Nhìn tâm bệnh của người kỳ thực là để thấy tâm bệnh của mình. Trái tim con người nhiều thương tích, linh hồn con người đầy rẫy thương tâm. Nhất là càng tiến về kỷ nguyên hậu công nghiệp, hậu kỹ nghệ thì thể trạng văn chương càng mắc phải nhiều hội chứng. Nhưng cũng chính vì vậy, con người cần lắm những áng văn có thể nâng đỡ tâm hồn, có thể cứu chữa (hoặc chí ít an ủi) tâm hồn trước một thiên niên kỷ đầy biến động!
- “Chỉ để làm điên! Chỉ làm thi sĩ!”
Sau hành trình tư tưởng miệt mài, Nietzche rơi vào tình cảnh loạn thần. Đầu năm 1889, Nietzsche gây náo động trên đường phố Turin. Lý do được cho là ông cảm thấy bị kích động sau khi nhìn thấy con ngựa bị đánh trên quảng trường. Ông chạy tới bảo vệ con ngựa, đến nỗi ngã vật ra. Vài ngày sau đó, ông viết nhiều bài viết ngắn, được gọi là “những ghi chú ảo tưởng”, ký tên Dionysus. Người ta hiểu rằng Nietzche đã phát tiết rực rỡ, chói lọi thần trí, “liễu ngộ”! Người loạn trí trên đường phố Turin năm ấy, thiên hạ nhận là tổ hiện sinh vô thần, là cánh én hậu hiện đại, là tiền hiền của phản nhân bản luận (antihumanism). Tâm bệnh của Nietzsche, cơ hồ, chỉ là biểu hiện “vật chất hóa” tâm bệnh trong não tủy tư tưởng phương Tây! Nhờ Nietzche mở chuyến du khảo tìm hiểu hồ sơ tâm bệnh văn chương!
- Văn chương hay những triệu chứng con người giữa cõi thế gian
Như hồ sơ bệnh lý, tác phẩm văn chương có thể dẫn dắt ta thâm nhập vào phần vi tế nhất của hành vi, tri giác, cảm xúc, nhận thức của chủ thể sáng tạo. Hơn thế, văn chương còn có khả năng phơi bày phần sâu kín nhất trong tâm hồn người nghệ sĩ. Phải chăng vậy nên Hàn Mặc Tử nói với Quách Tấn: “Nếu Chúa ban phước cho tôi lành mạnh, tôi sẽ đốt tập Thơ điên … Không nên để cho người đời thấy những bí ẩn của lòng mình”. Phải chăng vậy nên Franz Kafka trăn trối với bạn: “Max vô cùng quý mến, yêu cầu cuối cùng của tôi là cậu phải đốt sạch tất cả nhật ký, bản thảo, thư từ, bản phác thảo…mà tôi để lại”. Như thế thì, thực tiễn văn bản như bằng chứng bệnh trạng mà nhà trị liệu cần thăm khám để xác định bệnh nguyên của nhân vật lẫn chủ thể sáng tạo. Diễn ngôn văn học thành ra hồ sơ bệnh án gồm ngữ cảnh và những trải nghiệm cá nhân của nhân vật cũng như những trạng huống tâm thần khác nhau của chính người cầm bút. Không thể hoàn toàn đồng nhất thể trạng văn bản với chủ thể sáng tạo, nhưng nói rằng chủ thể sáng tạo không ảnh hưởng gì đến bệnh trạng văn bản lại càng vô lý hơn!
- Như vậy, đọc có phải sự thăm khám và thăm khám ai (người sáng tại hay những gì được sáng tạo)? Hẳn nhiên bạn không thể quy hồ sơ bệnh án này cho tác giả bởi không phải chủ thể sáng tạo nào cũng đồng nhất với những gì viết ra. Nhưng chí ít, nó trở nên đầu mối, yếu tố nào đó giúp thấu hiểu tác giả. Phê bình tiểu sử hẳn còn nhiều giá trị thực tiễn. Nắm bắt các biểu hiện lâm sàng, bệnh nguyên, bệnh sinh, phân tích nguyên nhân cơ chế phát sinh và các yếu tố ảnh hưởng đến diễn biến của các triệu chứng rối loạn tâm thần, việc này giúp độc giả khám phá “chiến lược truyền thông” của tác giả trong tác phẩm văn học. Nhìn theo lối này, bạn sẽ hiểu vì sao trong Thư gửi bố (1919), Kafka bắt đầu bằng việc miêu tả tự thân và người bố trong cách thế đối sánh.
