai thì tới hồi kết ngay sao được! Chia đều bài hát thành ba đoạn vuông vắn và cân đối, câu hát “rênh rênh” vừa giống mấy nhịp đệm “lưu không” trong hòa tấu cổ truyền, vừa tạo hiệu quả lối hát xướng – xô trong dân gian.
Chất dân gian còn thấy rõ trong thang âm ngũ cung không bán âm thuần túy ứng với điệu Nam ai (d-f-g-a-c), ở tiết tấu nhấn lệch (syncope) lắc lư đưa đẩy, và đặc biệt các khúc dạo còn vang trên cái nền bát nháo những câu thoại bỡn cợt gây cười rất gần với tấu hài của chèo.
Một ca khúc đơn giản mà đa nghĩa, không nặng về thủ thuật sáng tác và kỹ thuật thanh nhạc mà lại có “đất diễn” cho người hát. Phải nói là phong cách thể hiện cũng rất quan trọng với người ưa thích tính sân khấu như Phó Đức Phương. So với những bài ca trữ tình nồng nàn trước đây hoặc sử thi hoành tráng sau này của ông, thì Tửu ca là một góc khác, độc và lạ mà vẫn “rất Phó Đức Phương”.
Sau khi “trình làng” một cách ngẫu hứng trong một cuộc họp mặt Hội Âm nhạc Hà Nội (2014) mà tác giả còn phải cầm sổ tay xem lời, Tửu ca luôn được tác giả cùng “Những Người Uống Rượu” nổi hứng hòa giọng trong các cuộc giao lưu của giới nhạc, các buổi họp mặt tất niên đón chào năm mới của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong tiết mục sôi động đó tác giả luôn giữ vai “chủ chòm” vì không ai “phiêu” Tửu ca bằng cái giọng khàn khàn điên điên hay như ông, vừa bốc vừa thấu, vừa đùa vừa thật. Cứ thế bài hát đi vào đời sống xã hội theo cái cách mà dân ca được truyền khẩu trong nhân gian.
Tửu ca còn được sử dụng khá hiệu quả trong phim truyền hình nhiều tập Thương nhớ ở ai của Lưu Trọng Ninh (2017). Biết vậy, nhưng chính tác giả còn chưa kịp nghe phiên bản điện ảnh trước khi dong buồm về chốn tiên cảnh (2020).
Chợt nhận ra rượu cũng là chất lỏng, bảo sao cái thức uống có cồn lại dễ bén duyên dễ thành men say cho một người mệnh thủy có gốc gác từ vùng văn hóa lúa nước châu thổ sông Hồng, một tác giả đắm đuối ngược xuôi theo dòng chảy sông suối hồ biển và đã thành công đến mức được mệnh danh là “nhạc sĩ của sông hồ”.
Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu (Theo Hoinhacsi.vn)