“Hãy so sánh hai chúng ta: Con, nói một cách hết sức ngắn gọn, là một Löwy với đôi nét Kafka nhất định, nhưng lại không toát ra khát vọng sống, khát vọng làm ăn và chinh phục của nhà Kafka, mà con sống thu mình, kín đáo và rụt rè, không mấy khi biểu lộ ra ngoài theo kiểu nhà Löwy. Bố, ngược lại, là một Kafka đích thực: mạnh mẽ, khỏe khoắn, ăn thùng uống vại, quyết đoán, giỏi ăn nói, tự tin, từng trải, dẻo dai, thực tế, hòa đồng, với vẻ hào sảng nhất định, và tất nhiên, cùng với những ưu điểm này là những nhược điểm đi cùng trong khí chất và đôi khi trong cơn cuồng giận của bố” .
Điều này góp phần làm rõ sự diễn giải về sau của tác phẩm, giúp bạn thâm nhập tâm hồn u uất, lập dị, lo sợ và ám ảnh đám đông của nhân vật xưng “con”. “Con” trở nên thể trạng tật nguyền và gặp khó khăn trong việc thiết lập các kết nối đời sống (với tha nhân). Ngoài ra, nỗi sợ hãi tiếng chửi của người bố là một dạng ám ảnh âm thanh – hay misophonia (hội chứng sợ hãi âm thanh). Do tác nhân hoặc không rõ tác nhân, nhưng biểu hiện dễ thấy của hội chứng này là trạng thái tâm thần hoảng hốt, kích động, âu lo, bồn chồn, “lên ruột lên gan” khi nghe thấy một số âm thanh nào đó. Với nhân vật xưng “con”, cậu bé từ thời thơ ấu, trải suốt thời thiếu niên, cho tới khi trưởng thành đều sợ hãi tiếng chửi của bố. Nghe tiếng bố chửi, “con” như thấy búa tạ bổ vào đầu. Mãi sau này, “con” cũng không thể làm việc ở cửa hàng vì thấy ông chủ chửi nhân viên chẳng khác gì bố. “Lý do con xin thôi việc là vì con không thể chịu nổi tiếng chửi, dù nó không phải trực tiếp dành cho con. Con đã quá nhạy cảm, nhạy cảm đến mức đau đớn với những tiếng chửi từ lúc ở nhà rồi” . Các tín hiệu tâm lý này trở thành tín hiệu nghệ thuật; ngược lại tín hiệu nghệ thuật này có thể giúp ta thâm nhập vào “tác nhân kích hoạt”, giải mã các trải nghiệm khó chịu, đau khổ dẫn đến hành động cực đoan.
- Ngoài Franz Kafka, nhiều cây bút khắc họa trạng thái rối loạn cảm giác, tri giác, cảm xúc, hành vi ở hình tượng nghệ thuật. Tiểu Thanh của Bạch Tiên Dũng trong tiểu thuyết Nghiệt tử (1983) biểu thị hội chứng nostophobia (sợ về nhà). Sợ trở về nhà bởi mái gia đình gắn liền kỷ niệm bi thương của tâm hồn. Nơi đó, Tiểu Thanh chứng kiến mẹ bỏ nhà theo tình nhân, thấy cha độc đoán dần suy sụp và đứa em trai yêu quý – điểm tựa tâm hồn duy nhất – lìa bỏ cuộc đời. Tiểu Thanh mãi mãi trở thành loài chim di cư, không bến đỗ, không chốn dung thân, không chỗ quay về. Cái hồ hoa súng trong công viên thành phố Đài Bắc trở thành nơi tập kết những cánh chim lạc loài như Tiểu Thanh. Đặc biệt, Phượng (dù có được tình yêu trọn vẹn của Vương Quỳ Long) cũng không thể sống như một con người hạnh phúc có nhà cửa mà lại trở về kiếp “bướm đêm” dật dờ trong bóng tối công viên. Nostophobia trong tác phẩm văn học thường được khắc họa cùng chuỗi hoài niệm bi thương dưới mái gia đình. Nhà và quê như vết sẹo tâm lý, một bệnh trạng mãn tính muôn đời. Những kẻ như thế, mãi mãi là cánh chim bay trong gió bão!
- Từ góc nhìn tâm bệnh, bạn đọc còn có thể nhận ra thể trạng tai dị của nhân tính. Liệu ta có thể gọi đây là dạng khuyết tật căn tính người hay không? Biến dị đó có thể như chiến lược truyền thông của tác giả nhưng ngược lại có thể cho thấy tâm bệnh của chính người sáng tạo (hoặc thậm chí kích hoạt mầm bệnh sâu kín trong người tiếp nhận). Vì sao hình tượng đứa con trai tật nguyền xuất hiện trong nhiều tác phẩm mang hơi hướng tự truyện và bán/ giả tự truyện của nhà văn người Kenzaburo Oe, như A personal matter (1964), The silent cry (1967), The Pinch Runner Memorandum (1976), Rouse Up O Young Men of the New Age (1983), An echo of heaven (1989); … Phải chăng đó là dạng Apotemnophobia (chứng sợ người khuyết tật) hay Dysmorphophobia (chứng sợ khiếm khuyết cơ thể). Hình tượng đứa bé chỉ hiện thân cho nỗi sợ ẩn sâu trong tâm hồn con người, biểu thị phần dị dạng khiếm khuyết trong nhận thức (hoặc căn tính) của chính chủ thể sợ hãi. Và thể trạng đột biến của đứa bé ấy, cơ hồ, chỉ bước đệm để Oe tập trung chỉ ra chấn thương căn tính và đưa ra giải luận về nhân tính của một thể trạng Nhật Bản hậu thế chiến II. Cũng phải nói thêm rằng, chính Oe cũng phải chống chọi với hội chứng tâm lý của bản thân khi đối diện khiếm khuyết và người bị khiếm khuyết. Như Oe từng thổ lộ, một khi trưng ra hết nỗi đớn đau tuyệt vọng trong lòng, người ta có thể chạy chữa được chính mình và biết được niềm vui của sự hồi phục. Chạy chữa không phải cố gắng thủ tiêu đột biến mà đối diện và chấp nhận thể trạng tai dị của nhân tính để rồi sống với nó, khiến nó trở nên “bình thường khác”.
- Một đời trải nghiệm, con người có muôn vàn sợ hãi và thương tích. Thậm chí có những nỗi sợ rất vô lý (như sợ ong, sợ rốn, sợ giấy, sợ kem, sợ cười, sợ qua đường, sợ nằm mơ, …). Tuy nhiên, phần nhiều nỗi sợ gắn liền với nguy cơ tổn hại hiện hữu (trong ý thức, tiềm thức, vô thức). Dù chưa có bằng chứng bệnh án xác thực, nhưng Xuân Diệu – ông hoàng thơ tình – liệu có phải trường hợp bệnh lý chronophobia (chứng sợ thời gian). Những người mắc chứng rối loạn lo âu này cảm thấy khó chịu hoặc sợ hãi tột độ khi nghĩ tới việc thời gian đang trôi qua. Hội chứng này có tương quan nhất định với chứng diagraphephobia (chứng sợ bị xóa bỏ) và chứng athazagoraphobia (chứng sợ bị lãng quên). Nỗi sợ phai tàn sắp sửa phải chăng là vì sợ không còn mình trên cõi thế. Sợ một mai cõi thế vẫn tiếp diễn mà chẳng còn mình nữa. Bình minh ló dạng mà mình vĩnh viễn chẳng còn trên đời. “Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai/ Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn/ Vừa xịch gối chăn, mộng vàng tan biến/ Dung nhan xê động, sắc đẹp tan tành”.Sợ thời gian thành ra sợ già, sợ mất mát, sợ lỡ làng, sợ mình hư vô! Tâm thế lúc nào cũng cuống quýt, gấp gáp. Cực đoan hơn có thể trở nên bấn loạn! “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”.
- Trong dòng văn LGBTQ+, tác phẩm Từ Bỏ (2018) của Nguyễn Ngọc Tư với nhân vật ông ngoại hay truyện ngắn Như Lục Bình Trôi (2023) của Tống Phước Bảo là minh họa cho hội chứng transphobia (chứng ghê sợ người chuyển giới); nó cũng liên quan đến homophobia (chứng ghê sợ đồng tính luyến ái). Ngoài đời thực, Paul-Michel Foucault (1926-1984) là trường hợp mắc phải hội chứng homophobia. Đây là nỗi sợ hãi khi một người đứng trước đối tượng người nằm ngoài “tập xác định người” của bản thân. Sự không chấp nhận thể trạng chuyển giới như thế cho thấy trong tầng sâu tâm hồn, chủ thể đó có khu vực cấm địa mà tự thân chưa bao giờ khám phá. Phải chăng sợ chuyển giới chính là sợ tất cả những gì ngoài vùng an toàn và ngoài vùng xác định của tinh thần (mà vùng xác định này vốn dĩ được hình thành như khế ước tập thể và mang tính quy phạm xã hội). Nhìn từ phía người chuyển giới, trong nhiều tác phẩm LGBTQ+, bạn đọc có thể nhận ra hội chứng bức bối giới (Gender Dysphoria), mà trước đây còn được gọi là rối loạn định vị giới (Gender Identity Disorder). Hội chứng này nảy sinh bởi tình trạng bất nhất giữa nhận thức bản dạng giới, giới tính sinh học và xu hướng tính dục. Nỗi bức rứt, dày vò, khó chịu thể như con cá mắc cạn, bị cầm tù trong chính tồn tại của bản thân. Tác phẩm văn học thường biểu thị trải nghiệm cá nhân đang vật lộn với chính nhận thức của mình về bản dạng giới. Cal Stephanides (ban đầu được gọi là “Callie”), trong tiểu thuyết Middlesex (2002) của Jeffrey Eugenides, vì thiếu 5αR2D khiến anh ta có những đặc điểm của người nữ. Đây là một tình trạng lặn nhiễm sắc thể thường gây ra bởi đột biến ở SRD5A2, một gen mã hóa enzyme 5α-reductase loại 2 (5αR2). Tình trạng này rất hiếm gặp và chỉ ảnh hưởng đến nam giới về mặt di truyền và có phổ rộng. Để làm rõ hơn trải nghiệm nhân vật, tiểu thuyết thuật lại thơ ấu được nuôi dạy như con gái với quá trình Cal phát hiện tình trạng liên giới tính của mình. Phần sau của cuốn tiểu thuyết, cùng hành trình đến San Francisco tìm lối thoát cuộc đời, là quá trình Cal chấp nhận bản dạng giới. Từ nhãn quan tâm bệnh học, có lẽ bạn đọc sẽ thêm hiểu và đồng cảm cho quá trình vật lộn thường trực của những con người như thế!
- Gần đây, truyền thông đưa tin về “thuế độc thân” đối với những người chưa (hoặc không có ý định kết hôn). Việc sợ yêu sợ cưới của giới trẻ liệu có phải hiện tượng tâm lý-văn hóa? Liệu đây có phải hội chứng sợ gắn kết (gamophobia), tức hội chứng tránh né một cách phi lý những mối quan hệ lâu dài hoặc có tính cam kết như hôn nhân. Không chỉ việc kết hôn, người mắc hội chứng này còn ám ảnh, sợ hãi tất cả những gì có tính chất gắn bó mật thiết, có tính cam kết bắt buộc. Nhân vật Rob Fleming trong tiểu thuyết High Fidelity (1995) của Nick Hornby là anh chàng 35 tuổi, yêu âm nhạc, sống ở London, trải qua cuộc khủng hoảng hiện sinh và hồi vấn những mối quan hệ trước đây của mình. Và anh nhận ra, chứng gamophobia của anh kỳ thực là nỗi sợ hãi cái chết của người thương yêu xung quanh, không thể chịu được việc người thương yêu rời bỏ mình. Những người như vậy thường có xu hướng đẩy mọi người ra xa hoặc kết thúc mối quan hệ một cách đột ngột. “Trap Boy Trap Girl” nhiều khi lại mang tâm hồn rỉ máu, đầy vết thương.
Trong thực tiễn, hiện tượng người trẻ không thiết tha chuyện hẹn hò và kết hôn xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Nếu có thể xem như tâm bệnh, hội chứng gamophobia đã trở nên đại dịch (chí ít) ở khu vực Đông Á. Nhiều nghiên cứu cho thấy ở Trung Quốc: có 52,6% phụ nữ kiệt quệ tâm lý, và tỷ lệ kết hôn giảm thấp nhất trong 37 năm qua . Nguyên nhân đến từ tiêu chí chọn bạn đời, hiệu ứng truyền thông, trỗi dậy ý thức độc lập, hôn nhân bất hạnh trong môi trường xung quanh, lo lắng mối quan hệ xung quanh quan hệ hôn nhân, thay đổi quan niệm chăm sóc người già theo đuổi sự nghiệp và ước mơ, nỗi lo sinh đẻ nuôi dạy con cái, … “Trung Hoa mộng” dường như không mang lại hạnh phúc cho người Trung Quốc. Bên cạnh hội chứng gamophobia, thì hội chứng philophobia (hay hội chứng sợ yêu) cũng dần phổ biến. Đây là nỗi sợ rơi vào tình ái hoặc gắn bó tình cảm với người khác. Nỗi ám ảnh này có thể phá vỡ các mối quan hệ. Người mắc phải thường lo âu quá mức khi nghĩ đến việc phải thiết lập quan hệ yêu đương với người nào đó. Chủ thể đó thường tránh né rơi vào tình huống lãng mạn với đối phương; khó hoặc hầu như không thể cởi mở, tin tưởng. Họ mang theo nỗi lo lắng dai dẳng về khả năng bị bỏ rơi và bị tổn thương. Hội chứng này có thể xuất phát từ cả nguyên nhân trong gia đình (cha mẹ ly hôn, không hạnh phúc, bị cha mẹ bỏ rơi, bản thân từng ly hôn), hoặc nguyên nhân từ xã hội (các áp lực xã hội như tài chính, công việc, quan hệ). Người sợ yêu thường có tính kiểm soát cao; nên họ thường tự hủy hoại mối quan hệ vốn đã rất khó tạo lập!
- Phổ biến hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều: chứng trầm cảm! Hơn một lần khiêu vũ với thần chết, Sylvia Plath (1932-1963) biết rõ bàn tay có những móng vuốt đen đủi của tử thần. Trong cuộc luân vũ, sức sáng tạo của nữ nhà thơ đồng thời diễn hiện với cơn bão tố trầm cảm. Thậm chí có thể nói, chính trầm cảm giông tố tạo nên sắc thái văn chương Plath. Trong thơ Plath, ta thấy bóng tối tâm bệnh bao phủ sinh quyển thi ca. Nữ nhà thơ chống chịu cơn rối loạn ám ảnh thường xuyên, lắm khi biểu hiện như chứng tâm thần phân liệt. “Hay thanh âm hư vô, đấy cơn điên loạn của ngươi?” (Elm). Nhà thơ cảm thấy trong tâm khảm thứ bóng tối náu mình đang rình rập. “Ta kinh khiếp thứ bóng tối như vậy/ Nó ngủ yên trong ta/ Cả ngày ta cảm thấy nó trườn lết vuốt ve và cảm thấy sự quỷ dị của nó” (Elm). Trên thực tế, Plath bị rối loạn trầm cảm đơn cực suốt thời gian dài, dẫn đến việc bà nhiều lần tự sát trước khi tự kết liễu cuộc đời bằng khí gas vào tháng 2.1963. Chính vậy, ám ảnh tự sát xuất hiện thường xuyên trong thi ca Plath (như những bài Mirror, The Moon and The Yew Tree, Tulips, Face Lift, Fever 103°), đến mức nhiều nhà nghiên cứu tâm thần tìm hiểu triệu chứng trầm cảm qua trường hợp Plath để dự báo sớm cho những xu hướng tự sát do trầm cảm ở nữ giới.
Cùng tình cảnh như vậy song trầm trọng hơn Sylvia Plath, đó là nữ văn sĩ Virginia Woolf (1882-1941). Chứng rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder) khiến bà tự dìm mình xuống dòng sông Ouse tháng 3.1941 nhưng mãi đến tháng 4.1941 mới tìm thấy xác. Chứng bệnh này khởi đi từ chấn thương thơ ấu (vì bị lạm dụng và bởi sự ra đi của người thân). Chấn thương sâu như trường hợp Woolf rất khó điều trị với số cơn hưng cảm và tần suất ám ảnh tự sát rất cao. Cuộc đời bà là chuỗi dài những hưng cảm tột độ và trầm cảm tê liệt. Trong lá thư tuyệt mệnh gửi lại cho chồng, bà viết: “Anh yêu, em cảm thấy chắc rằng em đang trở nên điên loạn nữa rồi”. Chứng rối loạn lưỡng cực in hằn trong nhiều tác phẩm. Nhân vật Septimus trong Mrs. Dalloway (1925) là một dạng loạn ngôn ngữ và ảo giác, mất khả năng phân biệt ngôn từ với đối tượng gán chỉ, nó khiến người bệnh nhầm lẫn vật thể thực và từ ngữ sử dụng. Như một dạng PTSD hậu chiến, Septimus trở nên điên loạn sau khi không thể cảm nhận được cái chết của người bạn; cũng như Woolf dần tê liệt trước việc người thân liên tiếp lìa đời. Bạn đọc có thể nhận thấy tiểu thuyết To the lighthouse (1927) như một thể nghiệm phân tâm, với những cuộc đối thoại khác thường, như một không gian để thổ lộ tất cả những gì Woolf không thể nói trong đời thực. Vì thế đối với Woolf, viết như liệu pháp đối diện và chống chọi với tâm bệnh. Liệu có phải văn chương khiến trầm trọng thêm tâm bệnh của Woolf; hay bằng cách đó văn chương giúp bà được giải thoát? Dù cho văn chương không thể cứu rỗi tâm hồn nữ nhà văn nhưng có lẽ đã an ủi không ít tâm hồn bạn đọc.
Một trường hợp khác: Ernest Hemingway (1899-1961)! Ông bị tác động bởi chứng trầm cảm nặng dẫn đến cái chết của ông vào ngày 02 tháng 7 năm 1961 tại Idaho (Hoa Kỳ). Trước đó, Hemingway biểu hiện một số triệu chứng lâm sàng (nghiện rượu, cộc tính, thích thể thao mạo hiểm, ám ảnh tự sát). Tất nhiên, cả ám ảnh viết lách! Nhưng đó cũng là cách Hemingway tự trị liệu. Văn chương như cơ chế phòng vệ-phản vệ trước dằn vặt thúc ép của chứng rối loạn tâm thần. Có lẽ nhờ văn chương mà ông mới sống được hơn 60 tuổi và để lại nhiều kiệt tác cho đời. Như câu văn “con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại”, Hemingway trở nên biểu tượng cho cuộc chiến của mỗi cá nhân với tâm bệnh vốn có trong bản thân mỗi con người. Nhiều ý kiến còn cho rằng việc tự sát của Hemingway (cũng như nhiều thành viên khác trong nhà Hemingway) là do chứng thừa sắt di truyền (hereditary hemochromatosis). Nhưng “lời nguyền Celtic” gây ra cái chết của Hemingway vẫn chỉ một trong số giả thiết, còn việc ông là một trong số những người thuộc thế hệ đánh mất (Lost Generation) là thực tế rõ ràng. Tâm bệnh văn chương Hemingway có thể nói là hệ lụy thời đại lầm than của nhân loại, khi con người trải qua hai cuộc thế chiến và tâm hồn trở nên điêu tàn, đổ nát, kiệt quệ. Nếu nhìn nhận từ nhãn quan này, bạn đọc sẽ hiểu vì sao trong nội tại thế hệ vĩ đại nhất của nước Mỹ lại sản sinh ra tiểu văn hóa beat (hay có khi còn được gọi là thế hệ beat) ở thập niên 1940-1950 và nối tiếp đó là phong trào phản văn hóa (counterculture) ở thập niên 1960-1970. Tâm bệnh văn chương Hemingway, mà sau nữa là tâm bệnh văn chương của thế hệ Jack Kerouac với On the Road (1957), phản ánh tình trạng phản trừ nhân tính trong xã hội Mỹ. Cho đến Nomadland (2017) của nữ nhà báo Jessica Bruder, thì con người coi như đã bị xã hội hậu công nghiệp Hoa Kỳ vứt ra khỏi nhà, trở nên kẻ du mục đô thị.
- Tới nay, tình trạng bạo lực ở Trung Đông tiếp tục tạo ra những thế hệ đánh mất khác. Giết người, tự sát, tấn dục tình dục ngày càng gia tăng ở khu vực Đông Địa Trung Hải, làm trầm trọng thêm khủng hoảng chiến tranh đang xảy ra. Kèm theo đó, “có sự tăng mạnh những triệu chứng tâm thần như trầm cảm, lo lắng, rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt ở khu vực này”. Những người trẻ nơi đây được sinh ra nhưng sống trong tình cảnh không có cuộc đời. Trên phạm vi toàn cầu, từ đầu thiên niên kỷ thứ III đến nay, “số người chết vì tự sát tăng 19% và do bạo lực cá nhân tăng 12%”. “Việc nâng cao các tiện nghi vật chất và phương tiện hỗ trợ phát triển bản thân những tưởng giúp ta cởi bỏ phiền lụy để sống an vui, nhưng thực tế, ta vẫn còn tiếp tục loay hoay giữa rối ren đau khổ. Nhất là, từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, loài người phải đối diện nhiều “cảm thọ khổ đau” hơn nữa. Theo Báo cáo của WHO về sức khỏe tâm thần thế giới năm 2022: “Khi thế giới bắt đầu chung sống và học được bài học từ những tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19, tất cả chúng ta phải suy ngẫm về một trong số những khía cạnh nổi bật nhất – chính là thiệt hại to lớn mà nó đã gây ra đối với sức khỏe tâm thần của con người. Vốn đã là thực trạng phổ biến thì [từ đại dịch trở đi] tỷ lệ trầm cảm và lo âu đã tăng hơn 25% trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch, làm tăng thêm gần một tỷ người đang chung sống với chứng rối loạn tâm thần”. Những cảm thọ khổ đau, phiền muộn, âu lo, quẫn trí, sầu hận, uất ức, … khiến đời sống con người chẳng khác gì con thuyền nặng nề mệt nhọc, mấp mé chìm xuống đáy biển” . Chưa bao giờ nhân loại phải đối diện với nhiều nguy cơ tâm bệnh như hiện nay. Nhân loại dần trở nên lầm than dưới gầm trời điên loạn! Một thế kỷ XX bạo tàn thế chiến dẫn tới một thế kỷ XXI quay cuồng lao mình về phía tương lai hậu tận thế! Loài người đang làm gì dưới gầm trời này?
Và văn chương có thể làm gì trong hiện trạng này?
- Văn chương nâng đỡ, chạy chữa tâm hồn con người
Nhìn từ nhãn quan tâm bệnh, chẳng có văn nhân thi sĩ nào bình thường? Họ đều là những con bệnh thần kinh nặng nhẹ khác nhau. Suy nghĩ này không phải hoàn toàn vô lý. Xưa đã có người “phát phẫn trứ thư”! Bất mãn, phẫn uất tạo nên khả lực/phản lực khiến cho hành vi sáng tạo bột phát. Sự bột phát này phần nhiều biểu thị ở tình trạng thái quá (hoặc giả kích động). Như thể có nỗi niềm vô thức thúc đẩy hành vi sáng tạo; như thể có ý lực siêu hình xô đẩy tư duy nghệ thuật. Thông qua sinh mệnh văn thi sĩ, tác phẩm thành hình. Khái niệm entelechy/ entelecheia – tức cái khả lực khiến cho tiềm thể thành ra hiện thể – của Aristotle có thể giúp lý giải thực tiễn này. Giai đoạn tiền sáng tạo, thể như có khả lực nào kiến tạo hạt giống và trong các bối cảnh, điều kiện ảnh hưởng, hạt giống ấy nảy mầm. Người cầm bút chỉ là mảnh đất cho hạt giống ấy sinh sôi. Không phải người sáng tạo là chủ thể sáng tạo mà là “bị sáng tạo”. Và người sáng tạo như thế không phải chủ thể sở hữu tác phẩm mà bị tác phẩm sở hữu. Nguyễn Du thuộc về Kiều, Nguyễn Đình Chiểu thuộc về Vân Tiên, Samuel Beckett thuộc về Godot, Hemingway thuộc về lão Santiago; … muôn đời văn thi sĩ thuộc về trang viết!
Nhìn văn chương từ nhãn quan tâm bệnh học có thể mang lại nhận thức gì? Trước hết cần tẩy trừ thái độ thành kiến nhìn về văn thi sĩ như thể trạng lập dị và tẩy trừ nhãn quan lãng mạn hóa vai trò tâm bệnh trong quá trình sáng tạo. Từ đó, ta nhận ra: sự làm người là sự đau thương vây khốn bốn bề và sự làm văn chương là sự thăm khám để tự chạy chữa đau thương ấy. Nhãn quan tâm bệnh học cũng góp thêm một số nhận thức cho nghiên cứu chấn thương (trauma studies) trong văn học. Thêm nữa, nhãn quan tâm bệnh học trong văn học có thể gợi mở thêm cách tiếp cận cứu xét các điều kiện/ tác nhân ảnh hưởng diễn biến bệnh nguyên. Nhất là, nhãn quan này giúp thấu hiểu các biểu hiện lâm sàng và giúp lý giải nguyên nhân sâu xa của những rối loạn cảm giác, tri giác, cảm xúc, tư duy, hành vi của hình tượng văn chương. Từ đây, ta có thể đặt vấn đề nghiên cứu sức khỏe tâm thần văn giới và sức khỏe tâm thần văn thời. Mỗi thời đại văn chương có đặc điểm và tình trạng sức khỏe tâm thần nhất định. Sự thăm khám và nắm bắt triệu chứng lâm sàng của văn giới có thể bộc lộ sức khỏe tâm thần thời đại và sự mổ xẻ nguyên nhân sau đó có thể chỉ ra tác nhân ảnh hưởng trong ngoài. Hướng tiếp cận này có thể góp thêm góc nhìn nào đó cho việc tiếp cận lịch sử văn học.
Văn chương biểu thị cõi trần gian ba đào khổ ải. Trang viết có khi là những đỉnh sóng cuồn cuộn, có khi là những luồng sóng ngầm dưới mặt biển đời. Còn tảng băng trôi của Hemingway rất có thể cũng chính là phần tàng khuất của một thứ tâm bệnh trầm kha không thể chữa chạy triệt để trong “thiên mệnh” cầm bút của văn thi sĩ xưa nay. Chính vì vậy, văn chương như phương tiện trị liệu, như bài thuốc cứu chữa (hoặc chí ít là xoa dịu) nỗi khổ niềm đau con người. Trang văn chí ít có thể san sẻ chia sớt nỗi buồn khổ, và chỉ như vậy thôi đã là niềm an ủi rất lớn đối với tâm can bi thiết. Về phía bạn đọc, tiếp nhận văn chương chấn thương như cách thế đối diện, chuyển biến, hóa giải, thanh tẩy, tái tạo tâm hồn. Và chạy chữa tâm hồn như cách thế tu bồi nhân tính. Nhất là, đời sống biến động xáo trộn liên tục thời nay; khi mà tâm can con người bây giờ dường như ngày càng nhiều niềm đau chôn giấu. Nhưng cũng nên thấy, phương tiện văn chương có thể là con dao hai lưỡi: nhấn chìm hoặc nâng vớt tâm hồn. Thiết nghĩ, người cầm bút nên ý thức sâu sắc tác động trị liệu của trang văn. Hãy cứ dập vùi hết mức giữa ba đào thế sự nhưng hãy quăng ra chiếc phao cứu cánh tâm hồn! Chí ít hãy là nơi bám víu, nương tựa tuyệt đích cho hồn trôi dạt. Sống căn bản đã là trôi dạt. Lẽ đó, con người cần văn chương! Phải chăng vì vậy, văn chương đã gắn bó đời sống con người từ thuở văn minh lọt lòng.
Bị đời tra tấn hành hạ, người nghệ sĩ biến niềm đau trở nên nghệ thuật. Nỗi trần gian khổ lụy rõ ràng có góp phần nhất định kiến tạo bản diện văn nhân thi sĩ. Tâm khảm thọ thương như vậy hẳn cũng góp phần dẫn tới cuộc banh da xé thịt chữ nghĩa. Hồng Sơn Liệp Hộ có đôi câu: “Cổ kim hận sự thiên nan vấn/ Phong vận kỳ oan ngã tự cư”. Bắt đầu nhận lãnh cái thiên mệnh chữ nghĩa thì coi như đành chịu cảnh trầy vi trốc vẩy. Cho nên Ngọc Khê Sinh cũng có thơ: “Xuân tàm đáo tử ty phương tận/ Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can”. Nhưng nghiệm lại, đời trốc vẩy trầy vi như vậy mới thực đầy hương vị và thấm thía. Thực đáng một lần có mặt dưới vòm trời này!
***
Tựu trung, văn chương như cách thế chạy chữa, chống chịu tâm bệnh. Bằng cách trưng ra tâm bệnh, con người có cơ hội đối diện loạn tâm vi tế của riêng mình. Nhìn tâm bệnh của người kỳ thực là để thấy tâm bệnh của mình. Trái tim con người nhiều thương tích, linh hồn con người đầy rẫy thương tâm. Nhất là càng tiến về kỷ nguyên hậu công nghiệp, hậu kỹ nghệ thì thể trạng văn chương càng mắc phải nhiều hội chứng. Nhưng cũng chính vì vậy, con người cần lắm những áng văn có thể nâng đỡ tâm hồn, có thể cứu chữa (hoặc chí ít an ủi) tâm hồn trước một thiên niên kỷ đầy biến động!
“Em có khóc? ta xin em đừng khóc/ Em nhìn ta? lệ chảy có vui gì/ Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc/ Nước xuôi giòng ngàn thu hận tan đi” (Vỗ về – Bùi Giáng)
Rừng Dầu, ngày 8.7.2024 – VÕ QUỐC VIỆT (Theo: Hoinhavan.vn)